Ký ức
về thầy
Võ Thị Kim Vững
Thầy Bùi Văn Trọng và bạn Võ Thị Kim Vững. |
Thầy không dạy tôi
một buổi nào, nhưng những kỷ niệm về thầy, tôi có một "kho tàng".
Lần đầu, thầy về tham dự cuộc họp mặt lần
thứ 12 của nhóm tại CLB Lan Anh. Thầy hỏi tôi qua điện thoại:
- KV hả? Thầy Trọng đây!
Bùi Văn Trọng chứ không phải Trọng cô Lan nhen!
- Dạ!
- Năm nay họp mặt ở đâu KV?
- Dạ ở…
- Rồi tiền bạc đóng góp
ra sao?
- Dạ tuỳ hỉ hà thầy!
- Vậy là xách…mỏ tới ăn…hén?
- Dạ…
Tôi ngạc nhiên về
cách nói "hơi lạ", nhưng tôi biết là thầy dễ gần và hơi tếu, nên khi
bất thần thầy hỏi:
- Đi họp ăn bận ra sao đây?
Tôi quýnh quá nên trả lời:
- Dạ…đồ ai nấy bận!
Vậy đó, rồi thầy
trò thường xuyên gặp nhau, toàn chuyện vui, vì thầy có cách nói "thật
không ai biết mà giỡn không ai hay”. Thầy châm biếm nhưng không làm người
khác giận, đó là cách chỉ có thầy Trọng Bùi làm được mà thôi.
Ai " quan trọng hoá vấn đề",
gặp thầy là chào thua. Lần về nhà Kỳ Trân ăn giỗ, đoàn có 21 người mà trên tay
tôi chỉ có 10 trái chuối nướng, tôi chia hai người một trái, trái cuối cùng còn
lại dành cho thầy, cô Lan và tôi. Tôi biết thầy vui nên tôi cứ mân mê trái
chuối chưa chịu đưa cho thầy, thầy mới hỏi:
- Đâu, chuối nướng là sao đâu? Tôi mở từng lớp lá ra từ từ
" câu giờ", miệng chóp chép ra chiều tiếc rẻ, thầy "sùng
bố" phán:
- Mầy phun nước miếng vô kìa, ai mà dám ăn?
Một trận cười như vỡ chợ do thầy ban tặng!
Thầy có thể cho bạn bè mượn một số tiền
lớn để mua nhà (không hoàn lại), thầy dành hết phần lương hưu của mình cho học
sinh nghèo, cho từng bà bán vé số gặp trên đường, thầy từng dừng lại thật lâu
bên bà bán khô cá lẹp ở Trà Vinh và mua cho bằng hết số khô đó. Nhưng thầy
không chịu mất một đồng cho việc phi lý. Ngày ra Phú Quốc, nhà hàng ăn sáng
theo chương trình chỉ cho uống cà phê đen, ai muốn uống cà phê sữa phải trả
thêm 10 ngàn/ly (hộp sữa khi ấy chỉ có 8 ngàn một hộp) .
Ai cũng hậm hực trả thêm tiền. Sáng hôm sau, chưa ai kịp kêu cà
phê thì thầy gọi phục vụ lại "nhờ" khui dùm hộp sữa thầy mới mua ở
chợ, ai nấy đều ngạc nhiên và cùng bảo:
- Chỉ có thầy mới nghĩ ra, thiệt hay!
Qua Campuchia, sáng đó hướng dẫn viên
nói:
- Chiều nay, vào Hoàng cung không được mặc quần short!
Thầy lo lắng vì không đem theo quần dài, vậy mà chiều đó thầy
hiên ngang vào trước, hỏi ra thì mới ngỡ ngàng vì "ông thầy kéo cái fermeture
cho cái quần nó dài xuống. Vậy rồi vào đến Hoàng cung, thầy ngồi bệt xuống đất,
tay cầm nón run run như "cái bang thứ thiệt" . Có thầy ở đâu là cười
quên thôi ở đó!
