06/09/2013

Từ hạt giống đến bàn ăn

            Phan Lữ Hoàng Hà

            Chị Ino Mayu là người bạn mới quen với tôi. Đi nhậu chơi, khi thì chúng tôi trả tiền, khi thì chị. Chị không “mặn” thức ăn có bỏ bột ngọt nhưng ngồi với chúng tôi, chị…làm luôn. Chị là người Nhật, gốc Tokyo nhưng rất rành rẽ về vùng đất mặn – ngọt của Bến Tre. Chị nói chuyện và hiểu biết về Bến Tre như một người đã sống lâu năm tại đây.

Hạt giống nhỏ nhoi…
            Mới nghe qua dự án “Cải thiện sinh kế của hộ nghèo” cứ nghĩ nó cũng giống như bao dự án khác, nhưng tìm hiểu kỹ, kết quả thật bất ngờ. Dự án chỉ cho mỗi hộ vay chừng 300.000 đồng, ấy vậy mà mỗi đợt xoay vòng khoảng 3 tháng, nông dân có lãi 3- 4 triệu đồng.
Chị Ino Mayu, trưởng đại diện dự án Seed to Table (Cải thiện sinh kế của hộ nghèo), nói tiếng Việt lưu loát:“Các anh nên gọi dự án này là từ hạt giống đến bàn ăn cho gần gũi, sát sườn với mục đích của dự án”.
            Cách đây một năm, qua khảo sát cho thấy nhiều vùng nông thôn tại huyện biển Bình Đại (Bến Tre) có nhiều hộ nghèo không có đất, khó khăn về nước sinh hoạt để sản xuất trong mùa nắng, nguồn tài nguyên thiên nhiên lại bị ô nhiễm, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng tăng, rất nhiều người dân đi làm thuê, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Vì vậy, tổ chức Seed to Table đã chọn 5 xã của Bình Đại: Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc, Phú Long, Châu Hưng và Long Hòa làm thí điểm thực hiện dự án hầu giảm nhu cầu làm thuê của người dân trong lúc chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Dự án này do Bộ Ngoại Giao Nhật Bản tài trợ 45.000 USD cho 569 hộ nuôi vịt tại 5 xã trên. Chính yếu của dự án là góp phần nâng cao kiến thức của người dân trong làm ăn, tạo công ăn việc làm tại nhà, giảm chi phí sinh hoạt. Tóm lại, đây là cách bảo đảm cải thiện thêm thu nhập của các hộ nghèo bằng cách áp dụng các phương thức canh tác bền vững.

