Một cảnh hưu
Võ Văn Ngọc Hoàn
Chiếu theo luật hiện hành, sau khi chị hai của tôi qua đời trong cảnh gối
chiếc, neo đơn, tôi sẽ được thừa kế 3 công vườn nhà đất hương hỏa của ông bà
cha mẹ để lại, vì tôi là em trai kế duy nhất của chị, là hàng thừa kế thứ nhứt,
tính từ đời tôi trở về sau… !
Chị tôi có để lại di chúc cho tôi từ những ngày sức lực của chị tàn tạ, khi
không còn cưỡng chống nổi căn bệnh ung thư vú hiểm nghèo, đã di căn sang nhiều
bộ phận khác… Chị tôi còn nói lời trăng trối: “Biết rằng em sẽ phải sống cảnh
hai quê với mảnh vườn đất hương hỏa này và căn nhà ở thành phố của vợ chồng
em... Nhưng biết làm sao được… Em phải về đây mà giữ gìn nó như chị đã gìn giữ
nó bằng cả cuộc đời của chị… Đừng làm chị thất vọng về em… Mà em cũng sắp sửa về
hưu rồi, ở mãi thành phố đô hội ồn ào náo nhiệt mà chi… Đừng cãi chị…”.
Tất nhiên tôi phải nghe lời chị, dù vợ con sẽ không ưng lắm cái cảnh hưu
đúng nghĩa “về vườn” của tôi… Cái lý của tôi để làm yên lòng vợ con là: “Thử
nghĩ mà xem, trong hoàn cảnh sống hiện nay, mấy ai thụ đắc được phần thừa kế lý
tưởng như gia đình mình… Bán đi thì dễ nhưng dễ gì tậu lại… Mà cảnh nhà mình bây
giờ đâu đến nỗi nào khốn khó cho cam, bán làm chi?... Sao không nghĩ đó sẽ là nơi thừa tự, thờ phụng
ông bà tổ tiên, là chốn nghỉ ngơi thanh nhàn, đắp đổi được cảnh sống thị thành vốn
dĩ chỉ làm con người mất gốc chân quê…”. Bất ngờ, con dâu tôi lên tiếng: “Con
chỉ sợ vùng quê hẻo lánh, thiếu điều kiện chạy chữa bệnh kịp thời… Mà ba đã có
tuổi và cũng chớm bệnh già rồi…”. Cuộc hội ý lại quay lại những nghi ngại ban đầu,
trước quyết định về vườn của tôi… Tôi chống chế: “Liệu có bệnh thì về đây chữa
bệnh, lo gì cho xa…”. Thằng con trai tôi nói dè chừng: “Biết vậy, nhưng bọn con
đi làm cả ngày, má ở nhà một mình không ổn…”. Vợ tôi phì cười, giải vây: “Bây
lo không ổn vì sợ bà già ô sin buồn hả? Đừng lo, cái nghiệp ô sin của má mày mắc
phải từ tấm bé, làm gì có chuyện hưu hay buồn… Mà đằng nào ba mày cũng phải về
lo sửa sang lại nhà cửa, vườn tược, mồ mả ông bà… Chừng nào không ổn thì tính
tiếp…”. Tôi cười hài lòng, cũng bởi thật ra nếu tôi về với cảnh vườn quê xưa lần
này nữa là lần thứ hai…
Lần đầu vào năm 20 tuổi, là năm hòa bình rồi, ba má tôi quyết định hồi
hương, sau hàng chục năm sống đời tản cư tạm bợ, làm ăn qua ngày ở tỉnh lỵ, chỉ
cốt cho chị em tôi được ăn học, nhưng kết quả lại đầy thất vọng: Tôi thi rớt tú
tài IBM, còn chị tôi lại đậu được một tấm tình với người bạn cũ đồng lứa, đồng liêu
từ thuở học trường làng… mà từ lâu cả hai nhà đã cùng ngụ ý âu cũng “là duyên là
nợ” thường tình…
Trong những ngày đầu hồi hương, chưa chi quan hệ hai nhà đã rất thắm
tình thông gia, từ việc đỡ đần tu sửa nhà cửa, dọn dẹp vườn tược như đám rừng
hoang, cây cao cụt ngọn, cây dại lan tràn, lổ chỗ hố bom, ổ pháo bầy hầy… Dạo
đó, chị tôi xem như đã thử làm dâu nhà bên bển, chỉ cách vườn nhà tôi một dòng
sông… Má tôi kể thật: “Nhà bển còn có mấy người thân đi bộ đội lâu rồi, nay mai
cũng hồi hương về đây…”. Tôi thật thà cảm nhận: “Vậy là càng may phước cho chị
hai…”…
Cho đến một hôm, chị tôi sang giúp bếp núc cho nhà bển đang bắt tay khai
phá mấy hố bom làm ao nuôi cá, trữ nước tưới vườn mùa hạn, tạo thêm nguồn nước xài
và ý tứ hơn nữa là chuẩn bị làm lễ cưới rình rang cho anh chị tôi để xua tan lời
dị nghị đồn lành đồn xa… Nhưng thật họa kiếp!... Một quả bom sót đã nổ, làm nát
tan thân xác cả 3 chủ nhân ông của cả một cơ nghiệp sung túc đang tượng hình… !
