28/10/2013

May nhờ rủi chịu
·        Tặng Nguyễn Nguyệt

Không tên

Minh họa: STh.

         
Tôi biết Nguyệt, đọc truyện của Nguyệt và muốn viết tặng Nguyệt câu chuyện này… Nhưng lưu ý, tôi không phải là nhân vật gieo neo “tai bay vạ gió” cho Nguyệt. Tôi không tên… Có thể là một ai đó khó đoán, vậy thôi.
Nguyệt nghĩ sao, có lạ không, khi có người đồng cảm, chia sớt với Nguyệt từ một câu chuyện tình lỡ làng vào cuối thời học trò áo trắng như Nguyệt đã kể? Có gì đâu, câu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng chỉ là một phiên khúc khác, dành tặng Nguyệt mà thôi…
Tôi không như Nguyệt hay lên Đà Lạt chơi như lên đồng, như Nguyệt tự sự… Tôi chọn một cung cách tỉnh và chủ động hơn, như mẹ tôi khuyên: “Khi biết hôn nhân trắc trở, hãy chủ động nói ngay lời chia tay, đường ai nấy đi. Tiếc nuối, níu kéo, hàn gắn để làm gì. Nước tràn ly hốt lại được đâu”. Lời mẹ tôi là trải nghiệm tình trường, nên tôi tin, dù đôi khi tôi cũng không muốn tin… Nguyệt biết cho, mẹ tôi được tiếng đẹp người, đẹp nết, công dung ngôn hạnh… nhưng cuộc đời bà không đẹp lắm. Bà nghĩ sai lầm trong đời bà thuở đó là không dám cưỡng chống mệnh lệnh của hai gia đình môn đăng hộ đối… Để rồi bà phải trả quả, và bây giờ tôi phải tránh lối mòn bà đã đi qua…
Quả thật, Nguyệt biết không, khi tôi nói ra lời mẹ khuyên, bạn tình tôi không thể phản ứng khác hơn là im lặng, theo quán tính lãnh cảm vốn có của con người... Nhưng không sao, bởi dù sao nguyên nhân không phải từ bên tôi, mà là bên bạn tình tôi và họ hàng bên họ. Nói ra được lời chia tay, tôi như trút được một nửa nỗi lòng cay đắng, chỉ còn lại một nửa đeo đẵng mãi trong tâm tưởng không nguôi ngoai… Nếu cần hình dung tôi giải tỏa phần nỗi lòng bức bối còn lại như thế nào thì Nguyệt hãy nghĩ theo hướng tích cực nhất, chủ động nhất, mà tôi nghĩ là tùy nghi bản lĩnh của mỗi người.
Như thế này, sau lời chia tay bạn tình, thực chất chỉ vì mượn cớ môn đăng hộ đối và nhiều viễn cảnh bày ra trước mắt… Năm đó, bạn tình tôi ra đi theo chương trình đoàn tụ gia đình ODP, và tung ra lời đồn là sẽ đi cùng với một gia đình thông gia, đã sắp sẵn lễ cưới ở Texas, khi sang bên bển… Trước cú sốc đó, và trong hoàn cảnh gia đình ly tan, khánh kiệt, hai mẹ con tôi không ngại ngần quyết định đăng ký đi kinh tế mới… Khi quyết định, mẹ hỏi tôi: “Liệu hai mẹ con mình có kham nổi cuộc sống mới, ở vùng đất mới đó không… ?”. Tôi vốn tính bộc trực tự tin, trấn an mẹ: “Chỉ có hai mẹ con thì chắc rồi sẽ ổn, đâu vào đó thôi…”. Những ngày sau đó, mẹ và tôi xem như đã dấn bước ly hương, lìa bỏ quê nhà một thời êm đềm thân thương, là nơi “chôn nhau cắt rún”… 
Quả nhiên, buổi ban đầu đến vùng đất mới thật khốn đốn, chật vật, y như cảnh tượng sống động trong truyện Ruồi trâu dành cho lớp trẻ dạo đó… Vậy mà chỉ chừng vài năm sau, Nguyệt biết không, mẹ và tôi rồi cũng vượt qua bao cơ cực, lập được một mảnh vuờn trà, cà phê, một ngôi nhà nho nhỏ trên triền đồi, đúng hướng đông nam, mà tôi cũng liệu chừng đó cũng là hướng nhìn về ngôi nhà cũ, có giàn cổng gỗ hoa hoàng anh, hướng về phương tây bắc…
