Truyện ngắn
Chuyện đời của Còn
Là chuyện hư cấu thôi
mà…
Có gì sơ sót bỏ qua đi
mà !
Minh họa của STh. |
Huỳnh Trúc Thông
Còn đây! Có bạn nào từng học ở trường
bán công đêm còn nhớ cái biệt danh này không: “Thằng Còn có cái mặt tròn…?” Chắc
là không! Mấy chục năm rồi, ai là Còn? Còn là ai? Ai rảnh hơi đâu mà nhớ! Mà
cũng phải, chính Còn cũng không nhớ nổi một bạn nào có cái mặt vuông vuông hay
tròn tròn như Còn… thì làm sao mà dám trách các bạn? Tính ra Còn chỉ học lớp 8 đêm năm đó chưa đầy
một tuần, chép bài chưa được mấy trang tập… thì đột ngột tía của Còn bị tai nạn,
chết thảm trên cầu Vồng, lúc trời mưa giông tháng bảy tầm tã. Từ ngày định mệnh
đó, Còn phải bỏ trường bỏ lớp, chưa kịp làm quen với bạn nào, trừ cái biệt danh
của Còn, mà thầy dạy Toán khi điểm danh hôm đó đã ban tặng cho Còn… May ra có bạn
nào còn nhớ chăng?
Nói nào ngay, bây giờ Còn đang ở tít
tận miệt vườn U Minh, không còn ai là người thân, chỉ có hàng xóm hay qua lại đánh
cờ tướng hay mua hàng vặt, vì Còn có tật chân trái, bán tạp hóa, có vựa mắm, muối,
cá khô… Họ nghĩ như vậy là Còn khấm khá hơn họ nhiều. Nhưng cũng có nguời lại chán
cảnh Còn vừa đi vừa nhảy cò cò, ưng làm thinh, ưa mặc xà lỏn, áo thun ba lỗ lủng
thủng bèo nhèo, tỷ như cuộc đời bất hạnh, côi cút của Còn vậy!
Cách đây vài tháng, ông Lái đi bổ
hàng về bỏ mối cho Còn có khoe gom được mớ báo xuân Tết năm rồi, hỏi Còn có
thích đọc thì cho mượn. Chà chà! Còn thấy trong đống báo xuân quăn góc, sứt bìa
đó có lẫn một tập đặc san Hồ Chung Thủy của các bạn, hình như có mấy chữ ký kỷ
niệm của vài thầy cô có dạy Còn mấy buổi ở lớp bán công đêm… Còn nghĩ chắc là bạn
nào đó vô tình bỏ quên chứ nỡ đâu đánh mất một tờ báo in ấn kỷ niệm đẹp như vậy
! Mà không hiểu sao nó lại lưu lạc về tận đây, sa vào tay Còn, kể cũng lạ, tỷ như
một câu hát mùi mà Còn hay ưa âm ư: “Em ơi trái đất vẫn tròn…”!
