24/07/2015

                              TRƯỜNG XƯA …THƯƠNG NHỚ
                                                                                          HUỲNH TẤN KIM KHÁNH
            (Tiếp theo)  
                                                              
           3. Một lễ phát thưởng còn nhớ mãi
Được tin anh Huỳnh Phú Hiệp sẽ đổi về quê nhà Thủ Thừa, Tân An, anh em giáo sư trẻ chúng tôi liên tiếp hội họp để bầu chọn người thay thế chức vụ hiệu trưởng. Phải là một nhân vật có hoài bão giáo dục, toàn tâm toàn ý lo cho học trò, gần gũi đồng nghiệp, được anh em tín nhiệm và tạo được sự đồng thuận trong hội đồng nhà trường . Đặc biệt, đây phải là người thầy được toàn thể học sinh quý yêu, kính trọng. Sau nhiều lần bàn bạc, anh em đề cử Trần Kim Quế. Anh từ chối: “Mình không phải người gốc Bến Tre…” Nguyễn Văn On hăng hái nói: “ Chúng ta đồng tâm hiệp lực lo cho con em tỉnh nhà. Quế, Diêu hay On này làm hiệu trưởng đều được nhưng thật lòng mà nói, người được học sinh ca ngợi, được phụ huynh tín nhiệm là Quế. Còn tôi … thì không nên. Vì năm ngoái có đánh bài chơi, bị cảnh sát phát hiện. Làm hiệu trưởng là gánh trọng trách, sẽ gặp nhiều trở lực, phải vượt qua những khó khăn – nhất là trong lúc này,  áp lực tỉnh khá nặng, giới quân sự đang nắm quyền…”


