Cổ tích nhà
trường
Là câu chuyện
phiếm của tôi…
Một thời cổ tích – Một thời nhớ thương
Không tên
Minh họa: STh. |
Vợ vắng nhà, đi thăm gia đình đứa con gái lớn chưa về, tôi ngồi ăn cơm một
mình ở bộ salon bọc vải nhựa ca rô sọc đỏ sọc đen, vừa ăn vừa lơ lãng xem ti vi
phát lại chương trình ca nhạc cũ mèm, mờ nhạt, đầy hạt đom đóm… Chợt thấy, màn
hình chuyển cảnh, trỗi lên dạo khúc intro, với điệu luân vũ Valse andantino, để
dẫn vào bài hát “Trường làng tôi” vốn nằm lòng trong lứa tuổi lão làng hiện nay…
Nhìn cô ca sĩ có tên không có tuổi, đếm thẳng bước ẻo lả bên cận cảnh là
con đường bờ ao súng, lúng phúng cỏ cú; trung cảnh là khóm tre oằn ngọn đu đưa;
hậu cảnh là mái nhà lá xiêu vẹo, có cái lu nuớc, có chiếc gào gáo dừa gác ngang
miệng lu… Tôi lầu bầu, cô ta hát bài này của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu mà lại mặc
cái áo dài khoét cổ khoe vai hở ngực, bó sát cánh tay và thân hình múp míp vậy
? Chà ! trên ngực áo màu cổ đồng lại có thêu hai bông hoa tổ chảng, cách điệu,
không biết là hoa gì nhưng có màu nhủ lấp lánh… làm căng phồng mọi đường nét tròn
trịa, được kết hợp chắc tay bởi tạo hóa và nhà tạo mốt, hay thiệt! … Coi kìa, cổ
trang điểm quá đậm nét, đậm màu và chắc cũng đậm mùi nếu như cổ bước được ra khỏi
cái ti vi… Tuy bị sốc phản cảm nhưng tôi cũng ráng ngóng xem và nghe cho trót, vì
dù sao đó cũng là bài hát được yêu thích một thời; còn bây giờ thì tùy cảm thụ
của giới trẻ và tùy hứng định hướng của nhà đài…
Tôi bức xúc, ngẫm nghĩ: So với thời buổi học hành bây giờ, cái thời trường
làng tôi hồi trước đáng xem là chuyện cổ tích mà có thật…. Rồi tôi lại tự vấn: Thì
cái thời đi học của mấy đứa nhỏ bây giờ rồi cũng thành cổ tích vậy thôi… À mà không:
Phải khuếch đại thành tân cổ tích mới hợp logic chớ… Tôi nuốt nghẹn miếng cơm,
vì hài lòng với ý nghĩ bất chợt đó… Nhưng nhìn quanh căn phòng khách trống vắng,
không có ai để tôi tìm sự đồng tình, vì cả vợ chồng con trai tôi cũng vắng nhà,
kéo bạn đi nghỉ phép ở mủi Kê Gà mấy hôm rồi…
Tôi còn nhớ trước ngày được mẹ
đưa đến trường, vì sống trong cảnh đời cô nhi quả phụ, một mình nuôi dạy con ăn
học, bà căn dặn tôi những điều răn từ sách Quốc văn giáo khoa thư : Phải “kính
thầy thương bạn”; phải “thương người như thể thương thân”; phải biết “bầu ơi
thương lấy bí cùng...”; vân vân và vân vân… Và nhứt là phải giữ đúng lễ phép, phép
tắt nhà trường, phải học hành siêng năng chăm chỉ, tấn tới… Lời dặn dò đó nói
chung dễ hiểu, nhưng điều khó nhứt là chuyện học hành làm sao để mà tấn tới
đây? Bởi hồi đó, vì hoàn cảnh, nghịch cảnh và bối cảnh gia đình xã hội đang ở thời
buổi “…chiến cuộc lan tràn trong xóm thôn
nát tan trường tôi…” * …thì được ăn học đầy đủ phải nói là may phúc, không giống
như chuyện cổ tích với lòng tin nhờ Bụt phù phép đỡ đầu cho tai qua nạn khỏi, để
mà yên bề học hành tấn tới, thi đâu đậu đó…
Năm tôi học tiểu học, trường làng ngày càng
thiếu thầy thiếu lớp, nhiều gia đình phải tản cư về tỉnh thành, nếu không bám
trụ được ở vùng sâu vùng xa… Muốn học nữa, học mãi phải về trường tỉnh, quận
hay châu thành… mới may ra thi đậu vào trường trung học công lập nữ riêng, nam
riêng… Lỡ không đậu vào trường công thì học trường tư thục do nhà chùa hay nhà
thờ sáng lập… Nhưng một khi đặt được chân vào cái ngưỡng cửa trung học thời đó
là đã thấy lấp ló một con đường tương lai mở ra từ từ… Và nó dẫn đến phương nào
là tùy cơ hội có nắm được mảnh bằng tú tài hay không. Lỡ mà “trượt vỏ chuối”
hay “thi không ăn ớt thế mà cay” thì cũng đủ đi xin được việc làm ăn lương công
nhật, cũng đỡ khổ… Cảnh học hành phổ biến
hồi đó là vậy, như là cổ tích mà không có Bụt, chỉ có ý hướng học hành chăm chỉ
mới định đoạt được tương lai… Rồi từ bước ngoặt tú tài, đổ vào đại học, lấy được
bằng cử nhơn giáo sư, kỹ sư, bác sỹ… lại là một diễm phúc như mơ ! Thậm chí, sẽ
là giấc mộng tuyệt vời, nếu được học bổng đi du học, quả là cả một thiên cổ
tích bất cần Bụt, độc đáo ly kỳ, đáng trọng vọng lắm…
Quả thật, con đường học vấn hồi
đó là cổ tích mà có thật… Còn bây giờ thì cũng trên hành trình học vấn tương tự,
nhưng được bày xếp theo các quĩ đạo đồng tâm của hệ mặt trời, theo các
chu trình: 2 năm nhà trẻ, 3 năm mẫu giáo, 5 năm cấp một, 4 năm cấp hai, 3 năm cấp
ba, 4 năm đại học… Rồi tùy trình độ và khả năng “vật chất quyết định ý thức” mà
ôm mảnh bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ… Nếu tính từ tâm điểm mặt trời, tuần tự bước
qua hàng loạt quĩ đạo đồng tâm đó, ra đến giao điểm trên quĩ đạo ngoài cùng với
tiếp tuyến tiến sĩ, chắc cú phải lên đến độ tuổi xấp xỉ tứ tuần, mới thoát khỏi
hành trình học vấn hệ mặt trời, hay còn gọi là hệ thái dương… Nhưng cùng đồng
hành trên các quĩ đạo học vấn đó, rất đa dạng và đa hệ, cũng có lắm chuyện cổ
tích nhà trường, mà hình như là có Bụt thật, có quyền năng “lộng giả thành
chân” ! Ngài sẵn sàng phù phép châm chước điểm số, ưu đãi chính sách, thân thế,
quen biết, sẵn tiền… Thật ra, nếu là tiến sĩ với “bằng thật học thật” thời nay thì
cũng đáng làm lễ “vinh qui bái tổ” như lề thói xưa, vì nó cũng rất đậm màu tân
cổ tích và rất đáng dành về sau cho cháu con hậu duệ suy gẫm “đãi cát tìm vàng”,
để tìm ra những bài học để lại cho đời đời sau nữa…
Hồi xưa, nhớ thời tiểu học ở trường làng tôi… Có hôm, thầy cô không ai đến
lớp, cả bọn lóc nhóc nấn ná ở lại chơi trong sân trường, dưới tàn cây vú sữa
đang mùa trái non mới nhú… Đám con trai chơi cờ chó, kề bên đám con gái chơi
đánh đủa với trái chanh… Tôi hí hửng sắp thắng ván cờ chó, nhìn lên mặt thằng Tý
Chuột mới biết nó lo ra, đang bắt nọn con Mén cứ bị rớt đũa tá lả chỉ vì nó cứ len
lén nhìn đáy quần của tôi tét lét từ hồi nào… Ôi trời đất ơi! Thằng Tý Chuột lại