Những ngày thầy nằm viện trong nỗi lo lắng
của cô Trinh và các con cháu. Vừa khoẻ lại đôi chút, thầy muốn về Việt Nam .
Gặp lại thầy, nhìn nước da thầy sạm đen và ốm đi nhiều, ai cũng xót xa nhưng
không dám biểu lộ ra, mà chính thầy cũng không muốn mọi người lo lắng cho mình.
Tôi đang đem thức ăn chay đến cho thầy (hôm đó thầy cô Phu đãi tiệc Trung Thu
), thầy mới hỏi nhỏ tôi là tôi xuống Bến Tre bằng xe gì. Biết tôi không đi
Honda, thầy thất vọng ra mặt.
- Dạ chi vậy, thầy? Bộ thầy tính đi thăm ai ở đây hả thầy?
- Tưởng em có Honda chở thầy đi kiếm … cháo lòng ăn!
Tôi cười rú lên và làm ra vẻ" bái sư phụ".
Những chuyện vui về thầy kể hoài không hết.
Thầy không thích check mail nhưng đều đều mỗi ngày tôi được thầy gởi
cho đọc tin tức thời sự hoặc những truyện ngắn thật hay, nhất là của nhà
văn Nguyễn Ngọc Tư. Cắc cớ thế nào mà
thầy lại gởi cho tôi truyện "Chỉ là một nắm tro" trước khi thầy
mất không lâu.
Hôm
đám tang cô Phạm Thị Hạnh, hoa tang của mọi người đều "vô cùng thương
tiếc", chỉ có mình thầy "Vĩnh biệt cô Hạnh".
Tưởng thầy vĩnh biệt thì thôi đi, ai dè thầy lại "đi
theo" cô Hạnh. Tin tức về thầy, mọi người cập nhật liên tục, nghe thầy hôn
mê, ai cũng cầu xin điều kỳ diệu xảy ra. Ai cũng mong thầy khoẻ trở lại để về dự
cuộc họp mặt lần thứ 20 này. Năm ngoái, có thầy, có cô Hạnh, có cô Lư, vậy là
cả ba thầy cô của trường cùng ra đi. Bỏ lại tất cả! Giờ đây, tôi chợt
nhận ra truyện "Chỉ là một nắm tro" của thầy, thầy ơi!
Thầy
tôi đã thực hiện một cuộc hành trình thật "đẹp", thầy thực hiện mọi
ước muốn của những người cần đến mình. Thầy hiểu những người gần bên mình và tìm
ra điều tốt nhất nơi họ. Đôi khi, có người ngộ nhận về thầy. Đối với tôi, tôi
không tin điều tiếng không tốt về thầy.
Dẫu biết rằng,
rồi đây kẻ trước, người sau sẽ cùng gặp nhau tại "một ga trung
tâm", nhưng với cô Trinh, với các con cháu và bè bạn cùng học trò của thầy
thì chưa đành lòng mất thầy, thầy ơi !
Mấy hôm nay, Lan - con gái đầu của thầy - có gởi thư cho tôi,
nói một câu làm tôi não lòng:
- Mẹ như chưa chịu tin là ba mất. Mẹ hay nói chuyện với ba như
là ba còn đó. Tụi Lan tìm mọi cách cho mẹ vơi buồn. Nhưng đối với mẹ, một trăm
đứa tụi Lan không bằng một ba của mẹ!
Thẩy tôi không còn,
nhưng âm vang bài hát "Còn gặp nhau"
cứ mãi theo đuổi tôi, có lẽ là suốt cuộc đời, vì tôi còn nợ thầy lời hứa là sẽ
đem bài hát đó vào mỗi buổi họp mặt, nhưng tôi chưa thể thực hiện. Bài hát đó
có mấy câu thật thấm thía như sau:
" Còn gặp nhau
thì hãy cứ vui
Cuộc đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại
đời".
No comments:
Post a Comment