Nước mát bên đường
Phan Lữ Hoàng Hà
Giờ đây, thùng nước mát bên đường vẫn còn
đó, những cơn nắng gay gắt vẫn tiếp tục, thời khắc xổ số lúc 16 giờ hàng ngày vẫn
cố định nhưng bà cụ bán vé số đã biệt tăm. Có lẽ bà đã hết hớt hãi, phập phồng
với những tấm vé số còn đọng lại trên tay…
Buổi trưa,
trời nắng chang chang, xe phóng vù vù trên đường phố nhưng trong không gian oi
bức, hối hả kia, có một nơi mà mọi việc diễn ra như khúc phim quay chậm. Ở đó, thỉnh
thoảng những người đi trên đường như bán vé số, mua ve chai, mua tro, chạy xe
lôi…ghé lại bên đường, họ uống một ca nước mát miễn phí rồi tiếp tục với cuộc
mưu sinh của mình. Điểm uống nước miễn phí này của Cơ sở in ấn, thiết kế, quảng
cáo AU (số 292D Nguyển Văn Tư, phường 7, thành phố Bến Tre).
Tôi
dường lại tại đó uống một ca nước. Nước uống ngọt, mát hơn rất nhiều so nước
tôi đun sôi ở nhà. Một bà cụ sống nghề bán vé số, nay tuổi ngoài 70, ngụ phường
7, vẫn thường qua đây và dừng chân vài ba phút để “giải khát”. Giải khát xong,
bà tiếp tục chống gậy, rao ơi ới trên đường mưu sinh của bà. Ông Lê Phước Thọ, cựu
học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, chủ nhân tốt bụng của Cơ sở AU,
nói với tôi: “Nước bình. Cứ hết bình này thì cơ sở chúng tôi thay bình khác cho
mọi người qua đường uống miễn phí”.
Vì
bình nước để bên đường nên bình và cả chiếc ca để người qua đường uống được bọc
bằng bao ny long để tránh bụi. Ông Thọ nói rằng, hàng ngày, những người bán vé
số, mua ve chai… đến trước cơ sở của ông, uống một ca nước rồi xin thêm nước
vào chiếc chai nhựa của họ mang theo. Họ cũng tế nhị và chừng mực lắm, chỉ dùng
những chiếc chai nhựa chừng nửa lít trở lại vì họ nghĩ sẽ còn nhiều người khác
nữa. Một hôm, có một ông cụ đến uống một ca nước rồi lấy thêm nước vào chiếc
chai nhựa 2 lít của ông mang theo. Khi vừa lấy thêm nước để đem về nhà, ông cụ
có vẻ ngần ngại khi thấy ông Thọ vừa xuất hiện. Ông Thọ liền đỡ lời cho ông cụ:
“ Không sao. Bác đừng ngại gì, cứ lấy nước về uống”.
Trước
đây, ngay trong lòng thị xã Bến Tre (nay là thành phố), như trước Tịnh xá Ngọc
Bích (Phú Khương) hay dưới chân cầu Nhà thương (phường 5), người ta vẫn bắt gặp
một cái khạp da bò đựng nước lạnh với cái chén úp trên nắp khạp, mời người qua
đường tha hồ uống nước mát. Trên đường về các huyện trong tỉnh cũng vậy. Xa xa
về nông thôn, trước một ngôi nhà lá đơn sơ nào đó, cũng có những chiếc khạp
đựng dòng nước mát đầy ấp tình người như thế. Ấn tượng hơn là trên những chiếc khạp hay chiếc lu nho nhỏ đó,
chủ nhân của nó đều đậy lên bằng một chiếc nón lá hoặc đậy một chiếc nắp được
kết bằng lá dừa nước để che bụi đường.
Ngày nay,
những chiếc khạp da bò, những chiếc lu xi măng chan chứa tình người ấy đã lùi
về quá khứ và thay vào đó là những chiếc bình nhựa thượng thời, nhưng nó vẫn
mang ý nghĩa nhân bản như nhau. Có khác là hồi đó người ta uống một vài chén
nước mát rồi đi còn bây giờ, cuộc sống ở xã hội có nhiều bức bách nên những
người đang oằn vai trong cuộc mưu sinh cần tranh thủ để có thêm nước uống cũng là
chuyện bình thường, đáng yêu, chủ Cơ sở AU Lê Phước Thọ chia sẻ.
No comments:
Post a Comment