22/11/2013

Đâu hẳn thầy cô chỉ là người lái đò


            Nguyễn Bình
Hội Cựu giáo chức Châu Hòa (Giồng Trôm)



Nhiều nhà văn, nhà thơ, thậm chí cả nhà giáo đã ví von so sánh thầy cô giáo như người lái đò! Họ nghĩ rằng thầy cô giáo đưa học sinh từ lớp này lên lớp khác chẳng khác nào người lái đò có nhiệm vụ đưa khách sang sông, hay đưa khách đi một quãng đường dài để đến một bến khác.
Nhìn công việc thì tưởng chừng giống nhau nhưng thật ra nhiệm vụ và tình cảm của thầy cô giáo và người lái đò khác nhau hoàn toàn!
Ngay cái việc “chuyển bến” thôi cũng đã khác xa! Người lái đò có thể đưa khách từ “bến gần” đến “bến xa”, từ “bến đục” sang “bến trong” nhưng ngược lại cũng có thể đưa khách từ “bến xa” đến “bến gần”, từ “bến trong” trở lại “bến đục”; nghĩa là giữa hai bờ bến ấy chưa hẳn bờ bến nào tốt hơn. Ngược lại, thầy cô giáo chỉ đưa học trò đi một chiều. Chỉ từ “bến đục” sang “bến trong” và từ “bến gần” đến “bến xa” tốt đẹp hơn, từ bến bờ tối tăm đến bến bờ tri thức văn minh hơn…
Người lái đò chỉ có nhiệm vụ đưa khách sang sông hay đi một quãng đường và chỉ chịu trách nhiệm bảo toàn cho khách trên quãng đường mình chuyên chở rồi thu cước phí làm kế sinh nhai, trong khi thầy cô giáo có nhiệm vụ đào tạo một thế hệ tương lai và chịu trách nhiệm lâu dài với lịch sử như người ta đã đánh giá: “Thầy cô giáo mà dạy sai sẽ làm băng hoại muôn đời và phải chịu trách nhiệm nặng nề với lịch sử”.
Thử hỏi có mấy người lái đò biết được những người khách của mình từ đâu đến, đang vui buồn ra sao và khi đến bến rồi sẽ đi về đâu và sẽ ra sao? Thầy cô giáo thì biết rõ điều đó và bắt buộc phải biết rõ điều đó.
Thầy cô giáo nặng lòng với học sinh lắm! Một nét mặt, một cử chỉ khác thường của học trò khó mà qua mắt được thầy cô giáo, nhất là thầy cô giáo ở mẫu giáo và tiểu học. Ai xem học trò như những hành khách qua sông thì chưa phải là thầy cô giáo. Người giáo viên giỏi, không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải giỏi về tâm sinh lý học trò. Họ thấu đáo trình độ, hoàn cảnh, tính tình của từng học sinh mình để chăm sóc, dạy dỗ theo từng trường hợp cụ thể.
Thầy cô giáo đâu chỉ đến lớp để “tuôn xổ” kiến thức của mình, còn học trò hiểu hay không thì mặc kệ. Nếu như thế thì hàng ngày thầy cô giáo đâu phải khàn hơi lạc giọng giảng đi giảng lại bài đến chừng nào học sinh hiểu mới thôi và đêm đêm phải trăn trở nghiên cứu soạn bài sao cho học sinh dễ hiểu.
Mấy ai biết được thầy cô giáo sau một tiết dạy mà học sinh không hiểu bài đã ray rứt chừng nào? Và mấy ai biết được thầy cô giáo cũng vui buồn, hồi hộp không kém gì học sinh khi đi xem kết quả thi cử của học sinh mình?
Hơn thế nữa, thầy cô giáo không chỉ dạy học sinh bằng nghiệp vụ, bằng kiến thức, bằng tình cảm mà còn bằng cả lối sống. Thầy cô giáo là tấm gương tốt nhất để dạy cho học trò. Thầy cô giáo cũng là con người, cũng vui buồn giận dỗi, yêu ghét, ham muốn như mọi người, nhưng tất cả phải kềm nén lại. Họ phải gò mình vào cái khuôn khổ “mô phạm”. Họ không dám làm điều gì vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức; không hẳn họ sợ tù tội mà chỉ sợ làm đổ vỡ niềm tin của học sinh và của phụ huynh học sinh.
Hầu hết thầy cô giáo đều rất yêu thương học sinh. Nhiều thầy cô giáo có thể phạt học sinh nhưng rồi lại đau lòng rơi nước mắt, có khác gì người mẹ hiền vừa đánh con lại vừa khóc theo con! Chính vì thế có người ví “Cô giáo như mẹ hiền” cũng không sai.
Ai dám bảo rằng thầy cô giáo đi dạy chỉ là nhiệm vụ, chỉ để mưu sinh như người lái đò chuyên chở hành khách để thu phí mà không gởi gắm một chút tình cảm nào cho học trò? Nhìn các cô mẫu giáo, các thầy cô dạy lớp một lớp hai, các thầy cô dạy học sinh khuyết tật thì thấy rõ điều đó. Không có tình cảm yêu thương học trò thì không thể dạy được học trò, nhất là những lớp đặc biệt kể trên.
Có lẽ vì công lao và tấm lòng của thầy cô giáo sâu nặng như thế nên hầu hết học sinh dù đã lớn tuổi, dù có quyền cao chức trọng đều kính yêu thầy cô giáo. Hình ảnh nhiều thầy cô giáo đã khắc sâu vào tâm trí học sinh. Ít có học sinh nào hững hờ xem thầy cô giáo của mình chỉ như người lái đò mà chúng đã đi qua. Hiện tượng học sinh vô lễ hoặc đánh thầy cô chỉ là hiện tượng hết sức cá biệt.
Cũng có lẽ từ phẩm chất vượt trội kể trên nên thầy giáo được xã hội phong kiến tôn trọng hơn cha và xã hội xã hội chủ nghĩa lại cho rằng “Nghề giáo là một nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí”. Thậm chí có người còn cho rằng “Dạy học không phải là một nghề. Đó là một thiên chức, một đam mê”.
Lẽ dĩ nhiên xã hội chỉ “Tôn sư trọng đạo” khi mà đạo phải ra đạo và thầy phải ra thầy. Vì thế thầy cô giáo luôn hết sức giữ mình. Không ai làm đổ vỡ niềm tin của học sinh bằng chính những người đã từng khuyên dạy chúng lại hủ hóa, biến chất!
Cũng lẽ dĩ nhiên, trong số quá đông thầy cô giáo thì không thể tránh khỏi trường hợp một “con sâu làm rầu nồi canh”! Những chuyện sa sút đạo đức của một ít thầy cô giáo gần đây làm cho không riêng ngành giáo dục mà cả xã hội đau lòng và phẫn nộ!
Tôi tâm niệm rằng khi xã hội đã công nhận là một nghề thì nghề nào cũng cao quí. Cho nên nhà giáo cũng không nên tự phụ rằng “Nghề giáo là một nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí” mà hãy ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự tôn vinh ấy và đừng để thầy cô giáo chỉ như một người lái đò!
 So sánh ví von thầy cô giáo là người lái đò không những không vinh danh thầy cô giáo mà lại còn hạ thấp vị trí, công sức và tình cảm của họ!

                                                                         
----------------------------------------------------------------------------

PC: Nguyễn Bình là bút danh của Nguyễn An Cư.

No comments:

Post a Comment