29/11/2013

            
Còn gì gởi đến em


            Trần Minh Tiên

            Chiều hôm nay tôi về nơi đại lộ
            Thành phố buồn theo từng sợi mưa bay
            Tóc em đó thôi cài hoa hồng đỏ
            Mảnh khăn sô tang trắng phủ lên rồi

            Chiều hôm nay tôi về nơi đại lộ
            Em không còn thương nhớ hát trong mưa
            Đôi môi đó, nụ hôn xưa còn đó
            Giờ xanh xao theo giọt nước mắt hồng

            Chiều hôm nay tôi về ngang đại lộ
            Hàng cây nghiêng theo từng bước ngây ngô
            Thành phố đó ngày vui xưa còn đó
            Giờ cô đơn yên lặng vắng bóng người

            Chiều hôm nay tôi về ngang đại lộ
            Có còn gì thương nhớ gởi trao em
            Thân xác đó đã hư hao mất mát
            Ở một nơi đầy chất ngất xót xa.

Minh họa: S Thống.



      Tưởng nhớ cuộc đời

            Trần Minh Tiên

            Mưa theo từng gót chân về
            Hàng cây yên lặng não nề xác thân
            Bao nhiêu tưởng nhớ bâng khuâng
            Giờ đành góp lại buồn dâng cho đời
            Em đi hụt hẫng chơi vơi
            Xanh xao đôi má làn hơi muộn phiền
            Lạc loài theo dấu chân chim
            Bơ vơ trên cát nghe trời cuối đông
            Ngỡ ngàng một thoáng hư không
            Vươn lên mái tóc nghe lòng xót xa
            Ngập ngừng cơn mộng đêm qua

            Chừng khi tỉnh giấc nghe xa cuộc đời.
                                                                         1976.

28/11/2013

Đến với các em bất hạnh

Phạm Cẩm Xuân 


          Ba ngày qua nhanh. Ngồi trên xe trở về Bến Tre, chúng tôi đều có một ước mơ làm sao để các em bớt vất vả. 