còn vừa nhảy cà tưng cà tang vừa hét om xòm, lập đi lập lại câu đồng dao ngẫu hứng:
“Con Mén léng phéng thằng Lòi!... Thằng Lòi thòi lòi con Mén…!”. Trong khi con
Mén xấu hổ ngồi bệt đất, dãy chân đành đạch, khóc hu hu thật tội nghiệp, cả đám
con gái la chửi chí chóe, rượt thằng Tý Chuột, đòi tụt quần nó để trả thù cho
Mén, khiến nó túm quần chạy có cờ !... Ngày hôm sau, con Mén vắng mặt, cả đám bạn
lóc nhóc 5 trai 8 gái, ngồi chồm hổm trước hiên trường, ngóng đợi thầy cô đến lớp
mà buồn so, khiến thằng Tý Chuột vốn to xác, già đầu và tinh nghịch quỉ quái nhất
lớp 3 cũng bồn chồn hối hận… Và cũng từ ngày hôm đó, ngôi trường làng tôi cũng đóng
kín cổng vì không có thầy cô nào ưng về dạy nữa…
Chuyện cổ tích thằng Lòi là tôi đây, là có thật… Nhưng buồn thật là buồn
vì từ đó gia đình tôi cũng rời làng quê ra tỉnh… Và mãi đến nay, không bao giờ
tôi được gặp lại Mén, là một nhân vật dễ thương, đáng yêu nhất trong trang cổ
tích thời thơ ấu của tôi… Tôi thoáng nghĩ, hồi đó phải chi có Bụt hiện ra để
làm lành vết chấn thương xúc cảm tính dục đầu đời của Mén và tôi… Đúng lúc đó, tôi
nghe như cô ca sĩ lạ đó hát đến câu: “Trường
làng tôi không giây phút tôi quên dù cách xa muôn trùng trường ơi…”… mà cứ
ngỡ như là tôi vừa hát lời thương yêu gửi về cho Mén và cho ngôi trường làng
tôi với “hai gian lá đơn sơ che trên miếng
sân vuông mơ màng…”
Năm vào học lớp 6, hình ảnh thầy cô lên lớp trông ớn lạ… Phản ứng tự vệ
của phận làm trò lúc đó chỉ có nước là làm bộ chăm chú nghe giảng bài, đừng có
để lộ cái lo ra, cái lơ mơ mà bị bắt nọn, rầy rà… Nhưng tôi nghĩ, chính những
cái lo ra, mơ màng thuở đó cũng là cổ tích, không có Bụt mà chỉ có thầy cô
thôi… Tôi lại nghĩ như vậy có vẻ cường điệu quá không, và mỉm cười, vì thủ pháp
cường điệu và hư cấu vốn là ngón nghề văn chương mà...
Hồi đó, tôi hay để ý kỷ số ít thầy cô từ phương xa về trường; còn thầy
cô tại chỗ thì hễ gặp ở trong trường hay ngoài đường là chào lễ phép, vì biết
đâu mẹ tôi cũng là chỗ quen biết với thầy cô thì sao… Dạo đó có nhiều thầy cô mới
ra trường về trường tôi, có người là gốc Bắc di cư, là gốc Trung bản địa hay là
gốc Hoàng triều cương thổ, mang dòng họ Tôn Nữ, Tôn Thất… Tôi bật cười vì cả
đám bạn hồi đó hay tếu lâm, rất thích đặt lén biệt danh cho thầy cô dòng hoàng
tộc… Thật hết biết! Và càng buồn cười hơn, vì số thầy cô mới về trường phải phát
hoảng với bọn học trò bạo phổi, bọn con gái cũng như đám con trai … Chúng nó hay
tranh thủ mọi cơ hội áp sát thầy cô trong lớp học hay bên hành lang sân trường…
để nghe ra cho được cái dấu giọng Bắc, dấu ngã luyến bỗng mang âm dấu sắc, “cũ”
nghe như “cú”; còn dấu hỏi lại nhấn trầm thành âm dấu nặng, “củ” thành “cụ”; hoặc
có hay không có cờ - tờ - gờ - chờ - nờ - ngờ ở cuối mỗi từ…; hay như âm “trờ”
thành “chờ” như “trông kìa!” thành “chông kìa!”; âm “sờ” và “ít xờ” đọc thành
“xì” tuốt, như “một ánh xao/sao xa/sa xa xa…”….
