Phan Lữ Hoàng Hà
Năm
1963, gia đình tôi dời về sống ở gần chợ Ngã Năm. Đây là khu nghĩa địa trước đó
rất âm u, rồi xe ủi kéo đến giải tỏa, san bằng, sau đó người ta cất lên nhà cửa
cho đến nay. Nhà cửa hồi đó hầu hết là nhà trệt, nhà cấp 4, nhưng hiện nay nhà
lầu hai, ba tầng, hàng quán san sát. Khu này là giao điểm của một ngã năm với
đường vào nhà thương (bệnh viện tỉnh), Thánh thất Cao Đài, đường ra Mỹ Hóa (nay
là phường 7), đường ra Chợ Mới (mé sông Bến Tre) và đường trở ngược ra cầu Nhà
Thương để vào trung tâm tỉnh lỵ Bến Tre (nay là TP Bến Tre) nên người ta lấy
Ngã Năm đặt tên cho chợ. Đây cũng là ngôi chợ “vệ tinh” tại nội ô TP Bến Tre đã
ra đời sớm nhất và duy trì, phát triển cho đến hôm nay.
Ngược
dòng thời gian gần 50 năm trước, chợ Ngã Năm khi mới có, đó là chợ chồm hổm với
một ngôi nhà lồng nền xi măng, mái lộp tôn, ngang chừng 10 mét, dài chừng 20
mét, tọa lạc ngay vòng xoay ngã năm (phường 5) hiện nay. Sát nhà lồng chợ Ngã
Năm là một miếng ruộng bỏ hoang, hôm nào trời mưa, nước ngập lênh láng, đêm đến
ếch, nhái, ểnh ươn…đồng cất lên bản hợp xướng dưới mấy bóng đèn điện tròn hiu
hắt tỏa màu vàng vọt treo trong nhà lồng chợ, ngoài đường thưa thớt bóng người.
Mùa hè, đất ruộng khô, trẻ nhỏ chúng tôi ra đó thả diều. Những cánh diều tuổi
thơ thảnh thơi bay lượn trên ngôi nhà lồng chợ…
Một thời gian rất dài trước năm 1975, chợ Ngã
Năm chỉ bán bánh trái, thức ăn điểm tâm như xôi ngọt, bánh mì bì, bánh bao,
bánh hỏi, cháo lòng, cà phê, hủ tiếu; một, hai thớt thịt heo…, còn buổi trưa và
tối thì rất lèo tèo. Tại ngôi nhà lồng, thỉnh thoảng có đoàn hát bội Chấn Hưng
đến hát chừng tuần lễ. Hát bội đi thì có khi là đoàn mô tô bay đến; có đoàn còn
mang theo cả…con bò sáu chân để “dụ” con nít mua vé xem, kiếm thêm bạc cắc (hồi
này còn xài bạc cắc). Hồi nhỏ, mỗi lần đoàn hát bội đến chợ Ngã Năm hát, bọn
con nít chúng tôi dù không có tiền để mua vé vào xem nhưng rất khoái chí, rạo
rực, cứ chờ cho đoàn hát chừng nửa tuồng là rình rình vén màn chui vô xem. Có
khi, có đứa vừa chui vào thì bị ngay…cây chổi chà quất vào đầu. Song, người
soát vé không đuổi đứa nào ra cả, mà nghiêm giọng: “ Tụi bây ngồi coi cho đàng
hoàng nghe…”.
Sau
năm 1968, phía đầu nhà lồng chợ ngã Năm có đặt một cái truyền hình trắng đen
công cộng. Truyền hình được để trong một cái tủ đóng bằng gỗ, có bốn chân cao
cỡ tầm mắt. Mỗi tối, người trực truyền hình đến mở máy cho mọi người xem nhưng
thời đó hầu như không ai thích xem thời sự mà chỉ thích xem cải lương. Vậy nên,
cứ vào tối thứ bảy trong tuần, người ta tựu lại tại ngôi nhà lồng chợ Ngã Năm
khá đông để xem cải lương. Lúc này, gia đình nào khá giả lắm mới có được cái
truyền hình trắng đen.
Sau
năm 1975, chợ Ngã Năm được hình thành và phát triển ngày lớn hơn nơi khu đất mà
trước kia chúng tôi thả diều. Với địa thế thuận lợi và giá cả bán ra phải
chăng, chợ Ngã Năm thu hút khá đông người mua đến từ phường 5, phường 6, phường
7, xã Bình Phú và cả phường 3 dù ở đây rất gần với chợ trung tâm phường 3. Nếu
như trước 1975, những món bày bán tại chợ Ngã Năm có thể đếm trên đầu ngón tay
thì nay, hàng thực phẩm tươi sống, nông, thủy sản, tạp hóa…có mặt đầy ấp tại
chợ, chợ họp từ lúc sáng sớm cho tới chiều tà vẫn còn người ghé mua.
Chợ Ngã năm hôm nay |
Hướng về chùa Viên Giác. |
Giữa
tháng 8 năm 2010, bộ mặt chợ Ngã Năm có sự thay đổi lớn. Từ nguồn ngân sách
dành cho đơn vị, Ban quản lý chợ TP Bến Tre đã đầu tư 285 triệu đồng để xây
dựng mới ngôi chợ Ngã Năm với 121 sạp, quầy. Những người có quầy, sạp trong chợ,
trung bình mỗi người bỏ ra thêm khoảng 1,5 triệu đồng để dán gạch tráng men
trắng cho quầy, sạp của mình trông khang trang, sạch sẽ, ngăn nắp. Cảnh họp chợ
ở đây đã có qui củ, nền chợ không còn ẩm thấp, người bán, người mua không còn xô
bồ, quá tải như trước đây. Điều nhân dân rất đồng tình là chợ không lấy tên là
chợ phường 5, mà là chợ Ngã Năm, như tên của nó đã hiện hữu trên nửa thế kỷ
qua.
No comments:
Post a Comment