26/12/2013

Một đàn anh khả kính
            Lê Ngọc Sện


Ngày 27-12-1970, tôi cầm bộ hồ sơ tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần Thơ đến Trường Trung học Công lập Kiến Hòa trình diện nhận nhiệm sở. Tôi quê ở Long An; tuy từng thi Tú tài I, II chung với học sinh Kiến Hòa, sau đó học đại học có quen với vài bạn ở Kiến Hòa nhưng chưa một lần nào tới tỉnh lỵ Kiến Hòa nên cũng hơi bỡ ngỡ khi tìm tới ngôi trường mới.
Sáng hôm ấy, trời khô và lành lạnh, tôi dừng xe honda trước cổng trường uy nghi cổ kính, xuống xe chỉnh đốn lại trang phục (Trường ĐHSP đã dạy kỹ về trang phục, thậm chí yêu cầu nam giáo sư đi dạy phải thắt cà vạt), kiểm điểm lại các thứ giấy tờ cần thiết…loay hoay dòm ngó thì thấy bạn quen Nguyễn Hồng Sang (ở chợ Thom - xã An Thạnh - Mỏ Cày, tốt nghiệp môn Hóa - Sinh) ngồi chơi với một anh nữa ở băng đá ven bờ hồ phía trước cổng trường (sau đó mới biết tên là Hồ Văn Thiệu, môn Hoá học). Tôi tiến lại hỏi bạn trình diện chưa, bạn Sang bảo rồi và hướng dẫn:
- Có thầy Hiệu trưởng trong đó, bạn vô “làm việc” với Hiệu
trưởng trước. Còn hồ sơ thì chuẩn bị đầy đủ, nộp ở phòng hành chánh!
Tôi có hỏi thêm một chút về thầy Hiệu trưởng để vào gặp cho đúng người. Anh Thiệu xen vô: Nếu thấy khó khăn quá thì đưa hồ sơ đây, tôi vào trình diện luôn dùm cho! Cái tật của anh Thiệu mãi về sau này cũng vậy, hay đùa cợt với bạn bè!
*                *
*
Đầu tiên, tôi vào văn phòng tiếp xúc với cô Nguyễn Thị Kim Chi (Trưởng phòng Hành chánh), trình bày lý do đến đây… Cô Trưởng phòng hỏi tôi gốc gác, sơ lược hoàn cảnh gia đình, tốt nghiệp bộ môn gì…rồi dẫn tôi qua gặp thầy Hiệu trưởng Trần Kim Quế.
Thầy Hiệu trưởng bắt tay chào tôi với nụ cười hiền rồi cùng ngồi nói chuyện. Thầy hỏi tôi: Quê ở đâu, tốt nghiệp ĐHSP bộ môn gì? Tại sao chọn môn đó? Lý do vì sao ở Long An mà lại chọn nhiệm sở ở Kiến Hòa, không nghe người ta truyền tụng những gì sao? Chúng tôi đã cười đùa với những ý nghĩ thời ấy về vấn đề này (tiếng đồn về xứ Kiến Hòa, huyền thoại con gái Kiến Hòa nước da trắng trẻo…). Tôi thấy thầy Hiệu trưởng vui vẻ và dễ gần gũi.
Thầy cũng hỏi qua vấn đề ăn ở như thế nào, có gì khó khăn không. Sau cùng, thầy căn dặn:
- Từ nay chính thức thành giáo sư rồi, phải cố gắng là một nhà giáo tốt. thương mến học sinh; nhưng cũng phải hết sức công bằng và nghiêm túc! Chúng ta đã thành đồng nghiệp, tôi lớn tuổi hơn; vậy từ nay gọi tôi là anh, xưng em là được rồi!
Tôi cảm kích và vâng lời, thực hiện theo lời dặn và vì vậy tôi vẫn thường gọi thầy Hiệu trưởng Trần Kim Quế là “anh”, khác với đa số đồng nghiệp quen gọi “thầy”.
*                *
*
Hội đồng nhà trường tuy có nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi và đông gần 200 người nhưng đều đồng lòng vì sự nghiệp giáo dục, guồng máy hoạt động rất tốt.
