TỐ NGUYÊN
Từ lâu lắm không biết bắt đầu từ lúc
nào chữ NGƯỜI có một âm hưởng thật sâu kín mênh mông đối với tâm hồn của mình.
Mỗi lần nghe nói hay đọc sách, các chữ tình người, kiếp người, phận người, làm
người, nên người, thành người, tính người...có sức cảm ứng đạo giao rất êm đềm
nơi tâm hồn mình. Gặp những chữ nầy như gặp lại bạn tri kỷ, bạn tâm giao, và
tâm hồn mình như được thể nhập vào một cảnh giới đầy rung cảm chân thành. Nhiều
lần chỉ một câu nói, một cái nhìn, một ánh mắt, một nụ cười, một nét buồn, một
niềm vui, một bài thơ, một hình ảnh, một câu chuyện nhỏ …, cũng đủ làm mình cảm
xúc đến rưng rưng, vì nó là tia chớp, dù chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn
nhưng đủ cho mình thấy rõ ràng cảnh giới chân thật tuyệt vời của tâm hồn người
sâu kín mênh mông. Chữ người không
những nói lên rất nhiều về chiều kích sâu thẳm bất tận của tâm hồn mình, mà
mình thấy nó còn hiển hiện bàng bạc khắp nơi với muôn vàn sắc thái trong thế giới
sống của người.
Nhớ có lần đi thăm thầy Nguyễn Văn
Ba ở Làng Đại học Thủ Đức, nghe thầy giảng về hai chữ "người ta”, mình hầu như được ngộ nhập
vào dòng sống muôn đời của truyền thống
văn hóa Việt.
Hai chữ NGƯỜI TA vừa bao trùm cả
nhân loại (NGƯỜI) vừa đề cao cá thể (TA). NGƯỜI với TA tuy hai mà một. TA với
NGƯỜI tuy một mà hai. NGƯỜI không TA là NGƯỜI xa lạ.TA không NGƯỜI là TA khép
kín, ích kỷ, đơn côi, không thật. Người giác ngộ được Chân Tính Người (hay Phật
Tính theo cách nói của Đạo Phật) sẽ nhìn thấy Chân Tính đó hiện diện rõ ràng
nơi tất cả mọi người. Đó chính là cảnh giới bất nhị hay nhất chân viên dung nơi
chân tâm chính đẳng chính giác vô thượng bồ đề mà các bậc Đại Giác của nhân
loại đã đạt được.
Bài thơ “Vịnh Tam Tài” của Trần Cao
Vân thật tuyệt vời về tầm kích vũ trụ
của NGƯỜI TA.
TRỜI ĐẤT sinh TA có ý không?
Chưa sinh TRỜI ĐẤT có TA trong
TA cùng TRỜI ĐẤT ba ngôi sánh
TRỜI ĐẤT in TA một chữ đồng
ĐẤT nứt TA ra TRỜI chuyển động
TA thay TRỜI mở ĐẤT mênh mông
TRỜI che ĐẤT chở TA thong thả
TRỜI ĐẤT TA đây đủ hóa công.
Bài thơ dùng chữ TA để xác định tầm
kích vũ trụ của chữ NGƯỜI.
Năng lực thiêng liêng nào đã điều
khiển nhịp nhàng, hài hòa như vậy? Trong cảnh giới sống nào mà có sự chuyển hóa
hai thành một, một lại là hai uyển chuyển viên dung như vậy? Xin thưa đó là
năng lực của THƯƠNG YÊU, đó là cảnh giới của THƯƠNG YÊU. Chữ NHÂN (仁) của Đức Khổng Tử chính là sức sống viên dung của TÌNH
THƯƠNG YÊU đó. Khổng Tử đã định nghĩa TÌNH THƯƠNG YÊU chính là con người (nhân
(仁) giả nhân (人)dã. Hay là lòng thương người làm nên con người (nhân (仁 ) giả ái nhân (人) . Hay nói khác đi, không thương người thì không làm người
được, không thành người được, không là ngườiđược. Đức Khổng Tử đã kết tinh thật
nghĩa “NGƯỜI với TA tuy HAI mà MỘT, TA với NGƯỜI tuy MỘT mà HAI” của hai chữ
NGƯỜI TA trong năng lực THƯƠNG YÊU của chữ NHÂN (仁).Chữ 仁
là hình ảnh nhất chân viên dung của
hai chữ NGƯỜI TA. Chữ 仁
gồm chữ nhân là người và chữ nhị là
hai.