Đọc đi đọc lại tờ Hồ Chung Thủy hoài,
Còn càng nhớ ray rứt cái cơ may vào học lớp bán công đêm năm đó sao quá chóng
vánh, mà nó cũng là một dấu chấm hết thời áo trắng học trò của Còn. Nghĩ đi
nghĩ lại, Còn quyết thuật lại câu chuyện đời mình, gửi cho các bạn theo địa chỉ
của tờ báo, để trút bầu tâm sự chồng chất mấy chục năm qua, và cũng để giải
thích vớt vát vì sao Còn bỏ học mà không nói ra thì ai biết ! Hình như người
xưa có nói “văn dĩ tải đạo”, nhưng với Còn vì dốt “đạo”, cho nên Còn chỉ dám cả
gan cầm viết để “tải” câu chuyện để đời của Còn mà thôi…
Nói nào ngay, từ ngày về chôn chân ở
chốn quê nghèo này, Còn hay nghe ra-dô văng vẳng của hàng xóm vì tiếc tiền tốn
pin. Cho nên Còn ham đọc này nọ qua giấy báo gói đồ, lâu lâu vớ được quyển sách
nào là đọc miết, rồi thừ người nghĩ ngợi lung tung… Thói quen tưởng tượng chuyện
nọ chuyện kia, hay nảy ra vài câu thơ thẩn, vài câu hát chế mới thiệt là cái
thú vui tao nhã của Còn. Nhưng rồi thì cả mớ sáng tác đó cũng chỉ giữ lại trong
đầu, chưa bao giờ Còn dám viết ra giấy trắng mực đen. Lần này quyết viết câu
chuyện đời Còn và gửi cho các bạn thiệt là táo bạo, đường đột vô chừng…
Còn nhớ lại khi được vào học lớp 8
bán công đêm năm ấy, chưa đầy tuần thì cảnh ngộ mồ côi tía ập đến! Chiều hôm
đó, tía Còn thuê chiếc xe lôi gắn máy chạy đi giao mắm cho bạn hàng ở chợ huyện.
Lúc lên dốc cầu Vồng, trời đổ mưa tầm tã, xe chết máy, tuột dốc. Tía Còn nhảy
xuống, lạng quạng trì kéo thì một chiếc xe Honda 67 lao tới, tông tía văng vào
thành cầu vỡ mặt chết tại chỗ. Mấy người khách ngồi chờ đò dọc dưới chân cầu chứng
kiến kể lại: Tía Còn văng ra. Chiếc xe lôi tuột dốc, ngã ngữa, mắm văng tung
tóe… Thằng cha xe Honda cũng ngã nhưng không sao, nó quýnh quáng dựng dậy rồ ga
chạy vọt mất tiêu. Rồi mỗi người giúp một tay làm phước, vì họ đều biết tía Còn
hay đi giao mắm qua lại cầu Vồng này… Năm đó, tía Còn 31 tuổi ta nên “bước qua”
không lọt, bạn hàng chợ ai cũng góp lời đồn thổi dị đoan như vậy, khiến má Còn
nhỏ hơn ba một tuổi, càng bị ám thêm nỗi sợ chết khiếp…
Hồi còn khỏe, tía Còn có nói với má
như trăng trối: “Sống tha phương, chết phải về vườn mới phát phước đức cho con
cháu!”. Bởi vậy cho nên má Còn quyết định gom hết vốn liếng cuối cùng, dắt díu Còn
và con Nữa, bao chuyến xe tang đưa tía về chôn ở đất vườn quê ngoại ở miệt U
Minh Thượng; vì dạo đó bà con hai bên nội ngoại ở U Minh Thượng, Hạ cũng chẳng còn
ai, không chết già, chết yểu thì cũng lưu lạc tứ xứ rồi. Từ đó, cả ba mẹ con lại
tảo tần với nghề bắt cá trời cho, làm vựa mắm, phơi tôm khô, cá khô để chờ lái buôn
hàng chợ lâu lâu về đổi chác lấy gạo, sữa và đồ hàng cần dùng…
Độ một năm sau, tai họa liên tiếp lại ập đến ! Con Nữa
chết năm lên 2 vì sốt rét ác tính ! Má Còn sau đó cũng qua đời vì bệnh thương