Công tác chuyên môn và những sinh hoạt sôi nổi của nhà trường: văn nghệ, thể thao, làm báo, du khảo, Hiệu đoàn… làm thầy - trò thân ái, vui vẻ, nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả cao ở nhiều lĩnh vực; tạo nên nét truyền thống đáng nhớ của Trường Trung học Kiến Hoà.
Mỗi đầu buổi học, khi cánh cổng trường mở rộng đón học sinh vào thì có ngay thầy Hiệu trưởng nghiêm nghị đứng cạnh lối vào nên học sinh không dám chểnh mảng hay lôi thôi về đồng phục (ngay cả giáo sư vào ra thấy vậy cũng thận trọng xem xét lại mình).
Anh và nhóm giáo sư trẻ chúng tôi rất gần gũi, thường cùng chơi thể thao (vũ cầu, tennis) cuối mỗi chiều, có khi suốt cả ngày chủ nhật.
* Trong hoạt động thể dục thể thao, tôi đã được học ở anh nhiều thứ như: vui vẻ + hữu nghị và khiêm tốn. Khi thi đấu vũ cầu giao hữu với Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, anh không cay cú ăn thua như một số người ở đội bạn. Đại hội TDTT toàn tỉnh, đoàn thể thao của các trường trung học thường tập trung ở chung tại một điểm trường lớn. Trước dãy phòng của mỗi đoàn có đặt một tấm bảng đen để thông tin, sinh hoạt… Cứ sau mỗi buổi thi đấu, tôi đều ghi lên bảng kết quả của trường; theo đó, Trường Trung học Kiến Hoà thường đạt nhiều hạng cao hoặc vô địch. Anh nói với tôi: Kết quả chỉ cần phổ biến bằng lời trong nội bộ, không nên ghi lên quá nhiều, có thể sẽ làm giảm ý chí thi đua của các trường bạn.
* Đi kiểm tra toàn diện Trường Trung học tư thục Phan Văn Minh ở Cái Mơn, anh gọi tôi đi cùng, giao cho công việc làm thư ký ghi các biên bản. Phái đoàn gần 10 người - trong đó có thanh tra của Sở Học chánh Kiến Hoà - đến Cái Mơn vào cuối chiều hôm trước.  Sau khi dự bữa cơm chiêu đãi của Nhà thờ Cái Mơn kết hợp với Ban Giám hiệu và Hội Phụ huynh học sinh Trường Phan Văn Minh thì chúng tôi ngủ đêm luôn tại trường.
Khuya sớm thức dậy, tôi không thấy anh trưởng đoàn Trần Kim Quế đâu cả… Tôi chạy bộ lòng vòng tập thể dục, rồi ra lộ để tìm thì gặp anh đang ngồi trong quán cà phê bên kia dốc cầu Cái Mơn, nói chuyện với chủ quán về học sinh và phụ huynh ở đây (có lẽ chủ quán không biết gì về anh). Tôi hỏi anh đi đâu sớm thế, anh bảo hôm nào cũng tập thể dục sớm quen rồi, đi mệt nên ghé uống cà phê và nghỉ chân luôn. Về sau, đi vài lần nữa, tôi mới biết đó là việc “thâm nhập thực tế” của anh, để tìm hiểu thêm những điều không có trong hồ sơ sổ sách hay báo cáo của nhà trường… Sau này, những lúc công tác trong Hội đồng thi hay đi làm thanh tra viên cho Sở Giáo dục-Đào tạo, tôi cũng áp dụng cách thức “thăm dân cho biết sự tình” tương tự!
Anh chỉ dẫn cho tôi một số mẫu biên bản, nội dung thể hiện qua một văn bản, kỹ thuật vừa nghe vừa ghi biên bản. Nói chung, kỳ đó tôi đã làm tròn vẹn nhiệm vụ của thư ký Đoàn Thanh tra.
Có lẽ đó chính là dấu ấn định mệnh làm cho nghiệp thư ký vận lấy cuộc đời tôi. Từ đấy về sau, trong suốt quá trình sống và hoạt động, tôi thường kiêm nhiệm chức danh thư ký:
