Hiểu thêm về khẩu hiệu “Tiên
học lễ, hậu học văn”
Nguyễn Văn Nghiệp
Trường xưa. |
Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, câu khẩu
hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo ở các trường một
cách tự phát, có trường còn nhiều câu khác nữa, ví dụ như “Lương sư hưng quốc”.
Sau này, câu khẩu hiệu ấy biến mất
cùng với việc xóa bỏ vết tích văn hóa đồi trụy, nô dịch của chế độ cũ để lại.
Gần đây, câu “Tiên học lễ, hậu học văn”
được chỉ đạo treo lên trong các trường học. Vì sao câu này khi thì được treo
lên, khi thì lại hạ xuống? Có lẽ có nhiều lý do và phải tốn nhiều giấy mực để
bàn đến vấn đề nầy. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cần có trong
tình hình đạo đức xã hội xuống cấp, đạo lý trong nhà trường cũng có phần sa sút
như hiện nay.
Không
rõ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học
văn” có từ bao giờ, nhưng chắc chắn nó có mặt trong thời kỳ Nho học ở nước
ta, và chúng ta, ai cũng hiểu được ý nghĩa đơn giản của câu khẩu hiệu trên: trước
học lễ, sau học văn. Nhưng từ cội nguồn ý nghĩa thì “lễ” và “văn” có ý nghĩa
rất phức tạp; nó được hiểu cụ thể tùy theo thời đại và ý nghĩa của nó vô cùng
quan trọng đối với cuộc sống xã hội.
“Lễ” từ xa xưa là những qui định, những nghi thức giao tiếp của con người
với thần linh, rồi nó biểu thị mối quan hệ của con người với con người, được
viết thành văn và bất thành văn, được người ta chấp nhận một cách nghiêm chỉnh
vì nó thể hiện nếp sống, nhân cách văn minh của thời đại ấy. Nó cũng đã trở
thành công cụ để giai cấp thống trị lợi dụng để quản lý xã hội. Chúng ta thường
thấy “lễ” biến thành lễ vật và nó có
sức mạnh làm mòn giá trị con người. Như vậy, “lễ” có mặt tích cực cụ thể.
“Văn”
là cái đẹp của phẩm chất bộc lộ ra bên ngoài, là tri thức nói chung. “Văn” trước hết là đạo lý ở đời, còn “lễ” là đạo lý làm người. Giữa “lễ” và “văn” có mối quan hệ gắn bó với nhau.
Ngày
nay, hiểu đơn giản, “lễ” là đạo đức,
là phẩm hạnh tốt đẹp của con người; còn “văn”
bao gồm các tri thức xã hội, tự nhiên, nghề nghiệp…
Nhưng
vì sao phải học lễ trước, học văn sau? Hàng ngàn năm Nho học, câu
khẩu hiệu ấy được áp dụng đúng đắn. Khổng Tử - vạn thế sư biểu - khuyên các đệ
tử: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ,
cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân
nhân, hành hữu dư lực tắc dĩ học văn – Tiên
học lễ, hậu học văn”. (Người học trò
ở nhà phải có hiếu, ra xã hội phải là người hòa thuận, thân thiện, cẩn thận tin
người, rộng yêu mọi người nhưng gần với người có lòng nhân, làm được các điều
ấy mới có sức để học văn – Trước học lễ, sau học văn). (Minh tâm bảo giám).
Khổng
Tử lựa học trò có đạo đức tốt mới thu nhận làm đệ tử để dạy văn. Từ cửa Khổng
bước ra, những người học trò hiển đạt trở thành quan lại. Cho nên muốn làm quan,
trước hết phải là người có đạo đức tốt, sau đó mới nói đến tài năng. Trường
giáo dục của Khổng Mạnh là đào tạo nhân tài khác với nhà trường của chúng ta
ngày nay, giáo dục của ta mang tính đại chúng. Nền giáo dục của ta ngày nay
cũng đặt trên nền đạo lý dân tộc, đạo đức truyền thống – lễ, đạo đức được xem là gốc để tạo nền phát triển tài năng và tài năng
ấy lại phục vụ xã hội. Nhưng nhiệm vụ giáo dục của ta ngày nay là “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” chứ
không đơn thuần là bồi dưỡng nhân tài như giáo dục Khổng Mạnh.Trong xã hội ta
ngày nay, mọi người đều có quyền học tập, đều nằm trong diện được chăm sóc giáo
dục; không chờ học sinh ngoan mới dạy mà ngay cả những em chưa ngoan, chúng ta
cũng phải đưa các em trở thành người tốt. Như vậy, chúng ta không làm cái việc
đơn thuần là dạy lễ rồi mới dạy văn.
Ngày
xưa, ông cha ta đã nói “Văn dĩ tải đạo”
– dùng văn để chở đạo; chúng ta hôm nay cũng thông qua văn để giáo dục đạo đức.
Đây là quá trình song song tác động vào cùng một đối tượng chứ không tách bạch.
Học văn tốt tức là trong đó có cả học lễ tốt rồi. Dạy văn tốt tức là giáo dục lễ
tốt, như trên đã nói lễ và văn có mối quan hệ gắn bó mật thiết nhằm vào phục vụ con người.
Câu
“Tiên học lễ, hậu học văn” không chỉ
được treo ở các nhà trường phổ thông mà nó phải có mặt ở tất cả các cơ sở đào
tạo. Ngay trong gia đình, cha mẹ cũng hình thành thói quen hành vi đạo đức cho
con trong quá trình giúp nó học hỏi những tri thức xung quanh.
Chúng
ta không được hiểu một cách máy móc hình thức đơn giản câu chữ là phải dạy lễ
trước rồi mới dạy văn. Không có trường nào làm như vậy và không thể làm như vậy
được. Bởi lẽ nói trước, sau chỉ là
cách nói nhấn mạnh việc học “lễ” vì
đó là cái đích quan trọng của việc đào tạo – dạy chữ để dạy người – chứ không
phải học lễ xong rồi mới học văn, vì lễ nằm ngay trong văn, phải học lễ thông qua học văn.
( Bạn Nguyễn Văn Nghiệp là cựu học sinh Trường Trung hoc
Công lập Kiến Hòa từ niên học 1962).
No comments:
Post a Comment