Hồi ba tôi còn ở nhà, hay lục đục, dữ dằn, thô lỗ với mẹ, đến nỗi phải ly thân và sau đó ly dị, và đi biền biệt làm gì, ở đâu, cả nhà nội tôi cũng không ai biết, xem như ông mất tích… Và điều đó trở thành một dấu hỏi lớn trong lý lịch của mẹ và tôi... Còn nhà ngoại thì cũng không ai vui vẻ gì với gia cảnh của hai mẹ con tôi vì “bỏ thì thương, vương thì tội”… Từ đó, mẹ tôi càng lạnh nhạt với cả họ hàng nội ngoại, chăm chỉ với nghề thêu thùa thiên phú để làm kế sinh nhai nuôi tôi ăn học… Mấy bà bạn hàng xóm dị đoan khuyên nên đổi hướng nhà sẽ yên ổn gia đình hơn, nhưng mẹ tôi không ưng, thật ra là vì tiền đâu mà sửa, mà có sửa thì ba tôi cũng đã đi đâu mất rồi, gia cảnh tan tác rồi, sửa mà chi…
Rồi một ngày kia, viên trưởng thôn chạy đôn chạy đáo đến từng nhà thông báo có phái đoàn ủy lạo đồng bào đi kinh tế mới đến thăm, nhà nhà phải treo cờ nước, dọn dẹp cỏ rác quanh nhà… May thay, ông trưởng đoàn hóa ra là bạn cũ của ba mẹ tôi… Ông đến thẳng nhà với bản danh sách cầm tay, đánh dấu chéo tên mẹ tôi và ghi số 1 bên cạnh… Sau khi ngỡ ngàng chào mừng nhau đầy ngậm ngùi và diễn ra chóng vánh… ông chấp tay sau lưng, đi đi lại lại trên mảnh sân nhà nhỏ bé và cúi đầu nhìn mũi giày tây vấy bùn … Rồi đột ngột, mi mắt ông ửng đỏ, nói chậm rãi với mẹ tôi: “Thôi… Tôi sẽ thu xếp cho hai mẹ con về làm tổ hợp may thêu xuất khẩu ở thành phố… Hôm nào…, một ngày gần đây thôi, tôi sẽ trở lại đón hai mẹ con về, chỗ này sẽ được giữ nguyên làm nơi lui tới nghỉ dưỡng, sinh cơ lập nghiệp lâu dài cũng tốt thôi… ”. Ông cũng vỗ nhẹ vai tôi, nói thật chân tình: “Xưa cậu với ba mẹ con cùng học chung trường, chung lớp… Mẹ con có tiếng thục nữ, công dung ngôn hạnh… Cậu vẫn còn giữ được chiếc khăn tay thêu hoa mẫu đơn của mẹ con đây… Nhưng đó là của ăn cắp, nhặt được của rơi, chứ không phải mẹ con tặng cậu đâu nghen…”. Nói xong ông xoa tay, lấy đúng chiếc khăn tay đã cũ kỹ, vẩy vẩy với nụ cười rất đôn hậu, rồi choàng vai mẹ và tôi để nói lời chia tay…  
Vậy là cuộc sống mẹ con tôi từ đó lại có cơ may quay về chốn thành đô, như một cơn mộng mị chợt trở mình… Thích nghi cuộc sống thị thành không mấy chốc, tay nghề thiết kế mẫu mã hàng thêu xuất khẩu của mẹ tôi ngày càng độc đáo, nổi tiếng nghệ nhân một thời… Tôi hay tán tụng và cổ xúy mẹ tôi rằng: “Từng nét thiết kế hoa văn, họa tiết của mẹ bay bướm thật… Chẳng chút u sầu ngượng ngập như người ta…”. Mẹ tôi cũng tự hào giải thích: “Mẹ phát hiện ra tính tương phản trong thiết kế mẫu thêu thời trang, ai cũng thích chọn mẫu hàng bay bướm nhẹ nhàng, để khuất tất cá tính của mình… Trừ những nguời tâm hồn u ẩn, vốn rất ít trong nhịp sống mới hôm nay… Mà có khi nào họ quan tâm đến thời trang làm gì…”.