          Ngày thứ nhất
          Ngày 5 tháng 7 năm 2013. Một đêm ngủ chập chờn vì nôn nóng cho chuyến đi. 3 giờ sáng, chúng tôi thức dậy để chuẩn bị lên đường. Đúng 4 giờ xe dừng điểm thứ nhất đón hai bạn Bạch Nga và Kim Trân. Xe lại khởi hành đến phường 7, thành phố Bến Tre đón cô Ngọc Mai và cả đoàn chúng tôi tiến thẳng đến thành phố Hồ Chí Minh đón thầy Tam Nhiều ở phía bên kia hầm Thủ Thiêm. Lúc nầy, đoàn chúng tôi gồm 6 người, mỗi người đều cùng có một nét mặt hân hoan. Xe chạy bon bon đến thành phố Bảo Lộc - điểm dừng chân thứ nhất theo kế hoạch đi làm từ thiện của Hội ACWP & Cựu thanh niên Hồng Thập Tự. Trên đường, 6 thầy trò chúng tôi chuyện trò rất vui vẻ, cảm thấy như là một gia đình ấm cúng, tràn đầy hạnh phúc. Đoàn chúng tôi đến nhà bạn Hữu Ngọc ở số 67 đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Bảo Lộc. Đây là người bạn trong CLB Cựu thanh niên Hồng Thập Tự Bến Tre của chúng tôi. Anh là người được phân công tìm đối tượng nhận từ thiện ở thành phố nầy. Thăm viếng gia đình bạn Hữu Ngọc xong, đoàn chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Thị Nghè Chi nhánh 2, thành phố Bảo Lộc. Tại đây, chúng tôi được một bảo mẫu và một bà phước đón tiếp cùng hơn 70 người khuyết tật, hơn 2/3 là trẻ em. Nơi đây có 2 dãy nhà lớn chung quanh có hàng rào dâm bụt bao bọc, có sân trồng rau xanh và hoa, cây cảnh trông rất đẹp mắt. Quà chúng tôi mang đến bao gồm xà bông tắm-giặt, mì gói, đường, sữa, kem - bàn chải đánh răng, thuốc cảm sốt, quần áo cũ. . . trị giá 10.025.000 đồng. Tại đây, chúng tôi được biết đa số các em bị thiểu năng trí tuệ. Nuôi day các em rất khó. Chúng tôi chụp vài bức ảnh lưu niệm với các em trong trung tâm nầy.
         Rời thành phố Bảo Lộc khoảng 2 giờ trưa, chúng tôi đi thẳng đến Đà Lạt để chuẩn bị cho điểm đến ngày mai. Ra khỏi Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật, chúng tôi còn hình dung những gương mặt ngây ngô, những thân hình không hoàn chỉnh mà cảm thấy nao lòng. Trên đất nước Việt Nam nhỏ bé của chúng ta còn bao nhiêu hình ảnh như thế nữa. Khả năng chúng tôi không thể nào đến với những mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước được nhưng dù sao công việc của chúng tôi cũng phần nào xoa dịu một số nhỏ mảnh đời khốn khó, cùng cực. Chúng tôi đến Đà Lạt lúc 4 giờ 15 phút chiều cùng ngày. Sau 13 tiếng đồng hồ trên đường ai nấy đều thấm mệt. cả đoàn nhận phòng để tranh thủ nghỉ ngơi. Ăn chiều xong cùng nhau chia 50 phần quà cho chuyến đi từ thiện vào sáng ngày mai. Đêm nay ngủ có lẽ ngon lắm đây. Thời tiết se lạnh, chúng tôi rúc vào tấm chăn bông, nằm trên nệm ấm và cùng kể chuyện ngày còn cắp sách đến trường. Bây giờ, chúng tôi đã ngoài 50, thầy và cô cũng hơn 70 cùng có ý nguyện sống thật đẹp cho đời, cùng chia sẻ tình thương với những trẻ em nghèo bất hạnh.
         Ngày thứ nhì 
         Đi một ngày đường xa xôi, do lạ chỗ, chúng tôi không ngủ được nên cả đoàn dậy sớm. Nhìn ra cửa phòng ngủ trên mặt kiếng bám đầy hơi nước sau một đêm trở lạnh. Thành phố còn sương mù, ai đó vừa mở một cánh cửa, hơi lạnh lùa vào sau một đêm ấm áp làm cho chúng tôi thoáng rùng mình. Dù lạnh, chúng tôi vẫn ra hiên hít thở không khí trong lành của núi rừng ban tặng. Chúng tôi cùng xuống phố tìm thức ăn sáng. 8 giờ, chúng tôi chất quà lên xe và rời thành phố đi đến làng Darahoa ở huyện Đức Trọng. Xe chạy men theo sườn đồi trên cung đường tráng nhựa. Chúng tôi đi tắt vào hồ Tuyền Lâm. Nơi đây cảnh quan rất đẹp, những ngôi biệt thự được xây dựng mới trên các triền đồi tạo nên nét chấm phá làm vỡ đi sự huyền bí của đại ngàn mà thay vào đó là sự có mặt của số đông con người sẽ hiện diện trong tương lai. Xe chúng tôi tiếp tục đi sâu vào bên trong rừng. Đến một khúc ngoặt, xe chạy lên một con dốc đứng làm chúng tôi nín thở. Hết con dốc một đoạn ngắn nữa, phía trước mặt có một cánh cổng đơn sơ làm bằng gỗ, người địa phương cho biết đây là cửa rừng. Qua cửa rừng là một tảng đá lớn do con người tạo ra mang dáng dấp con voi nằm phục bên vách núi, mặt hướng ra cửa rừng. Theo như lời kể của chị Huyền Đông Sương, đây là con voi có nhiệm vụ gìn giữ tài sản của những người đi đến đây. Sau lưng con voi, có một cây cầu được làm bằng gổ rừng bắc qua 1 dòng suối dài chừng 10 mét. Cây cầu hẹp vừa 1 chiếc xe 7 chỗ đi qua mà còn cong theo vách núi. Cả đoàn phải xuống xe để qua cầu. Xe qua cầu, chúng tôi nhìn theo thấy xe nhích từ từ len qua từng mảnh gổ lót dưới sàn cầu, chúng tôi hồi hộp và reo vui khi xe qua được bên kia cầu. Đoàn chúng tôi được biết đây là cây cầu vào rừng khó khăn nhất, còn vài km nữa sẽ đến làng Darahoa. Chúng tôi tiếp tục vào rừng. Xe chay rất chậm vì một bên vách núi, một bên vực sâu. Cây rừng che phủ ánh nắng mặt trời, người dẫn đường cho biết gần tời điểm dừng xe. Xe dừng và chúng tôi lội bộ tiếp vì đường hẹp khó đi. Quà mang theo phải dùng xe 2 bánh chuyên chở. Anh thanh niên dân tộc K’ho và anh Tài - thành viên của đoàn tải quà vào lớp học. Đường khó đi lầy lội bởi cơn mưa chiều qua, xe 2 bánh chạy men theo sườn đồi, đi bộ còn khó chứ nói gì chạy xe. Chúng tôi tiếp tục đi qua dòng suối nhỏ, hai bên nối liền bằng một cây cầu gỗ. Nhìn bao quát, những tán cây thông cổ thụ cao vút sừng sững nối tiếp nhau tạo thành một bức tranh huyền bí của núi rừng. Dưới chân chúng tôi, tiếng suối chảy róc rách mang hơi nước mát lạnh hoà với thiên nhiên hùng vĩ làm cho chúng tôi quên đi sự hồi hộp khi lên dốc và xe qua cầu. Trong đoàn có cô giáo Ngọc Mai và thầy Tam Nhiều tuy tuổi đã cao nhưng thầy cô cảm thấy không khí trong lành mát mẻ của núi rừng tạo cho thoải mái và gần gũi với thiên nhiên. Hoà lẫn vào tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng cục cục của gà rừng, tiếng thông reo, tiếng vang của núi rừng làm cho các thành viên khác trong đoàn cùng có một ý nghĩ đang đi du ngoạn dã ngoại trong thời trẻ của học sinh. Chúng tôi đi lên đồi theo con đường mòn, ở đây có những ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc của người dân tộc thiểu số, mái lợp tranh, vách bằng tre nứa, sườn nhà bằng gỗ rừng. Chúng tôi nghỉ chân bên trong ngôi nhà rất khang trang có bài trí những vật dụng cồng chiêng,, ché rượu cần … của người dân tộc. Đây là nơi nghỉ chân của du khách, có phục vụ ăn uống khá tiện nghi. Chúng tôi quan sát phía trên ngọn đồi có những ngôi nhà nhỏ, to, vài ngôi nhà ở tận ngọn cây cao, được biết nơi đây có dành cho khách du lịch thích mạo hiểm, chinh phục độ cao và tìm hiểu cuộc sống nơi rừng sâu ít người đến. Nghỉ ngơi một lúc sau những ly trà artichaut nóng hổi, chúng tôi lại tiếp tục theo chân chị Huyền Đông Sương. Chị là người hướng dẫn các em nhỏ vùng nầy vào được nề nếp xóa mù chữ cho các em hơn 10 năm qua. Sức khỏe của chị rất tốt và nhanh nhẹn. Nếu chị không nói thì chúng tôi đâu biết chị đã 64 tuổi. Leo lên từng bậc đá, chúng tôi đến 1 lớp học trên một phần dốc của ngọn đồi. Lớp học của các em dân tộc K’ho thuộc làng Darahoa, tỉnh Lâm Đồng. Tuy cách thành phố Đà Lạt có một bên hồ Tuyền Lâm nhưng lớp học lại rất đơn sơ. Ngôi nhà dài chừng 10 mét, rộng 5 mét chia làm 2 gian, cũng sàn gỗ, mái tranh, vách tre, bàn học thì mỗi cái mỗi kiểu, đứng ở ngoài cửa lớp nhìn được gian bên kia thông qua 1 cửa lớp ở vách ngăn nhưng ở đây được xếp cho các em học từ lớp 1 đến lớp 5 của bậc tiểu học. Đảm trách các lớp học là 1 cô giáo trẻ, chưa đến 30 tuổi, cô giáo Hân - người có công gầy dựng lớp học vừa là cầu nối của Phòng Giáo dục, vừa chăm lo dạy cho các em biết chữ. Các em đến được lớp học nầy, chị Huyền Đông Sương cho biết, phải trải qua bao nhiêu vất vả, phải mất đến 10 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm nương rẫy với người dân tộc, tạo mối quan hệ gia đình được tin tưởng như một già làng thì người dân tộc mới chịu giao trẻ con cho chị dạy học. Đến lớp, các em chào chúng tôi bằng tiếng dân tộc và tiếng Kinh rất rõ ràng. Lớp có 50 em học sinh của 5 bậc học, nhưng cả 50 gương mặt đều hồn nhiên, ngây thơ, rất đáng yêu. Đập vào mắt tôi trước tiên và gây ấn tượng nhất là đôi ủng của cô giáo Hân và những đôi ủng nhỏ xíu của các em học sinh. Có lẽ đây là điểm nhấn ấn tượng đặc biệt của lớp học vùng cao vào mùa mưa. Vào mùa mưa, nơi đây có rất nhiều con vắt, phải mang ủng để tránh vắt đeo và an toàn trên đường lầy lội. Nét ấn tượng kết tiếp của chúng tôi là có những em học sinh nhỏ tuổi với đôi chân bé xíu, mang đôi dép to và dài ví như nụ hoa nhỏ nở trên một dài hoa to tướng, phải chăng đây là sự thiếu thốn buộc các em phải thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Quà chúng tôi mang đến cho các em do Hội ACWP tài trợ gồm 50 phần quà, trong đó mỗi phần có 1 chiếc áo gió 2 lớp màu đen, màu đỏ, có in tên “Hội ACWP thân tặng”, 5 quyển tập, 2 cây viết, 1 đôi dép, bánh kẹo, ngoài ra còn có thuốc tẩy giun sán, thuốc cảm sốt, thuốc vệ sinh phụ khoa dành cho các em gái. Nghe các em thì thào có nhiều kẹo bánh lắm làm tôi thấy nao lòng. Chị Huyền Đông Sương kể lại, để động viên các em phát biểu thì mỗi lần phát biểu sẽ được 1 cái kẹo, em được kẹo quay xuống lêu lêu các bạn khác xung quanh. Đến đây, tôi được gặp 4 sinh viên người Singapore trẻ măng gồm 2 nam, 2 nữ đi du lịch và tìm đến dạy tiếng Anh cho các em được vài tháng. Các sinh viên dạy học áp dụng theo phương pháp trực quan bằng hình ảnh để cho các em tiếp thu nhanh bài học. Được quà, các em đều mặc nhanh chíếc áo gió và đội mũ của áo vào mới chịu. Các em rất thích những chiếc áo có nón đi cùng. Nhìn những gương mặt ngây thơ, trong sáng, ánh mắt nhìn trong vắt, tôi liên tưởng đến hình ảnh của mình lúc còn nhỏ, cũng tìm cái chữ vất vả nhưng khó khăn của tôi ngày xưa cũng không bằng các em ở đây. Tôi mong rằng khát vọng vươn lên trong cuộc sống bằng tri thức của các em sẽ đạt đến đỉnh thành công. Mai đây, các em sẽ là những người hữu ích cho đất nước nói chung, cho buôn làng, cho dân tộc K’ho nói riêng. Chúng tôi hy vọng rằng lớp học sàn gỗ tre nứa của các em hôm nay sẽ được thay bằng ngôi trường khang trang hơn, đường đi dễ dàng hơn khi cộng đồng thấy được nỗi khó khăn, vất vả để tìm con chữ của các em qua bài viết của tôi. Rời Darahoa vào buổi trưa trong không khí dịu mát của cao nguyên Lâm Viên, xe lại chầm chậm rẽ qua đường mòn vượt qua cây cầu hồi hộp, xuống con dốc nín thở gần như thẳng đứng, chúng tôi ra khỏi rừng và lại tiến dần vào thành phố Đà Lạt nhưng trong tôi vẫn vương vấn mãi hình ảnh của các em. Tôi bỗng ước mình có phép mầu để giúp các em có đủ điều kiện hơn để đến lớp. Đêm nay tôi và Bạch Mai, Bạch Nga lại trằn trọc. Không phải xa nhà mà nhớ đến các em dân tộc K’ho và cái se lạnh vùng cao làm chúng tôi cứ nhắc mãi về buổi tiếp xúc với các em. Ba chúng tôi mỗi người đều có một ước mơ “làm sao để các em bớt vất vả”.
          Và ngày cuối 
           Sáng sớm, chúng tôi rời khách sạn, tìm quán bún Công trên đường Phù Đổng Thiên Vương. Vừa xuống xe, thầy Tam Nhiều và cô Ngọc Mai sững sờ khi thấy ông chủ quán rất giống thầy Phu. Thầy Tam Nhiều tranh thủ chụp hình chung với chủ quán 1 tấm để về khoe với thầy Phu. Chúng tôi rời thành phố Đà Lạt trong hơi sương và se lạnh. Mùa nầy thời tiết không lạnh lắm chỉ có mưa làm cho thành phố buồn thêm. Đến Bảo Lộc chúng thôi tranh thủ rẽ vào tham quan thác Dam’Bri. Từ đường Trần Phú vào đến khu du lịch Dam’Bri khoảng 16 km. Có thể nói dòng thác rất hùng vĩ ở độ cao 50 mét. Chúng tôi xuống thác bằng thang máy và lên bằng đường bộ để tham quan hết cái đẹp của thiên nhiên ở đây. Ở đây khoảng 2 tiếng, chúng tôi phải tạm biệt Dam’Bri để về Bến Tre nhưng hình ảnh thác Dam’Bri vẫn còn in đậm trong trí của tôi. Hẹn gặp lại Dam’Bri nhé! Về đến Bến Tre hơn 11 giờ khuya. Nhưng dư âm của chuyến đi vẫn còn quanh quẩn quanh đây. Có thể nói, đây là chuyến đi ý nghĩa nhất đối với tôi.
Kim Trân, Bạch Mai, Cẩm Xuân, thầy Tam Nhiều, cô Ngọc Mai
Thầy Tam Nhiều, Cẩm Xuân, Kim Trân trao quà cho các em học sinh
Một trong các em khuyết tật
(Phạm Cẩm Xuân: Cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hoà 69-76, CLB Cựu thanh niên Hồng Thập Tự).

