Những ngày xưa thân ái
Hồi ức của Tuấn
Ngọc
Ở tỉnh lỵ Bến Tre (Kiến Hòa) trước năm 1975, không có những điểm cho thuê phòng ở như hiện
nay. Chỗ ở trọ là những ngôi nhà rộng, gia đình tại đó ít người hoặc là nhà phố
cho mướn dài hạn. Số người đến ở trọ tại tỉnh lỵ Bến Tre thời đó là những thầy cô
ở Sài Gòn đến dạy học tại Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, số ít dạy ở
Trường Bán công Tân Dân, Tư thục Bồ Đề, nhưng số nhiều là các học sinh đến từ
các quận (huyện) xa trong tỉnh như Ba Tri, Thạnh Phú chẳng hạn. Các học sinh ở
nơi gần hơn chút như quận Trúc Giang (Châu Thành), dù có thể qua lại Trường
Kiến Hòa nhưng không thể đạp xe nổi suốt tuần, tháng này qua tháng nọ nên vẫn
phải tìm một chỗ trọ tại tỉnh lỵ Bến Tre. Các học sinh này, hầu hết là học sinh
lớp 10 (đệ Tam) trở lên, ngay lứa tuổi đó mà đã phải làm quen với cuộc sống xa
nhà, tự lập. Riêng các thầy cô thì tìm đến những hộ gia đình tương đối khá giả
xin ở trọ hay mướn riêng cho mình căn phố. Tất nhiên, thầy cô có tiền nhiều hơn
học sinh…Vả lại, thầy cô có phong cách sống riêng, kín kẽ. Có cô ở nhà trọ
nhưng đến trường bằng xe xích lô đạp; có cô đến trường luôn mặc áo dài tím thướt tha; có thầy đi bộ rẹt rẹt đến
trường, bỏ áo vô quần tươm tất nhưng có vẻ không kịp… chải đầu, trông rất bụi.
Lên lớp đệ Tam (lớp 10) vào năm 1969, lớp tôi có 3 bạn
quê Ba Tri, trong đó 2 bạn đã có xe Honda 67, Honda 72. Xe Honda tuy không còn
mới lắm nhưng vào thời đó mà cha mẹ mua chiếc Honda cho con đi học xa, kể ra
gia đình các bạn đó cũng khá. Trong khi đó, các bạn ở thành, hầu hết ôm tập đi
bộ hoặc chạy xe đạp, hầu hết chưa dám “dê gái”. Những chiếc xe đạp được o bế
sạch đẹp, nhẹ đạp để có thể ra vào từ vùng ngoại ô. Lâu lâu, tôi “gạ” với một
bạn để được theo xe đạp ra chơi với ông bà tôi tại ấp Mỹ Hóa I. 3 bạn này ngồi học gần nhau, nơi bàn cuối, thầy
cô thường gọi đó là…xóm nhà lá.
3 bạn hùn tiền với nhau, xin ở trọ một ngôi nhà khá rộng
rãi gần chợ Ngã Năm. Bà chủ ngôi nhà này là người phúc hậu. Biết các học sinh ở
xa, hiếu học, gần tuổi quân dịch nên bà chủ chỉ nhận tiền tượng trưng. Ở càng
lâu ngày, thấy các bạn sinh hoạt sống nền nếp, siêng năng, bà chủ càng thương mến
hơn. Có hôm, nhìn cây đàn guitar của một bạn treo lủng lẳng bên vách, bà chủ
nay 80 tuổi, kể: “Mấy hôm vào ngày Chủ Nhật, tụi nó về quê hết trơn, tôi thấy
vắng vẻ quá chừng…”. Nhưng thời đó, 3 bạn tôi đã biết nhậu rồi, một xị rượu
trắng pha với chai nước cam hay xá xị, gọi là trái khói, trái màu, xa nhà, buồn
buồn nhậu chơi nhưng về đến nhà trọ thì lẳng lặng, bà chủ có hay biết gì đâu.
Sợ lắm, nếu bà chủ hay biết, bà chủ méc má, chết luôn…Thỉnh thoảng cha của một
bạn đem lên 2 con gà, một con tặng bà chủ ăn lấy thảo, con còn lại cho mấy đứa.
Với con gà ấy, khi kho mặn, 3 bạn tiết kiệm được tiền mua đồ ăn ăn cơm mấy
ngày. Con gà này thì đố đứa nào dám làm thịt, bày ra…nhậu chơi tại nhà trọ.
Tôi còn có một người bạn học ở trọ tại đình An Hội. Bạn
này quê ở bên Băng Tra. Hồi đó, bạn nói: “Ba tao với ông từ ở đình là người
thân quen nên ổng gởi tao ở trọ tại đây”. Thấy bạn đơn chiếc, cuộc sống khó
khăn, lại trọ ở đình đi học nên lâu lâu, tôi lén má tôi, múc gạo cho bạn. Gạo
tôi “ăn cắp” trong khạp gạo ở nhà để cho bạn chừng 4, 5 lít thôi. Tôi bỏ gạo và vài lọ chao, vài
con khô cá lù đù, đại khái là đồ khô, để lâu được, vào thùng đạn đại liên 50,
đậy nắp kỹ càng rồi xách đi tiếp tế cho bạn. Thật ra, nếu má tôi phát hiện, hỏi
tôi làm cái gì vậy, tôi sẽ nói thật, má tôi sẽ rất thương và còn sẽ kêu tôi múc
thêm gạo nhiều hơn nữa. Song tôi vẫn thấy kỳ kỳ nên lẳng lặng làm lén. Một
trưa, đem gạo đến cho bạn, mắt bạn rươm rướm, lát sau nói: “Tao ở đây khỏi đóng
tiền…Đi học về, thấy ông từ làm việc gì trong đình, tao men theo, đứng hụ hợ
sau lưng ông". Tôi quan sát nơi anh ngủ, đó là một tấm ván, có trải chiếu bông
sạch sẽ đặt ở một góc đình. Đó là buổi trưa nhưng tôi biết khi đêm về, bạn sẽ
nằm chèo queo một mình giữa những bàn thờ, tượng thờ uy nghiêm nhưng lạnh căm.
Không gian âm thầm ấy chỉ những người mạnh bóng vía như bạn mới chịu nổi.
Và 2 người bạn nữa ở nhà trọ gần bót Hội Đồng Cương.
Một bạn kể: “ Hồi đó, chiều chiều con Ch. đến thăm tao thì thằng Ph. tự biết
rồi lánh ra ngoài, tới khi người ấy ra về, hồi lâu mới thấy lại mặt nó…Tao cũng
làm y chang như vậy khi thằng Ph. có bạn gái của nó đến…”. 2 bạn này ăn uống
rất đơn giản. Hùn gạo nấu cơm chung rồi lấy kéo cắt con khô cá hố ra từng đoạn,
bỏ bột nêm vào kho thành món mặn. Còn muốn húp canh thì mua thêm…gói mì hai con
tôm. Có những chiều, để bồi dưỡng thêm, hai thằng đi ăn cơm ở quán cơm Xã hội
gần nhà đèn (cũ). Cơm xã hội thời đó rẻ như cho nhưng đến ăn nhiều lần cũng thấy
mặc cảm, kỳ kỳ. Tối tối, một thằng xách đạp chạy ra đường phố hóng mát rồi ghé
lại trước đình An Hội xem truyền hình trắng đen. Xem xong, lại đạp xe long
nhong trở về nhà trọ, học tiếp…
Cảnh ở trọ để đi học chật vật, phải gói ghém như vậy
nhưng khi đến trường, thấy có một cô giáo trẻ đẹp đi dạy học có người đưa rước
bằng xe hơi Toyota
(4 chỗ ngồi) mới toanh. Cô bước vào cổng trường với dáng thật kiêu sa. Các bạn
học sinh thấy cô, các bạn đều có vẻ hít hà nhưng chắc chắn có một điều là các
bạn không hề màng đến phương tiện đi đứng của một người cô, các bạn chỉ chăm lo
việc học và “sợ” nhất là nếp nghiêm của thầy hiệu trưởng Trần Kim Quế . Thầy
Quế cứ đi đi lại lại nơi sân trường như dõi theo từng đứa.
Trở lại với ngôi nhà trọ gần chợ Ngã Năm, bà chủ nhà hỏi:
“Đậu Tú tài Một mà phải đi lính à?”. Một bạn thở dài: “ Rớt Tú tài…”em” đi trung
sĩ nhưng thằng X. đậu Tú tài vẫn phải vào quân ngũ vì với tuổi của nó, giấy
hoãn dịch chỉ có hiệu lực đến cuối năm. Có điều, nó đi là đi cour sĩ quan trừ
bị Thủ Đức”.
Đó là lý do 3 bạn ấy xin bà chủ nhà cho bày tiệc nhậu tại
ngôi nhà trọ mà vừa qua, cả 3 đứa đều đậu Tú Tài. Ban đầu bà chủ nhà băn khoăn,
khó hiểu nhưng rồi thấy bà cũng vui vui trong buổi tiệc tiễn một người đi. Có
tiếng đàn guitar cất lên, các bạn cùng hát bản nhạc “Những ngày xưa thân ái”
của Phạm Thế Mỹ. Và lời ca kết thúc ngân dài:…những ngày xưa thân ái…xin gởi
lại cho anh…Chiều dần tan, bầu trời hôm đó lại có trăng hoàng hôn ngộ nghĩnh…/.
Bạn Lý Ngẫu với Những ngày xưa thân ái. |
No comments:
Post a Comment