Trải qua năm tháng với cảnh sống “một cảnh hai quê”, đi đi về về chăm sóc mẹ và chăm sóc mảnh vườn trà cà phê, có vẻ như càng ngày càng thu nhỏ lại, bởi nơi đó được  qui hoạch hóa, xóa nhòa dấu vết kinh tế mới thời bao cấp…
Nhưng rồi bất hạnh lại lạnh lùng ập đến, mẹ tôi qua đời vì cơn đau tim, vì làm việc quá sức… Từ lâu, tôi luôn khuyên trách, nhưng mẹ vẫn cười trừ... Đêm ấy đã khuya, tôi chuẩn bị đi ngủ, vì cũng quá mệt sau cả tháng trời lên chăm sóc, tu sửa vườn trà và cà phê sau cơn bão tàn phá nặng nề… Tôi đến bên mẹ, thấy bà đang thêu một bức chân dung Phật Quán thế âm bồ tát, do chính tay bà phác thảo khổ lớn 50 x 70 rất lộng lẫy và tự tay thêu với ý định cho tôi treo thờ ở nhà trên trang trại… Tôi nói đùa: “Mẹ có biết mẹ đang làm gì không?”. Mẹ một tay giơ mũi kim khỏi đầu, một tay hạ kính lão trừng mắt ngạc nhiên, chờ tôi tự trả lời, tôi phì cười to tiếng: “Mẹ đang dùng kim chích Phật phải không?”. Mẹ tôi trừng mắt, mắng: “Mô Phật! Mày lỳ lợm quá lắm! Tu tâm dưỡng tánh lại đi con! Tao chẳng hiểu đến bao giờ mới được phúc làm bà… Hỏi sao tao không sùng Phật?”. Giữa đêm đó tôi trở mình thức giấc, thấy đèn vẫn sáng, chạy ra xem… thì thấy bà đã gục đầu trên bức tranh thêu còn dang dở, ngủ giấc thiên thu…
Ôi Trời Phật! Nguyệt biết không? Lại thêm một bước ngoặt nữa của cuộc đời tôi… Có đến 10 năm cùng mẹ sinh cơ lập nghiệp ở vùng kinh tế mới, hơn 20 năm sống với mẹ ở thành phố ồn ào náo nhiệt, mẹ làm nghề thêu thùa, còn tôi nhờ thu nhập làm vườn cần cù mà cảnh sống hai mẹ con rất êm đềm, thanh thản, mặc thời cuộc có thăng trầm hay chuyển biến… Bỗng dưng mẹ tôi qua đời êm ả, bằng một giấc ngủ triền miên, mang theo bao nhiêu là buồn tủi, mộng mị, cô đơn trong suốt cuộc đời mình…
Những ngày hậu sự của mẹ tôi, cơ quan, ban ngành, đoàn thể nghề thêu may xuất khẩu đến phúng viếng, đưa tiễn rất đông… Âu đó cũng là phúc phận đến cuối đời mẹ tôi mới được tận hưởng… Ai cũng cầu chúc vong linh bà được siêu thoát và cầu chúc tôi sẽ được hưởng trọn phúc đức của mẹ hiền, độ lượng… Mộ mẹ tôi được phụng lập ở nghĩa trang thành phố này, vì ly hương đã quá lâu rồi… Và đó cũng là một địa chỉ mà hàng tháng vào ngày rằm là tôi đến thăm, gác bỏ mọi công việc đời thường…
Rồi mọi chuyện buồn cũng nguôi ngoai, cuộc sống vẫn trôi đi, tôi tự tái cơ cấu cuộc đời mình… Căn nhà ở thành phố tôi cho sinh viên ở trọ, giá rẻ, âm thầm ưu ái mấy đứa có gốc gác đồng hương… Và tôi về sống hẳn ở trang trang trại như một chủ nhân đồn điền thời Tây…
Bây giờ, tôi tự mãn về cơ ngơi ở trang trại này lắm, tuy nó vẫn chưa được nâng cấp bề thế như vài trang trại kề cạnh… Nhưng Nguyệt thử hình dung mà xem, tôi đã “vạn sự khởi đầu nan” như thế nào! Ngày chân ướt chân ráo mới đến, con 20 mẹ tuổi 40 da trắng mặt trơn, ốm o gầy mòn… là một nghi ngại lớn trong toàn đoàn 20 hộ, đa số con cái nheo nhóc đùm đề, đói cũng khóc, no cũng khóc, la văng vẳng cả cảnh đồi hoang sơ hùng vĩ… Nguyệt nhìn ra và mô tả vẻ đẹp mọi góc cạnh của tự nhiên thật hấp dẫn, làm nguôi ngoai lòng người như thế nào, thì tôi lại nhận ra chân tướng gai góc, trơ lỳ của nó ghê gớm lắm, chỉ có trải nghiệm mới “biết đá biết vàng”…! Người ta cũng nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức” quả không sai…