Chị tôi lâm cảnh gối chiếc, neo đơn từ đó… Rồi vài năm sau, ba mẹ tôi
cũng lần lượt qua đời vì bệnh tật, túng thiếu và bất lực trước thách thức của cảnh
vườn tược luôn đòi hỏi phải vun xới, bồi đắp bằng sức người và vốn liếng, chứ
không thể bằng tiếng thở dài ngao ngán… Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, tôi dàn
xếp với chị tôi “hãy cố nguôi ngoai mà sống…
lâu rồi đời mình cũng qua…”,* như câu hát thịnh hành một thời…
Từ dạo đó, tôi thu xếp hành trang trở ra tỉnh lỵ, theo đám bạn bày vẽ mua
bán mánh mung, may ra kiếm tiền nhanh chóng hơn là làm vườn… Rồi cơ may đưa đẩy
cứ đến, tôi được nhận làm chân bỏ hàng sỉ lẻ từ quê lên tỉnh ở chợ đầu mối Bình
Tây – Chợ Lớn… Và cơ duyên cũng đến, tôi lấy được vợ đồng cảnh ngộ, cũng có thân
phận mồ côi, giúp việc cho nhà chủ ở Chợ Lớn từ tấm bé… Vào khoảng năm 80, vợ tôi
sinh được con trai đầu lòng cho nên bả rất nhiệt thành hưởng ứng kế hoạch hóa
gia đình, chấp nhận triệt sản… Cùng lúc đó,
tôi được nhận vào làm hợp tác xã vận tải hàng hóa nông sản rau củ quả miền Tây,
hàng năm đều đạt thành tích lao động tiên tiến, được thăng lương theo định kỳ
và leo đến chức vụ cao nhất đã kinh qua là chủ tịch công đoàn một đơn vị cơ sở…
Tuy nhiên, cơ may cho tôi thăng tiến chức vụ cao hơn nữa đã được nhiều cuộc họp
liên tịch gác lại, vì phần xác minh lý lịch của tôi có đôi chỗ mờ nhạt, không
rõ ràng, nhứt là thời tản cư và sau đó đi làm ăn với dân buôn bán mánh mung ở
Chợ Lớn… Nhưng không sao, ở hiền gặp lành, hồ sơ hưu tôi cầm trên tay đây cho
thấy được thụ đắc đầy đủ mọi khoản, đúng chế độ chính sách nhà nước ban
hành…
Sáng sớm hôm nay, ngồi một mình uống cà phê, hút thuốc 555, nơi chiếc
bàn tròn gỗ mun gia bảo, có bộ chân quỳ chạm trổ bộ tứ linh bị sứt mẻ nham nhở,
mang vết tích chiến tranh, được kê trước bàn thờ gia tiên mà tôi vừa thắp một
nén hương đầu ngày… Tôi lan man ngẫm nghĩ, lần về vườn này là lần thứ hai, với
tư thế người thừa kế hàng thứ nhứt, vậy phải ráng mà tái lập cơ ngơi này thật
đàng hoàng, bề thế hơn xưa, ít ra là xóa đi vết tích cảnh đời cô quả của chị
tôi một thời, trong con mắt của chòm xóm chung quanh…
Tôi suy tính nhanh: Một là, sẽ xây lại ngôi nhà này theo mốt villa, hướng
ra cảnh sông đậm màu phù sa, thấy từng về lục bình hoa tim tím trôi êm đềm… để
làm cơ ngơi cho đám “con một cháu bầy” về chơi, nghỉ dưỡng là chính… Hai là, sẽ