hàn, không kịp chạy chữa… Và thân phận côi cút của Còn sau đó cũng không tránh
khỏi tai ương ! Chưa qua khỏi giỗ đầu của má, Còn mắc bịnh quai bị, sinh biến
chứng teo tinh hoàn, teo cơ chân trái, phải đi cà nhót cà nhảy bằng chân phải… Lúc
Còn mắc bệnh quai bị, ông Thầy chùa trong làng chuyên trị khoán bùa có phán: “Bệnh
hết. Tật còn. Hoặc đi tu, hoặc ở vậy cho nó lành”. Chòm xóm vì cám cảnh tai
ương của Còn cũng khuyên nên đi tu vì cũng giống như ở vậy thôi. Nhà bà hàng
xóm thân với má Còn lại khuyên cách khác, mà Còn thấy ưng hơn: Đó là thỉnh ông
Thầy chùa về đất vườn nhà lập chùa chữa bệnh làm phước. Từ đó, Còn ở căn nhà lá
ven lộ đất, bán hàng xén, nối nghiệp làm vựa mắm, bán khô như ba như má Còn
ngày nào. Kế khu mộ tía má và con Nữa ở phía sau vuờn, Còn cho ông Thầy chùa dựng
căn nhà chữa bệnh bốc thuốc… Hóa ra bị tật nguyền, ở vậy với ông Thầy từ đó, vậy
mà Còn được yên ổn hơn chục năm trời…
Hễ đến ngày giỗ ba, giỗ mẹ, giỗ em,
đứng tần ngần bên bàn thờ thắp mấy nén hương cúng cơm, Còn vẫn cứ nhớ lơ mơ căn
nhà thuê ở xóm chợ, nhớ mái trường bán công đêm bên bờ hồ, nhớ cái ngã ba cửa
ngỏ vào tỉnh có tên “ngã ba ống quần”… Và nhớ cả cái xứ dừa, vì nơi chốn ấy,
gia đình Còn tưởng đã được gặp thời lên hương, nhưng không ngờ chẳng mấy chốc lại
“tan đàn xẻ nghé”, còn lại mỗi mình Còn mồ côi mồ cút như bây giờ…
Thú thật với các bạn, Còn rất mặc cảm
bị thất học và rất thất vọng với nghịch cảnh tật nguyền, cực nhọc cả đời mình. Tình
thiệt mà kể, tía má Còn từng được thừa hưởng của ông nội 3 chiếc ghe bầu buôn mắm
từ Cà Mau đi khắp miền Tây, sau đó vì làm ăn thua lỗ và cũng vì loạn lạc phải
bán dần từng chiếc, theo xe đò đi buôn, chuyến được chuyến không… Hễ chỗ nào
làm ăn được thì nấn ná lâu lâu, có khi chỉ vài tháng cụt vốn lại về quê nội ở Cà
Mau, xoay xở bà con họ hàng đã từng đa mang ơn ông nội Còn… Chuyện học hành của
Còn vì vậy mà không có được một tờ học bạ cho đàng hoàng. Hôm đó tức giận vì đi
xin cho Còn vào học trường tư nhưng bị từ chối, tía Còn chạy về nhà, dí cái bàn
tính Tàu vào mặt Còn la lớn: “Học cho biết chữ, biết tính nhẫm đủ buôn mắm là
được rồi”. Má Còn cãi: “Con hơn cha nhà có phúc, sao tía nó nói lạ vậy?”...
Chuyện tía hay say rượu, má hay cãi vặt là chuyện thường ngày, nhưng mấy lời
qua tiếng lại đó vẫn da diết Còn, còn hoài hoài đến bây giờ…
Dạo mới đến làm ăn ở Bến Tre, má Còn
cũng vừa sinh thêm đứa em gái. Khi nó mới lọt lòng, má Còn rất ưng vì mặt nó
cũng tròn quây, cứ cười chúm chím mà không khóc, nên tía má đặt cho nó tên Nữa.
Tía Còn cũng dị đoan, cho dù đã có hơi men, cũng dịu giọng: “Mình ơi mình!” suốt
ngày đêm! Từ đó, tía má Còn rất vui vẻ, hạnh phúc lắm, quyết bám chợ Bến Tre, nối
đường dây buôn mắm từ Cà Mau, hứa nuôi hai anh em Còn ăn học thành tài.