Nhưng nhờ vậy mà tình trạng dốt chính tả của bọn nó được cải thiện rất
đáng kể … Vui nhứt là thầy dạy hóa hay nói “hít dzô bay jazz…”; thầy văn chương
tả cảnh “vào cái đêm chăng chòn…”; còn thầy toán đọc đề giọng “Nhe Treng”: “Choe
mẹt ké tem giéc keng…”… Thậm chí chúng nó còn cả gan mời thầy “lên vườn nhà em
chơi” mà Thầy Cô cứ nghe ra như là lên… đâu đó. Có lần bắt gặp tôi nhại giọng
Huế, chọc bọn con gái: “Chừ ngủ đủ mô… Răng đi hè!”… Cô Tôn Nữ… dạy vẽ nhéo tai
tôi, nhại lại giọng nói láy kiểu Nam bộ: “Hơi bị chếch chắc gồi!”… Rồi
cô cảnh cáo: “ Lần ni ! Bò qua hỉ ?...” Bọn tôi lại được một phen tức cười mà
không dám cười…
Thật ra ấn tượng về thầy cô qua phương ngữ, ngữ âm, ngữ điệu, đẹp dáng,
thân thiện hay khả ái… cũng là thêm một đường dẫn đến khả năng hấp thụ tinh tường
tận những kiến thức, tri thức, nhận thức của học trò; thậm chí còn là thứ keo kết
dính nhiều kỷ niệm thầy trò như cổ tích, hơn là những khẩu hiệu thi đua, pháp lệnh
cải đi cách lại như bây giờ… Tóm lại, tôi nghĩ học trò hồi đó học rất vui và vui
học, khi đổ đạt và thành tài, đều có trong hành trang vào đời của mình những mẩu
cổ tích có thật và giàu kỷ niệm như vậy đó…
Chả bù bọn trẻ bây giờ, chúng chê chuyện cổ tích ở học đường hồi xưa là
cổ lỗ xỉ… Thay vào đó, chúng tạo nên những mẩu cổ tích tân thời hơn, như mê con
mèo máy Doremon đi xuôi đi ngược thời gian thế kỷ, chực chờ cơ hội bày tiệc tây
Happy Birthday kỷ niệm sinh nhật ở nhà hàng; như ngày Valentine tặng quà tình
nhân, ngày Halloween mở vũ hội hóa trang ma quái… Và chúng cũng tranh thủ cả cơ
hội bày tiệc ta, nhân ngày 8 tháng Ba “đi ra đi vào”, ngày phụ nữ 20.10 “vừa
khóc vừa cười…”, ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 “dâng hoa Tết thầy”… Và không
khéo, quanh năm suốt tháng, đối với bọn trẻ bây giờ, thì ngày nào cũng là tân cổ
tích, siêu cổ tích, tự tiện “phơi hàng” đa dạng trên mạng truyền thông, chẳng
màng đến tư cách, đạo đức, phẩm hạnh học trò, bất kể danh dự gia đình hay thanh
danh của nhà trường…
Tôi buông đũa xuống mâm cơm tự nấu qua loa… ngao ngán, vừa đổi tư thế ngồi
cho đỡ mỏi, vừa ngẫm nghĩ mỗi thời mỗi thế thôi mà!… Tuy nhiên, vấn đề là phải biết
làm sao cho hết những cái phải làm sao, đừng để nền giáo dục ngày nay ngày càng
trượt dài trong tư thế tụt hậu, suy đồi, hỗn tạp vì đó là quốc nạn… Và nếu được,
thì hãy lưu tâm những thiên cổ tích nhà trường, hãy ôn cố tri tân, hãy duy tân,
hướng thẳng các thế hệ học tập bây giờ vào xu thế thời đại hội nhập, với chiếc
chìa khóa sinh ngữ trao tay, để mở ra cánh cửa “chu du thiên hạ” và tiếp cận kho
tàng tri thức nhân loại đồ sộ không biên giới…
Tôi đứng lên đi đi lại lại trong căn phòng khách nhà mình, mạn phép xin
ông nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, biết đâu chừng đã hóa thành Bụt, cho tôi được ôm
đàn và hát, giống như ông thời sinh tiền với chất giọng cổ tích, đủ mê hoặc bạn
bè tôi, vợ con tôi, cháu tôi: “… Trường
làng tôi không giây phút tôi quên nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh…”
Viết tại trường…
24.10.2013
* Trong bài viết có mạn phép sử dụng
vài câu ca từ “Trường làng tôi” của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu.
No comments:
Post a Comment