25/10/2013

Truyện ngắn
Lên Đà Lạt chơi
·        Tặng Trúc Thông
Nguyên Nguyệt



Tình cờ gặp lại Cường ở bến xe đi Đà Lạt, tôi nhận ra ngay. Cũng vẫn bộ dạng ăn mặc tươm tất, đi đứng nhẹ nhàng, vẻ mặt trắng trẻo thông minh, mang kính cận, đặc biệt có nụ cười mím chi và có nốt ruồi duyên trên khóe môi, nhưng cả vẻ mặt như đang già đi cùng tuổi tác, vì tóc Cường đã hoa râm… Cường cũng nhận ra tôi, tà tà bước đến chào: “Lâu quá mới gặp ! Nguyệt vẫn đẹp như xưa…!” Tôi hơi ngượng, vì độ tuổi U 50 mà được khen đẹp, có vẻ bị tán tỉnh quá… Tôi cười cười, nói lãng: “Cường cũng đi Đà Lạt chơi à?”. Bước đến gần hơn, Cường thân mật nắm nhẹ tay tôi, tán tiếp : “Biết Nguyệt lên Đà Lạt một mình… nên xin tháp tùng đây! Để tôi vào lấy vé cho Nguyệt cùng đi chung chuyến cho vui ”. Nói là làm, cái tính điệu nghệ của Cường vẫn như ngày nào…        
Cường đổi được cặp vé hàng đầu, ngang chỗ tài xế, nhờ hai vợ chồng có đứa con nhỏ bị sốt đột ngột nên trả lại vé. Cường nói đùa: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ có khác ! Đi Đà Lạt mà được ngồi chỗ này là hay nhất…”. Anh tài xế trẻ liếc nhìn thân thiện, cũng đùa: “Hay không bằng hên chú ơi!”. Cường đùa lại: “Mà chú chỉ thích hên dài dài, không chịu hên một lần rồi thôi!”. Tôi vỗ vai Cường, quở: “Mắc dịch! Để cánh trẻ tự do làm ăn kiếm sống, đừng xúi bậy…”
Ngồi yên chỗ, tôi nói với Cường là quyết định lên Đà Lạt chơi rất bất chợt, ngay cả vợ chồng đứa em cũng chưng hửng, chưa kịp hỏi tôi đã dặn: “Có ai hỏi hay điện thoại thì nói chừng hai tuần chị về…”. Thằng em bỏ nhỏ với vợ nó: “Bả đi lên đồng chắc rồi !”. Tôi nghe nó nói vậy nhiều lần nên không buồn cười mà lại thấy thương vì nó hiểu tâm trạng, tâm lý và cả tâm thần của bà chị già cô đơn của nó… Cường nhìn tôi thân mật hơn, cười trừ. Tôi thoáng nghĩ cả lộ trình dài cả hơn nửa ngày đường có bạn thân quen cũng dễ chịu hơn nhiều, so với bao nhiêu chuyến đi một mình đã qua.
Xe đã lăn bánh ra khỏi thành phố, Cường gợi chuyện ngay, cho biết dạo này đã nghỉ dạy ở Gò Vấp, thường lên Đà Lạt giúp ông chú trông coi trang trại trồng hoa ở Suối Vàng… Tôi thật ngạc nhiên nên lỡ lời: “Vậy là Nguyệt bể kế hoạch nữa rồi…”. Cường cười chọc quê: “U 50 hết bể rồi bà ! Nói vậy chớ, ở trển có nhà nghỉ đàng hoàng. Ông chú đang cải tạo cảnh quang thành khu du lịch trang trại hoa, giống như ở Vancouver là cảnh quê thứ hai của chú vậy. Hấp dẫn lắm”. Tôi nghe Cường mô tả tỉ mĩ càng thêm bồn chồn, chỉ mong được đến ngay một vùng thắng cảnh của Đà Lạt đã hút hồn tôi từ dạo ấy…
 Tôi liếc chừng anh tài xế và chiếc kính chiếu hậu để dè chừng liệu lời tâm sự: “Từ ngày dang dở việc học và hôn nhân… Nguyệt lên Đà Lạt như một cõi đi về vậy. Gần đây đi lại càng dễ dàng, hễ thích là đi như lên đồng, mấy đứa em nó quở cũng phải”. Tôi chợt thấy hơi cay cay mắt. Cường giả tảng: “Hồi trước nghe ai rủ đi Đà Lạt chơi như bị điện giật vậy. Bây giờ đi lại thoải mái quá, ai cũng mất cảm giác bị chích điện rồi…”. Tôi cười trừ. Cường đùa như hát: “Nhưng với Nguyệt thì tôi đoán biết vì sao và vì sao… Mimosa hay đến chốn Đà Lạt rồi ! Mà hỏi thiệt, sao trông Nguyệt có vẻ buồn như ma soeur vậy ?”. Từng phải trả lời nhiều lần cho câu hỏi giống vậy, tôi nói đùa: “Là ni cô phải cạo tóc, ăn chay… Nguyệt không thích vậy…”. Hình như anh tài xế nghe hóng chuyện, lỡ tay bóp còi xe mấy tiếng lãng ồm… Tôi nói dè dặt hơn: “Ai cũng có phúc phận riêng… Nhìn mấy đứa bạn có con cháu đông vui, Nguyệt cũng vui lây. Nhưng thời gian trôi đi có trở lại bao giờ? Níu kéo có được đâu ?”.
Ngại Cường chưa hiểu rõ chuyện, tôi phải kể thêm vài tình tiết có giảm nhẹ: “Chuyện Nhật và Nguyệt một thời đằm thắm bao nhiêu thì khi đổ vỡ gay cấn bấy nhiêu… Năm đó gia đình Nhật được xuất cảnh theo diện ODP, điều kiện bắt buộc là Nhật không được lập gia đình… Vậy là đám cưới đã chuẩn từ lâu bị hủy bỏ … Từ dạo đó, Nguyệt lên Đà Lạt ở với bà dì có lập ngôi chùa ở Đại Ninh, bà khuyên qui y, nhưng Nguyệt từ chối... Hồi nãy Cường sánh tôi giống ma soeur là không đúng đâu...”. Cường nói đỡ: “Dạo đó gia đình tôi về Gò Vấp rồi…”. Tôi kể tiếp: “Nhưng dì của Nguyệt không thọ, mất sớm, được lập mộ ở vườn chùa. Nguyệt về lại nhà từ đó, ở vậy mở tiệm may cho đến nay và hay lên Đà Lạt chơi như bây giờ. Những người thân còn lại của Nhật lâu lâu cũng có ghé thăm, tặng quà gọi là… Nhưng dù sao họ cũng chỉ là người dưng khác họ mà thôi”. Cường im lặng, có vẻ chờ đợi lắng nghe. Tôi do dự, giải thích thêm cái thú đi lên Đà Lạt chơi cho Cường hiểu không phải vì mãi lưu luyến nhiều kỷ niệm không phai, vì vết thương lòng khó vá cho lành… mà vì cảnh đẹp thiên nhiên ở đó dễ khiến lòng người nguôi ngoai nỗi buồn theo năm tháng…
Tôi lan man tâm sự với Cường về mấy năm trường sống ở chùa… Đêm đêm trùm mền trên chiếc giường tu khổ hạnh, thấy cái lạnh ngoài trời không bằng cái lạnh trong lòng. Tỉnh giấc, chưa thấy được ánh dương xuyên thấu trời mù sương còn dầy đặc, đã nghe tiếng mõ kinh nhật tụng ban mai, ngoài vườn vang vang tiếng chim chóc gọi đàn… Khi nắng đã lên rồi, bước ra bờ suối cạnh chùa, còn thấy vết chân nai đêm qua về đây uống nước và dậm lên lá vàng khô, dưới ánh trăng vàng, bên những gốc thông nghiêng… Rồi chiều lên chiều lên… Gió đưa hương rừng về ngào ngạt mùi hoa thơm cỏ lạ. Mấy cô ni xách gùi đi hái rau rừng cười đùa yểu điệu như thục nữ nhà lành… Và rồi tôi ngập ngừng tóm lại: “Cuộc đời đó thật là… vẫn đẹp làm sao !”. Cường chau mày, gỡ cặp kính cận loạn thị cỡ 3 độ rưỡi, lấy vạt áo chùi chùi nhè nhẹ…   
Cường chợt đổi dòng tâm sự : “Nguyệt nhớ Hoa vợ của Cường không ? Học sau bọn mình 2 lớp… Bây giờ ăn chay trường rồi…”. Tôi quở: “Cường làm sao mà Hoa lại ăn chay?”. Cường xoa cằm, tỏ vẻ bản lĩnh đàn ông: “Ăn chay mà ngủ mặn thì có sao đâu ?”. Tôi đỏ mặt, đập vai Cường quở tiếp: “Bởi vậy, đáng tội hiếm muộn, tôi nghe nói vậy có phải không?”. Cường cười trừ: “Bởi vậy, tôi giã từ nghề giáo, lên ở với ông chú trên này, vậy mà vui !”…    
Tôi thoáng nhớ gia đình Cường là viên chức hành chính tỉnh, rất khá giả. Trước khi chuyển về Gò Vấp, ba má Cường bán lại cả khu vườn nhà đất cho gia đình của Dung cũng là bạn bè chúng tôi. Tôi kể: “Mới tuần rồi, gặp Dung cho biết mới làm xong thủ tục thừa kế; gia đình Dung một nửa, vợ chồng anh Dũng một nửa…”. Cường ngạc nhiên hỏi: “Ôi trời đất ! Vợ chồng thầy cô mất rồi sao?”. Tôi trách: “Vậy là Cường quên cả đường đi lối về rồi. Nguyệt hay đến nhà Dung chơi, anh Dũng ôm cây đàn ấy mà hát bài tình ca bất hủ “Cây đàn bỏ quên” và còn nói đùa là để tặng cho một thằng em lạc đàn. Sao vậy Cường?”. Cường lúng túng phân trần: “Tuy quan hệ hai nhà dạo đó rất thân, nhưng ba má Dung rất gia giáo, nghiêm khắc, khiến mẹ Cường cảnh cáo cả hai đứa phải giữ tình cảm chừng mực thôi. Sự thật của chuyện cây đàn bỏ quên chính là vì… từ hôm sau đó, Cường không dám đến để mang về”. Tôi bật cười: “Ông nói như Phạm Duy sáng tác ! Dung lại kể tôi biết nhiều lý do khác kinh khủng hơn nhiều”. Cường hỏi giật: “Sao ? Dung kể gì ?”. Tôi kể lại từ chuyện Dung bắt gặp tập nhật ký của Hạnh bỏ quên tại lớp; chuyện Cường chở Ánh đi thả diều ở Bình Nguyên; chuyện Ngọc và Cường đi uống cà phê, nghe nhạc Trịnh ở quán bờ sông, xéo xéo nhà Thờ… Cường khoát tay chém gió: “Thôi tạm đủ cả lớp mình rồi, còn lớp dưới mình nữa chi… Và người dừng chân Cường cuối cùng là Hoa! Phải không?”.
Cường trở mình vươn vai hít thở sâu như một vận động viên, hơn là cốt cách của một nghệ sĩ tài hoa, rồi hạ giọng kể lể: “Nguyệt biết không, những sự kiện và vấn đề Dung nói là thật, có thật. Nhưng về phần Cường, đó là những cơ hội tình cảm khó chối từ, một khi mình không bị cơ hội từ chối… Này, Nguyệt có thể cho Cường gửi lời lại với Dung rằng vì Dung không tự tin mình là người hoàn hảo nhất trong ánh mắt nhìn đầu tiên của Cường; là người khả ái nhất trong số bạn yêu quanh Cường, và vì đôi khi Dung không dám tin đêm đêm Cường thao thức vì Dung như thế nào”. Tôi lại bật cười: “Sao lời Cường nói giống y như chụp cắt lớp scaner các ca từ quen quen quá vậy?”. Anh chàng tài xế lại bóp còi, lên tiếng rao: “Kính mời bà con cô bác xuống nghỉ xả hơi, giải lao ăn hủ tíu Định Quán, cho nhà xe châm thêm xăng, đổ thêm nước bình!”
Tôi hỏi Cường nên vào ăn không kẽo đói, Cường lắc đầu nói: “Không biết hủ tíu Định Quán tỉnh mình bây giờ thế nào, chớ bây giờ hủ tíu ở đây không còn ngon như xưa đâu, bị chê là hủ tíu định cư rồi”. Tôi và Cường cùng lãng bước, sánh vai đi dạo bên vệ đường. Cường đưa mắt nhìn quanh nói: “Ở đây còn cách chân dốc Madagoui khoảng hai chục cây số, là ranh tỉnh Lâm Đồng – Đồng Nai. Chỗ cây xăng này mới mở, xưa kia nó là một khóm rừng thông cổ thụ đẹp lắm. Chổ kia kìa, có mấy tảng đá tròn khổng lồ chất chồng tự nhiên, cheo leo cả mấy trăm ngàn năm rồi mà không rớt… Tôi và Hoa từng leo lên đó chụp ảnh kỷ niệm chuyến lên Đà Lạt chơi lần đầu ở đó. Hôm nào tôi gửi qua email cho Nguyệt xem”. Tôi đồng tình: “Đúng rồi, có lần lâu rồi, xe bị pan, tôi cũng có leo lên ngồi một mình ở chổm đá đó, tiếc là không có ai chụp cho một bô hình kỷ niệm những ngày lặng lẽ nơi chốn núi đồi này”.
Tôi níu tay Cường chỉ về hướng cô gái bán đậu hũ chiên… Tôi đứng sát cạnh cô gái trạc tuổi tôi vào năm mười sáu trăng tròn, mặc chiếc áo len cổ lọ màu đất bazan đã cũ, má cô hồng ửng không cần son phấn, có đôi mắt bồ câu rất ngây thơ, nhưng ám buồn vì nét cầu khẩn, chờ khách mua hàng. Cường hiểu ý, móc máy ảnh kỷ thuật số bỏ túi chụp lia lịa, rồi mua hết chỗ đậu hũ còn lại và hứa sẽ phóng to ảnh lộng kiếng đàng hoàng để tặng, khiến cô gái má càng hồng và đôi môi chúm chím cười như cố khoe chiếc răng khễnh rất duyên…
Xe lại bon bon trên cung đường đèo, men theo vách núi cheo leo bên tả, bên hữu là vực sâu, nhấp nhô những đỉnh tre trúc chập chùng, nối dài đến những dãy núi phủ rừng xanh thẩm phía xa xa. Anh tài xế trẻ góp lời giải thích: “Đèo này là đèo Ông cố. Hồi xưa có cái nhà nguyện của ổng ở trên đỉnh núi vừa chạy qua, bây giờ không còn nữa. Ông cố của em tự hào khi di cư vào đây được rửa tội ở đó, ba em kể vậy, không biết có đúng không, xưa quá là xưa rồi mà…”. Cường đùa: “Coi chừng sụp ổ voi kìa!”. Cả ba cùng cười, tôi mời anh tài xế cùng ăn đậu hũ chấm muối tiêu. Anh ta vừa nhai vừa nói: “Đậu hũ bây giờ hết ngon như hồi thời bao cấp. Dạo đó em còn bé, cứ nghe ba mẹ hứa ẳm đi xuống chợ Sài Gòn chơi là nhắc phải cho ăn đậu hũ ở vùng này. Hình như hồi trước đậu phộng được trồng sạch, làm sạch hơn bây giờ nên ăn vô thấy béo ngậy, ăn hoài không chán, càng ăn càng ghiền…”. Cường bỏ nhỏ: “Và cũng tại đói bụng nữa đó, chú em ơi!”…
Anh tài lại bóp còi, rà thắng vì phía trước có mấy con bò nhai cỏ bên vệ đường, lỡ nó phóng qua nguy hiểm… Anh ta phân trần: “Chút nữa đến đèo Chuối quanh co cả chục cây số, cái giống bò này ham đi gặm lá tre ở vùng đó lắm”. Cường gật gù lưu ý tôi: “Qua khỏi đèo Chuối, Nguyệt sẽ thấy cảnh rừng tre thưa dần và chỉ còn toàn rừng thông hai lá mà thôi. Hết tre trúc thì đến thông… Nhịp điệu cảnh quang trên đường lên Đà Lạt chơi là vậy. Càng lên độ cao 1000 mét coi như mất biệt cái xứ dừa và tre tràn đầy ở miền châu thổ của xứ mình rồi…” 
Tôi nhìn đồng hồ, bây giờ là 13 giờ, đoán chắc phải 3 tiếng nữa sẽ đến đèo Prenn. Cường không nói gì nữa, dựa ngữa lưng ghế, mắt lim dim mơ màng. Tôi cũng vậy, thấy mỏi mông lưng và cặp đùi xoài tượng, cho nên không bao giờ dám mặc váy ngắn khi đi đường xa dù là tiện và mát mẻ. Mắt tôi lại cay cay vì biết tuổi già đang hạnh hoẹ, chán thật. Chả bù lúc trước còn sung, đi lên Đà Lạt chơi trong tâm trạng thần kinh lên đồng mà lên xe xuống xe ào ào, thậm chí không cần đi vệ sinh, vì ngại mấy tay đàn ông hay soi mói, tưởng tượng… Rồi tôi cũng thiếp đi, có cảm tưởng rất êm ái, vì không biết mình đang ngã vào vai Cường hay là vai Nhật ngày nào, cũng không biết chừng…        
Lại có tiếng còi xe… Tôi và Cường cùng nhổm dậy, thì ra là đã đến chân đèo Prenn, cả đàn bò đi lang bang phía trước mũi xe, đang muốn vào thành phố ăn cỏ chăng! Tôi nói chữa thẹn: “Cảm ơn cái vai của Cường nghen!”. Cường đùa: “Hồi Hoa còn ăn mặn, lên xe cũng ngủ y như Nguyệt. Bây giờ ăn Hoa chay, tôi cho bà mượn vai không cần bo đâu…”. Tôi đỏ mặt, quở: “Đồ quỷ Satan, cám dỗ bọn trẻ không được quay ra tán tỉnh bà già hả?”. Anh tài xế chen lời: “Cô chú không nhớ em, chớ em nhớ cô chú đi xe em bốn lần hay năm lần rồi... Hôm nay mới biết cô chú đáng là hàng sư phụ…”. Tôi giật mình, nhìn trân trân chàng tài xế trẻ ăn nói rặt giọng Đà Lạt rất dễ thương, rồi nói nhanh: “Ôi chết tổ rồi! Thôi em đừng có tải chuyện nghe lóm mà ráng tải cô chú từ từ qua cung đèo Prenn để ngắm cảnh Prenn chiều nghen!”…
Thiên nhiên đã tạo tác cho cửa ngỏ vào thành phố Đà Lạt một cung đèo thật hoành tráng mê ly! Chả bù dân Đà lạt sành du lịch đi đó đi đây hay ghẹo hỏi tôi: “Về miền Tây, vào đến cái cửa tỉnh của cô nghe nói có cái ngã ba Tháp giống cái “ngã ba ống quần” phải không?”. Thiệt hết biết trả lời sao về sự bất công của tạo hóa và ngôn lời của con người !         
Chiều nay, cung đèo Prenn thật đẹp lạ lùng! Sương chiều trắng như mây bông, đang nườm nượp kéo về, tranh nhau phủ lên từng mảng rừng thông ơi là thông chập chùng, không còn thấy đâu bóng dáng rừng tre nữa rồi...
Cường nhìn cảnh Prenn qua vai tôi, nói từ tốn: “Tôi có làm hàng chục bài thơ về Đà Lạt và cung đường này, có phổ thành nhạc… mà chưa được dịp hát cho ai nghe bao giờ, Nguyệt có muốn nghe không ?”
Rồi Cường hát khẽ, giọng trầm ấm nồng nàn: “… Chào hoa tường vi… Em xước lòng ta vết nhỏ… Chào những nụ hồng bỗng nở quanh ta… Chào núi đồi cao buông lòng ta rất thấp… Chào mặt hồ phẳng lặng sau em… Chào cung đèo Prenn… Nâng giấc ngàn thông mấy thuở… Chào mái đồi Cù… Ngơ ngẩn yêu đương… Chào bóng hồ Xuân Hương nhặt sao lấp lánh… Chào giáo đường thinh lặng trong em…”.
Ôi trời ơi ! Tôi xám lạnh cả hồn… vì lời nhạc thơ tuyệt vời, không chỉ xoáy vào tim tôi mà còn cứa từng nhát, từng nhát nhè nhẹ, nằng nặng và dữ dội vào chỗ nỗi lòng sâu kín nhất của Dung, Hạnh, Ánh, Ngọc… và cả Hoa nữa, cả bọn sẽ chết mê chết mệt mất thôi. Tôi trân mắt nhìn Cường ra lệnh: “Hôm nào, Cường phải hát bài này cho cả bọn bồ cũ cùng nghe ở nhà Nguyệt, nghe chưa…”. Cuờng gật đầu: “Hân hạnh được phục vụ quý khán giả của đời tôi… Bài này có tên là Dáng thông nghiêng… Ai lên xứ hoa đào mà chưa nghe được bài này, chắc có lẽ là chưa biết đi lên Đà Lạt chơi sướng hay mệt mỏi thế nào đâu !”      



Tại nhà tôi, 24.10.2013

No comments:

Post a Comment