- Được Ban Giám hiệu và Hội đồng nhà trường bầu làm Tổng Thư ký Ban Giáo sư cố vấn Hiệu đoàn Trường Trung học Kiến Hòa (mặc dù lúc đó tôi chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp, mới đi dạy hơn 2 năm, cũng không phải là người địa phương; trong khi còn có nhiều anh chị đồng nghiệp thâm niên hơn và hoạt động cũng tốt). Nhiệm vụ kiêm nhiệm nhưng cần nhiều thời gian hoạt động và đầu tư công sức để gắn kết Ban Đại diện học sinh với Hội Phụ huynh học sinh và Hội đồng nhà trường. Anh đã luôn quan tâm giúp đỡ, động viên tôi để làm tốt công việc.
- 1974 làm Thư ký Hội đồng coi thi Tú tài II ở tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh); rồi tiếp tục về Bộ Giáo dục ở Sài Gòn làm Thư ký Hội đồng chấm
thi luôn.
- 1975 lịch sử sang trang, trường đổi tên thành Trường Phổ thông Trung học Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, tôi được bầu vào Ban điều hành (BĐH có 7 thành viên) trực tiếp phụ trách Khối lớp 6 kiêm Thư ký của Ban điều hành.
Sau đó, tôi liên tục làm Thư ký cho rất nhiều Hội đồng coi thi (tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh lớp 10, thi nghề phổ thông).
Ở nhà trường, tôi được giao làm Thư ký Ban thi đua, Thư ký Hội đồng kỹ thuật. Đặc biệt còn làm Thư ký Chi hội Hữu nghị Việt-Xô Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (1979-1990) rồi Thư ký Hội đồng của trường cho đến lúc nghỉ hưu.
Tưởng vậy đã xong, nào ngờ bây giờ mỗi tháng có khi còn phải làm Thư ký ghi biên bản trong sổ họp tổ nhân dân tự quản cho ông tổ trưởng ở địa phương nữa! Nhiệm vụ nào tôi cũng đều hoàn thành tốt, có sáng tạo; hồ sơ sổ sách kỹ lưỡng, đầy đủ.
Cảm ơn anh, người đã tạo điều kiện và dẫn dắt để tôi phấn đấu trưởng thành, hoạt động tốt ở nhiều mặt. Giai đoạn đầu đời của người thầy giáo, tôi may mắn gặp được một đàn anh tốt… Tôi không bao giờ quên anh!
*                *
*
Cuối năm 1973, thầy Hiệu trưởng Trần Kim Quế có quyết định thuyên chuyển về Sở Học chánh Kiến Hòa, thầy Phan Thế Chánh lên làm Hiệu trưởng. Buổi lễ “Tống cựu nghinh tân” sẽ được tổ chức vào buổi tối tại sân trường (trên sân thể thao giữa 2 dãy C - D, phía trước phòng thí nghiệm).
Kỷ niệm tặng anh, tôi mua một chiếc áo khoác màu xám tro. Chiều hôm đó không gặp anh nên tôi để gói quà ở hộc bàn Hiệu trưởng, kèm theo một mảnh giấy ghi “Thân tặng anh Hiệu trưởng Trần Kim Quế - một đàn anh
khả kính”.
Tôi nhớ tối hôm đó, trong tiết trời đông se lạnh, buổi lễ được tổ chức rất long trọng. Nội dung nhắc nhiều đến công lao, sự nghiệp và tình cảm của thầy Trần Kim Quế đối với nhà trường và cảm nghĩ của giáo sư, học sinh, phụ huynh học sinh đối với thầy (riêng thầy Bùi Thanh Kiên kỷ niệm bằng một chuyện
tiếu lâm).

Phần cuối là phát biểu đáp từ và chia tay của thầy Hiệu trưởng Trần Kim Quế. Anh từ từ bước lên sân khấu (lễ đài) trên người khoác thêm chiếc áo mà tôi vừa gởi tặng! Bên ngoài, trời về đêm lạnh lẽo nhưng trong lòng tôi bỗng thấy ấm áp vô cùng. Ôi! Người đàn anh khả kính!

Thầy Trần Kim Quế.

No comments:

Post a Comment