Huỳnh
Thị Kim Anh
Lịch cũ là
loại đặc sản miền sông nước, có hương vị độc đáo, quí hiếm nhưng rất xa lạ với
dân thị thành…
Lịch cũ xuất khẩu |
Vang bóng
một thời…
Lịch cũ sống ở vùng nước lợ, mặn,
đặc biệt là trên những bãi bồi, đầm lầy ven biển đồng bằng sông Cửu Long như Gò
Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại, Thạnh Phú ( Bến Tre), Duyên Hải (Trà Vinh),
Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau)…Lịch cũ có hình dáng như cá
lạc, chình, lươn, rắn, rồng biển (đẻn)…nhưng có màu xám trắng (hoặc xám vàng),
sức phát triển to hơn so các loại tương cận trên. Và ngộ thay nó rất hiền, chưa
bao giờ nghe nói có người bị lịch cắn cả. Lịch cũ thường làm hang ăn luồn rất
sâu xuống bùn và sống tung hoành giữa sông nước. Một ngư dân ở xã Trường Long
Hòa ( Duyên Hải) mô tả: “Chặt lìa con lịch cũ thành hai khúc, rồi thảy xuống
sông, đố ai dùng tay mò lại được bởi nó chúi rất tài tình…” Nghĩ cũng lạ, không
hiểu vì sao người ta vẫn gọi chúng là lịch cũ chứ phải gọi loài này là “lịch
chúi” thì đúng với nó hơn.
Do loài lịch cũ cũng có “chữ tài gắn
với chữ tai một vần” như thế, ngư dân đã đặt lưới đáy trên sông, đặt bun trên
đầm ruộng và thế là lịch cũ cứ theo dòng triều lớn ròng chui vào. Đối với lịch
cũ ở hang, người ta phải dùng cuốc đào hang rồi dùng mũi chĩa tóm lấy chúng. Nhưng
công việc này cũng chẳng dễ ăn. Có hang, dân đi săn lịch cũ phải đào sâu 5-7
mét mà vẫn chưa thấy được…đuôi “chàng” lịch.
Những bãi đất bồi ở vùng cửa biển
Ông Trang, mũi Cà Mau (Ngọc Hiển), biển Ba Động (Duyên Hải), xã biển Thừa Đức
(Bình Đại, Bến Tre)…được xem là những “thánh địa” của lịch cũ. Nhưng khi được
hỏi các bậc cao niên tại địa phương, ai cũng tỏ ra tiếc nuối: “Hồi còn chiến
tranh, cứ vào con nước lớn là lịch cũ…trườn vào các đầm, ruộng ta tha hồ mà
chĩa, mặc sức mà đặt bun”. Một cụ ở Thừa Đức nói: “Giờ thì giỏi lắm chỉ một
phần ngàn hồi đó!”.
Từ lâu, ngư dân ven biển đồng bằng sông Cửu Long đã
phong cho lịch cũ là “lạp xưởng biển” nhằm diễn tả cái ngon, cái quí hiếm độc
nhất vô nhị của chúng. Khi bắt được lịch cũ, ngư dân thường giữ lại, đem về
phơi khô chừng hai nắng, đem nướng, hoặc chiên. Bên chung rượu nếp, họ cứ “khà
khà” tận hưởng cái hương vị đặc biệt thơm ngon và béo ngầy ngậy của thịt lịch
cũ.
Lịch cũ sống phát triển nơi đầm lầy, rừng ngập mặn |
Cái hương vị đồng quê ấy, trước năm
2000, từ từ lùi vào dĩ vãng vì giá lịch cũ có lúc lên đến 300.000 đồng/kg. Nếu ngư dân
nhịn đừng ăn 1 kg lịch cũ thì sẽ có được 2 – 3 kg thịt bò mua tại chợ xã (thời
điểm năm 2000).
Chị Ánh, một chủ vựa thu mua lịch cũ
xuất khẩu tại thị trấn Thạnh Phú (Bến Tre) cho biết: “Trong năm, cơn sốt lịch
cũ bắt đầu nóng lên dần từ sau Noel cho đến tháng 5, tháng 6. Hiện thời, lịch cũ
loại “vào loại” tôi thu mua 400.000 đồng/kg, có khi hiếm hàng…phóng giá 450.000
- 500.000 đồng/kg luôn…”. Hãy hình dung cái giá thu mua lịch cũ như sau: hiện giá
1 kg tôm sú loại 1 khoảng 200.000 đồng, cua gạch điều trên dưới 180.000 đồng,
còn lịch cũ… Chị Ánh bật mí: “Ở TP HCM, người ta thu mua lịch cũ sống xuất sang
Trung Quốc, Đài Loan…để làm thuốc. Lịch cũ được xem như một loại sâm biển tuyệt
vời, quí hiếm hơn cả chình. Thưởng thức món đặc sản này sẽ có sức khỏe vô song”.
