14/07/2013

Đám giỗ nhà quê
            Phan Lữ Hoàng Hà

            Miếng giồng cát phía trước nhà bà tôi có trồng nhiều cây mãng cầu ta. Mãng cầu ta có hai loại là mãng cầu bở và mãng cầu dai. Trên một giồng cát, mãng cầu dai thường có ít hơn mãng cầu bở nên khi hái trái đem chợ bán, mãng cầu dai có giá hơn. Điều ngộ nghĩnh của cây mãng cầu là lúc trời nắng như đổ lửa, mọi thứ cây khác đều héo úa, xơ xác thì vào khoảng tháng 3 âm lịch, cây mãng cầu thay lá xanh um, thời điểm báo hiệu mùa mưa sắp đến. Khi trời sa mưa, cây mãng cầu lần lượt trổ bông thật sung rồi kết trái, kéo dài cho đến gần Tết Nguyên đán. Mãng cầu ta lúc này là loại trái cây tương đối sang vì ngoài chợ đâu có nhiều loại trái cây Tây Tàu như bây giờ.


            Đi thăm trái rồi hái trái mãng cầu thuộc kinh nghiệm dân gian. Thường thăm vào buổi sáng hoặc buổi chiều, tức có khoảng cách thời gian mới thăm một lần. Đến một gốc mãng cầu, nhìn lên, thấy trái nào nở gai to, ta đưa cây sào lên trái và gõ vào đó vài cái. Cứ nghe bịch, bịch, có cảm giác trái hơi mềm, là trái sắp chín còn nghe cưng, cưng, tức  trái còn cứng thì để thêm vài ngày nữa. Lúc đến hàng mãng cầu giáp ranh đất với người hàng xóm, thấy có hai bụi bông điệp, một bụi bông điệp đỏ và một bụi bông điệp vàng, mọc vượt cao trên đám cỏ um tùm, sóng sượt, tôi hỏi bà tôi: “Mấy cây bông điệp này mọc hoang hay hồi trước bà trồng?”. Bà tôi nói do bà trồng, để dành, vì trong năm ở nhà có nhiều đám giỗ. Mà không phải đến dịp đám giỗ mới bẻ bông điệp chưng bàn thờ, những rằm lớn trong năm, tôi vẫn thấy bà tôi chưng bông điệp lẫn bông trang đỏ trên bàn thờ Phật và ba bàn thờ tổ tiên, ông bà ở phía dưới. Mùi nhang và mùi hương bông điệp thoang thoảng suốt ngày, nhất là vào ban đêm. Còn mãng cầu ta chưng trên bàn thờ là thứ trái cây đặc sản.
            Đám giỗ là dịp con cháu tựu về. Tôi thích nhất là có đám giỗ lúc trời vừa mưa vài đám, đất, cỏ còn bốc mùi ngai ngái cùng tiếng côn trùng tranh nhau cất tiếng về đêm. Lại có tiếng dế mèn thao thức trong đêm khuya khoắt. Tiếng con vạc sành réo rắt bên vạc gài (nẹp tre đươn lại, kết thành một miếng vách) hồi đầu hôm.
            Đám giỗ diễn ra trong thời điểm này cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Buổi sáng, mấy đứa nhỏ tụi tôi đi bẻ bông điệp, bông trang ở ngoài giồng đem vô cho người lớn chuẩn bị chưng bông vào lục bình. Nơi bàn thờ giữa là một lục bình lớn, hai bàn thờ hai bên là hai lục bình nhỏ hơn nhưng bằng nhau. Sau đó, tụi tôi theo người lớn, chia nhau đi mượn bàn ghế. Trưa ăn bánh ít do bà tôi gói nóng hổi, còn bốc khói. Lúc chiều chiều ông tôi chuẩn bị dầu lửa, Alcol rồi đốt thử cái đèn măng sông. Thoát ra từ ánh sáng đèn măng sông còn tỏa ra làn khói đen là tiếng kêu khè khè, ban đầu dồn dập rồi lần lần ánh sáng như ngả màu xanh, trong veo trong vắt. Dù đốt thử nhưng chúng tôi tặc lưỡi xuýt xoa vì trong năm ngày tư ngày tết ông tôi mới đốt đèn măng sông một lần. Khi trời chạng vạng tối, chúng tôi lấy cứt bò cứt trâu khô…un bù rầy. Khi khói un bốc lên, mùi bay xa, đám bù rầy lần lượt lao đến, xòe xòe sà cánh xuống gần khói un. Người lớn thì dùng chà cây trăm bầu huơ bù rầy, đám nhỏ tụi tôi dùng chổi tàu cau nhưng huơ cũng ít khi trúng chúng, có lẽ vì chổi thấp hơn. Đêm đến, nơi hàng ba, chúng tôi chia nhau làm hai phe, lấy ghế đẩu chất cao làm đồn phòng thủ. Bên này bắn qua bên kia bằng dây thun với bì giấy chứ không dám nghĩ tới bắn bì bằng bì u du hay cốc kèn vì hồi nhỏ nghe mấy anh tuổi lớn hù: u du mà ngăm vào nước đái, bắn trúng vào da là…thúi thịt!


            Nhưng ấn tượng nhất là khi đi mượn bàn ghế vòng vòng trong xóm. Đến một ngôi nhà nào đó, cứ nói: “ Tôi là cháu của ông Năm…ngày mai ở nhà có đám giỗ…” thì chủ nhà vui vẻ cho mượn ngay dù hầu hết mọi nhà đều chỉ có một cái bàn tròn và dăm ba chiếc ghế đẩu để ăn cơm. Rất nhanh, cứ lật ngược bàn, ghế lên rồi ghi tên hay đánh dấu bằng phấn trắng, xỏ xâu ghế vào cây tre hoặc vác chồng lên nhau năm, bảy chiếc ghế khiêng về. Cũng giống như tại nhà ông bà tôi, sau khi cho nhà khác mượn bàn ghế xong, vài buổi cơm sau đó người nhà phải dọn ra ăn cơm trên bộ ván hoặc xúc một tô ra phía trước nhà ngồi ăn nhưng không buồn bực gì. Hồi đó đâu có dịch vụ cho mướn bàn, ghế như bây giờ…
            Lúc này, nước đá rất hiếm, thường không mua được. Muốn mua nước đá phải đi xa cả cây số, phải mua từ một góc tư trở lên, nước đá vùi trong trấu và quấn thêm bên ngoài miếng lá chuối nhưng đem về đến nhà thì nước đá tan nhiều.
Những lão nông đi đám giỗ khá sớm, các ông thường mặc áo bà ba trắng, chỉ vài người mặc áo dài đen. Người ta nói những ông mặc áo dài đen là đang có chức sắc trong đình, miễu. Những ông đó đến đám giỗ thường xách theo cái giỏ (bằng tre trúc hoặc bằng mủ) với năm, bảy chai nước ngọt trong đó, chứ không kết này, thùng nọ như bây giờ. Nước ngọt chung qui có hai hiệu: Con Cọp và Phương Toàn (con nai). Về Con Cọp có: xá xị, nước cam, Limonade (nước màu trắng) và bạc hà (nước màu xanh). Có người mua chỉ một thứ nước ngọt là xá xị hoặc nước cam. Có người chịu khó hơn, chắc để cho thêm…sinh động, họ mua ở tiệm hai chai xá xị, hai chai nước cam, hai chai Limonade và duy nhất chỉ một chai bạc hà. Đám nhỏ tụi tôi vẫn thích nhất chai bạc hà. Tôi liên tưởng với ý muốn: “Phải chi mấy ông cụ này đem đến các chai nước ngọt hồi hôm, ta bỏ vào lu nước, chắc trưa lại, nó cũng hơi lạnh lạnh như có nước đá”. Rồi, nghĩ ngợi lung tung: “ Không biết ngày xưa, khi chưa có nước đá, mấy ông vua dự yến tiệc, nhắp nhiều rượu rồi sẽ giải nhiệt bằng thứ nước giải khát gì? Nước đá giải nhiệt nhanh nhưng chưa chắc bằng…nước nhãn nhục, sâm nhung…”, tôi suy diễn tiếp. Và tại đám giỗ, chủ lực vẫn là món hủ tiếu xào với giá, hẹ. Trong đám giỗ người rất đông, ồn ào nhưng ngoài sân nhà rất rộng thoáng, chỉ thấy vài chiếc xe đạp, chắc chủ nhân của nó ở xa lắm, đến viếng người thân. Còn hiện nay, mỗi người một chiếc Honda. Nhà có tổ chức đám này đám nọ mà không có sân cho khách để xe, vất vả lắm. Và đặc biệt nhất là, ai cũng nấn níu chờ để lấy…vỏ chai vì đã thế chân ở tiệm…

            Giờ đây hoa, trái bóng loáng, rực rỡ tràn ngập ngoài chợ đã đẩy lùi những trái mãng cầu ta, những nhánh bông điệp, chiếc bàn tròn, cái ghế đẩu, chai nước ngọt thiếu nước đá… về miền quá khứ xa xăm. Bây giờ, đám giỗ xong, nhiều trái bom, trái lê còn thừa lại chừng một tháng nhưng trái vẫn tươi chong. Ghê thiệt!

Bà mẹ quê.

1 comment:

  1. Hỏi thăm Phan Lữ Hoàng Hà tí chút:
    - Tấm hình chợ Giồng Luông này chụp hồi nào vậy ta? Khoảng đầu những năm 90 phải không!?

    ReplyDelete