cải tạo cảnh quan môi trường thoáng đãng hơn xưa, như một vuờn cảnh thanh lịch
tân thời, có bờ dậu rào dâm bụt biệt lập, có cổng gỗ xoan đào bện dây hoa xác
pháo, có lối đi riêng uốn quanh những bồn hoa bốn mùa, xuân mai, hạ hồng, thu
cúc, đông lan… nổi bật trên thảm cỏ nhung mượt mà… Ba là, tạo điểm nhấn trước
tiền sảnh, là một hòn non bộ có vòi nước phun, được xếp đặt bằng những tảng đá
ong lâu đời mà chị tôi bỏ lăn lóc, vất vưởng bên hè kia... Nhưng muốn tính gì
thì tính, trước hết cũng phải làm đủ thủ tục hợp thức hóa chủ quyền thừa kế sổ
đỏ cái đã… Bất giác tôi thở dài, nhấp một ngụm cà phê, hít một hơi dài điếu thuốc
555, rồi phà ra một luồng khói mịt mờ...
Ngoài ngõ chợt có người khách không mời mà đến, lon ton bước vào nhà và
chào tôi như quen thuộc lắm: “Anh là anh ba Ngọc Hoàn mới về hả?… Em là hai
Lanh, là cháu bên vợ ông ba Bận ở bên kia sông đây mà… Em đến thăm anh ba là vầy,
như em đây hồi trước vẫn hay sang giúp chị hai Ngọc Nữ, mỗi khi chị có việc cần
nhờ…”. Xưa nay, tôi vốn mù mờ và hay dị cảm quan hệ họ hàng chòm xóm, bởi tính
khí bôn ba, ưa giao du “tứ hải giai huynh đệ”, quen cảnh đời buôn bán của dân
tình xóm chợ hơn là xóm quê… Nên khi nghe nói vậy, tôi đoán hiểu ngay, bèn ra vẻ
nhận biết qua qua: “À nhớ rồi… Là chỗ thông gia hụt ngày trước phải không?”…
Rồi tôi rót trà mời và hỏi thẳng có việc gì cần bàn không… Hai Lanh ngập
ngừng nói dè chừng: “Biết anh về thừa kế mảnh vuờn nhà này nên em tính qua để hỏi
anh có cần gì thì sẵn sàng giúp một tay, như giúp cho chị hai Ngọc Nữ hồi truớc
vậy thôi… Mà này, anh ba nên làm trước mọi thủ tục giấy tờ thừa kế sổ đỏ cái
đã… Vùng này đang qui hoạch qui mô lắm, hành lang bờ sông bị thụt vô cả 100 mét
lận… Nhưng dù sao, anh cũng còn giữ được mặt tiền sông, nhứt cận thị, nhì cận
giang mà…”. Tôi ỡm ờ: “Phải rồi… Nếu vậy thì mặt tiền sông mảnh vuờn nhà này bề
ngang vẫn còn nguyên 100 mét có lẻ, bề sâu nở hậu chỉ còn lại cỡ 200 mét có lẻ…
Vậy cũng được, phần mồ mả hương hỏa vẫn còn nguyên mà…”.
Thấy tôi trầm ngâm nghĩ ngợi, không nói gì nữa… Hai Lanh nấn ná gợi chuyện:
“Hồi cả nhà anh tản cư, nửa đêm về sáng, du kích hay qua bến sông này, nghỉ
chân ở nhà anh, rồi họp hành bàn bạc gì đó trước khi tản đi… Cũng có lần lính tỉnh
càn vào tận đây nhưng không dám cắm chốt… Còn bom lạc pháo bầy dập vào vùng này
như cơm bữa… Bởi vậy, cả nhà dì dượng ba Bận với anh hai Quốc Toản chết thảm vì
bom sót là vậy… Tội nghiệp quá !...”.