Hệ luận của hai chữ NGƯỜI TA nhất
chân viên dung trong đời sống của người Việt là “nhất thị đồng nhân”, nhìn tất cả
mọi người đều là người giống với mình. Thương người là thương mình. Ghét người
là tự ghét mình. Giúp người là giúp mình. Hại người là hại mình…Người với Ta
tuy hai mà một. Ta với Người tuy một mà hai. Tình người tuôn chảy làm đầy nghĩa
sống, làm đẹp cuộc đời là khởi từ hai chữ NGƯỜI TA đó.
Sách Lễ ký khai triển hai chữ NGƯỜI
TA thành định nghĩa như sau:
“Phù
nhân giả, kỳ thiên địa chi đức,
âm dương chi giao,
quỉ thần chi hội,
ngũ hành chi tú khí :”
(Lễ Ký, quyển 7, Nhạc Ký, chương 19)
Nghĩa là:
Người là Đức của trời đất,
là năng lực điều hòa kết hợp âm
dương,
là tụ điểm của quỉ thần,
là tinh hoa của ngũ hành.
Hai chữ NGƯỜI TA là hạt giống thiêng
của Đạo Sống Việt. Từ hạt giống thiêng nầy, người Việt, dọc dài theo dòng sử
mệnh, đã vun tưới thành cây thần mộc bất tử. Cây thần mộc đó chính là cây Văn
hóa, cây Văn minh Việt.
Làm thế nào mà hai chữ NGƯỜI TA là
tình yêu thương thiêng liêng, là Đức của trời đất, là năng lực hài hòa âm
dương, là sức qui tụ của quỉ thần, là tinh hoa của ngũ hành đó, không là mộng
tưởng điên đảo, mà là sức mạnh hiện thực nhiệm mầu, thâm nhập vào thân tâm và
cuộc đời của người Việt để trở thành hồn sống, nguồn sống, đạo sống, nghĩa
sống, sức sống, hướng sống, niềm an vui sống, vinh quang sống, để thành tựu
viên mãn Đạo sống của kiếp người được. Làm sao mà hai chữ NGƯỜI TA hiện hành
thành cách xử thếtiếp vật của người Việt. Làm sao mà hai chữ NGƯỜI TA hiển hiện
thành Văn Hóa, hiển phát thành Văn Minh được?
1. NGƯỜI TA VĂN HIẾN:
Trước hết tổ tiên mình vẽ lên hai
tiếng NGƯỜI TA thành chữ 文 (văn).
Văn là hình ảnh, là biểu tượng của NGƯỜI TA, gồm đủ cả đầu, mình tay chân, đẹp
và đầy đủ hơn chữ 人 (nhân)
và chữ 仁 (nhân) của Hán ngữ.
Chữ 文 là hình ảnh, là biểu tượng sống động của NGƯỜI đã hiển hiện
trọn vẹn Chân Tính của Người, hiển hiện trọn vẹn Đạo Sống làm NGƯỜI, là đã
thành tựu Đạo Người. Cũng chính vì thế mà Đức Khổng tử đã lấy tên thụy cho mình
là VĂN. Cũng vì thế mà người xưa đã gọi Đức Phật là VĂN PHẬT. Nếu hai chữ NGƯỜI
TA là hạt giống NGƯỜI, thì VĂN là cây sum suê với lá tươi xanh, hoa thơm đẹp,
trái ngọt ngon.
Khi đặt tên, người Việt gói ghém
hoài bảo thành tựu lớn nhất của cuộc đời mình vào trong tên đó. Do đó, tên đối
với người Việt rất thiêng liêng vì tên là tụ điểm qui hướng cho toàn thể cuộc
đời. Ngay từ thời lập quốc, tổ tiên của người Việt đã gói ghém hoài bão thiêng
liêng của mình vào trong hai chữ tên nước VĂN LANG. Chữ VĂN từ đó đã trở thành
linh hồn, nguồn năng lực thiêng liêng trong vận hành của sử mệnh dân tộc Việt.
Định nghĩa của chữ VĂN rất phong phú. Người Việt mình thường quen thuộc với hai
định nghĩa "Văn dĩ tải Đạo, Văn là để chở Đạo, và "Đạo chi
sở hiển viết Văn”, Văn là sự hiển hiện ngời sáng của Đạo.
Có một chữ thiêng nữa thường đi đôi
với Đạo là Đức. Người xưa định nghĩa Đức là Đắc. Đắc tức là được. Được gì? Được
Đạo. Nghĩa là Đạo mầu đã được hiển hiện nơi thân, tâm và cuộc đời của người đắc
Đạo. Vì thế mà người Việt tôn kính gọi những người hiện thân của Đạo sống là
Đức, như Đức Khổng Tử, Đức Phật, Đức Chúa Trời, Đức Trần Hưng Đạo...Theo đó mà
chữ Văn và chữ Đức hầu như đồng nghĩa. Văn và Đức đều là sự hiển hiện của Đạo.
