Truyện ngắn
Bữa tiệc trên sân thượng
Huỳnh
Trúc Thông
Bữa tiệc hôm nay của đám bạn gần tuổi
đáo tuế rồi mà vẫn gọi nhau mày tao. Oánh là chủ nhà hàng bề thế nhứt tỉnh cũng
đồng thời là chủ tiệc. Bàng làm thầy giáo không chịu đợi hưu, xin ăn theo diện chính
sách 132, tức là lãnh truớc được một cục tiền hưu bổng sao sao đó… Và tôi, Thái
Dương thâm niên công tác ở bưu điện tỉnh, có lò kẹo dừa do bà vợ lo liệu, nên hễ
tan sở là tôi rảnh, đi la cà, ngại về nhà… Và bữa tiệc hôm nay còn bạn nào tới
nữa thì Oánh giữ bí mật, không chịu báo trước.
Nhà hàng này trước đây là quán bán hủ
tíu, bánh bao, xíu mại, giò chá quẩy, bánh tiêu… Sau khi ông nội rồi ba má lần
lượt qua đời vào cuối thời bao cấp, Oánh chính thức được hưởng thừa kế quán này
có hơn 20 chục năm nay. Oánh cải tạo nó thành nhà hàng có tiếng ngon rẻ, là điểm
hẹn của dân làm ăn sành điệu và đặc biệt là của cánh bạn bè cùng trường, cùng lớp
đến câu độ rượu, tán dóc, cãi cọ cho đã rồi về… Oánh rất thiệt tình tuyên bố: “Bạn bè, đến đây
gặp nhau là vui rồi, đừng lo chuyện ủng hộ, lấy chỗ khách khứa dư sức bù cái lỗ,
đừng có ngại”. Tôi có trách nó: “Nói vậy chớ sao không ngại mậy?” Quả thật, lâu
lâu không thấy bạn bè nào lui tới, Oánh níu tôi hỏi thăm hết đứa này đứa nọ làm
sao, nó làm sao… Thật ra tôi cũng xứng làm ăngten của bạn bè, bởi làm phối kiểm
thư ở bưu điện nên biết rành mọi địa chỉ của ai, làm gì, ở đâu, hồi nào… Hồi
trước, nhiều lần tôi phát hiện thư tình vụng trộm của bạn bè, “buôn nem bán chả”
tá lả, gửi qua gửi lại ghê gớm lắm! Bây giờ có email, chát chiếc… nên xem như
tôi hết thời, định chạy chọt kiếm một suất 132 như Bàng nhưng không xong ! Thôi
kệ, dù sao cũng nối nghiệp ba tôi gần ba chục năm, còn 2 năm nữa cũng về hưu,
sá gì…
Tâm lý của Oánh chí cốt với bạn bè
là do tính thiệt thà, vợ chồng nó bị hiếm muộn, nuôi cháu làm con và hay bao đồng
mọi chuyện, nếu liệu bề được là được. Tất nhiên cũng có trường hợp bạn nợ rồi
biệt tăm, nó vẫn cười trừ: “Kệ... Tội nghiệp…”. Nhưng với khách khứa giang hồ vào
ăn nhậu mà chém gió là coi chừng nó. Tên nó đúng ra là Oanh nhưng hồi làm khai
sinh, ông lục sự lỡ tay bỏ dấu sắc thành Võ Văn Oánh, cho nên ai bẹo gan nó là
“oánh” liền, hồi đi học cũng vậy, bây giờ cũng vậy. Đến luợt làm khai sinh cho
em nó, cũng ông lục sự mắt mũi kèm nhèm đó lại viết Võ Thị Yến thành Võ Thị Yên,
cho nên cô em Oánh gần đây được yên bề gia thất, có chồng người Mỹ, lâu lâu dắt
hai đứa con trai sinh đôi về chơi, cả xóm con nít sang ghẹo la Ô kê! Ô kê ì
xèo!