Hai mẹ con tôi được phân một nửa quả đồi nhỏ nhất ở vùng này… Lớp đất bazan bạc màu không phủ kín được những hòn đá sót, được tự nhiên bày xếp ngẫu hứng thật lạ kỳ, như thể chỉ muốn nối kết những cội cây rừng hoang dã gần lại, gần lại với nhau, xa lánh loài người… Thật ra ấn tượng ban đầu của cả hai mẹ con khi nhìn thấy cảnh rừng đồi hoang vu thật lãng mạn, hữu tình vì nắng, vì gió, vì mùi hương cỏ mục, đất mùn… Nhưng chỉ ngày hôm sau thôi, căn lều được bàn giao ở tạm là nỗi lo hàng đầu, hai mẹ con phải lo che chắn lại, chống gió lạnh sương hàn, phòng vệ thú hoang, ghê rợn nhất là rắn rít, côn trùng độc hại… Phần lương thực cụ bị mang theo và được cấp phát phải tính toán từng ngày… May mà vùng trũng dưới chân quả đồi có một hồ nước nhỏ tự nhiên, chia nước từ dòng suối chaỵ quanh co, như bao cấp sự sống cho cả khu đồi chập chùng này… Tôi trấn an mẹ: “Hễ có nước là có sự sống…”
Ngày lại ngày, tôi lần lượt giải tỏa mà không cần đền bù những hòn đá sót, to có nhỏ có, và lăn nó về làm bờ dậu quanh căn lều… Rôì hết tháng này sang tháng khác, tôi cuốc đất và cứ cuốc không quản ngại tay chai sần, chờ ngày được giao nhận giống trà, cà phê và chủ yếu là khoai sắn, cây cao lương… Và hết năm này đến năm sau, hai mẹ con lam lũ, cần cù chờ đợi vụ mùa trà và cà phê thu hoạch đầu tiên, sau mùa hoa đêm đêm thơm bát ngát … Hoá ra so với những hộ ngoại vi khu đồi này, mẹ con tôi bám trụ lâu bền nhất, trong khi nhiều hộ khác đã bỏ về, chỉ vì không kham nổi cơ cực, nhọc nhằn mà còn vì đám con cái lửng tửng chẳng chịu làm lụng mà chỉ toàn kêu ca…
Nguyệt biết không, những khi rảnh tay, nhìn cảnh vườn trà, cà phê bén rễ, vươn cao thân, xòe cành tán… tôi rất hài lòng cho thành quả lam lũ cần cù của mình như được bù đắp… Nhưng cũng đúng lúc đó, ký ức và hoài niệm xưa cũ như theo gió bay về, ray rứt, dày vò lòng tôi… Tôi nhớ người bạn tình rũ bỏ tôi mà đi… Tôi nhớ ngày hàng xóm, bạn bè bịn rịn chia tay mẹ con tôi đi, có người khóc, người cười buồn, ai cũng gửi lời chúc bình an… Tôi nhớ ngôi nhà hướng tây bắc, bán lại cho bà hàng xóm với giá trả tới trả lui chỉ được 3 chỉ rưỡi vàng 4 số 9… Tôi nhớ chuyến xe chạy ngang qua ngôi nhà của bạn tình tôi, lúc đó đã được niêm phong, chờ bàn giao cho chủ mới…
Và tôi cũng không quên mang theo những bức ảnh hiếm hoi, có đủ mặt bạn bè năm lớp 12… Tôi ray rứt, tôi đang ở nơi này, còn các bạn ở đâu? Ra sao ? Không ai trả lời… Chỉ có tiếng gió bay qua, có tiếng chim lẻ đàn, tiếng lá cây xào xạc quanh tôi… Và thú thật với Nguyệt, tôi vẫn còn giữ được chiếc kèn harmonica này là kỷ vật duy nhất của bạn tình tôi, bởi tôi không nỡ vứt nó đi vì tôi rất yêu tiếng kèn này, chứ không phải yêu chủ nhân của nó đâu… Nhưng rất tiếc tôi không thổi được bài bản nào ra hồn, mẹ tôi chửi: “Mày cứ thổi te tò te như đưa đám ma vậy…”. Biết tôi tức khí trả lời mẹ sao không? “Ông nội chủ nhân chiếc kèn này giàu lên nhờ làm chủ nhà đòn thì thổi nó kêu vậy là phải rồi !”… Tôi tưởng mẹ tôi đồng tình, nào ngờ bà lại mắng tôi: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời… Mày phải biết nghĩ cho ba cái mớ đời của mày chớ…”. Tôi hoàn hồn về thực tại… Cứ đà thu hoạch có giá như mấy năm rồi, chắc có ngày mình sẽ khá giả thật thôi…
Tôi chợt nhớ ngày ông cậu, bạn của mẹ tôi lên đón về thành phố… Ông thu xếp cho ở một căn nhà phố nhỏ thôi nhưng nở hậu, trong con hẻm rộng, xe hơi ra vào được… Thật ra ông có chức sắc cao trong ngành tiểu thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, là một trong những mặt hàng được quốc tế ưa chuộng nhất trong thời bao cấp, mang lại kim ngạch cao cho nhà nước… Ông hỏi tôi muốn làm việc gì phù hợp thì sẽ thu xếp…. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi lễ phép đáp: “Cậu giúp mẹ cháu như vậy là quí hóa quá… Còn cháu thì thôi, ở vậy với mẹ và với mảnh vuờn trà cà phê trên đó là hạnh phúc lắm rồi…”. Ông nhìn tôi cười hiền từ, hỏi từ tốn: “Cũng phải… Mà sao con không tính chuyện lập gia đình?”. Tôi cười trừ, ngụ ý: “Vì chưa tìm được ý trung nhân môn đăng hộ đối, thưa cậu…”. Và ông cũng thoáng ngượng cười…
Nguyệt biết sao không ? Mẹ tôi có tiết lộ, chẳng qua là vì hồi kháng chiến, ông từng bị thương tật rất hiểm nghèo, may mà còn sống sót, và không thể lấy vợ được nữa… Cho đến khi sống sót trở về, với thương tật như vậy, và với địa vị của mình, ông rất quan tâm đến gia cảnh bạn bè, đồng đội… Mẹ và tôi là một trong những trường hợp rất may mắn được ông đỡ đầu, giúp đỡ…
Mẹ tôi kể, ngày xưa ông là bạn học lớp đồng ấu với ba và mẹ tôi. Nhà ông nghèo ở vùng ven sông Bần, làm nghề đưa đò ngang, đưa khách sang sông… Rồi kháng chiến bùng lên, ông theo du kích vào vùng giải phóng, và bạn bè chỉ biết đến đó thôi… Về phần mình, ông có tâm sự ngay hôm gặp gỡ mẹ tôi: “Tuy ở trong trỏng, nhưng tôi vẫn được biết rất rõ hoàn cảnh của cô… Hôm tôi về tỉnh công tác, tổ chức cơ sở chế tác hàng mỹ nghệ gáo dừa… Tôi tìm đến nhà thì hàng xóm nói cô và cháu đây đã đi lâu rồi... Tôi đã đi ủy lạo mấy vùng KTM rồi, đến hôm nay  mới gặp nhau đây…”. Trong bữa cơm trưa đạm bạc hôm ấy, chỉ có măng le, cá suối, rau rừng… nhưng ông ăn ngon lành và còn khen ngon hơn cả thời kháng chiến… Khi tôi lánh ra vườn hóng gió, thổi harmonica nhè nhẹ, nháy nháy bài Tình xa của Trịnh Công Sơn… để cho đôi bạn già hàn huyên tâm sự dông dài, trước khi ra quyết định cuối cùng…

Nguyệt biết không, những người hay chém gió nói rất chí lý, trong vạn sự rủi chắc có một sự lành và ngược lại… Vấn đề là hãy dấn bước trong khó khăn, đạp bằng trở ngại, rồi may ra may mắn và hạnh phúc sẽ mỉm cười, bằng không thì cứ một cõi đi về cũng chẳng sao… Tuy tôi và Nguyệt phải trả giá đắt và cay cú cho cuộc đời mình ở ngưỡng cửa hôn nhân… Nhưng rồi đâu cũng vào đấy thôi… Có may có rủi, hay may nhờ rủi chịu cũng phải thôi !                   

No comments:

Post a Comment