15/07/2015

   Khởi đăng hồi ký của thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh.

TRƯỜNG XƯA… THƯƠNG NHỚ
HUỲNH TẤN KIM KHÁNH
Mấy đoản văn này không gọi là hồi ký, thể loại văn học vốn mang tính nghệ thuật, đậm chất văn chương. Chỉ là kể chuyện quá khứ, những hồi tưởng trong tám năm (1965-1973), gần nửa thế kỷ qua. Tất cả thoạt ẩn trong lớp sương mờ của tuổi đời đã luống, thoạt hiện trong niềm vui bạn bè, thầy trò ở những lần họp mặt, mấy buổi về thăm lại trường xưa. Ngại ngần khi cầm bút vì nghĩ có gì đáng nói đâu. Nhưng tất cả như chơi vơi, bềnh bồng trong không gian kỷ niệm, chẳng quay quắt tâm hồn nhưng không hề nhạt nhòa trong ký ức. Phải giãi bày, dù có chuyện nhớ có điều quên, có việc đúng có việc không đúng, cũng có tâm sự giấu chặt trong tim. Bạn có thể bận trí, phiền lòng…. Xin hãy cảm thông.


1.Về trường
Giữa năm 1965, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn. Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Tổng ủy viên Văn hóa - Xã hội kiêm Ủy viên Giáo dục ký sự vụ lệnh 1186 – GD/NV/2A/SVL ngày 10-8-1965: “Nay tạm thời bổ dụng giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 4, chỉ số 470, 229 sinh viên có tên sau đây tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, Đà Lạt khóa  I – 1965:… Lê Văn Hoàng, Huỳnh Tấn Kim Khánh (ban Việt Hán), Dương Văn Hai (ban Sử Địa), Lê Văn Trinh, Phạm Tấn Phước (ban Toán), Nguyễn Kim Hoàn (ban Lý Hóa)…” Tiếp theo là một số quy định về tình trạng quân dịch, lương bổng, thâm niên công vụ và việc phân bổ nhiệm sở.
Trong sáu anh em, Phạm Tấn Phước gốc ở Nha Trang, năm người còn lại có quê Bến Tre; Nguyễn Kim Hoàn sinh năm 1940, còn lại đều sinh năm 1942. Hai bạn Dương Văn Hai và Phạm Tấn Phước đã mất từ mười mấy năm rồi.
Vào 7 giờ 30 sáng ngày 22 - 9 -1965, tất cả sinh viên tốt nghiệp có mặt tại văn phòng Viện Đại học Sài Gòn (Hồ Con Rùa) để chọn nhiệm sở theo thứ hạng tốt nghiệp, sinh viên mỗi ban được gọi lên chọn tỉnh thành mình sẽ dạy. Sự vụ lệnh phân công được ký và trao cho sinh viên ngay lúc đó. Cầm văn bản này trên tay, tôi thật xúc động. Đây là một loại giấy chứng nhận vào đời, với nghề nghiệp được xã hội tôn trọng, có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi tương xứng và sẽ có  tiền bạc phụ giúp những người thân  yêu sau mười sáu năm cố gắng học hành, thi cử. Tôi nghĩ ngợi: “… Dù ước vọng tuổi trẻ vỏ vàng ít nhiều hôm nay, chúng ta vẫn đi tìm một màu xanh hy vọng…”. “Ước vọng tuổi trẻ vỏ vàng ít nhiều…” vì vào khoảng 1965, chiến tranh dần trở nên ác liệt, khói lửa đạn bom đang phủ mờ bầu trời quê hương. Sau này, ý nghĩ trên hình thành mấy dòng mở đầu Giai phẩm mùa Xuân Trung học Kiến Hòa Canh Tuất 1970.  Đó là chuyện của năm năm sau.
  Rời văn phòng Viện Đại học, Lê Văn Hoàng và tôi đón xe đi ngay về thị xã Bến Tre, trình diện hiệu trưởng Trung học Kiến Hòa lúc đó là anh Huỳnh Phú Hiệp. Trưa hôm ấy, tôi cố nán lại nhìn ngắm toàn cảnh ngôi trường. Mấy dãy lớp học, từng cây trồng, hàng rào bên trái và  mặt sau tiếp giáp đường phố, bên phải liền  kề trường tiểu học tỉnh. Trước cổng trường, mặt hồ Chung Thủy xanh trong, thoảng làn gió nhẹ. Mình sẽ làm việc tại nơi này thật lâu… có khi suốt cả cuộc đời, tôi nghĩ. Tất cả in đậm trong vô vàn kỷ niệm về ngôi trường yêu dấu này suốt năm mươi năm dài.
Xin nói thêm, khoảng năm 1950-1951, cạnh hồ Chung Thủy là khu sở thú và có một hội chợ triển lãm do tỉnh trưởng Bến Tre là Leroy tổ chức. Khi tôi về , bờ hồ đối diện Trung học Kiến Hòa là trường Đại Đồng của người Hoa, rồi một nhà hàng nhìn thẳng ra nhà thủy tạ giữa hồ, tiếp đó là khu cư xá công chức, có nhà của anh chị Lê Văn Trọng - Nguyễn Thị Lan, anh Lê Văn Trinh, anh Trương Thành Nghĩa,, chị Trần Thị Ất… và nhà người bác của tôi cho anh chị Phan Hồng Lạc – Lê Thị Lư thuê, thỉnh thoảng tôi có đến thu tiền nhà. Chị Lư dạy sử địa tại trường năm trước, năm sau anh Lạc về dạy Quốc Văn, anh cũng tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ban Việt Hán trước tôi vài khóa…



                                                                                                                      (Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment