Đi rập cua
Sáu
Quang
Phía trước chiếc xuồng nhỏ đi rập
cua của anh Tám là vùng đất cuối sông thuộc huyện biển Thạnh Phú với mạng sông
rạch, vàm, khém cắt chẻ như bàn cờ. Ở đó, dưới những sông rạch chằng chịt là
nguồn thủy sản vô cùng dồi dào phong phú do thiên nhiên ban tặng cho con người.
Dù trải qua bao thăng trầm nhưng con cua hiện nay vẫn có giá.
Chuẩn bị đi rập cua |
Một chuyến đi rập…
Chạy vội ra
bờ sông Băng Cung, tôi gọi réo xuống dòng sông: “ Ơ…anh Tám, anh cho tôi theo
anh một chuyến…”. Nhận ra tôi là người bà con bên vợ của anh nên anh trở tay
chèo, đưa mũi chiếc xuồng nhỏ quay lại vào bờ. Ngồi trên chiếc xuồng 7 lá chuẩn
bị đi rập cua, anh Tám ngước nhìn lên bầu trời chiều với nhiều cụm mây đen ve
vãng, giọng anh lừng khừng trước tôi: “Chú em có biết lội sông hôn? Mùa này đi
trên sông nước nguy hiểm lắm!..” Tôi liền đáp: “Tàm tạm, nhưng mà anh Tám hãy
yên tâm đi, có gì thì còn…cái thùng nhựa của anh Tám nữa chi.” Anh Tám cười
gượng: “Hừ. Mà đi khuya lắm mới về hà…”
Chiếc xuồng
nhỏ chở chúng tôi chèo về hướng rạch Cừ, nơi giáp ranh giữa xã An Thạnh và An
Điền. Xa xa phía trước, dòng Băng Cung càng nở rộng và chẻ ra thêm rất nhiều nhánh trước khi đổ vào sông lớn Hàm
Luông, rẽ qua Eo Lói đổ vào sông lớn Cổ
Chiên. Đó là mạng sông rạch chằng chịt thuộc vùng ven biển Thạnh Phú (Bến Tre) với
nhiều địa danh nghe lạ lẵm nhưng đầy ấn tượng: rạch Bà Hương, rạch Ngát, Láng
Cháy, Heo què, Rều, Giồng Bãi, Vàm Rỗng…
Xuồng chúng tôi khi chèo gần đến
rạch Cừ thì bỗng xuất hiện nhiều cơn gió mạnh kéo đến, gió làm nổi sóng trên
sông, mây đen làm trời tối sầm nhanh chóng. Chiếc xuồng đi rập cua chồng chành,
lắc lư dữ dội. Với kinh nghiệm mấy mươi năm sống nghề sông nước, anh Tám đoán
chắc là giông sẽ ập đến hoặc cũng có thể
là gió lốc, con trốt sẽ đánh vật con sông này ngay trước buổi hoàng hôn. Nhanh
như con thoi, anh mộp người xuống, căng lực vào tay chèo, đưa ngay chiếc xuồng
vào trốn bên một vạt rừng bần ven sông. Quả vậy, không phải giông, mà đó là một
cơn lốc…chết người bất thần kéo qua nơi cuối sông Băng Cung, cách chỗ chiếc
xuồng chúng tôi đang ẩn trốn… thần gió không xa. Chỉ tay về hướng con lốc xoáy
vừa cuốn qua, anh Tám thều thào: “ Nếu đang thả rập cua ở đó, lớ ngớ chắc là bà
Thủy kêu...”
Rồi như màn
ảo thuật của ông Trời, sau lốc xoáy chừng mười phút, không gian trên sông nước
lại quang đãng với ráng chiều rựng đỏ phía chân trời. Trên xuồng, anh Tám lần
lượt móc mồi chình vào các chiếc rập cua và chuẩn bị thả rập xuống lòng sông. “
Ô kìa… gì vậy ta?”- tôi thốt lên khi thấy một đoàn xuồng mấy chục chiếc nối
đuôi nhau, dài thườn thượt đang tiến gần về phía xuồng chúng tôi. Kéo đoàn
xuồng kia là một ghe máy khá lớn. Tôi thấy ngộ nhưng với anh Tám thì không lạ
gì, anh nói: “Thì họ cũng đi rập cua như mình. Cái khác là mình đánh “du kích”
còn họ thì đi hành quân xa - anh giải thích- Du kích là trong ngày, canh theo
con nước để thả rập bắt cua, thả xong lại về. Còn đi rập cua theo đoàn như họ
là hành quân xa vì họ đi ba bốn bữa hoặc có khi cả tuần lễ mới về. Khi đi, họ phải chuẩn bị đủ thứ để có thể
sống và thao tác nghề dài hơi trên một
chiếc xuồng 7 lá chật hẹp như chiếc của mình đang đi. Họ đi xa hàng chục cây số
tính từ điểm xuất phát. Thay vì phải chèo bằng tay, để tiết kiệm sức, họ cùng
chịu tiền dầu mỡ nhờ một chiếc ghe máy kéo theo hết cả đoàn xuồng đi rập cua.
Chiếc ghe máy kia lại một công hai việc: vừa đi rập cua ngoài ven biển, vừa có
người hùn vô tiền dầu…Gần đây, xăng dầu lên quá mạng, dân đi rập cua xa và cả
những chủ ghe máy đều than như bọng…”
Dụng cụ rập
cua? Đây cũng là một cách sáng tạo của ngư dân vùng ven biển ĐBSCL. Rập cua
được làm bằng hai thanh tre buộc xéo nhau thành hình chữ X. Dưới hai thanh tre
đã uốn cong là khoảng lưới hình vuông, cạnh khoảng 45 cm và để cái rập cua có
đủ sức nặng khi thả chìm xuống đáy sông, người ta buộc thêm hai cục gạch cân
bằng ở phía trên cái rập. Chính giữa hai gọng tre là chỗ để móc mồi. Ngư dân
ngồi trên xuồng điều khiển (kéo lên, thả xuống) chiếc rập dưới nước nhờ vào một
sợi dây buộc chắc vào cái rập. Dấu hiệu của một rập cua vừa được thả xuống đáy
sông là một chiếc phao nhỏ nổi lều bều trên mặt nước. Cách bắt cua từ chiếc
rập? Thông thường các chú cua túa ra đi tìm mồi, ăn mồi vào lúc con nước vừa đổ
lớn và lúc nước vừa giựt ròng bởi vậy, để mai phục chúng, dân ngư chọn lúc nước
đứng là thời điểm thả những chiếc rập cua xuống đáy sông. Khi ấy, thật đơn
giản, cua ham mồi, vào rập ăn mồi, thì bất thần ngư dân ở trên xuồng giựt mạnh
chiếc rập lên. Khi giựt rập lên, cua…giựt mình rơi xuống lưới. Rơi xuống lưới
rồi nếu cua vùng vẫy thì càng rối vào lưới …
“Tại sao
rập cua phải là mồi chình?”- tôi hỏi anh Tám. Anh Tám tạc lưỡi: “Nghĩ cũng ngộ,
con chình cũng giống như lươn, nhưng mà câu cua bằng mồi lươn thì đố ai câu
được. Chúng chẳng bao giờ ăn…mồi lươn. Phải chăng chính mùi tanh của máu con
chình là điều quyến rũ chúng(?)”. Đêm đó, anh Tám thả 20 chiếc rập cua, đến
khuya, anh lần lượt kéo rập lên bắt gần 4 kg cua trong đó có 2 chú cua gạch
điều cân ngoài 1 kg. Cua gạch điều đang có giá gần 200.000 đồng/kg. Như vậy,
qua một đêm đi rập, giá chót anh Tám cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng. Anh
Tám khẽ khàng: “ Đến Tết Trung thu cua gạch điều có khi ngoài 200.000 đồng/kg…”
Đi rập cua |
“Bệnh
viện cua”giữa biển
Ông Nguyễn
Văn Hoanh ở Cống Đá, xã An Thạnh, người đã sống với nghề rập cua gần nửa thế kỷ
qua tâm sự: “Nghề hạ bạc này thuộc nghề truyền thống, cha truyền con nối,
thường tập trung thành một xóm giữa những vùng dân cư sống bằng nhiều nghề khác
nhau. Đầu tư cho một xuồng đi rập cua chẳng gì lớn lao: một chiếc xuồng 7 lá
mua khoảng 500.000 đồng, 30 cái rập cua tự tạo, chỉ tốn tiền mua lưới; cộng tất
cả khoảng 700.000 đồng là có thể…làm nghề. Tuy vậy, do cua biển luôn có giá nên
dù làm nghề rập cua trên sông vẫn có thu nhập cao hơn làm ruộng - ông Hai Hoanh
tiếp lời - Còn những ai khá hơn thì họ sắm ghe tàu lớn đi rập cua ngoài cửa
biển. Đi rập cua ngoài ven biển, nếu may gặp những “bệnh viện cua”ở ngoài đó
coi như trúng mánh...” . “Bệnh viện cua” giữa biển?”- tôi thắc mắc hỏi vặn ông
Hai Hoanh. Ông Hai cười: “Anh em sống nghề nói vậy cho hình tượng chớ thật ra
đó là những hầm cua, tức nơi dưới đáy biển tự nhiên có chỗ có rất nhiều cua tựu
lại rồi chúng giành ăn, “giành cái” với nhau, cắn nhau sứt tay gãy gọng nên khi
đi rập cua trúng chỗ đó, vui lắm, cứ kéo lên là gặp…cua què (gãy càng). Nhưng
nói đó là “bệnh viện cua” xem ra cũng có lý. Phải chăng ở đó là nơi có điều
kiện thiên nhiên lý tưởng để cua tề tựu lại sinh sống, dưỡng sức sau cuộc chiến
đấu với tình địch nào đó trong thế giới của loài cua(?)”
Vài năm gần đây, cua con sinh sản trong thiên
nhiên xuất hiện nhiều vô số kể ngoài cửa sông Hàm Luông, cửa sông Cổ Chiên rồi
cua con theo thủy triều tiến quân vào các sông rạch trong đất liền. Vậy là ngư
dân đi rập cua có thêm công việc mới: rập cua con, là cua giống bán cho người
nuôi cua. Đi rập bắt cua gạch, cua xô (gọi chung là cua lớn) từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch còn đi rập
bắt cua con là từ sau tháng 11 cho đến ra Giêng. Rập cua lớn, ngư dân dùng mồi
chình, rập cua con ngư dân dùng mồi ruốc sống. Một chiếc rập cua con khi kéo
lên, cơ man nào là cua, loại cua còn nhỏ cỡ đầu đũa hay cỡ ngón tay út. Cứ đếm
từng con mà bán. Con nhỏ cỡ đầu đũa thì 1.000 đồng/con, cỡ ngón tay út 1.500
đồng/con, còn lớn hơn nữa là 2.000 đồng/con…Anh Tư Nghĩa, người đi rập cua sống
ở xã Mỹ Hưng, sau một chuyến đi rập, anh xách một thùng thiếc cua con đem bán
cho một chủ vuông nuôi cua. Cua nhỏ bò lích nhích, không sao đếm xuễ nên chủ
vuông đề nghị mua mão cho anh tất cả là 500.000 đồng. Chẳng do dự chi, anh trao
hết cho chủ vuông cua chiếc thùng thiếc và khi vừa nhận tiền xong, anh Tư trở
ngay lại với dòng sông để tiếp tục đi rập cua…nhí.
Đa dạng
hóa trong nuôi thủy sản?
Nuôi tôm sú
có lợi nhuận cao nhưng phải đầu tư lớn và lắm rủi ro, không ít người đang lao
đao. Hiện nay, khi nuôi tôm vẫn là chuyện bấp bênh nên người dân vùng ven biển
trở lại với nuôi cua. Nuôi cua tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm nhưng lợi
thế là không phải đầu tư lớn, ngay cả người dân nghèo, có ít đất vẫn tận dụng
được để nuôi cua với một ao nhỏ thả nuôi chừng trăm con cua. Vậy là sau bốn,
năm tháng, ngày cứ lai rai xách ra chợ xã bán một, hai kg cua cũng dư tiền chợ
búa. Đó là chưa kể nuôi cua vỗ béo, nuôi cua tạo gạch với thời gian ngắn nhưng
vẫn cho lợi nhuận khá…
Cua con đang sinh sản nhiều trong thiên nhiên
là tín hiệu lành đối với môi trường sống quanh ta và cũng từ nguồn cua giống
dồi dào này, hy vọng nghề nuôi cua sẽ được vực dậy để lấp vào khoảng trống ủ rủ
của nhiều vùng tôm. Có thể lắm chứ…/
Bài này của Sáu Quang hay quá! Nhưng tay Sáu Quang này cũng liều mình quá đó! Bởi vì mình đã từng rập cua trên rạch Băng Cung rồi, và mình cũng không lạ gì khúc sông Bến Vinh... Khi nước ròng mà rớt xuống vàm Băng Cung đang lúc chảy xiết... thì bơi giỏi hay ôm cái can 10 lít cũng không chắc sống đâu nghe, Sáu Quang ơi!
ReplyDelete