18/12/2013

            Nhớ về một thời Đồng Vọng

            Huỳnh Thị Kim Cúc

      Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày thành lập nhóm thơ văn Đồng Vọng. Bao kỷ niệm buồn vui của thời hoa mộng ấy như trỗi dậy, từ tình cảm đối với thầy cô, bạn bè cho đến việc học hành. Có lẽ điều sâu lắng nhất là những rung động, cảm xúc đầu đời về mọi thứ, mọi việc của bạn bè Đồng Vọng xưa.

      Lần giở từng trang tuyển tập thơ văn Đồng Vọng, những cảm xúc thân thương, những lo lắng vụng dại của tuổi học trò vẫn còn nguyên như mới diễn ra hôm qua. Kỷ niệm trong tâm hồn những học trò nhỏ ấy khi tập tành viết lách, tập tành làm báo cũng là bước đi quan trọng trong đời mỗi người sau nầy.

      Nhóm đã tập hợp những học sinh của Trường Trung học Tổng hợp Kiến Hòa có biết chút ít về thơ văn, hội họa và có đam mê viết văn, làm báo. Các anh Phan Nhựt Linh, Cao Thành Văn,… đã đưa ra ý tưởng nầy, được thầy Nguyễn Văn Tòng nhận lời làm giáo sư cố vấn và nhóm thơ văn Đồng Vọng đã hình thành.

      Tuyển tập thơ văn đầu tiên của nhóm Đồng Vọng ra mắt ngày 29-12-1972. Nhóm đã thực hiện và “phát hành” đến tận tay bạn đọc tất cả 6 số báo. Quyển Đồng Vọng số 7 đã có đầy đủ nội dung, dự kiến phát hành vào trước hè 1975. Những tờ giấy stencil mỏng mảnh đầy ắp bài vở, đang chuẩn bị quay ronéo… Gần ba năm ngắn ngủi ấy là thời gian tươi đẹp, vàng son nhất của mỗi thành viên trong nhóm. Bạn bè hễ gặp nhau trong sân trường hay ở đâu đó cũng đều hỏi han, nhắn gởi, trao đổi về bài vở, công việc làm báo. Các thành viên của nhóm đến từng lớp học để phát hành quyển Đồng Vọng mới ra đều nhận được những tình cảm chân thành của bạn đọc trong trường. Khi bắt gặp những ánh mắt thiện cảm, những nụ cười đồng cảm, khích lệ của bạn đọc, từng người trong nhóm có cảm giác lâng lâng khó tả.

      Nhóm cũng có số tiền quỹ là 34 ngàn đồng gởi ở ngân hàng (ngay vòng xoay gần Bưu điện tỉnh bây giờ) cho tới ngày giải phóng. Số tiền ấy tuy không nhiều nhưng là tất cả vốn liếng từ tấm lòng, công sức, tâm huyết của nhiều người gom góp nên, nhất là từ bạn đọc. Có lần sau khi phát hành xong các quyển Đồng Vọng, tính toán chi phí thì hụt vốn. Vậy mà mọi người vẫn vui vẻ và tiếp tục niềm đam mê sáng tác để bộc lộ tiếng nói chân thật của lòng mình. Những nụ cười tươi thay cho nhuận bút.

      Ngày đó, bài vở của báo đều được thầy Nguyễn Văn Tòng duyệt qua. Có lần, thầy xem xong một loạt bài, hỏi: Sao hễ bãi trường thì các em viết bài đều có ve sầu, phượng đỏ, buồn và chia tay? Chúng tôi đáp: Có lẽ đây là những rung động đầu đời của chúng em nên dễ khắc sâu trong tâm tưởng, thầy ơi! Nghe vậy, thầy nở nụ cười hiền hòa, thân thiện.

      Thầy Lê Văn Trinh đã cưu mang, đùm bọc nhóm Đồng Vọng trong suốt thời gian hoạt động. Thầy cho mượn máy đánh chữ, dụng cụ vẽ lên giấy stencil, cho quay ronéo, sắp xếp và đóng cuốn tại nhà thầy. Thầy cô cũng nhiều lần cho chúng em ăn uống cùng gia đình. Lý do đơn giản là thầy cô muốn giúp chúng em thỏa niềm đam mê của tuổi học trò. Ơn nghĩa ấy, chúng em không bao giờ quên được.

    
      Tôi đã ngỡ ngàng khi đọc dòng chữ “Nhớ Đồng Vọng nhiều, thân chúc an lành, may mắn” ghi trong quyển Đồng Vọng số 6 của bạn T.A.P.Trinh trao cho tôi  trước khi chuyển về nơi khác để tu hành. Đây là kỷ vật một thời học sinh trung học và cũng là báu vật mà tôi đang tìm. Hiểu ý bạn hiền, tôi quyết tâm đi tìm 5 số báo kia cho đủ bộ. Anh Trần Văn Hữu và chị Trương Thị Nga cho biết đang giữ quyển số 2, số 4 nhưng đã bị rách, mất chữ, lem mực. Nghe vậy, tôi vẫn không nản chí, hỏi mượn và đọc lại từng dòng chữ thân thương ngày xưa ấy. Chị Hồ Bạch Phượng đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh còn giữ quyển số 1 và số 3 đã photo rồi gởi về Bến Tre cho tôi quản lý. Gặp nhau trong một tiệc cưới, anh Nguyễn Thành Khâu bật mí: Tôi đang có quyển Đồng Vọng số 5. Vậy là báu vật cuối cùng lại về với nhóm. Quyển số 5, tôi đã hỏi nhiều người nhưng không ai còn cất giữ. Khi đã tìm đủ 6 quyển Đồng Vọng, tôi như sống lại với nhóm ngày xưa. Ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc gì cũng đan xen nỗi nhớ về từng người bạn cũ.

      Những mạch văn chương ban đầu của thời học sinh trung học ấy đã ươm mầm cho những ước mơ bay cao, bay xa. Có nhiều anh chị theo nghiệp văn chương trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, có người là kiến trúc sư, họa sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu,…

      Thời gian trôi đi, những học trò văn chương ngày ấy giờ mái tóc đã pha màu muối. Dù đang ở đâu, đang làm gì, dù có con cháu hay chưa, nhưng khi gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng như gặp lại người thân yêu. Mọi người cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp tươi của thời hoa mộng: thời làm báo Đồng Vọng.

      Các anh chị, bạn bè cũ trong nhóm ơi! Hãy có lúc quên hiện tại và sống lại những ngày của Đồng Vọng nhé, cũng là để sống sao cho trái tim không buông chữ “nếu”, phải chi thời gian quay lại hay cho trở lại từ đầu!


      Cùng hẹn gặp nhau các bạn nhé! Thân chúc năm mới Giáp Ngọ 2014, mọi người luôn luôn tươi khỏe, hạnh phúc và thành công!

Trường xưa.

No comments:

Post a Comment