Nghe hai Lanh kể lể, làm sống dậy lại cả một thời khốn khó của cảnh nhà…
Thật ra ba má tôi tuy tản cư ra tỉnh nhưng vẫn lén lút về thăm nhà và có kể ít
nhiều những điều như hai Lanh vừa kể… Thậm chí, mỗi lần cải trang về thăm nhà, ba
má tôi còn lén mua thuốc tây, thuốc lá, đường, sữa, bột ngọt… mang về chôn giấu
sau hè, để cho anh em du kích liệu bề đến lấy… Hành động và nghĩa cử đó về sau
được xem là có công với cách mạng… Nhưng muốn chứng thực điều đó thật không dễ,
vì những câu hỏi ngặt khó giãi bày được đặt ra ở lý lịch là hồi nào? ai biết?
đang làm gì? ở đâu? …Vì vậy, nhiều khi những điều “thi ân bất cầu báo” đó cũng
dần bị quên lãng, trừ phi có ai đó nhắc nhớ như hai Lanh đây…
Tôi lơ lảng rồi giật mình, mời hai Lanh uống nước nói chuyện chơi, nhưng
nó lật đật đứng dậy chào tôi ra về… Tôi quen thói chìa tay ra bắt kiểu thị dân,
nó lúng túng úp hai bàn tay chai sần che bụng, đi giật lùi, nên tôi phải nhún
bước tiễn nó về như hai người anh em bà con, đã lâu năm lắm rồi mới gặp nhau…
Mấy tháng trời sau đó, tôi lòng
vòng ra xã, lên huyện rồi lên tỉnh như đưa thoi để làm cho xong hồ sơ thừa kế sổ
đỏ, nhưng không đâu vào đâu, đợi xin chữ ký một nơi, rồi chờ đóng dấu một nẻo,
hỏi điều này lại lòi ra điều khác, đơn từ viết đi viết lại theo ý kiến chỗ này
lại không đúng ý chỗ kia… Tất cả chỉ vì cái lỗi là sau khi tôi đi làm ăn tha
phương, chị hai tôi không rành việc hành chánh, không khai tên tôi trong tờ
khai hộ khẩu mà lại có trong hồ sơ làm chứng minh nhân dân của chị… Mệt mỏi quá
xá! Xem ra không thể mở màn cảnh hưu nhàn về vườn ngay từ những tháng ngày đầu tiên
nữa rồi… Con dâu tôi nó nói hú họa vậy mà có lý, ngộ lỡ đổ bịnh vì vấn nạn giấy
tờ kiểu này chắc chết chắc, vô phương chạy chữa…
Đến ngày sắp cạn tiền túi, tôi đành quay về nhà ở Chợ Lớn… Đêm về khó ngủ,
tôi ra lan can ngóng cảnh trời khuya, hướng mặt về phương Nam , lặng lẽ nhớ quê nhà… Sáng tinh
mơ, tôi tỉnh giấc theo tiếng xe, tiếng còi, lẫn mùi khói bụi càng lúc càng ồn
ào náo nhiệt theo nhịp sống đã sang một ngày mới cật lực bon chen… Được năm ba
bữa, nửa tháng tôi lại bức bối, nôn nao muốn về thăm cảnh vườn quê… Tức cảnh
hưu về vườn trong hoàn cảnh của tôi xem chừng có đẹp không là trong tâm tưởng
và hình dung…
Và lần về quê cuối cùng, tôi hoàn tất mọi thủ tục bốc cốt dòng họ Võ Văn
đưa về chùa ở Hốc Môn, để thỏa mãn điều kiện cơ bản của bên mua mảnh vườn nhà này
là người em út của ông ba Bận, là chỗ thông gia hụt với nhà tôi, nhà ở bên kia
sông, lúc trước đi bộ đội tập kết, bây giờ là một chuyên gia kinh tế đối tác - đầu
tư, có cạc-vi-dít, có vai có vế, và thằng hai Lanh là tài xế riêng của ổng…
Bên bờ sông quê… 1.11.2013
* Ca từ của “ Bài không tên số 5”,
của nhạc sĩ Vũ Thành An.
No comments:
Post a Comment