27/11/2013

Lời quê góp nhặt dông dài...



          
 
Phụ bản: Đặng Văn Long.
             

            Xin mượn tên địa chỉ blogspot.com của anh Vương Đức Bình: loiquegopnhatdongdai để giới thiệu một họa sĩ tài hoa: Đặng Văn Long.
            Bạn Đặng Văn Long, quê xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) , là cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ít năm nữa bạn về hưu rồi. Bạn vừa gởi đến Hội quán Nhường Trà một số minh họa gọi là…góp phần dông dài cho vui.

                                                                                                                                    Sáu Quang

        Độc đáo “ kiểng ổi trứng cá”

"Kiểng ổi trứng cá" của ông Trần Minh Tiên.


            Đó là cây kiểng ổi của ông Trần Minh Tiên, cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, ngụ phường 6, thành phố Bến Tre. Sở dĩ người ta gọi đây là “kiểng ổi trứng cá” vì khi cây ra trái, trái nhỏ như trái trứng cá nhưng lúc mới tượng trái, trái có màu xanh đậm và khi trái già, chín, trái trở màu xanh lá cây. Trái có quanh năm.
            Toàn thân cây “kiểng ổi trứng cá” này cao khoảng 1,2 mét, thân cây uốn éo, lá sum suê. Đặc biệt, lá nhỏ với chiều ngang khoảng 2 cm, dài 4 cm. Ông Tiên cho biết tình cờ ông thấy cây kiểng quý này ở miền quê rồi mua về, nuôi dưỡng đến nay đã hơn 3 năm. Những người chơi kiểng sành điệu nói thỉnh thoảng họ có bắt gặp những cây kiểng ổi nhưng thân cây ít uốn óe, có nổi u, nổi sần như thân cây “kiểng ổi trứng cá” của ông Tiên. Điều này cho thấy cây “kiểng ổi trứng cá” của ông Tiên có tuổi đời rất cao, giá trị là nằm chỗ đó.
                                                                                               

                                                                                                                              Lê Thị Thặng

26/11/2013

Nén nhang dâng Thầy
                                                                                    
Nguyễn An Cư



Thế là thầy Bùi Văn Trọng đã vĩnh viễn ra đi!Dẫu biết rằng ở tuổi tám mươi ba như thầy thì việc ra đi cũng không có gì là quá sớm. Qui luật tự nhiên muôn đời vẫn thế! Nhưng sao chúng tôi cứ mãi ngậm ngùi thương tiếc!Thầy Trọng ra đi trong những ngày đầy ắp tình thầy trò của Lễ Nhà giáo Việt Nam càng làm chúng ta xót xa hơn.Chúng tôi học môn Pháp văn với thầy suốt một năm dài. Nếu tôi không lầm, đó là năm lớp đệ tứ niên khóa 1967-1968. Hơn bốn mươi lăm năm rồi, nhất là trải qua cuộc chiến khốc liệt, mọi sự việc đã quên nhớ nhớ quên; có điều hình ảnh và kỷ niệm về thầy Trọng thì tôi nhớ mãi.          Có lúc, thầy Trọng ở sau nhà đèn, gần nhà thầy Đỗ Quang Hạnh, đâu khoảng “quán cây mận” bây giờ. Vóc dáng cao cao, thầy Trọng thường mặc chiếc áo cụt tay trắng, đeo kiếng trắng, xách chiếc cặp táp hai quai trông thật đạo mạo, cao sang. Thầy lên lớp rất nhàn nhã, nói chầm chậm, dạy “tà tà”, không vội vàng lo sợ hết giờ như nhiều thầy cô khác. Thầy dạy Pháp văn nhưng tiết học có năm mươi lăm phút thì hết mười lăm phút… nói chuyện đời! Thầy bảo, học ba cái tiếng Pháp này rồi cũng… vô dụng thôi, cứ về mà tự học lấy cũng đủ để đi thi, từ điển họ giải nghĩa còn chính xác hơn thầy; chỉ lo các em ít hiểu biết chuyện đời thì sẽ thua thiệt.          Bên ngoài thì thầy Trọng đạo mạo, đĩnh đạc, có vẻ cách biệt với học trò lắm. Khi thầy giảng bài, học sinh mới thấy thầy thật gần gũi, bình dị và nhất là… hơi châm biếm.Có thể nhiều bạn học cùng lớp với tôi vẫn còn nhớ, có lần đang giảng bài, thầy Trọng ngưng lại, nói: Đố mấy em có ai ăn bánh bèo chan nước cốt dừa mà không liếm lá chuối hôn? Một chi tiết hết sức nhỏ nhặt và bình dị mà chúng tôi không ngờ lại thốt ra từ cửa miệng của vị giáo sư Pháp văn đạo mạo và sang trọng ấy! Bây giờ đọc cáo phó của Ban Liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa về tang lễ của thầy Trọng mới biết thì ra thầy cũng xuất thân từ một gia đình rất nghèo khó nên mới có được chi tiết hết sức chính xác ấy.Một lần đang dạy bài về sự giao thông, thầy xen vào nói, ở nước ta thời gian lãng phí cho nạn “kẹt cầu” rất lớn. (Đúng vậy. Hồi trước giải phóng cầu nào cũng rất hẹp, chỉ đi một chiều, muốn qua cầu phải chờ cho đoàn xe ngược chiều qua hết và anh lính gác quay bảng trắng mới được đi. Ở Bến Tre mình, cầu Kinh Chẹt Sậy, cầu Bình Chánh, cầu Ba Lai, cầu Mỏ Cày… đều như vậy. Quốc lộ 4 lên Sài Gòn thì vô số cầu hẹp (nhiều gấp mấy lần bây giờ). Tôi đi từ Giồng Trôm lên Sài Gòn phải mất ít nhất là năm, sáu tiếng đồng hồ, trong đó nạn “kẹt cầu”, “kẹt bắc” phải hơn hai tiếng! Nếu gặp những đoàn xe nhà binh (công-voa) ưu tiên nữa thì còn lâu hơn! Bây giờ nói chuyện qua cầu phải chờ quay bảng trắng bảng đỏ, chắc các em nhỏ đều ngớ ngẩn!). Rồi thầy Trọng hỏi chúng tôi, còn một nạn “kẹt cầu” nữa cũng tốn kém không biết bao thời gian và lại nguy hiểm nữa, các em có biết hôn? Cả lớp suy nghĩ và ngơ ngác. Thầy rút vai, bỉu môi nói: Nạn kẹt cầu… tiêu đó, không tốn thời gian và nguy hiểm sao? Lỡ chờ mà… “bom nổ” thì nguy to! Có bữa cái bụng nó đòi hỏi tuôn xổ ra gấp mà phải đứng nhấp nhỏm chờ hai cô cậu hẹn hò và tâm sự trong cầu tiêu công cộng nữa muốn… chết đi được!Cả lớp cười ồ! Thầy khôi hài, châm biếm thật sâu sắc và duyên dáng! Rồi thầy nói tiếp về chuyện “cầu… kỳ” này: Nhà thầy chỉ có bốn người nhưng phải làm bốn cây cầu tiêu. (Thầy dạy Pháp văn mà nói huỵch toẹt là cầu tiêu chứ không nói toa-let gì hết). Tôi dảo tai nghe và nghĩ ngay rằng, cái ông thầy này nói dóc đây! Hồi đó, xóm Thất Cao Đài tôi ở, hàng ngàn con người ta mà chỉ có hai cây cầu tiêu công cộng là Cầu Mát và cầu Ông Ba Vạn, người ta đi tấp nập, mỗi sáng sớm và chiều tối phải chờ đợi rất lâu làm gì có chuyện một nhà lại xây bốn cầu tiêu?Đúng vậy, bây giờ chuyện mỗi phòng ngủ ở gia đình có toa-let riêng là chuyện rất bình thường nhưng năm mươi năm về trước là rất hiếm. Nhà ở trong nội ô tỉnh lỵ cũng chỉ có một cầu tiêu chung cho cả gia đình; ở ngoại ô và ở thôn quê, kể cả những nhà tường giàu có, người ta cũng không xây cầu tiêu tự hoại mà phải chờ đợi vất vả ở những cầu tiêu công cộng! Tôi không hiểu vì lý do gì người ta lại không xây “cầu tiêu máy” như bây giờ, nhất là hồi trước ban đêm bị giới nghiêm, không ra ngoài đường được? Có phải vì ít có dịch vụ hút hầm cầu và chưa có thuốc tự hoại chăng?Đến chừng thầy Trọng giải thích chúng tôi mới rõ, những gia đình công chức làm việc rất đúng giờ. Gần đến giờ đi làm, cả gia đình mới đồng loạt thức dậy, nếu phải chờ đợi để đi vệ sinh nữa thì sẽ trễ giờ mất, cho nên ai cũng có nhà vệ sinh riêng. Có lẽ một phần vì thầy Trọng hấp thụ văn hóa Tây phương nên cũng sinh hoạt kiểu Tây phương. Thầy Trọng kể xong thì cũng hết giờ, còn bài thì… chưa hết! Vậy đó. Nhiều lần như vậy lắm…Thầy Trọng ưa nói chuyện đời trong lúc giảng dạy nên kỷ niệm về thầy Trọng một thời ở Trường Trung học Công lập Kiến Hòa đối với chúng tôi cũng rất nhiều. Đúng là những chuyện đời  mà thầy Trọng kể cho chúng tôi nghe có lẽ còn quí hơn nhiều so với vốn tiếng Pháp mà thầy đã dạy chúng tôi.Tôi xin nhắc lại một vài kỷ niệm về thầy như một nén tâm nhang…

                                                                                                
                                                                                                                                       
                                                                                                    

Đã trên 40 năm...








Chiếc cặp của thầy cũ.

          

            Vươn ra thành trường trung học tổng hợp

            Bước vào niên khóa 1969 -1970, các học sinh từ lớp đệ Tứ (lớp 9) trở lên được học thêm lớp đánh máy chữ, lớp doanh thương, lớp cắt nay. Học sinh học buổi sáng thì theo học các lớp trên vào buổi chiều và ngược lại. Học sinh tự nguyện đăng ký học. Mỗi khóa học kéo dài và tốt nghiệp sau 4 hoặc 6 tháng. Trường Trung học Công lập Kiến Hòa trở thành Trường Trung học Tổng hợp Kiến Hòa rồi Trường Trung học Tổng hợp Lạc Long Quân.
                                                                                                                                        Hạ Lan

       



25/11/2013


      Xin được một lần

            Trần Minh Tiên

Minh họa: Đặng Văn Long.


            Xin cho em một lần yên giấc ngủ
            Một lần nghe thương nhớ đến trong chiều
            Rồi úp mặt trong đôi tay ngà ngọc
            Để ngậm ngùi cho ngày tháng xa xôi
            Xin cho em một lần ngồi yên lặng
            Chắt chiu hoài nụ hoa nhỏ thương yêu
            Loài hoa đó mong manh như hơi thở
            Trong lần đầu anh chợt ghé môi hôn
            Xin cho anh một lần ngồi lại đó
            Để nhìn em về học lúc tan trường
            Mặc cho mưa rơi đều trên vai nhỏ
            Anh vẫn ngồi chờ đợi dáng em qua
            Em hãy đến với anh trong đôi mắt
            Đã thâm quầng vì thương nhớ xa xôi
            Thương nhớ đó anh giữ hoài, mãi mãi
            Để từng chiều góp nhặt lại thành thơ.


                                                                  1976.

Vui buồn một đời làm Tổng Giám Thị

Vui bu

            L.Q.H

            Trước hết, tôi mến chúc các thầy cô đồng nghiệp cũ, các em học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa được nhiều sức khỏe, công thành danh toại, thành đạt mọi mặt và gia đình yên vui, hạnh phúc.
            Tôi ở ghế Tổng Giám thị, đến giờ nầy, tôi chẳng biết là cái duyên hay cái nghiệp.
            Số là, tôi được biệt phái về trường vào năm 1969, vì lúc đó vào nửa niên học nên đương kim hiệu trưởng là thầy Trần Kim Quế cho tôi làm tạm giám thị và có hứa khi có thời biểu trống sẽ cho tôi dạy lớp. Tôi đợi mãi, hết năm cũ rồi tới năm mới nhưng giám thị vẫn là giám thị, một nghề mà lúc nhỏ đi học, tôi rất ghét. Chẳng thế mà người đời hay nói: ghét của nào trời trao của đó.
            Mỗi lần tôi làm đơn xin ra dạy thì ông hiệu trưởng nói vui: “Một tiệc nhậu, đạm bạc nhưng được tình”.
            Mãi đến thầy Phan Thế Chánh lên hiệu trưởng, tôi vô cùng hy vọng được ra dạy, nào ngờ một chiều nọ, sau khi tan học, tôi lại thấy anh chị hiệu trưởng mới Phan Thế Chánh ghé nhà tìm tôi, thế là tôi đành chấp nhận “duyên nợ” vậy.
            Theo tôi, đây là cái nghiệp mà tôi phải mang trong cuộc đời và nhờ vậy, tôi mới có nhiều chuyện vui buồn để thuật lại cho các em nghe.
            Sẵn đây, cho tôi mượn diễn đàn nầy để cám ơn hai anh hiệu trưởng đã tâm phục, lý phục hết lòng vì mái trường, vì sự nghiệp giáo dục đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ vô cùng phức tạp và khó khăn. Tôi cũng không quên hết sức cám ơn cô Nguyễn Thị Lan, một phụ tá Tổng Giám thị của tôi hết sức xứng đáng, thay tôi điều hành trong buổi chiều, hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp.


            Tôi có vài cảm nhận đặc biệt sau:
-          Tình thầy trò của trường ta lúc nào cũng sâu đậm và thắm thiết, bất kể không gian và thời gian. Ở trong nước, chẳng nói chi. Có nhiều em ở tận Âu Mỹ khi có được số điện thoại của thầy cô cũ, liền gọi về nước để thăm hỏi.
-          Cái ấn tượng sâu sắc nhứt là việc lễ phép, chào kính. Nhứt là các em nữ. Giờ nầy, các em cũng hàng U 60 rồi mà lúc chào, một số em vẫn còn vòng tay như thuở nào, thật cảm động vô cùng.
-          Thầy trò trường ta rất may mắn. Qua báo cáo cuộc họp mặt cuối năm vừa qua, chúng ta có một ban liên lạc mới và một ban cố vấn mới đầy nhiệt huyết vì trường, đã hoạt động ráo riết và tạo nên tiếng tốt cho trường cũ như giúp đỡ thầy cô, bạn bè gặp khó khăn cũng như làm nhiều việc từ thiện ngoài đời.
                                 -   Cảm nghĩ sau cùng, tôi nhắc nhở các em trong ban liên  lạc, các  em nhớ mời thầy cô giám thị của trường về họp mặt hàng năm.
                                                      Còn dưới đây là một số vui buồn của một đời làm Tổng Giám thị:
-          Có một lần thầy Nguyễn Văn Cò, dạy Pháp văn, cầm sổ đầu bài tìm tôi với vẻ mặt “ngầu”. Thầy Cò nói: “Ông Tổng Giám thị tìm và phạt nặng học sinh nào quá vô lễ”.
Chẳng là, Nguyễn Văn Cò thêm chữ “con” đằng sau thành: Nguyễn Văn Cò “con”. Tôi nói với thầy Cò, tôi sẽ điều tra cho thầy vui nhưng tôi tự nói làm gì tìm ra được “tác giả” đó, vì ai chịu cha ăn cướp.
-          Sau khi chuông vô lớp, theo thường lệ, tôi đi dọc hành lang đến dãy D, khi lên cầu thang, nhìn lên tường, thấy hai hàng chữ rất to: - Thầy “K” lấy cô “C” (đã đổi tên). Thầy B  “dê” cô C…Trời đất, tôi nổi da gà và một lần nữa bất lực trong việc tìm tác giả. Học sinh quậy, hiếu động…là như thế.
Hồi hộp:
           Có một lần nọ, một thầy tìm tôi, trao cho tôi một tấm giấy, lấy được trên cổ áo của một học sinh ngồi trước, nội dung tục tĩu và nhờ tôi giải quyết. Tôi liền gọi 4 học sinh ngồi bàn sau, trong đó có một em là  PH.V.S (đã đổi tên) là con của một quan chức “số 1” tỉnh. Tôi thầm nói chắc kỳ này mình đụng với “cớm” rồi. Tôi hỏi ai là tác giả giấy này, 4 em im lặng. Tôi nói nếu không ai nhận thì tất cả quì gối. Tôi theo dõi, đứa này nhìn đứa kia, không chịu quì. Mặc dù tôi hơi hồi hộp nếu chúng không quì thì sao, mình đâu còn uy tín để làm việc mà chúng chịu quì phạt nầy phạm nội qui (nhục hình), hơn nữa có con của số 1 tỉnh, thì lại càng rắc rối thêm?
            May quá, phần hồi hộp cũng qua đi, các em cùng quì gối chịu phạt và sau đó 4 đại diện của gia đình cũng đều đến trường làm cam kết, kể cả đại diện của quan số 1.
            Căng thẳng:
-          Căng thẳng nhứt là năm 1972, mùa hè đỏ lửa. Học sinh của trường độ tuổi sinh năm 1954-1955 bị tổng động viên. Từ từ các em phải đi sĩ quan Thủ Đức hoặc hạ sĩ quan. Các em buồn nản, đi học cho có, ngày nghỉ, ngày đi bất thường.. Kỷ luật nhà trường bị đe dọa trầm trọng. Để tự cứu mình, các em tình nguyện đi hạ sĩ quan Không quân Kỹ thuật để khỏi đi tác chiến. Không quân Kỹ thuật lấy rất nhiều nhưng xét học bạ rất khó. Nhà trường cảm thông rất nhiều với các em nên khi cấp chứng chỉ học trình cho các em, gần như em nào cũng được ghi trình độ học vấn khá, giỏi, còn hạnh kiểm thì …rất tốt.
-          Sau năm 1973, học sinh của trường bỏ lớp, vắng mặt rất nhiều, lý do sợ bố ráp bắt lính. Việc này nhà trường đã nêu lên với tỉnh Kiến Hòa. Sau đó, nhà trường được đặc ân là nếu bị bố ráp, học sinh xuất trình thẻ học sinh Trường Trung học Kiến Hòa thì được thả ra ngay. Nhờ vậy mà nhà trường mới ổn định được. Còn nhiều chuyện lắm, nhiều lắm không ghi hết được…

Cuối cùng, trong cuộc sống, trong cư xử, trong giao tiếp, con người chúng ta lúc nào cũng phải có chữ “Tâm”.

23/11/2013

 Ngụ ngôn một mẫu vườn Dừa
   Trúc Thông
     
Là tân cổ tích Nhường Trà
Để dành tặng bạn như là ngụ ngôn...

·      

Tôi hiểu chuyện ngụ ngôn là những khuyến nghị của các bậc hiền triết, cao minh, mượn ngôn lời của một loài, một vật nào đó để răn dạy con người những bài học kinh nghiệm để đời, để mà khôn lớn, để học và hành… Nhưng với tôi là lớp hậu sinh, hay nghe những chuyện ngụ ngôn giữa đời thường… Có khi, nó diễn ra quanh tôi, trong chốn làm, trước ngỏ nhà, hay như hôm nay, là tại mẫu vườn dừa, bên dòng sông quê mà tôi mới tậu được đây…

Trưa nay nắng gắt, ngồi dưới gốc dừa xiêm hóng gió bờ sông và hứng chịu mùi bùn sình hôi hám... Tôi suy đi nghĩ lại nên cải biến thế nào với mẫu vườn dừa, lẫn mớ cây ăn trái èo uột, vây quanh ngôi nhà chữ đinh cổ xưa, thọ qua bao đời ông, cha và con... Bây giờ, mái ngói đã cong quằn, tường vôi loang lỗ, nền nhà sụp lún rong rêu, tuy đồ dùng gia bảo trong nhà vẫn còn nguyên, dù có tỳ vết tích chiến tranh… Một làn gió sông nổi lên, lay động bóng tàu dừa chờn vờn trên mặt cát cỏ úa vàng như gạ gẫm tôi: “Thì cứ làm như thầy thuốc trước một con bệnh vậy, phải truy chứng, định căn, rồi ra toa bốc thuốc trị liệu thôi mà!”... Tôi gật gù, sắp xếp lại trật tự suy nghĩ... và để thử lắng nghe xem lòng sông và bóng dừa có còn ngụ ngôn nào nữa không...



Tôi bức xúc, nhăn nhó nhìn dòng sông chảy lững lờ qua mặt tiền nhà, đậm mùi bùn, lẫn mùi nước thải, rác rưỡi... Hôm đến xem mua mẫu vườn dừa này, chính mùi hôi hám đó khiến tôi ngao ngán, muốn bỏ về… Nhưng vì cám cảnh ngặt nghèo, cần bán gấp của gia chủ, và thực lòng tôi cũng rất muốn tậu một cơ ngơi để nghỉ hưu nhàn nơi cố hương, nên cuối cùng quyết định đặt cọc, sau khi đã thỏa thuận mọi đàng... Khi đôi bên ký tên vào tờ hợp đồng mua bán, tôi nghe như có tiếng tàu lá dừa và cây lá trong vườn khua động xào xạc, theo làn gió sông thổi vào nồng nặc mùi là mùi... Tôi thì nửa hài lòng, nửa băn khoăn; còn gia chủ, nguyên là người Thầy khả kính, từng dạy tôi môn Sử Địa, hồi thời Trung học đệ nhứt cấp... cũng không giấu được nỗi ngậm ngùi tiếc nuối...

Thật ra, hoàn cảnh bán gấp cơ ngơi thừa tự bao đời nay của Thầy là vì do neo đơn, vợ mất đã hơn 3 năm nay... Đứa con gái duy nhất đi du học từ lâu, lấy được bằng tiến sĩ Thiên văn ở Mỹ và có chồng là người Đan Mạch, cũng là giáo sư Thiên văn nổi tiếng... Hai vợ chồng đã có cháu nội ngoại, khó bề hồi hương hay đưa Thầy sang đoàn tụ ở xứ Bắc Âu lạnh lẽo giá băng... Do đó, Thầy chỉ còn mỗi cách tính là mua một căn hộ ở Phú Mỹ Hưng, dùng phần tiền còn lại gửi tiết kiệm, để làm từ thiện và trang trải cho cảnh sống già neo đơn...

Còn tôi, là nguời khách thứ ba tìm đến mua cơ ngơi này, sau khi hai người trước đến rồi đi không trở lại... Nguời đầu tiên là đồng nghiệp cũ với Thầy, bây giờ là Việt kiều Úc, muốn mua cho đám em cháu nghề nghiệp long bong, nhưng bọn nó lại không ưng... Người thứ hai là một cô bạn học cũ của tôi, ngày xưa rất cởi mở, bây giờ là Việt kiều Canada, lại rất thắt ngặt... Chính cô mách địa chỉ nhà Thầy, với ngụ ý đố tôi mua nổi... Cho nên tâm trạng của tôi khi gọi điện thoại hẹn gặp Thầy, cũng có phần nào e ngại... Nhưng tôi không ngờ được Thầy nồng nhiệt đón tiếp, đầy thiện cảm và nói thẳng: “Tiền bạc với Thầy bây giờ không thành vấn đề, vấn đề là Thầy cần tình người tử tế và tình thầy trò ta thôi!”. Và tôi càng ấn tượng hơn, khi nghe Thầy nói ra điều rất bất ngờ: “Thầy có biết về hoàn cảnh của gia đình con năm ấy... Ít ra là Thầy có dịp tiếp xúc với Ba con một lần ở quán cơm Phiếu mẫu nổi tiếng một thời ở tỉnh mình... Ba con có gửi lời nhờ Thầy quan tâm chuyện học hành của con... Thầy nói thật, sau khi nhận cuộc gọi điện thoại của con hẹn hôm nay đến đây, con có tự giới thiệu tên họ, gia cảnh và nghề nghiệp hiện nay... là Thầy hình dung ngay mọi diễn biến cuộc chuyển nhượng này rồi sẽ êm đẹp mọi bề...”...  

Tôi tự vấn, so với cả đời Thầy sinh trưởng và ngụ cư ở chốn này đã già non thế kỷ, thì sang cảnh đời hưu nhàn của tôi nơi đây rồi cũng qua đi, không khéo lập lại kịch bản cuối đời cũng như Thầy... Thôi thì sá gì những lụy phiền, tức cảnh nhứt thời trước những bề bộn của vùng đất quê nghèo còn đang chuyển mình đổi mới... Vả lại, sau khi ngã ngũ việc mua bán xong xuôi, tôi sẽ gầy dựng thành cơ ngơi tiện nghi hiện đại mấy hồi... Bằng không, thì tôi sẽ liệu bề ứng biến, để không phải “ném tiền qua cửa sổ”...  

Cũng phải thôi, khi kể lể lai lịch thửa vườn nhà cổ xưa này, Thầy Mạc Cảnh Đường, cái tên rất đáng tự hào là nguời cố cựu, vì từ đời họ Mạc ở Đàng Ngoài đi theo dòng người Nam tiến vào khai hoang và lập nghiệp ở đây, thì gia thế của Thầy là một chi hệ hậu duệ… Thầy cũng nhắc rằng gia sản đất đai ngày trước có đến hàng chục mẫu, nhưng qua hàng thế kỷ truyền đời cho con cháu, đến nay còn giữ được ngần này là may phước lắm rồi...

Rồi Thầy Đường tiếp tục kể dông dài như giảng bài rằng... Tất nhiên, theo lập thuyết địa lý thì con sông này phát tích từ thuở “khai thiên lập địa”, nó có trước cả thảy giống loài động thực vật và con nguời sinh sôi nảy nở, rồi sinh tụ quần cư nơi đây... Nhưng trong thực cảnh đương thời, nó chỉ là một nhánh sông con chạy dài từ miệt đất Giồng chia dòng nước ngọt từ vàm sông Cái… Đến thời hoàn tất mở cõi phương Nam, nó đã thành danh là một giang đạo, tấp nập ghe thuyền đổ về buôn bán, từ các vùng cù lao màu mở, trù phú... Nói khác hơn, là nhờ có nó mà dân bản địa và dân thương hồ đã hình thành ven bờ một trung tâm chợ tỉnh nhộn nhịp từ đời thuở đó... Còn bây giờ, con sông này bé nhỏ hơn xưa rất nhiều, do biến đổi địa lý “bên lở bên bồi”, do dòng chảy biến thiên cùng chế độ giang triều, triều cường, và kể cả lý do biến động môi trường, khí hậu, địa hình châu thổ, vân vân... Nhưng mà cái gì thuộc về tạo hóa, tự nhiên thì nó vẫn cứ là tự tồn...

Tôi bèn mạo muội góp lời đồn đoán với Thầy cho vui: “Phải chi hồi đó Vua Gia Long bôn tẩu qua con sông này, ăn trái bần cầm dạ mà khen ngon, và ngự ban tên là trái Thủy Liễu... thì chắc dòng sông này đã có một mỹ danh từ thuở ấy!”... Thầy gật gù: “Phải rồi, cái giai thoại về trái Thủy Liễu đó đố mấy ai biết nó hư hư thiệt thiệt ra sao... Chỉ biết rằng xa xưa ông bà ông vãi Nam bộ hay gọi tên sông rạch chằn chịt theo đặc điểm sinh cảnh như là sông Cạc Bần, rạch Ô Rô, vàm Cóc Kèn, mương máng Mù U, vân vân... Không ai đặt cho nó cái tên lãng mạn như là sông Hương ở Huế, sông Thương ở Bắc bộ vậy!”...

Một chiếc ghe bầu chở khẳm dừa, máy nổ bành bạch chạy qua, đẩy dạt vào bờ những đám lục bình, lẫn cỏ rác linh tinh, kèm mùi bùn rác hôi hám nặc nồng... Tôi khó thở, còn Thầy Đường thì quá quen mùi, vẫn tiếp tục chuyện trò... Thầy nói như để khép lại câu chuyện về cái tên con sông này: “Thật ra, ông bà mình đâu dám lưu tâm chuyện sang định địa danh này nọ, vì vốn là chuyện của vua quan, thậm chí là chuyện cổ tích, mộng mỵ của Thành Hoàng, Thổ Địa mà thôi!”... Nghe lời Thầy, tôi bèn thưa thốt rằng xưa kia, ông bà ta chỉ hay truyền đời cái tên bến bãi cho ghe thuyền ghé lại trước cửa nẻo nhà mình, như ca dao có câu rằng... Bến này là bến ông Cai... Bãi kia là cái bãi của chị Hai Răng Vàng… vân vân… Thầy Đường nhìn tôi ngạc nhiên, cười khoe chiếc răng cửa bịt vàng thiệt còn sót lại: “Con nói đúng phóc! Ông cố nội của Thầy nguyên là Cai Tổng, bến ghe này đúng là Bến ông Cai...” 

Tôi chợt thoát khỏi hồi ức qua câu chuyện với Thầy Đường, nhìn quanh chẳng có ai, mà nghe như có ngôn lời văng vẳng, theo nhịp khua động xào xạc của những tàu lá dừa: “Thủy Liễu giang à?”... Nghe ra như một nửa ngụ ý bài bác, nửa muốn nói... Rằng cái giống bần đó là loài cây thủy sinh, sinh sôi nẩy nở khắp triền sông nước châu thổ Cửu Long giang... Ông Vua đó có ngự ban tên Thủy Liễu giang thì cũng là một dụ ngôn khuất tất cho cái tên sông Bần mà thôi, hay ho gì cho cam!… Một trái dừa con khô cuống, rơi xuống gốc, lăn nhẹ, rồi nằm im lặng trong đám cỏ hôi… Cứ như là nó vừa bị Vua ngự trảm và đặt một dấu chấm than cho suy nghĩ rắc rối của tôi... Tôi nhìn nó, trách móc: “Mày không ưng thì thôi!”…

Nhưng tôi lại nghe văng vẳng có tiếng chim cu đất gáy, lẫn tiếng chim sâu hí hửng trên mấy nang dừa đang nức nở bông!… Tôi bèn thử hỏi lại trái dừa con kia: “Hay là tao gọi là tên sông Dừa vậy?”... Không nghe động tĩnh gì nữa, chắc là nó đồng tình rồi?... Tôi bèn đổi thế ngồi bắt chân chữ ngũ, mách bảo thêm với nó rằng... Nay mai công trình thi công bờ kè chống sạt lở bờ sông sẽ triển khai, mày có biết chăng hay chớ? Làm gì còn nữa cái sinh cảnh bần Thủy Liễu rủ bóng khi nước rong, và phơi cạc lia chia trên bãi bùn khi nước ròng? Mấy gốc dừa nghiêng thân, sà sát mặt sông kia rồi cũng bị đốn sạch... Làm gì còn chỗ cho bọn trẻ chiều chiều tắm sông, leo lên phóng xuống ùm ùm thỏa thích nữa?... Mai này, ai đi qua sông này, vào ban ngày chỉ thấy bờ kè bê tông với hàng chục cây số lan can sắt inox sáng ngời ngời; còn về đêm tất sẽ thấy hàng dãy cột đèn cao áp rủ đám rầy nâu, thiêu thân, thiên địch về chơi thôi... Dừa con ơi, mày đừng có mà lo mà buồn... Số phận mày rồi sẽ có nhiều giải pháp đặt ra...

Chợt tôi nghe vẳng vọng lời tự sự từ quả dừa non, tợ như lời Thầy Đường rằng... Từ thuở hồng hoang, giống dừa chỉ tiến hóa ở miền nhiệt đới ở Bán cầu Bắc và Bán cầu Nam, tương sinh tương khắc cùng loài khỉ và muôn loài khác... Rồi qua diễn biến lịch sử địa lý và theo chu kỳ sinh sản, khi giống dừa khô quá lứa, nó cứ mặc tình rơi rụng, trôi dạt theo chế độ giang triều và thủy triều, và mặc tình sinh sôi nảy nở khắp miền châu thổ, duyên hải và ở tận bờ bến hải đảo xa xôi… Đến thời trung đại, cứ men theo con đường phát kiến địa lý miền biển Đông Ấn, đi qua eo biển Malacca, là đặt chân đến vùng Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo... Kể từ thuở đó, thực dân phương Tây bắt đầu những cuộc hải trình với chiến hạm, để chinh phục thuộc địa, khai thác tài nguyên và hương liệu phong phú của miền nhiệt đới gió mùa… Do vậy, giống dừa bản địa được lên ngôi, là một trong những nguồn nguyên liệu thực vật, với chất nước cốt dừa béo bổ không kém sữa bò tươi, mà nguời dân bản xứ hay dùng trong phương dược và trong ẩm thực chè và món cà ri khoái khẩu… Trong khi đó, nền công nghiệp chính quốc cũng bắt đầu cho lên ngôi những chế biến phó sản từ nước cốt dừa làm kẹo, hóa lọc dầu dừa thành sản phẩm xà bông hay còn gọi là xà phòng… Thậm chí, nguời ta còn tận dụng các phó sản khác của dừa, để chế biến thành nhiều mặt hàng tiểu thủ công nghiệp rất phong phú, đa dạng... Như bện xơ dừa thành dây thừng, tạo nguồn than hoạt tính từ gáo dừa; hay chế biến vỏ dừa, xơ dừa thành nguồn phân bón và giá thể cho trồng trọt rau màu, hoa cảnh; kể cả sử dụng gỗ dừa trong xây cất dân dụng, bắc cầu khỉ, trang trí nội thất, vân vân và vân vân...

Tôi thử tóm lại câu chuyện ngụ ngôn của quả dừa con... Nói chung, kể từ năm triều đình Huế bó tay trước đại họa thực dân, cắt đất “lục tỉnh Nam kỳ” cho thực dân Pháp… thì kỹ thuật khai lập vườn dừa cổ truyền từ đó được biến thái qui mô, như là đồn điền giàu có của địa chủ và thực dân phong kiến… Rồi trải qua 2 thời kỳ chiến tranh và kháng chiến kéo dài ngót 3 thập kỷ, để lại di họa với bao thảm cảnh rừng dừa tan hoang, điêu tàn... Đến khi hòa bình lập lại, thì sức sống lưu niên của rừng dừa nơi nơi dần dà được hồi phục, cùng tăng trưởng, thăng trầm với các hệ cây trồng công nghiệp như cao su, cà phê, trà... mang lại nguồn sinh lợi phú túc cho nhà vườn, bỏ qua nhiều mô hình thực nghiệm khoa học kỹ thuật trồng trọt bất thành như “3 tầng sinh thái”, lai giống dừa đặc chủng, cao sản, vân vân...

Chợt có một bầu mây dọa mưa bay qua, làm dịu cơn nắng gắt... Nó khiến tôi nhớ ra thời vận kinh tế toàn cầu và khu vực luôn biến động thăng giáng khôn lường, có đầu vào không có đầu ra và ngược lại, vân vân... Và hiện nay, do phụ thuộc thời vận thị trường khủng hoảng “xập xí xập ngầu”, nguồn lợi phát sinh từ dừa rất bấp bênh, khiến nhiều vùng rừng dừa bạt ngàn trước đây, được qui hoạch thành vùng đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Thậm chí, vì sinh kế, nhiều chủ vườn chạy theo thị hiếu thị trường, đốn bỏ vườn dừa, để đánh đổi nhiều nguồn lợi cây, con, hoa màu khác!… Bằng chứng là, quả dừa con kia phải xuất thần, kể lể cho tôi nghe chuyện ngụ ngôn của đời dừa thật là đáng buồn!

Tôi e ngại nhìn kỹ quả dừa con đáng thương, bởi như nó đoán biết số phận cảnh vườn nhà này rồi sẽ phải đổi thay, một khi sang tay chủ mới… Tôi bèn xoa dịu nó với lý lẽ rằng hãy yên lòng đi... Bởi các giống dừa hiện nay có thêm một hệ phái sinh mới là dừa cảnh, được vun trồng và chăm sóc tử tế trong khuôn viên biệt thự, ở khu resort nghỉ dưỡng, để làm điểm nhấn và khêu gợi phong cách kiến trúc, thiết kế cảnh vườn văn minh hiện đại, trữ tình… Nhưng có một điều kiện tiên quyết mà giống dừa cảnh kia phải chấp nhận là… Phải triệt sản, chỉ được nở bông mà không được đậu trái!... Chỉ vì lý do bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe cho thực khách, du khách thập phương bá tánh là trên hết !...

Bất ngờ, một tàu dừa khô sứt bẹ, rơi xuống trước mặt tôi, giống như một động thái phản ứng những suy nghĩ và biểu cảm tiêu cực của tôi… Vô tình, nó khiến tôi liên tưởng một thảm họa khác, khả dĩ sẽ khu triệt hoặc diệt chủng loài dừa… Tôi hiểu ra nỗi sợ hãi đó, khi biết rằng trên bàn tiệc thù tạc, bàn nhậu bạn bè và ngay trong bữa cơm gia đình… món gỏi hay món xào củ hủ dừa với thịt ba rọi được lên ngôi đặc sản là rất chân quê mà cũng rất thịnh soạn... Vậy mà mấy ai thiết nghĩ rằng mình đang xơi ngon lành một kiếp dừa rất dễ thương...   

Nắng xế càng thêm gay gắt, oi bức... Tôi bèn cởi áo sơ mi, ở trần cho nó mát, nhìn khắp khu vườn dừa không còn che mát những bờ mương đất khô ran, cỏ dại le hoe, chạy dọc chạy ngang theo những mương nước cạn queo, sạt lở... Bóng dừa trưa say nắng, như đang đu đưa giao hợp với bóng cam, quít, bưởi, xoài, mít, mận đã qua mùa trái, trở nên còi cọc, già cỗi… Rồi cơn buồn ngủ thiu thiu chợt đến, tôi mơ màng hình dung như mình đang có mặt tại một diễn đàn chuyên đề về thực trạng và giải pháp cho đầu vào và đầu ra của sự nghiệp trồng dừa, ở khu vực đồng bằng châu thổ Cửu Long giang...

Tôi nghe như có một vấn đề được đặt ra từ tâm thế của giống dừa lão hiện nay... Vốn là có sự thiếu công bằng đối với loài thảo mộc, thực vật nếu so với giá trị kinh tế của động vật và khoáng vật... Bởi nếu đầu tư công sức và vốn liếng trọn gói, đến khi “được mùa, rớt giá” thì huê lợi ròng hàng tháng của 1 thiên dừa khô vẫn khó bề sánh bằng việc xuất chuồng 10 con heo thịt đủ tạ, có trị giá thu mua của thương lái khoản hơn nửa tấn heo hơi... Nhưng chắc gì đến khi gom đủ được tiền lãi ròng bán dừa, bán heo... liệu có mua nổi 1 lượng vàng 4 số 9 để mà để dành? Với cái cảnh thu nhập phập phù đó, chủ vườn dừa, chủ trại heo không khỏi cụt vốn, đổ nợ!... Và với họ, vàng bạc hay đá quí có khi chỉ là mơ thôi!... Nên chăng, có nhập cuộc với những chủ vườn dừa phải giải nghệ, phải ra tay phá vườn để đào ao nuôi tôm cá, mở quán cà phê sân vườn... thì mới thông nổi những lý do kinh tế thực tế khó tranh cãi! Tôi chợt nhớ câu đồng dao hồi còn bé tắm truồng, ca thán tình cảnh éo le này: “A lô! A lô ! Dừa khô lên giá... Ai có má đi đổi dừa khô !”... Tôi bèn định thần, hỏi lại trái dừa con mày nghĩ sao?

Tôi lại nghe trái dừa con lên tiếng... Suy cho cùng, nguời làm ruộng trồng lúa, làm vườn trồng dừa, hay rau, củ, quả... cung ứng cho cả thị trường chay mặn đều dùng được, mà cuối cùng họ vẫn luôn chịu thiệt thòi, vậy là sao?... Cái ẩn số này là của một phương trình kinh tế, đang được các nhà định hướng kế hoạch và đầu tư tìm cách giải, chưa có đáp số chính thức, há chi là trình độ tính toán dốt nát của dừa con!...   

Rồi tôi nghe như có câu trả lời chung chung từ giống dừa tơ ngoại nhập... Rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu giờ đây, vai trò bảo vệ, bảo dưỡng, bảo tồn tối ưu thảm thực vật xanh, có kể đến thảm họa tàn lụi của rừng dừa, cùng các loài rừng cây thủy sinh, đang được nghị trình, nhằm đối phó thực trạng và hậu quả gia tăng hiệu ứng khí hậu nhà kính... Nhưng đó cũng là vấn đề kép về khoa học và kinh tế toàn cầu, rất nan giải!... Bởi muốn tái lập ưu thế thảm xanh thực vật, không chỉ nói riêng cảnh rừng dừa, càng không thể đơn giản hóa vấn đề như quan niệm tiêu cực xa xưa là “trời sinh voi, sinh cỏ”!... Mà vấn đề cốt tử là phải tái tạo tất cả các chủng loại rừng bị tàn phá, kể cả những rừng dừa đa chủng hệ... Phải thu dọn nền công nghiệp thải khí bẩn... Phải đầu tư chất xám, công nghệ, công sức con người cho toàn cục sự nghiệp chống biến đổi khí hậu toàn cầu... Nhưng vấn đề là lấy tiền từ đâu mà đầu tư?...

Chợt một cơn gió nổi lên từ hướng sông, khiến tôi tỉnh giấc mơ màng!... Tôi nhớ lại mình có giải thích với Thầy Đường về mục đích tậu dựng cơ ngơi này, với ý định mạo muội là thử gầy dựng một khu nhà nghỉ dưỡng sinh, kết hợp trị liệu bệnh cho người già neo đơn, đặc biệt là Thầy cũ và bạn cũ của trường xưa... Và cơ may cuối cùng đưa đến, nhưng vẫn còn băn khoăn là phải tính toán thiết kế như thế nào, khi nào sẽ khởi công và hoàn thành, để không phí phạm một cơ ngơi đắc địa, thuận bề phong thủy và hợp cách cả lá số tử vi của tôi… 

   

Có tiếng chân bước đến sau lưng... Tôi ngoái nhìn, càng thêm ngạc nhiên khi thấy Thầy Đường và một nữ khách trẻ đẹp... Thầy giới thiệu ngay đây là Mỹ Cảnh, một nữ kiến trúc sư khá nổi tiếng từ năm 30 tuổi, qua tay nhiều công trình hiện đại, cao cấp... Là chỗ bạn học thân thiết của Thanh Thúy, con gái của Thầy... Và cả hai đứa đều là con cái yêu quí trong nhà, nhất là kể từ ngày Thúy đã đi du học rồi...

Thấy tôi ngượng khi vội mặc lại áo sơ mi và khẽ gật đầu chào làm quen, Mỹ Cảnh lên tiếng thật tự nhiên, rất chuyên nghiệp: “Nhìn trật tự của cảnh quang tổng thể, những gốc dừa, chen lẫn cây tạp lộn xộn quá…! Có quá nhiều mương vườn sạt lở, sẽ phải đắp bù nhiều đất cát để tái tạo và nâng cấp mặt bằng, tốn công tốn của không ít đâu!... Theo ý đồ của một công trình có công năng và chức năng của khu nghỉ dưỡng, thực dưỡng ở ven sông, thì dứt khoát phải phá bỏ toàn bộ khu vườn cây tạp nham này, để xây dựng hài hòa một cảnh vườn Zen thanh tịnh và tương hợp với hệ thống nhà bungalow tiện nghi đắc dụng… Vậy thì không cần phải vun bồi mấy gốc dừa này nữa... Có giúp lấy lại tuổi đời cho nó cũng vô tích sự... Mà nó cũng đâu còn điều kiện làm đẹp cho dòng sông, như lưu ảnh bóng dừa lãng mạn dưới lòng sông sâu như xưa kia!”... Nói xong, Mỹ Cảnh tươi cười, mở ngay tập thiết kế hoàn chỉnh trên khổ giấy Bristol A3 cho tôi xem...

Tôi sững sờ, chôn mắt vào những mẫu phác thảo mô hình hội quán, các kiểu nhà bungalow, cảnh vườn Zen, cảnh hồ bơi, nhà thể dục đa năng, câu lạc bộ thực dưỡng, phòng karaoke... Tất thảy thật là tinh tế, đường nét phối kết hài hòa, màu sắc uyển chuyển, sinh động, mang phong cách hiện đại, với dáng dấp Á Đông được Âu Mỹ hóa...

Thầy Đường bèn giải tỏa nỗi thán phục của tôi: “Con yên tâm... Thầy nhờ Mỹ Cảnh thiết kế toàn bộ khu nhà nghỉ dưỡng và thực dưỡng mà con muốn định danh là khu Hội quán Nhường Trà... Thầy nghĩ đây cũng là một cơ hội cho Thầy và Mỹ Cảnh vẫn còn có lý do để mà về lại đây, góp tay cùng con để gầy dựng nên một cơ ngơi mới, trước kia là quyền thừa kế bất đắc dĩ của Thầy; còn bây giờ thuộc quyền kế thừa của con, sẽ biến cải khu vườn xưa tĩnh mịt của họ Mạc, mà bây giờ nó đã mang danh họ của con rồi... Thú thật, Thầy và Mỹ Cảnh sẽ sẵn sàng góp công của, vì cái tâm y đức của con, và vì một địa chỉ đóng góp an sinh xã hội, xoa dịu phần nào những cảnh đời không may và bệnh tật...”

Chợt một đàn cò trắng từ đâu đâu rủ nhau bay về, đáp xuống bờ sông rửa cánh, đang lúc con nước đang lên... Và bầy chim sâu bay chuyền ríu rít hút mật hoa dừa mới nở, cũng bất chợt rủ nhau bay đi... Tôi nao nao lòng trắc ẩn, nhìn những tàu dừa lay động theo gió sông chiều, thầm nhủ từ ý tưởng đến hiện thực hãy còn xa vời... Nhưng dù gì, tôi cũng sẽ biến đổi mẫu vườn dừa này thành một cảnh quan  mới với những câu chuyện thật không cần ngụ ngôn...   



Tại phòng chờ làm răng... 15.11.2013

                        Thơ trắng
            Cát Hoàng

Minh họa: S Thống.


            1
            Lục lại bài thơ viết đã bốn mươi năm
            Tuổi học trò trắng
            Thơ trắng
            Sao chữ lòng không trắng không nguội?
            Tựa ngọc lan đêm đợi tỏa hương
            Tôi ghép tên nàng đi qua chiến cuộc
            Vụng dại gót chùn tưa tướp máu
            Đời sậy rỗng trắng lau bông chờ gió
            Ước gì được giống bạn tôi – chôn sống
            bài thơ đắm đuối hoài loài hoa mang tên con gái.
            (Hoa – tên nàng thừa một chữ g)
            Hoa trắng!
            Nỗi niềm trắng!!
            Thơ trắng!!!
            2
            Chẳng bao giờ anh quên nhủ lòng thôi đụng nhớ
            Giấc đời say tự chuốc men tình
            Ngu ngơ niềm vui mù quáng nỗi buồn
            Quả bóng yêu xoay mặt nào cũng gặp
            Chưa đau thương đã tự vấn vương
            Ẩn ý gì – khi người vẽ biểu tượng tình yêu là đứa bé trai được bịt mắt và    bị mang đôi cánh?
            Bay đi đâu hỡi trái tim non?

            Năm – tháng – ngày – giờ bao la mùa xuân bất tận
            Mấp mé thực - mơ bướm đợi – hoa chờ
            Khuôn phép trời ơi do người đặt
            Ong từ bi chết đứng ngưỡng vượt rào
            Giá Thúy Kiều sống lại thời Facebook
            Ai thèm làm Thúy Vân?
            Chẳng bao giờ anh hát khúc niệm cuối
            Mặc lệ Mỵ Nương rơi
            Mặc tim Trương Chi vỡ
            Tình yêu đầu thai tiếp cuộc con người
            Ngất ngây chơi quả bóng vui- buồn
            Xoay mặt nào cũng gặp nhớ - quên….

                                                                      An Hòa,  2.11.2013

                                                                              C.H