Đặt tên nước là VĂN LANG, tổ tiên đã
thể nghiệm được Đạo mầu của hai chữ NGƯỜI TA, đã lấy Văn làm nền tảng, đã lấy
Đạo Đức làm sức mạnh để xây dựng đất nước. Sứ mệnh của lịch sử Việt là chuyên
chở, là làm sáng tỏ Đạo Sống, Đức Sống nhiệm mầu từchữ 文 (Văn) biểu tượng NGƯỜI thiêng liêng đó.
Nơi kinh đô có Văn miếu thờ VĂN. Nói
Văn Miếu là để thờ Khổng Tử thì chỉ đúng có một phần nhỏ, vì chính tên thụy của
Đức Khổng Tử là Văn. Suốt đời, Ngài sống và truyền bá Văn, tức Đạo làm người.
Trong đời Ngài cũng nhiều lần ca ngợi văn hóa phương nam. Chính Ngài là hiện
thân của Văn Đạo đó. Văn Đạo tức Đạo Người. Văn là biểu tượng thành người cao
quí nhất. Về hình thức thì Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhưng thật ra Văn Miếu
là để thờ Người.
Nơi làng xã có Văn từ, Văn chỉ, là
nơi thờ người, là tụ điểm qui hướng của những giá trị làm người. Tình người,
nghĩa sống nhờ đó được dưỡng nuôi và trở thành thân thiết linh thiêng.
Văn Thân là vẽ lên mình để nhắc nhở
rằng phải dùng thân sống của mình để làm hiển Đạo, phải sống như thếnào để thân
của mình trở thành hiện thân của Đạo. Văn thân là thánh hóa, là Văn hóa thân
mình (chứ không phải kiểu nói đầy ngộ nhận là để khi xuống nước khỏi bị thuồng
luồng ăn thịt).
Khi đặt tên người con trai, chữ Văn
cũng được đặt vào giữa để nhắc nhở Đạo sống thiêng liêng đó. Ví dụ như tên
Nguyễn Văn X, trong đó Nguyễn là họ tộc, X là tên của cá nhân. Văn là Đạo sống,
là hồn thiêng sông núi, được đặt vào giữa để nhắc nhở, nhờ đó mà Văn trở thành
hồn sống, nghĩa sống, và là thủy chung của kiếp người.
Văn Hiến là Kinh Điển thiêng của Đạo
sống Nhiệm Mầu hòa hợp mọi khía cạnh của cuộc đời, hướng dẫn và làm bừng nở
toàn thể cuộc đời từ chân tính sâu kín u linh bát ngát mênh mông của Tính
Người. Ngôn ngữ của Văn Hiến là Linh Ngữ nằm trong những sách thiêng của nền
giáo dục xưa, như Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh Tập...Linh Ngữ bàng bạc
trong đời sống, trong tục ngữ, trong ca dao, trong chuyện cũ tích xưa, trong
hoành phi, câu đối, trong lễ khí, tượng thờ, trong phong tục tập quán, trong
gương sống, trong các lễ hội, trong lịch tiết, trong tên đất, tên người, trong
lời ru, tiếng hát, điệu hò...Người xưa còn thấy cả Linh Ngữ của Hồn Văn Hiến
trong tiếng gà gáy, chim kêu, trong lời chúc Tết, trong chuông chùa, trong
tiếng sấm báo mưa đầu mùa, trong gió mát trăng thanh, trong muôn ngàn vì sao
lấp lánh, trong gió sớm mây chiều, trong nắng sáng mưa đêm, trong cả niềm vui,
nỗi buồn, trong nỗi nhớ, niềm thương, trong mơ ước, nguyện cầu. Linh Ngữ làm đầy
không gian sống, thời gian sống, làm đầy mọi liên hệ, mọi khía cạnh, mọi sắc
thái của cuộc đời với TÌNH NGƯỜI, với NGHĨA SỐNG thiêng liêng.
2. NGƯỜI TA VUÔNG TRÒN:
Còn một biểu tượng thiêng liêng nữa
có tầm kích vũ trụ của hai chữ NGƯỜI TA là hình ảnh vuông tròn. NGƯỜI TA là ĐỨC
của trời đất (kỳ thiên địa chi đức) nên vuông tròn là hình ảnh của NGƯỜI TA
sống trong trời đất.
Trời tròn đất vuông (thiên viên địa
phương). Vòng tròn bao bọc hình vuông bên trong là hình ảnh của người được đất
chở trời che, viên dung tự tại. Trời tròn bao che còn có nghĩa là Tình, đất
vuông chuyên chở còn có nghĩa là Lý (địa lý).
Ca dao Việt có câu “Trăm năm tính cuộc vuông tròn”. Trăm năm
là đời người. Tính là cân nhắc, lo liệu. Cuộc là dòng lưu chuyển của đời người.
Vuông là LÝ. Tròn là TÌNH. Trăm năm tính
cuộc vuông tròn có nghĩa là trong dòng lưu chuyển của đời người, hãy cố
sống như thế nào cho trọn LÝ vẹn TÌNH, hữu thủy hữu chung. Nếu Văn là cái sáng
đẹp hiển hiện của mẫu người trọn vẹn thì Tình tròn bao phủ Lý vuông là sự hiện
hành thủy chung, viên dung, nhịp nhàng, hài hòa của mẫu người đó. Đó là mẫu
sống hạnh phúc an vui. Nếu Lý đoạt Tình thì điên đảo phiền não phát sinh, hạnh
phúc an vui sẽ không còn nữa.
Đời Hùng Vương thứ sáu, Lang Liệu
được vua cha truyền ngôi cho là vì đã biết lo liệu đất nước theo mẫu vuông tròn
đó. Lang Liệu diễn đạt ý nguyện, hay lý tưởng trị nước của mình qua biểu tượng
vuông tròn của bánh dầy bánh chưng. Thần nhân giải thích cho Lang Liệu biết
rằng, Tròn là Trời, Vuông là Đất, nếp là tinh hoa của Trời Đất. Do đó ta thấy,
ăn bánh dầy bánh chưng tròn vuông là hấp thụ tinh hoa của trời đất để nuôi
dưỡng Đạo sống của con người. Lang Liệu được cha truyền ngôi vua cho là vì đã
biết noi theo dòng sử mệnh truyền thống trị nước thiêng liêng đó.
Từ móng chân rùa của Thần Kim Qui,
Thần Nỏ đã được làm nên. Thần Nỏ có Năng Lực vô cùng nên có tên là LINH QUANG
THẦN NỎ. Mai rùa có cấu trúc VUÔNG TRÒN, mà VUÔNG TRÒN là biểu tượng thiêng
liêng của VĂN HIẾN VIỆT. Móng là NỀN MÓNG, căn bản quyết định sự bền chắc của
mọi cấu trúc xây dựng. LINH là Hiệu Lực Mầu Nhiệm bất khả tư nghì. Quang là Ánh
Sáng. Nơi nào có Ánh Sáng thì nơi đó bóng tối với mọi hình thức sẽ không còn
nữa. THẦN là Năng Lực Vô Biên. Tất cả những Ánh Sáng và Năng Lực đó đều phát
xuất từ biểu tượng VUÔNG TRÒN.
Tròn bao bọc Vuông còn là Tình Lý
tương sinh. Đó là biểu tượng của thái bình thịnh trị, là phước lộc, no ấm an
vui. Nếu Lý đoạt Tình, tức Lý Vuông nhốt Tình Tròn, thì đó Tình Lý tương khắc,
là điềm họa tai, điên đảo, phiền não, điêu linh.
Người xưa còn gọi đồng tiền là văn
tiền. Đồng tiền có hình tròn với lỗ vuông nhỏ ở giữa. Đó là nhắc nhở phải thận
trọng với cách sử dụng tiền. Phải biết trọng nghĩa khinh tài, tức khi sử dụng
tiền phải biết coi nghĩa tình là nặng mà tiền tài là nhẹ; đừng vì tiền tài mà
gây khổ đau, làm mất nghĩa tình.
- NGƯỜI TA NON NƯỚC :
Trong dòng sống biến chuyển hổ tương
giao tiếp đổi trao không ngừng, Tình Lý còn được diễn tả bằng hình ảnh gợi cảm
sâu xa của núi và nước. Bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà hàm chứa sức sống
thiêng liêng của hồn dân tộc.
Nước non nặng một lời thề...
Nhớ lời nguyện nước thề non...
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa.
Non cao đà biết hay chưa?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời
thề.
Ngày xưa, tranh sơn thủy được đặt
trang nghiêm trên bàn thờ ông bà tổ tiên với câu đối hai bên như:
Phước Như Đông Hải
ThọTỉ Nam
Sơn
Nước non, sơn hải, sơn thủy, giang
sơn, sơn hà...đã thề nguyền, kết đôi, gắn bó, vận hành giao tiếp, tĩnh động,
sinh tử, nhịp nhàng, hài hòa, sinh sinh, hóa hóa, cảm ứng đạo giao, muôn đời
như thế đó. Đọc Kinh Dịch, Thoán truyện, quẻ HÀM:
Thiên Địa CẢM nhi vạn vật hóa sinh.
Thánh Nhân CẢM nhân tâm nhi thiên hạ
hòa bình.
Quan kỳ sở CẢM nhi Thiên Địa Vạn Vật
chi Tình khả kiến hỹ.
Nghĩa là:
NhờTrời Đất cảm nhau nên sự sống của
vạn vật sinh sinh hóa hóa không ngừng.
NhờThánh nhân cảm hóa khiến tâm
người hòa hợp với Đạo Sống nên an cư lạc nghiệp âu ca mới có được khắp nơi.
Ngắm nhìn cảnh giới, hiện tượng cảm
ứng đạo giao có thểbiết được cái Tình của Trời Đất Vạn Vật.
Người Việt thờ phượng nước non nơi
bàn thờ Tổ Tiên, chiêm ngưỡng vận hành sinh hóa cảm ứng đạo giao muôn đời của
Thiên Địa Vạn Vật để nuôi dưỡng TÌNH NGƯỜI. Như vậy là trên bàn thờ có đủ cả
NGƯỜI, THIÊN ĐỊA VẠN VẬT cảm thông giao tiếp hài hòa. Nhờ mỗi ngày, lúc thắp
đèn dâng hương tưởng niệm ông bà tổ tiên, con cháu có dịp chiêm ngưỡng sơn thủy
trên bàn thờ mà Tình Người được dưỡng nuôi và Đạo Sống được hiển hiện nơi cuộc
đời.
Đọc sách Luận Ngữ thấy có lời dạy
của Đức Khổng Tử:“Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”(V.21).
Nghĩa là người Trí thích nước, người Nhân thích núi. Trí là Lý trí. Nhân là
Tình người. Do đó Trí hay Lý và Nước có liên hệ siêu hình nơi chiều sâu thẳm
nơi tâm hồn của con người. Tình và Núi cũng cưu mang ý nghĩa siêu hình gắn bó
như thế. Tranh sơn thủy còn là biểu tượng của Đạo sống Tình Lý tương tham
thiêng liêng đó.
Huyền Sử Việt kể rằng, 50 con theo
mẹ lên núi và 50 con theo cha xuống biển. Trong số 50 con theo cha xuống biển
đó, có một người trở lại, về núi Tản Viên cư ngụ, và trở thành Tản Viên Sơn
Thần. Núi là biểu tượng của Tình Người. Chữ Tiên gồm chữ nhân và chữ sơn, tức
người sống trên núi, hay người sống với Tình. Do đó, cả tiên và núi đều là biểu
tượng của Tình. Còn Rồng thì sống với Nước, tức sống với Lý. Do đó, cả Rồng và
Nước đều là biểu tượng của Lý.
Tản Viên Sơn Thần là một biểu tượng
hết sức đặc biệt. Lý Trí là một trong những khả năng của con người, chứ không
phải thuộc bản thể của con người. Lý Trí tự thân không có giá trị gì. Giá trị
của Lý Trí là ở cứu cánh mà nó phục vụ. Trước khi trở về Núi Mẹ, Ngài là một
trong những người con theo cha xuống biển, tức Ngài thuộc về LÝ. Với sự trở về
núi Tản Viên phục vụ Tình Người, Ngài trở thành biểu tượng thiêng liêng của Tình
Lý Tương Tham, Tình Lý Viên Dung. Tản là tán che, Viên là vòng tròn. Núi Tản
Viên còn gọi là núi Ba Vì. Ba Vì là Ba Vị, tức ba ngôi vị của Tam Tài. Ngài là
thành tựu viên mãn ngôi vị làm người trong Tam Tài, như bài thơ của Trần Cao
Vân đã cảm tác: “TRỜI ĐẤT TA đây đủ hóa công”. Đức của Ngài đầy ắp cả
Trời Đất. Ngài thành Thần bất tử. Thần, theo Kinh Dịch và sách Trung Dung, là
năng lực mầu nhiệm vô biên. Tản Viên Sơn Thần trở thành Linh Khí, thành Hồn
Thiêng Sông Núi. Cao Biền muốn yểm diệt Hồn Thiêng Sông Núi đó mà không được,
nên phải than rằng:
“Linh
Khí Nam Phương chưa thể đo lường được, Vượng Khí đâu khá diệt được, Uy Linh
Hiển Ứng là như thế”.
Sơn Tinh là tinh hoa của núi, tức
tinh hoa của Tình Người. Thủy Tinh là tinh hoa của nước, tinh hoa của Lý Trí.
Cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh là cuộc chiến giữa Tình và Lý. Trong cuộc
chiến để tranh thắng đó, Thủy Tinh dùng sức mạnh của mình làm nước dâng cao để tràn
ngập núi, tức dùng sức mạnh của Lý Trí để trấn áp, để nhận chìm Tình Người.
Thủy Tinh đã thất bại, vì núi lúc nào cũng vươn cao hơn nước. Lý không thể nào
khống chế được Tình.
4. NGƯỜI TA TÌNH THÂM:
Tất cả những ý nghĩa thậm thâm vi
diệu của hai chữ NGƯỜI TA trong Đạo Sống Việt được kết tinh trong Kinh Lễ với
câu “Tình thâm nhi Văn Minh” (LễKý quyển 7, Nhạc Ký, chương 19). Câu nầy có nghĩa là: Chỉ khi nào sống hết
chiều sâu thẳm của Tình Người (Tình thâm) thì tinh anh cao quý nhất của Người
(VĂN) mới (nhi) hiển hiện ngời sáng (Minh) được.
Từ thời lập quốc, Tổ tiên của người
Việt đã lấy việc xây dựng Người làm nền móng để xây dựng nước. Và vun tưới Tình
Người là căn bản để xây dựng Người, vì Tình Người là gốc rễ của Người. Người Việt nhìn Cây như biểu tượng của Văn Minh. Gốc rễ có mạnh, có sâu thì lá mới xanh,
bông mới tươi đẹp, trái mới thơm ngọt được.
Người Việt làm thế nào để phát triển Tình thâm?
Từ nền tảng NGƯỜI TA bao trùm cả
Trời Đất, Âm Dương, Quỹ Thần, Ngũ Hành, Người Việt đã dùng TÌNH THÂM để xây
dựng VĂN MINH, dùng liên hệ giữa Người
với Người vừa để mở rộng Tình Người vừa để Nghĩa Sống được sâu dầy hơn. TÌNH
được sâu hơn nhờ gắn bó với NGHĨA với ÂN. Nói đến Tình Nghĩa, Ân Tình không
người Việt nào mà không thấy cảm xúc sâu xa. Có người còn đưa TÌNH THÂM của ÂN
NGHĨA vào cảnh giới thiêng liêng để tôn thờ, như Đạo Tứ Ân.
ÂN là lòng ấp ủ, cưu mang, thương
nhớ những người đã giúp mình và những gì mình nhận được với lòng thiết tha mong
được cơ hội đáp đền.
Khi Tình Thương trở thành hành vi giúp đỡ, phụng sự, phục vụ
Người thật sự thì gọi là NGHĨA. Nhớ ƠN, thi ƠN,đền ƠN, vì NGHĨA, hành NGHĨA,
đáp NGHĨA, là Sống với chiều sâu của TÌNH NGƯỜI nên gọi là TÌNH THÂM.
ĐỨC HIẾU đứng hàng đầu trong Đạo
Sống của người Việt. Người Việt có câu hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”.
Trong thế giới nầy không có Tình Thương nào lớn hơn Tình Thương của Mẹ. Tình Mẹ
là nguồn thương của tất cả mọi người. Hiếu hướng lòng Thương của con cháu về
Nguồn Thương của Ông Bà Cha Mẹ để nuôi dưỡng THÂM TÌNH.
Thiên hữu tứ thời Xuân tại thủ.
Nhân sinh bách hạnh Hiếu vi tiên.
Mùa Xuân bừng nở với sức sống nhiệm
mầu. Cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua sắc. Lòng Hiếu Thảo làm bừng nở Đạo
Đức, Tình Người với Nghĩa Sống thiêng liêng. Đức HIẾU là Nguyên Động Lực của
TÌNH THÂM.
Trong cách nói chuyện với nhau người
Việt không dùng đại từ. Các chữ I, đại từ ngôi thứ nhất, you, ngôi thứ hai, he,
she, ngôi thứ ba trong tiếng Anh không có trong tiếng Việt.
Mỗi tiếng Anh I, you, he, she, tùy đồng văn mà được dịch thành nhiều tiếng Việt
khác nhau, như ông, bà, ngoại, nội, cha, mẹ, anh, chị, em, cháu, cậu, mợ, cô,
dì, bác, chú, thiếm, người, ngài, thầy, mầy, tao, mi, tớ, hắn…, có người kể ra
được khoảng 40 chữ khác nhau. Như “ngoại
có thương cháu không, mẹ sẽ đến thăm
con ngày mai, em thương anh nhiều lắm”...trong cách nói chuyện như thế,
người Việt dùng thẳng vai trò của mình trong liên hệ gia đình thân thuộc, không
dùng đại từ để xưng hô. Không biết cách xưng hô, người Việt cảm thấy rất khó mà
nói chuyện với nhau đàng hoàng, trang nhã, lịch sự được. Học lễ phép, học cách
xưng hô đúng hoàn cảnh là những bước đầu tiên của quá trình học làm người của
trẻ con Việt.
Các bậc thánh hiền trong khắp các
nền văn hóa trên thế giới đều nhận ra tương quan “tứ hải giai huynh đệ” nhưng
hầu như chỉ là lý tưởng thôi, không có tiếng nước nào đưa lý tưởng nầy vào hiện
thực qua cách nói chuyện với nhau như tiếng Việt.
Nhiều người cho rằng như vậy là rắc
rối. Rắc rối chỉ là chuyện chưa quen thôi, khi quen rồi thì sẽ rất dễ dàng.
Cách xưng hô nói chuyện của người Việt làm phong phú và sâu đậm Tình Người, xóa
tan xung đột và thân thương hóa liên hệ giữa người với người, biến xã hội, nhân
loại thành đại gia đình. Trong cách nói chuyện của người Việt không có ai là
người khác xa lạ nữa, không có cảnh “địa
ngục là người khác” (l'enfer, c'est les autres) hay “người là chó sói của người” (homo homoni lupus) như các nhà văn nổi
tiếng của Tây Phương nhận xét về liên hệ giữa người với người trong xã hội của
họ.
*********
Có thức dậy mới chiêm bao là không
thật.
Đọc “Ngũ Đăng Hội Nguyên” thấy có
chuyện Lữ Nham Động Tân Chân Nhân sau khi gặp Thiền sư Hoàng Long giác ngộ được
cảnh giới của Chân Tâm, thốt lên bài thơ trong đó có hai câu nầy:
“Tự
tòng nhất kiến Hoàng Long hậu
Thủy giác tòng tiền thác dụng tâm.”
Nghĩa là:
Từ khi gặp được Thiền Sư Hoàng Long
về sau
Mới biết từ trước tới giờ đã dùng
tâm của mình một cách sai lầm.
Có giác ngộ được Chân Tâm mới biết
óc suy lý là không thật.
Đọc “Kim Cương Kinh Ngũ Thập Gia Tập
Chú” thấy bài thơ có hai câu nầy:
“Nhất
triêu đạp trước gia hương lộ
Thủy giác đồ trung nhật nguyệt
trường.”
Nghĩa là:
Một buổi sáng bước chân trên đường
quê nhà
Mới biết tháng ngày dài đã lưu lạc
tha phương.
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG Việt là CHÂN
CẢNH chứ không phải là MỘNG CẢNH.
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG Việt hiển phát
từ CHÂN TÂM chứ không phải từ óc suy lý.
Có sống với niềm vui nơi Chân Cảnh
Gia Hương của VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG Việt mới biết niềm vui nơi vọng cảnh của lục
trần là Tha Hương, là không thật.
Năm 1917, Pháp chánh thức hủy bỏ nền
giáo dục dùng chữ Nho ngàn năm của dân tộc Việt. Từ đó về sau Linh Ngữ của Văn
Hóa Việt chìm dần vào quên lãng. Từ khi chữ Quốc ngữ được chính thức dùng cho
nền giáo dục mới của Việt Nam
đến giờ, Linh Ngữ gần như bị xóa hẳn.
Một ngày nọ cách đây vài năm, có một
sinh viên Hàn Quốc đến thăm bạn là con của một gia đình nhà giáo ở Bến Tre.
Sinh viên nầy muốn đi tham quan vài nơi trong tỉnh. Nhà giáo gợi ý là đi thăm
những ngôi đền, chùa cổ. Lúc trở về, nhà giáo hỏi, mấy con đi chơi có vui
không. Đứa con trả lời: Vui lắm, nhưng
con thấy xấu hổ quá, ba ơi! Sao vậy
con?- nhà giáo ngạc nhiên hỏi. Người
con trả lời: “Vào đền chùa, anh ấy đọc
làu làu những câu đối, câu liễng viết
bằng chữ Nho và giải nghĩa cho con nghe thật
rõ ràng. Con thì chẳng biết gì hết!”
Hàn Quốc và Nhật Bản có chữ riêng
của nước họ. Nhưng muốn tốt nghiệp trung học, học sinh phải thông thạo ít nhất
800 chữ Nho để đọc sách cổ. Ngày xưa, chữ Nho là chữ của sách thiêng chung cho
cả Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bổn, Việt Nam. Học chữ Nho sẽ đọc được sách
thiêng rực rỡ nhiều ngàn năm của những nước nầy. Học chữ Việt mới, người Việt
mình chỉ còn đọc lèo tèo sách mới tập tững viết trong vòng chưa tới 100 năm
nay, hoàn toàn mù mịt, không những về Văn hóa vĩ đại của những nước láng giềng,
mà còn bơ vơ với cả Văn hóa ngàn năm của chính nước mình.
Sách Liệt Tử, chương Mục Vương thứ
3, có kể chuyện một người sinh ra ở nước Yên, lớn lên và sinh sống ở nước Sở,
lúc già trở về nơi sinh quán của mình. Khi qua nước Tấn, bạn cùng đường chỉ vào
thành của nước Tấn và nói: Đây là thành của nước Yên. Nỗi buồn nhớ dâng lên làm
sắc mặt của anh dàu dàu. Lúc gặp nơi thờ Thần Xã, họ chỉ và nói, đó là nơi
thờThần Xã của làng anh. Anh ấy than thở ngậm ngùi. Một lúc sau, họ chỉ vào một
ngôi nhà và nói, đó là nơi song thân của anh sống ngày xưa. Anh ấy nước mắt
lưng tròng. Khi họ chỉ vào một cái gò và nói, đó là mồ mả của ông bà và cha mẹ
của anh. Anh ấy bật khóc thê lương, không kềm chế được. Thấy thế, những người đi
chung bèn cười vang và nói, chúng tôi nói đùa với anh vậy thôi. Ở đây vẫn còn
là địa phận của nước Tấn, chưa tới nước Yên đâu. Nghe thế anh ấy cảm thấy hết
sức thẹn thùng. Khi đến nước Yên thật, nhìn thấy thành, nơi thờ thần xã, nhà
cửa, mồ mả của ông bà cha mẹ thật, tâm hồn của anh đã trở nên nguội lạnh hẳn
rồi, không còn cảm xúc như trước nữa.
Ô hô ! Ai tai !
TÌNH NGƯỜI giờ đã khép kín, nguội
lạnh rồi !
Vì đâu nên nỗi !
Hãy nhìn. Có thấy không?
Chữ Văn trong tiếng Việt mới không
còn hình ảnh thiêng liêng của NGƯỜI nữa.
Chữ Văn Minh của tiếng Việt mới đã
mất rồi nghĩa TÌNH THÂM.
Đồng tiền mới không còn thấy được
hình ảnh VUÔNG TRÒN.
Bàn thờ Tổ Tiên mới giờ cũng quên
rồi hồn thiêng NON NƯỚC...
NGƯỜI ƠI !
Những NGƯỜI muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)
Nhớ có lần đến một ngôi chùa Việt
Nam trên một vùng núi đồi ở Tiểu Bang California, mình được một Ni Cô tặng cho
bức hình của Đức Quan Thế Âm cỡi Rồng. Linh Ảnh Quán Thế Âm Cỡi Rồng thật sống
động và linh diệu tuyệt vời. Hồn Thiêng Sông Núi Tiên Rồng là đây rồi. Mình như
bất chợt thể nhập vào cảnh giới u linh của Huyền Sử Tiên Rồng. Hồn thiêng sông
núi dường như vẫn còn hiển linh phảng phất đâu đây.
Quán Thế Âm là Hiện Thân của Tình
Thương Yêu Thiêng Liêng, là Mẹ Tiên ngàn đời của Hồn Sử Việt. Mẹ đã trở về với
Ngọc Tịnh Bình và nhành Dương Liểu trên tay. Giếng Ngọc Mỵ Châu đã chuyển hóa
thành Ngọc Tịnh Bình. Lòng ăn năn sám hối của hồn Trọng Thủy đã biến nước giếng
thành Cam lồ cải tử hoàn sanh. Rồng, hiện thân
của Lý, giờ bao trùm cả Khoa học Kỹ thuật. Cha LÝ đang chở Mẹ TÌNH bay khắp quê
hương rảy nước Cam lồ làm bừng nở TÌNH NGƯỜI,
NGHĨA SỐNG chăng? Linh Ảnh sáng ngời hiển hiện ước mơ hàm dưỡng ngàn năm. Linh
Ảnh dự báo mùa Xuân ấm áp trở về mà củ Thủy Tiên đợi chờ đang nằm mơ trong lòng
đất lạnh.
HÀM DƯỠNG NHÂN LUÂN MINH TUẤN ĐỨC
HOẰNG KHAI KHOA HỌC TÁC TÂN DÂN
Chợt thấy lòng mình cảm xúc rưng
rưng, thương nhớ vô bờ.
“Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai.....”
( Quang
Dũng).