Nhiều lần thuyết phục, anh Quế nhận lời. Ngay lập tức, hầu hết anh chị em đồng ký tên đề cử. Xưa nay, chức danh hiệu trưởng một trường trung học phải do giám đốc Nha Trung học, Bộ Giáo dục xét duyệt và phân bổ. Cho nên, đây là một trường hợp đặc biệt. Cuối cùng chúng tôi thật vui khi anh Quế được bổ dụng hiệu trưởng trường Trung học Kiến Hòa.
Sau một thời gian làm việc, anh chị em nhận thấy anh Quế có nhiều phẩm chất đáng quý: ý thức trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, rất mực thương yêu học sinh, quý trọng đồng nghiệp, phân công hợp lý, giao việc đúng người và luôn đạt hiệu quả. Chẳng hạn anh Phan Hữu Nghĩa làm Phụ tá giám học, Tổng giám thị học sinh nữ là chị Nguyễn Thị Lan, sau nay anh Huỳnh Thành Công được giao phụ trách các lớp bán công đêm, anh Nguyễn Hữu Khiêm hiệu trưởng trường Phan Tôn, như một phân hiệu của Trung học Kiến Hòa…
 Nhà trường như mang luồng gió mới, đầy sinh khí. Bên cạnh hoạt động chính là giảng dạy, sinh hoạt hiệu đoàn thật khởi sắc, có tác động giáo dục tập thể, giúp các em  tích cực tham gia đời sống thực tế và dần dần phát huy năng lực cá nhân.
Cuối năm học 1966 -1967, mọi quan tâm của chính quyền tỉnh và phụ huynh học sinh đều tập trung vào kết quả giảng dạy. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự cố gắng không ngừng của mọi thành viên trong hội đồng giáo dục, nhà trường đã đạt những kết quả giảng dạy thật đáng khích lệ. Một lễ tổng kết năm học và phát thưởng học sinh được chuẩn bị chu đáo và tổ chức thật long trọng. Tôi được giao soạn và đọc bài diễn văn trong lễ phát thưởng này.
Buổi lễ bắt đầu lúc 7 giờ 30 sáng ngày 2 - 6 -1967 tại rạp Lạc Thành, trung tâm thị xã Bến Tre. Sức chứa rạp hát rất lớn, sân khấu thật rộng, được trang hoàng rực rỡ, thân hào nhân sĩ, ông tôi cũng được mời, áo dài khăn đen, ngồi cạnh trung tá tỉnh trưởng, tiếp theo là các quan chức của tỉnh và đại diện phụ huynh học sinh nhà trường. Hội trường đông nghẹt học sinh được khen thưởng- ngồi ở mười mấy hàng ghế sau. Sau lễ chào cờ, hiệu trưởng đọc lời cảm ơn tất cả quan chức,cơ quan đã giúp nhà trường hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Sau lời giới thiệu, tôi bước lên sân khấu. Lượng thính giả đầy ắp gợi một cảm giác vừa mơ hồ, vừa rõ nét. Đây không là lớp học với khoảng 50 học sinh hàng ngày mà số cử tọa đông gấp mười lần, không phải đối tượng mình truyền đạt tri thức mà là những người có chức có quyền, những bậc chú bác đáng kính trọng. Thầm xác định lần nữa nhiệm vụ thay mặt hội động nhà trường, trong tâm thế của người trí thức vận hội mới trong lãnh vực giáo dục, tôi bắt đầu trình bày, khi thuyết minh nội dung, lúc  như bày giãi tâm tình.
Trong nửa phần đầu, tôi thưa chuyện với người lớn:
“… Đứng vào sinh hoạt chung của quốc gia, dù được xem là cần thiết sau những ngành khác, chúng tôi cũng mạo muội nói lên vài cảm nhận. Mục đích chủ yếu của giáo dục là đào tạo những công dân tốt, hữu ích cho quốc gia. Nhưng giáo dục không chỉ nhằm đem lại một mớ tri thức cho thanh thiếu niên. Tổng số những kiến thức dù phong phú, súc tích đến đâu cũng trở thành vô giá trị nếu chúng bị làm dùng phương tiện thực hiện những việc trái với lẽ phải và đạo đức. Sự đổ vỡ của khoa học khi không có sự soi sáng của lương tâm không chỉ là một lời xác nhận của cổ  nhân, mà chính là một thực tại ngày càng hiện dần trong thế giới hiện tại.
“Do đó chúng tôi, những người mang trên vai sứ mạng giáo dục thanh thiếu niên, sẽ cảm thấy thiếu sót, không nói là bị xâu xé bởi một mặc cảm phạm tội nếu chỉ đem lại cho những người tuổi trẻ ấy một số kiến thức chung chung. Cần đào luyện cho học sinh ý thức đạo đức, tình cảm tốt đẹp và tinh thần trách nhiệm để có thể đảm trách nhiệm vụ của lớp người đi trước.
“Chúng tôi chấp nhận rằng sự nhầm lẫn khoa học và đạo đức là một sai lầm trong quá khứ mà nhiều người đã phạm phải nhưng cho rằng đạo đức và khoa học là trái ngược nhau, lại đưa ta đến chỗ cực đoan. Do đó, điều tất yếu đầu tiên để người tuổi trẻ ý thức trọn vẹn trách nhiệm, biết đem tri thức khoa học vận dụng vào đời sống là ý thức đạo đức và tình cảm. Chính ý thức đạo đức theo dõi, kiểm soát, thúc đẩy hành động con người đến cứu cánh thiện. Ý thức đạo đức là nguồn gốc của chế tài tinh thần. Sự có mặt của nó rất cần thiết. Còn việc hình thành và phát triển tình cảm tốt lại giữ một vai trò quan trọng. Thanh thiếu niên sẽ có được tình cảm cao đẹp như tình gia đình, tình yêu nhân dân và lòng yêu nước.
“Bên cạnh đó, chúng tôi còn rèn luyện thanh thiếu niên một tinh thần trách nhiệm để làm hành trang cho cuộc sống. Tinh thần trách nhiệm ở đây cần sáng suốt, thành thật. Sự sáng suốt giúp cho họ biết rõ hoàn cảnh sống, biết năng lực, ưu điểm khuyết điểm của bản thân để thực hiện trách nhiệm mong muốn.  Thành thật chính là tận tụy với nhiệm vụ, chung thủy với lý tưởng. Hơn nữa, sự thành thật trong khi thực hiện nhiệm vụ làm cho người trách nhiệm trở thành người có tinh thần trách nhiệm.
“Chúng tôi nghĩ rằng những nhiệm vụ giáo dục nặng nề đó là những trái chín mà không phải giơ tay là hái được. Nó đòi hỏi sự luyện tập bền bỉ dành cho lớp thanh thiếu niên hằng ngày cắp sách đến trường hôm nay. Xin thành thật thưa rằng chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ giáo dục theo ý nghĩa trên, nếu không có sự hợp lực của toàn thể phụ huynh học sinh, của mọi lớp người trưởng thành trong xã hội, nhất là của quý vị. Những ưu tư đó, xin quý vị chia sẻ với chúng tôi.”

Trong nửa phần sau bài diễn văn, tôi nhắn nhủ các em học sinh:
“Trước hết, thầy thay mặt các thầy cô chia sẻ niềm vui với các em. Một năm học dài trong chuyên cần học tập, tiến bộ về đạo đức đã đem đến cho các em một kết quả rực rỡ. Lát nữa đây, các em sẽ nhận được những phần thưởng do quý quan khách hoặc các thầy cô trao tặng. Giá trị tinh thần của những phần thưởng ấy sẽ khuyến khích các em trên bước đường học tập. Mọi người đã từng lo lắng mọi việc cho các em, hôm nay rất sung sướng thấy các em xứng đáng là những học sinh ưu tú về học tập, đạo đức mà bất cứ học sinh nào cũng có ý hướng tiến tới.
“Hơn nữa, từ một năm nay, các em luôn được khuyên bảo cố gắng học hành, được nhắc nhở tinh thần kỷ luật tự giác và các em cũng đã tham dự trực tiếp, đầy đủ vào những sinh hoạt của nhà trường. Những hình ảnh cảm động làm mọi người nhớ mãi là hình ảnh một học sinh ngồi hàng giờ dưới ánh đèn để giải một đề toán, làm một bài văn, hình ảnh một em bước nhanh đến trường đúng giờ dù ướt sũng trong cơn mưa giông, hình ảnh một học sinh cố đến mức thắng cuối cùng trong một cuộc tranh giải mang lại vinh dự cho nhà trường. Những hình ảnh đó, cộng với nhiều hình ảnh khác đã thể hiện quyết tâm học tập, tinh thần kỷ luật, niềm hãnh diện khi mang lại màu cờ chiến thắng cho nhà trường và sau này, cho xứ sở.
“Chắc các em cũng từng nghe: “Số phận của một dân tộc không phải do sự định đoạt ở chiến trường mà chính là trên ghế nhà trường.” Trên ghế nhà trường, chỉ có các em. Chính các em sẽ nắm số phận dân tộc. Đây không phải là lời ca tụng quá đáng đâu mà là một sự thật mà các em cần nhận thức rõ và ngay từ bây giờ, cố gắng trau dồi tri thức, phát triển đạo đức và tình cảm, tinh thần trách nhiệm để trong tương lai, các em sẽ hành động. Nhà trường hôm nay cung cấp mọi kiến thức cho các em. Lịch sử, địa lý mở rộng trí tuệ, cho các em tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước. Văn chương hình thành những tình cảm cao đẹp nhất của con người giữa nhân loại. Khoa học toán và khoa học thực nghiệm rèn luyện sự thành thật, tính kiên nhẫn, óc quan sát, phê bình. Thể thao và thể dục đào thãi sự yếu đuối, thói lười biếng. Sinh hoạt học đường là một sinh hoạt xã hội thu nhỏ, trong đó các em có dịp thảo luận, nhận lãnh trách nhiệm cá nhân giữa tập thể, chuẩn bị những nhiệm vụ to tát hơn khi các em trưởng thành…”
Tôi trích lại gần như nguyên văn, các bạn có thể hình dung một bài phát biểu cuối năm trong dịp phát thưởng học sinh cách nay nửa thế kỷ: một chút sách vở nhưng thật chân tình.
Tiếp theo là những đợt phát thưởng xen kẽ các màn trình diễn văn nghệ học sinh. Sau mỗi lần xướng danh, từng em lần lượt bước lên sân khấu. Có em rạng rỡ nét mặt, có em ngỡ ngàng nhìn xuống đám đông, lo lắng… làm mọi người vừa thú vị, vừa thương yêu. Phần thưởng danh dự toàn trường gồm một chồng từ điển và sách vở cao nghệu. Từng hồi vỗ tay vang dội. Cảm động hơn là cô giáo xướng danh có khi phải phụ bưng bê phần thưởng quá nặng cho một em học trò nhỏ thó. Những màn đơn ca, tốp ca, múa hát rộn rã vang lên, đặc biệt là đại hợp xướng trường ca “Quang Trung” do anh Lê Văn Hậu và hơn 40 em tập luyện công phu từ tuần lễ trước: bốn hàng nam nữ học sinh dàn ngang sân khấu, từ thấp đến cao, thật huy hoàng dưới ánh đèn rực rỡ. Hợp xướng rền vang, khi trầm hùng lúc cao vút, minh họa cuộc tiến quân thần tốc của Quang Trung hoàng đế trong chiến dịch Đống Đa, quét sạch hơn hai mươi vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi… có lẽ  làm rung động con tim mọi người. Phải chăng thầy trò chúng tôi đã góp phần nâng cao tinh thần dân tộc, nung nấu lòng yêu nước, đọc được qua những ánh mắt long lanh, bao gương mặt rạng ngời của từng từng lớp lớp thanh thiếu niên đang ngồi dưới kia, trong dịp lễ năm ấy ?
Cuối buổi lễ, một phụ huynh học sinh nhận xét: “ Khá lắm, một hiệu trưởng mới, một tập thể giáo sư trẻ, một năm giảng dạy đạt thành quả tốt đẹp thế này, tương lai trường ta đáng mừng xiết bao!” Lời nói làm tôi xúc động vô vàn, dường như hơn những tràng vỗ tay vang dội hội trường.

                                                                                                                (Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment