Nguyễn An Cư
Cứ mỗi lần nghĩ về thời học
sinh hay đi ngang bờ hồ Chung Thủy là tôi lại nhớ đến mái trường Trung học Công
lập Kiến Hòa năm mươi năm về trước. Nếu tôi là một nhà văn, có lẽ tôi viết một
cuốn sách dày vẫn chưa hết những kỷ niệm về ngôi trường thân yêu ấy. Nào là kỷ
niệm về thầy cô kính yêu, nào là kỷ niệm về bạn bè thân thiết mà cho đến bây
giờ, sắp đi hết cuộc đời, nó vẫn còn roi rói, nguyên vẹn trong tôi.
Tôi vào lớp đệ thất -đệ thất
8- Trường Trung học Công lập Kiến Hòa niên khóa 1964-1965 và đỗ tú tài toàn
phần rồi ra trường cuối năm 1971. Bảy năm trời đăng đẳng ấy, tôi học với hằng
trăm thầy cô và thân quen biết bao bè bạn. Bây giờ tôi có thể kể tên thầy cô
dạy các bộ môn ở từng cấp lớp tương đối chính xác và còn nhớ khá rõ danh sách
bạn học trong sổ điểm danh được xếp theo thứ tự A,B,C.
Năm đệ thất, đệ lục chúng tôi học trên lầu dãy
A tức dãy văn phòng. Năm đệ ngũ, đệ tứ chúng tôi học trên lầu dãy D, bây giờ
thuộc trường Trung học cơ sở Thành phố Bến Tre. Năm đệ tam, việc phân ban đã
chia lớp chúng tôi tứ tán. Tôi học lớp đệ tam B4 và học ở dãy C đối diện dãy
văn phòng. Nửa năm học 1968-1969, các cấp lớp học bậc trung học bắt đầu được
đổi lại là lớp 6 cho đến lớp 12. Lớp đệ tam B4 của chúng tôi được đổi lại là
lớp 10 B4 mà một số thầy cô và bạn bè gọi là lớp 10 bê bối vì dường như lớp
chúng tôi là lớp tệ nhất về trật tự, kỷ luật trong khối lớp 10!
Suốt bảy năm trung học, phải nói là cấp lớp 10
là cấp lớp quậy phá nhất. Lớp đệ thất, đệ lục thì mới vào trường, học sinh còn
rất ngoan ngoãn. Lên đệ ngũ đã có triệu chứng bất kham nhưng năm đệ tứ thì
thuần thục trở lại để chuẩn bị chuyển lên đệ nhị cấp vì ai học kém có thể bị
đuổi ra trường tư. Lớp 11B2 và lớp 12B2 tôi học ở dãy B, năm dưới đất, năm trên
lầu.
Ở lớp 11, 12 chuẩn bị thi tú tài, đã có ý thức
về tương lai nên đứa nào cũng học trối chết đâu còn thì giờ quậy phá. Chỉ có
lớp 10 là rảnh rỗi và là lứa tuổi nửa người lớn, nửa còn trẻ con nên chúng tôi
quậy phá tưng bừng! Dãy C là dãy trệt, phía sau là dãy nhà xe. Năm học này cô Ba Sinh làm giám
thị khối lớp 10. Tan học, thay vì đi vòng ra phía sau lấy xe, chúng tôi thường
nhảy qua cửa sổ để đi cho mau. Một bữa nọ tôi vừa nhảy ra cửa sổ đầu tiên thì
bị cô Ba phục kích sẵn nắm đầu rồi cười cười và điểm mặt tôi: Mầy chết! Tao cho
ăn quen chồn đèn mắc bẫy nghen con! Tụi bạn tôi hoảng hồn quay trở lại đi ra
bằng cửa chính. Cô Ba là người ở chùa, rất hiền lại đáng bậc cha mẹ nên nắm đầu
tôi và xưng hô mày tao với học trò rất thân thiện, nửa thật nửa đùa như thế.
Tôi thầm nghĩ: Chắc là ăn một cấm túc (*) rồi! Nhưng không! Cô Ba nắm tóc, gục
gặc đầu tôi hai ba lần và nói, lần thứ nhất tao tha nghen con. Cô bảo tôi nhảy
trở vô và đi vòng trở ra lấy xe như các bạn. Vậy mà chúng tôi có sợ đâu! Có
điều phải kỹ lưỡng hơn, mỗi lần muốn nhảy ra nhảy vào phải nhìn trước nhìn sau
thật cẩn thận. Bữa nào cũng vậy, hơn nửa lớp chúng tôi đi ra đi vào qua cửa sổ,
chỉ trừ những bạn đi bộ hoặc yếu bóng vía. Có hôm, đang giờ học, chúng tôi còn
mượn lối cửa sổ để đi vệ sinh hoặc cúp cua ra ngồi ngoài quán khi thầy cô sơ ý!
Hồi đó vào được Trường Trung học
Công lập Kiến Hòa là oai lắm chứ. Tỉ lệ một chọi một mà! Đeo cái phù hiệu
Trường Trung học Công lập Kiến Hòa ra đường oai hơn đeo phù hiệu Trường Bán
công Tân Dân hay Trường Tư thục Bồ Đề nhiều. Nhưng không hiểu tại sao chúng tôi
lại không thèm may phù hiệu vào túi áo mà chỉ lấy keo, lấy hồ dán và vừa ra
khỏi cổng trường đã mở ra. Còn tên và lớp trên phù hiệu thì không chịu thêu hẳn
hòi theo qui định của nhà trường mà chỉ viết bằng viết nguyên tử, ít ngày đã phai
mất! Có lần cô Ba Sinh vào lớp kiểm tra, cái phù hiệu của tôi sứt hồi nào tôi
không hay; thế là bị cô mời lên văn phòng, bắt... cộng sổ rồi về!
Tôi nhớ có lần thầy Hậu tập dợt
văn nghệ cho học sinh ở trong thư viện của thầy Đỗ Quang Hạnh. Lợi dụng lúc học
sinh ra vào tấp nập, tôi ‘‘chôm’’ của thầy Hạnh một quyển sách mà bây giờ tôi
còn nhớ tên là ‘‘Regard sur les romans d'Amerique’’. Tôi nghĩ ăn cắp sách đâu có
tội gì. Bây giờ sách của tôi in đầy đống, giá mà có ai ăn cắp đọc tôi còn trọng
thưởng nữa là khác.
Bảy năm học Trường Trung học Công
lập Kiến Hòa, học sinh nam nữ chúng tôi bị xếp lớp riêng và bị tách học hai
buổi riêng biệt! Thật là...’’ác ôn, vô nhân đạo’’! Bạn trai nào nhát gái như
tôi thì không làm sao quen được một cô bạn gái đừng nói chi có được một mối
tình vắt vai! Chỉ mơ thôi cũng không dám. Vui nhất là hôm nào đặc biệt có một
lớp nữ đi học trái buổi là chúng tôi chọc phá tơi bời làm ‘‘các em’’ đi cóng
giò. Ngược lại nếu chúng tôi đi học trái buổi thì bị ‘‘mấy em’’ chọc phá cũng
chẳng kém gì.
Thời chúng tôi đi học, ít có dịp
sinh hoạt tập thể. Lâu lâu, vài tháng một lần, có dịp được nghỉ vài tiết học
cuối để tập trung xuống sân trường nghe thầy hiệu trưởng Trần Kim Quế nói
chuyện thì vui đáo để. Giờ nhớ lại, thầy Trần Kim Quế trẻ mà đạo mạo làm sao
ấy, đứa nào cũng ngán và ước ao sao được như thầy, vừa tài giỏi vừa đẹp trai. Thỉnh
thoảng thấy thầy nói chuyện bằng tiếng Anh với mấy người nước ngoài chúng tôi càng
mê và quyết chí luyện thêm ngoại ngữ. Vì thế cuối năm lớp 12, rất nhiều bạn có
thể lõm bõm nói chuyện bằng tiếng Pháp với cô Bạch Điểu của mình.
Năm học lớp 11, 12 chúng tôi bắt
đầu biết mơ mộng, bắt đầu biết len lén ngắm những mái tóc dài của các nữ sinh
và có bạn đã tập tành... viết thơ tình. Có những buổi tan trường, bụng đã đói
meo, chúng tôi còn rủ nhau ngồi nán lại các băng đá quanh bờ hồ Chung Thủy để
ngắm ‘‘các em’’ đi học chiều! Phải nói chính hồ Chung Thủy đã làm cho trường
chúng tôi thơ mộng hơn. Ai đã đề xuất đặt ngôi Trường Trung học Công lập Kiến
Hòa bên bờ hồ Chung Thủy chắc cũng có tâm hồn nghệ sĩ lắm. Trong trường chúng
tôi lại có một cây si cổ thụ rợp cả sân trường cũng rất thơ mộng. Ngồi học trên
lầu cao, chúng tôi thường đưa mắt ra sân trường nhìn những rễ si lòng thòng, đong
đưa theo gió. Vào mùa si đơm hoa kết trái, không biết bao nhiêu là chim trao
trảo, chim sáo, chim cưỡng tụ tập về kêu hót liu lo càng làm cho khuôn viên
trường thơ mộng, lãng mạn.
Hình mang tính minh họa. |
Khoái nhất của học sinh là được
nghỉ đột xuất. Chỉ vài tiếng đồng hồ trống giờ hoặc về sớm mà vui hết nói! Hồi
còn học lớp 6, lớp 7 thì ra quán bi-da Kim Hồng phía sau dãy A thụt banh bàn.
Lớn một chút thì đến hồ bơi. Lên lớp 11,12 thì ngồi ngổ ngáo trong quán cà phê
Ngy hoặc Giao Châu ở góc bờ hồ nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Miên Đức
Thắng...
Trải bao năm tháng, Trường Trung
học Công lập Kiến Hòa ngày xưa đã đào tạo biết bao nhiêu người thành tài và đã
làm rạng rỡ thêm cho quê hương Xứ Dừa đúng theo tôn chỉ nhà trường: ‘‘Hàm dưỡng
nhân luân minh tuấn đức. Hoằng khai khoa học tác tân dân’’ như hai câu đối đã
khắc trước cổng trường.
Thầy cũ, trường xưa, một thời áo
trắng đong đầy kỷ niệm. Mỗi lần nhắc lại là ngùi ngùi nỗi nhớ...
(*) : Cấm túc : một
hình phạt bắt học sinh ngày chủ nhật phải vào trường để nghe giảng đạo đức và
làm những công việc lặt vặt.
Xin phép tác giả và nhóm biên tập được trao đổi ý kiến về tựa sách: Regard sur les romans Amerique. Theo tôi nghĩ, có lẽ phải viết là Regard sur les romans américains; vì liền sau chữ romans (danh từ) mà có chữ Amérique (danh từ nữa) thì không phù hợp; nên phải đổi thành américains (tính từ). Một cách viết khác: Regard sur les romans d' Amérique. Có lẽ tác giả nhớ lầm chăng?
ReplyDeleteXin cám ơn Anh (Chị) đã góp ý về tựa sách. Hơn bốn mươi năm, bây giờ chỉ nhớ man mán thôi. Chữ nghĩa (nhất là ngoại ngữ) ít dùng đã trả lại Thầy Cô hết rồi!
DeleteTác giả
Nói chơi cái này, xin thầy Cư đừng giận. Đúng là "chữ nghĩa ít dùng, trả lại thầy cô hết rồi", vì người ta thường viết "mang máng" (có phần lờ mờ, không được rõ lắm, không chính xác lắm).
ReplyDeleteLại vội vàng để sai nữa rồi! Sai thì nhận cho nhớ và cẩn trọng hơn, sao lại giận? Mới hưu trí có 5 năm, sao lẩm cẩm quá vậy ta! Xin cám ơn
ReplyDeleteTrên blog có bàn như vậy mới đã vì có sự quan tâm.
ReplyDelete...Làm tôi nhớ lại một chuyện vui, có thật. Một tờ báo nọ khi đánh máy chữ cám ơn cộng tác viên đã viết bài cho báo mình, thay vì chúc ông (bà) nhiều sức khỏe thì đánh máy...nhiều sức khẻo! Liền sau đó, báo có thư xin lỗi tác giả nhưng lại đánh máy...xin lỗi tác gải. Vậy là "trớt he" luôn lần thứ hai!
ReplyDelete