Chị Ino Mayu (phải) và nông dân Đặng Thị Tốt

            Tôi và chị Ino Mayu đến hộ chị Phan Thị Mai (ấp Tân An, Thạnh Phước). Chi Mai cho biết đợt đầu chị mua 25 con vịt nhỏ, mỗi con 12.000 đồng. Đây là số tiền từ dự án cho vay giúp gia đình chị. Sau đợt đầu nuôi vịt (3 tháng) dù trong thời gian đó trời mưa bão, thời tiết khó khăn nhưng hộ chị vẫn có lãi trên 3 triệu đồng. Hai đợt tiếp theo, chị cũng có lãi như vậy. Chồng chị Mai tiếp lời: “ Từ tiền của dự án, tôi đầu tư mua thêm 4 cống hồ để chứa nước ngọt, trồng rau trong mùa khô. Hiện nay, mỗi ngày gia đình tôi kiếm thêm 40- 50.000 đồng từ tiền bán rau sống”.
            Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (ấp Tân Hưng, Châu Hưng) cho biết đợt đầu chị nhận nuôi 25 vịt con, nuôi tới lớn, không chết con nào. Chị nuôi vịt phần nhiều cho vịt ăn từ trùn quế do dự án tập huấn cách nuôi. Trùn quế sinh sôi nhiều, chị có thể đem bán trùn cho người khác kiếm thêm thu nhập. Hộ của bà Đặng Thi Tốt ( xã Đại Hòa Lộc) cũng có thu nhập từ nuôi vịt hộ gia đình với mức tròm trèm như trên…
            Khác với nuôi vịt loanh quang trong nhà, chúng tôi tìm đến hộ anh Nguyễn Hồng Phúc ( xã Châu Hưng), anh nuôi vịt thả trên đồng ruộng. Anh Phúc tỏ rõ niềm vui: “Nuôi vịt kiểu này, qui mô lớn hơn. Cứ một công đất ruộng lúa (1000 m2) tôi được nhận 25 vịt con. Tôi nhận gần 100 con, nuôi tới lớn còn 80 con – anh cười nhẹ - ở nhà có ăn vài con. Bán hết 80 con đó được trên 5 triệu đồng”. Anh Phúc nhận định thêm: “Tỷ lệ vịt chết trong canh tác lúa – vịt thấp, không thay đổi qua các đợt nuôi. Nhiều hộ không bán vịt nhưng vẫn có lời vì năng suất lúa tăng, chi phí sản xuất giảm. Đa số các hộ trồng lúa không sử dụng hoặc ít sử dụng thuốc trừ sâu. Việc này góp phần bảo vệ môi trường địa phương.”
            Phương pháp “vun trồng”
            Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Bến Tre Phan Văn Khổng (đơn vị đối tác) hồ hởi kể về cách thức Seed to Table thực hiện dự án. Ban đầu, sau khi khảo sát, dự án xúc tiến thành lập Ban cộng đồng tại các xã, kêu gọi bà con tự nguyện tham gia dự án, xây dựng ngân hàng chăn nuôi vịt tại các Ban cộng đồng để quay vòng vốn bền vững. Mời các hộ nghèo tham gia tập huấn để rõ thêm dự án…Ông Khổng nói: “Chị  Ino Mayu rất năng động, sâu sát. Với bà con trong dự án “chị cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Điều này ngành khuyến nông nói chung ở ta rất muốn làm nhưng còn nhiều mặt hạn chế ví như nhân sự”.
            Các hoạt động và phương pháp đánh giá của dự án càng làm chúng ta chú ý, cần học hỏi. Về phương pháp đánh giá như về nguồn thông tin chẳng hạn. Dự án lấy phiếu đánh giá các lớp tập huấn, phiếu đánh giá theo đợt, phiếu đánh giá cuối cùng, biên soạn họp hàng tháng từ Ban cộng đồng, có người giám sát hoạt động, tổng hợp thông tin và phân tích theo tiêu chí của dự án…Đặc biệt khi “ươm giống”, dự án bắt buộc các hộ sản xuất lập sổ ghi chép và ghi chép quá trình sản xuất của mình, ví như vì sao nuôi trùn quế cho vịt ăn lại bị chết, có phải nông dân cho trùn “ăn’ nước mặn hay thiếu phân bò. Hoặc vịt lâu lớn, giống không đều, phải mua thêm thức ăn nhưng hộ sản xuất thiếu vốn ?...
            Chi Ino Mayu nói: “Triển khai dự án với quy mô và tốc độ vừa nên khó theo dõi, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Cần có thời gian để Ban cộng đồng thêm kinh nghiệm triển khai hoạt động và quản lý ngân hàng vịt – Chị INO Mayu cho biết kế hoạch giai đoạn tiếp theo – Động viên những hộ sản xuất có hiệu quả và các xã quản lý hoạt động tốt để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Động viên bà con thành lập nhóm, câu lạc bộ để tăng cường chia sẻ thông tin về thị trường và kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Dự án sẽ cung cấp vốn để Ban cộng đồng xây dựng ngân hàng bò. Theo đó, một con bò giống, dự án sẽ hỗ trợ 80% vốn còn 20% thuộc nông dân. Khi bò sinh sản, bê con lần lượt chuyển giao cho người khác nuôi. Góp gió thành bão mà…”- Chị Ino Mayu nói.

Ông Sato Kakuro tặng quà cho các nông dân trong dự án.


            Ông Sato Kakuro, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng đến thăm các nông dân trong dự án. Ông nói, ông đã nhiều lần xem báo cáo của tổ chức Seed to Table. Qua một năm triển khai, dự án có mặt thuận lợi và khiếm khuyết. Từ những việc làm cụ thể, sâu sát, dự án sẽ dễ điều chỉnh. Tôi ủng hộ việc mở ra ngân hàng bò cho Ban cộng đồng”, ông Sato Kakuro nói.

No comments:

Post a Comment