Hiếm có loại thủy sản nào luôn có giá cao vút như
lịch cũ với 500.000 đồng/kg nhưng nó có vẻ biệt tăm chừng mười năm qua. Giải
thích vì sao lịch cũ biệt tăm, những người dân địa phương cho rằng nhà nhà làm
ao nuôi tôm, rừng bị tàn phá, môi trường đầm lầy không còn nữa, trên đồng ruộng
thì người ta phun xịt thuốc trừ sâu liên miên nên lịch cũ chạy xa…trối chết. Tôi
ngầm hiểu khi cánh cửa rừng ngập mặn xưa cứ thu hẹp lại dần vì cuộc kiếm sống
trước mắt thì số phận của loài lịch cũ đang có giá ngoài thị trường kia cũng
chẳng khác hơn.
Hồi
sinh?
Những người đi ghe cào, đóng đáy trên sông
Băng Cung (xã Mỹ An, xã An Thạnh, Thạnh Phú, gần sông Hàm Luông) cho biết con
nước rằm (15 âl) hoặc 30 hiện nay ngư dân bắt được rất nhiều lịch cũ còn nhỏ,
con cỡ chừng ngón tay cái. Họ đem lên các chợ xã cân ký bán, chỉ 30.000 - 40.000
đồng/kg. Các lão ngư dân tiếc hùi hụi còn những người biết hương vị đặc sắc của
lịch cũ, họ tranh nhau mua về xẻ khô, phơi vài nắng, nướng hoặc chiên để…ăn
cơm. Họ thì thào: “Loại này, chỉ những người có tiền mới có khả năng ăn nổi.
Sản phẩm của quê mình, mình ăn cho…sướng. Có điều mình chỉ thưởng thức con…nhỏ
nhỏ thôi”. “Lạp xưởng biển” tuy còn nhỏ nhưng ăn vẫn giòn rựm, béo ngậy và đặc
biệt khi trở chảo khỏi cần dầu mỡ.
Theo “qui định” của các điểm thu mua lịch cũ đang
giăng ở khắp vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, một con lịch phải cân nặng
từ 1 kg trở lên, con lịch không bị trầy sướt mới gọi là “vào loại”, tức mới
được thu mua với giá cao 400.000 -500.000 đồng/kg. Còn dưới 1 kg, họ chỉ mua
bằng giá lươn, cá lạc để bán cho các nhà hàng nội địa làm món nhậu chơi. Trong
thực tế, bắt được lịch cũ loại ngoài 1 kg là không dễ. Tôi hỏi anh Năm Lập, quê
xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú: “Sao không làm vuông nuôi lịch cũ như lươn, một
vốn mười lời?”. Năm Lập nói: “Chỉ nuôi vỗ béo những con đã đủ ký nhưng yếu sức,
nuôi dưỡng một thời gian ngắn là bán ngay. Mà nghe nói cũng không ai làm vuông
nuôi được loại này. Nhiều người thấy mê quá, làm đại ao nuôi như nuôi cua, nuôi
lươn… nhưng rồi không kết quả. Nuôi nó lâu lớn, nó ốm tong ốm teo hoặc chúng chúi
đi đâu mất dạng như ma”.
Lịch cũ tái xuất giang hồ cho thấy rừng ngập mặn ven
biển đồng bằng sông Cửu Long đang nở rộng, môi trường thiên nhiên dần được hàn
gắn. Thế thì, lịch cũ lại tung hoành trên sông nước, biến nhanh nơi những bãi
bồi, đầm lầy hoang vu. Cơn sốt lịch cũ lại tiếp diễn.
Khô lịch cũ phơi vài nắng. |
Tàn phá môi trường nhằm phục vụ cho cái thèm ăn ngon trong chốc lát thì còn gì để lại cho đời sau (!) Than ơi! Người Việt Nam mình tàn phá chính quê hương mình không biết nương tay, không chút động lòng. Chỉ biết chút tư lợi cỏn con trước mắt mà thôi!
ReplyDelete