Còn Phạm Văn Bàng chắc cũng bị sai
chính tả, vì nó hợp với cái tên Văn Bằng hơn? Bởi nó làm thầy giáo dạy Anh văn cấp
II rưỡi, nhờ có bằng đại học tại chức, được kê lên dạy cấp III. Mấy năm trước,
nó còn đâm hồ sơ thi cao học tại chức nhưng bị rớt, và có lẽ đó mới là lý do nó
xin hưu non… Vốn có tính bốc đồng, Bàng chỉ thích làm gia sư cho hầu hết bạn bè
nào cần dạy kèm cho con đi học hay đi thi, bởi chẳng qua là nó ham muốn được tự
do la cà, đi dạy kèm, dịch hợp đồng giấy tờ, hồ sơ công chứng kiếm tiền lai rai,
lâu lâu có bài dịch đăng tạp chí khoa học này nọ mới ghê… cộng với huê lợi 2 mẫu
vuờn nhà bên vợ, cho nên nó sống rất tà tà, phây phây như Ănglê…
Tôi và Bàng chạy xe tới quán, Oánh vội
bước ra hấp háy mắt, bật mí: “Chút nữa có vợ chồng thằng Mỹ con Pháp tới…”. Tôi
ngạc nhiên: “Ủa? Tụi nó về hồi nào?”. Thằng Bàng nói tỉnh queo: “Mày là ăngten
của đám bạn già mà chả biết cóc khô gì ráo. Tao điện thách vợ chồng nó mua vé
máy bay bay về chơi. Vậy mà hôm kia hôm kìa khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất,
con Pháp nó điện về cho tao liền… ”. Tôi chống chế: “Vậy mà cách đây một tuần vợ
chồng nó có chat hỏi tao muốn đi Pháp chơi không tụi nó lo…”. Thằng Oánh vén
môi cười, lộ bộ răng hô xiên xẹo ám khói thuốc vàng khè: “Tụi mày cà giựt cà thọt
quá! Tao báo chuyện bà cô con Pháp bán đuợc căn nhà rồi nên vợ chồng nó bay về
liền để giải quyết hậu sự đó...”.
Đúng lúc chiếc xe taxi đổ xịch, cặp
vợ chồng Việt kiều bước xuống, ăn mặc giống y như bà con tỉnh lẻ. Tôi thoáng nhớ,
cặp đôi này thiệt hoàn hảo. Hồi đi học có tiếng con nhà khá giả học giỏi mà
bình dân, bạn bè đều dễ chịu. Chả bù tôi, Oánh và Bàng con nhà bình dân, học
hành tàng tàng, ngồi chung bàn, cọp dê toán lý hóa nhanh như chớp, hay bày trò
chọc gái, bị chửi hắc ám… Nhưng nói chung, cả đám bạn cùng lớp vẫn giữ liên lạc
luôn, từ lúc con Pháp lấy thằng Mỹ rồi đi Pháp định cư nhờ có gốc dân làng Tây
và cho đến nay, vợ chồng nó cũng giữ liên lạc với bạn bè y vậy.
Oánh bước nhanh ra cặp kè hai vợ chồng
Việt kiều vào quán. Mấy bàn nhậu hóng chuyện, liếc nhìn đoán già đoán non… Oánh
nháy mắt ra hiệu: “Lên sân thượng cho nó mát”. Biết gu Việt kiều thèm món quê
nhà, Oánh giới thiệu thật khí thế các món bánh xèo thịt vịt nấm mối; cá trê nướng
chấm nước mắm ớt xoài; cơm nước dừa lá dứa ăn với cá lòng tong kho tộ và canh
chua cá bông lau nấu khế măng chua; còn món tráng miệng là chè bà ba hột lựu nước
cốt dừa….
Mỹ và Pháp đứng sát cạnh nhau, chống
nạnh nhìn bao quát cảnh sân thượng. Cặp vợ chồng này cũng là dân kinh doanh nhà
hàng Việt ở bển, đánh giá kiểu bày trí này đúng là chỉ để nhậu, đãi tiệc dễ bị thụ
động… Cuối sân cũng có thiết kế sàn nhảy đầm, có dàn nhạc hát với nhau theo mốt
bây giờ. Dọc bờ tường lan can là những chậu nguyệt quới uốn nắn cẩn thận, có
hoa thơm ngát. Nhìn xuống xa xa thấy toàn cảnh một dòng sông soi bóng dừa, đang
nhuộm ánh trăng đêm thượng huyền… Pháp nói khẽ: “Về bển, em anh vẽ tặng bản thiết
kế kiểu cọ hơn cho Oánh”…
Khi đặt chai Remy Martin XO xuống
bàn để làm quà vừa tặng vừa uống, Mỹ nhìn các món ăn hấp dẫn, xoa tay cười híp
mắt: “Đã thiệt! Tri kỷ đãi bạn có khác. Đúng ra phải uống rượu đế, nhưng chơi hàng
Mỹ xách tay về cho nó sang”. Pháp cười giọng đầm nói: “Mấy ông nhậu, tui phá mồi
ráng chịu nghen!”. Oánh huơ tay hô hào: “Thoải mái! Muốn ăn cây gì, con gì, cái
gì cứ la lên, có ngay, như ta đây chấp cả nhà hàng Tây đui-cà-then!”. Pháp cười
ngặt nghẽo: “Biết ông Mỹ ghẹo cặp mắt kiếng cận của tui sao không? Đồ
đui-cà-thích đó !”. Tôi đế vô: “Chà! Chắc bà bị thằng Mỹ phát hiện sớm nên thành
cặp đôi hoàn hảo phải không?”. Pháp đập lưng tôi trả đũa: “Ông còn làm nghề bưu
điện nữa không ? Này, con Cúc Hương ở bển hễ gặp tui là nó ca cái tên ông như vầy…
Thái Dương ơi thương sao thật là thương!“ Tôi sượng cứng ngắc và giựt mình: “Ừ,
chút nữa phải hỏi thăm Cúc Hương…”. Biết tôi sập bẫy của Pháp, Oánh bèn nâng ly
rượu mời: “Thôi vô đi… Một hai ba! Chúc mừng tụi tao hội ngộ tụi mày! Khà khà…”
Sau một vòng cụng ly, cả đám bạn già
vừa ăn vừa tám chuyện bạn bè bên này bên kia; bàn từ chuyện đồ hàng đồ hiệu,
cho đến những vụ xì căn đan quốc tế, bên Tây bên Tàu; bàn cả chuyện nghệ thuật,
văn thơ, nhạc nhẽo đông tây kim cổ… Càng già chuyện, càng cười cợt, càng ngấm thêm
gió đêm sân thượng đượm hương nguyệt quới nồng nàn, và đám bạn già càng thân
thiết hơn… Chợt Bàng nhổm người, gài chuyện đột ngột, làm đổi dòng cuộc chuyện
trò: “Lần này hai đế quốc quyết định hồi cố hương chưa? Có mấy đứa mang tiền về
cất biệt thự hoành tráng, ở đã lắm… Không ở thì cho Tây du lịch thuê, cũng bộn
tiền…”.
Nguyễn Hoàn Mỹ vốn có tính “cẩn tắc
vô ái náy”, từ năm học tú tài, đã nói thạo cả hai sinh ngữ Anh – Pháp, nhờ ba mẹ
đều là giáo sư dạy trường tư, kèm cặp từ chuyện học hành cho đến lối sống Mỹ văn
minh thực dụng… Còn Hoàng Thị Pháp, có tên tây Anna France Emile, tên thánh là Maria,
ở villa nhà nội là dân làng Tây cựu trào, biết nói tiếng Pháp từ nhỏ. Cặp Mỹ -
Pháp này là hiện tượng hy hữu, được thầy cô và bạn bè ở trường rất hay dòm ngó,
từ chuyện học hành và mối tình của hai đứa có hai cái tên sặc mùi đế quốc, lại
còn được cả hai nhà có học thức đính ước từ lúc chúng nó mới đủ lông đủ cánh…
Vỗ bóp bờ vai tròn lẵng của vợ, Mỹ
trả lời Bàng, giọng nhát gừng: “Tùy bà đầm này thôi!”. Cả bàn như chờ Pháp lên
tiếng: “ Muốn về ở luôn lắm, nhưng phải mấy năm nữa, vì thằng con trai mới báo
con bồ gốc Algérie của nó có bầu rồi!”. Oánh cao hứng phán: “Ở Tây có khác…”.
Bàng buột miệng nói: “May mày không có con, bầu bì kiểu đó chắc mày oánh nó hả…”.
Tôi can: “Thôi chúc mừng ông nội bà nội, cạn ly đi!”. Pháp cười trừ: “Mấy ông
có giỏi mà giữ lễ giáo cho bọn trẻ bây giờ. Tây Ta gì cũng qua thế kỷ 21 hết rồi!”.
Mỹ tình thiệt tiếp lời vợ: “Tao sang Mỹ thăm mấy đứa em, con cái tụi nó tự do
luyến ái, ông bà cha mẹ khỏi thắc mắc, nó có mang cháu về thì vui vẻ mà chăm
sóc dùm, kẻo tụi nó thất nghiệp, là toi ngay…”. Tôi giải huề: “Chuyện ở bển là
vậy, bên này bây giờ cũng bắt đầu nhiều chuyện vậy rồi… Nhà nào còn giữ được
cái lề giấy rách thì cứ giữ, tốt thôi...
Mà Pháp này, cho hỏi nhỏ… Cúc Hương dạo này thế nào?”. Pháp cười nhẹ: “Mới
ly dị thằng chồng nghệ sĩ gàn rồi, nó tệ hơn ông nhiều... Con gái Cúc Hương cũng
vừa có chồng Pháp chính cống, theo chồng đi đây đi đó làm phim khoa học, đang săn
lùng đời sống tình dục côn trùng ở rừng Amazon… Cúc Hương than đang buồn tình, có
nói muốn về thăm ông, nhưng ngại cái nghề của ông không rãnh và cũng sợ cái lò
kẹo của bả nữa…”. Cả bàn cùng cười, Pháp bồi thêm một cú nữa: “Đừng cười, ở bển,
lúc rảnh, tui với ổng không biết chơi kiểu gì, ngồi biên được cả đống mẩu câu
nói láy để giải sầu! Hôm nào gửi về cho mà coi!”…
Tôi ngước mặt nhìn trăng đêm thượng huyền,
chợt nhớ vợ tôi có lúc cũng mơ màng: “Phải chi thằng con nhà mình với con gái Cúc Hương…” Tôi nạt ngang: “Bậy bạ. Bà đừng tư duy kiểu lò kẹo… Nồi đồng cối đá làm
sao mà giao hợp được ? Mai mốt thằng Dũng có nói ưng ai ở đâu, làm cái gì, muốn
cái gì thì cưới liền cho nó tự lập mà sống, bởi là thời này chớ phải thời
Cochinchine đâu mà!”. Vợ tôi chống chế: “Vậy là hết hy vọng thằng Thái Dũng ở
nhà tây, lấy vợ đầm rồi. Phen này chỉ còn hy vọng thằng Thái Duy… Nó quyết chí
năm nay thi đậu đại học điểm cao, tìm học bổng đi Tây…”. Tôi làm thinh nửa muốn
nói: Ai mà không hy vọng vậy… Chỉ có điều nói trước bước không tới đâu… Tỷ như
chuyện tình tôi với Cúc Hương một thời lãng mạn quá nên… không thành! Lâu lâu bạn
bè hỏi vặn vẹo tại sao, tại sao… Thú thiệt tôi cũng không biết trả lời sao…
Nhưng Cúc Hương có cách trả lời rất ấn tượng: Vì ba má Hương không bằng lòng… Ôi
trời đất ơi! Theo thói quen tập khí công, tôi hít một hơi dài dồn xuống huyệt
đan điền… Phải chi Cúc Hương có mặt ở buổi tiệc này!
Bàng lại bẻ chuyện: “Pháp gặp bà cô
chưa?”. Pháp nói: “Gặp rồi mới té chuyện cô bị ông bồ “già nhân ngãi, non vợ chồng”
đứng ra bán nhà xong xuôi, chỉ giao lại một nửa số vàng rồi vọt luôn… Mà toàn
vàng móp méo mới chết tổ !”. Oánh đập bàn: “Trời đất ơi! Cả mấy tháng ròng, ông
Bảy George đi đi về về ghé quán này hoài, có nói lo giúp bà cô bán nhà. Tưởng ổng
đàng hoàng, tui đâu dám hỏi han gì. Khi ổng khoe xong xuôi rồi nên lật đật báo tin
cho vợ chồng Pháp tiện thể về chơi…”.
Không khí bàn tiệc chùng xuống, mỗi
người đăm chiêu mỗi cách. Pháp nói: “Có khuyên cô gặp Oánh giúp chuyện bán ngôi
nhà, nhưng tay bợm già kia cao tay ấn quá cô đành chịu thua… Hiện thời, cô đổ bệnh
Alzheimer nặng hơn, nói năng mê sảng lung tung… Khi tiếng tây lúc tiếng ta, chẳng
nghe ra được câu nào…”.
Bàng đứng lên, chống nạnh, thở dài:
“Để tui nhờ gánh văn phòng luật sư tỉnh may ra có gỡ được không…”. Mỹ nhìn vào
lòng ly rượu nói: “Giao dịch xong hết rồi… Ông Bảy George có nói bóng gió bên
mua là đại gia đàng ngoài kia, không gỡ được đâu!”. Tôi góp ý: “Hay là dùng quyền
khiếu nại về thừa kế có được không?”. Pháp thở dài: “Lúc gia đình đi, Pháp có
làm giấy tờ cam đoan cho bà toàn bộ ngôi nhà, không ai tranh chấp... Bây giờ
đành chịu thôi”.
Rồi Pháp kể tiếp: “Vợ chồng tôi về
là để lo cái vòng chung kết cho bà chứ không phải vì tiền bạc đâu… Số là hồi trẻ
bà vào chủng viện nữ tu tập, sắp thành ma soeur thì yêu ông thầy bảy sắp thụ
phong linh mục nên cả hai đều bị buộc ra khỏi dòng… Nói nhỏ mà nghe, thầy bảy
chính ông Bảy George đó! Famille nhà ổng họ George; còn nhà tôi họ Émile, hai
nhà rất đố kỵ nhau từ chuyện đó… Ra khỏi dòng, quỉ Satan cám dỗ ổng sống đời
trăng hoa, đỏ đen, hút sách, nợ nần tứ tung và rồi trượt dài lên cuộc đời cô tôi...
Về phần cô, gọi đúng tên cô là Emile Hoàng Thu Cúc, khi về lại gia đình ở với
ba má tôi, cô tĩnh tâm hơn, thề ở vậy và nhận làm maman của tôi. Và chính maman
là người chọn Mỹ cho tôi, xin Cha bề trên rửa tội cho Mỹ với tên thánh Giuse, vì
tôi là Maria… Maman có đức tin rằng phải
ràng buộc hai đứa trước Thiên Chúa như vậy mới được ơn phúc lành lâu bền… Mấy
ông ngoại đạo nên không hiểu vợ chồng tôi giữ đức tin đó như thế nào đâu… Năm ngoái,
biết mình sắp lú lẫn, maman bảo phải bán nhà vì bây giờ tôi cũng mồ côi ba mẹ rồi.
Tôi còn có thằng em ruột, làm kỹ sư địa ốc ở bển, không chịu lấy vợ, ham thám
hiểm leo núi, bị rớt xuống vực ở Thụy Sĩ hồi năm kia… Cho nên maman nói tiền
bán nhà nhiều lắm, sẽ cho hết vợ chồng tôi chứ biết cho ai… Cũng vì vậy, vợ chồng
tôi có tính sẽ về đây, cất lại một ngôi nhà khác để dưỡng già, như đã nói với mấy
ông, chớ làm sao mà dám rửa tiền đem qua bển được… Thôi thì bây giờ nhờ mấy ông
giúp tôi tìm người chăm sóc maman đến ngày cuối đời được không? Vấn đề là tìm
được người có tình có tâm, chớ tiền bạc không thành vấn đề…”. Oánh trù trừ gật
đầu: “Để tui hỏi mấy bà bổn đạo độc thân quanh đây, có ai ưng làm không…”.
Bàng xúc động hỏi khẽ: “Lỡ không tìm
được ai thì Pháp tính sao?”. Pháp làm thinh, thẫn thờ tháo đôi kính cận gọng
titan màu đen dày cỡ 8 độ, rồi cúi đầu, bật khóc và cũng không thể giấu được nữa
đôi dòng nước mắt tuôn trào, long lanh ánh trăng thượng huyền…
Mỹ mím môi, nhướng cao đôi mày, vói tay
lấy chai rượu, rót chia đều các ly đã cạn, nhưng rượu vẫn còn, phải một hai tua
nữa mới hết…
Tôi ngẫm nghĩ, bữa tiệc trên sân thượng
đêm nay giống như một cuộc họp thượng đỉnh, dưới ánh trăng thượng huyền, cuối
cùng chưa ra được thông cáo chung, chỉ được vài cam kết bỏ ngỏ cho mẫu số chung
về hoàn cảnh và thân phận của mỗi đứa bạn già.
Tại nhà 20.10.2013
No comments:
Post a Comment