Một hôm thật tình cờ, có cô giáo mặc
áo dài tím hoa cà tha thướt, ghé sạp má Còn mua mắm. Chắc là cô cám cảnh con Nữa
mới tròn 3 tháng, lúc nào cũng đòi bú, kể cả lúc má loay hoay cân đong đo đếm bên
mấy thùng mắm nồng nặc mùi là mùi… Cô giáo chớp mắt cười nhìn Còn đang đứng xớ
rớ, cô hỏi má: “Chắc nó là anh. Vậy chị có mấy đứa cả thảy ?” Má Còn lính quính:
“Thưa cô, có hai đứa đã muốn ngất ngư rồi cô ơi!”. Cô giáo cười ra tiếng, hỏi
tiếp: “Nó học lớp mấy?”. Má Còn như bắt được một cơ hội bằng vàng, cất vú không
cho con Nữa bú nữa, nói không kịp thở: “Thưa cô, nó đang học lớp 8, mới về ở
đây, tía nó đi xin vào học trường tư mà chưa được, vì cảnh làm ăn buôn bán nay
đây mai đó, nó phải chuyển trường mấy năm nay, học bạ không có điểm điếc gì
nên…”. Cô giáo ngắt lời: “Thôi được để tôi xin cho nó vào học trường bán công
đêm mới mở… Ban ngày, nó giúp trông em cho chị đỡ cực”. Rồi cô vừa trả tiền cho
má, vừa dặn Còn: “ Chiều nay chừng 5 giờ con đến văn phòng trường ở bờ hồ gặp cô,
mang theo tập vở vào học luôn”. Còn điếng cả hồn! Má Còn cũng vậy, cầm tiền cô
đưa chưa kịp thối thì cô đã bước đi rồi, tà áo dài tím hoa cà lung lay và mùi
nước hoa của cô như át cả mùi sạp mắm của má Còn…
Chiều hôm đó, buổi học chiều chưa
tan, Còn đang đứng lúp ló trước cổng trường thì đột nhiên ông gác cổng bước ra
dắt vào văn phòng. Còn thấy ngay ông Tổng giám thị ngồi thẳng lưng nơi chiếc
bàn to tướng bày biện sổ sách ngăn nắp, có biển hiệu khắc tên ông… Thấy Còn run
lập cập, ông tháo cặp kính, dụi mắt rồi cười hiền lành nói: “Lại đây thầy hỏi.
Đưa học bạ cũ cho thầy xem…”. Còn thấy thầy đọc lướt qua rồi ghi chép tên họ Còn
vào mảnh giấy vào lớp đưa cho Còn. Rồi thầy đứng lên, đeo lại cặp kính, căn dặn:
”5 giờ tan trường buổi chiều xong thì 6 giờ con vào lớp 8 học ở trên lầu dãy A
kia kìa. Thôi, con ráng học hành tấn tới cho ba má sau này nhờ nghe chưa!...”.
Còn càng xúc động hơn, chực khóc vì không ngờ việc học của Còn lại được cơ
duyên kỳ diệu đến vậy. Khi khoanh tay cảm ơn và chào thầy, nước mắt Còn cứ lưng
tròng, giấc mộng học hành ấp ủ bấy lâu như bừng mở ra trước mặt Còn…
Trong khoảng thời gian chờ vào lớp, Còn
ra bờ hồ, ngồi xuống bên gốc cây me tây có tán dài vươn ra che lòng hồ mát rười
rượi. Nhìn sang hướng nhà thủy tạ in bóng u trầm giữa hồ nước xanh rêu, Còn thấy
lòng đầy trắc ẩn, cứ nao nao vì lời thầy Tổng giám thị như vẫn còn văng vẳng
bên tai: “Phải ráng học, học thiệt giỏi mới là thành tài…”! Còn chợt nhớ và thấy
lạ, cô giáo hồi sáng hẹn 5 giờ chiều nay mà sao không thấy cô ở văn phòng? Sang
tuần sau, Còn mới biết cô dạy tiểu học, vợ ông chủ hiệu buôn vải lớn nhứt tỉnh,
quê cô cũng ở Cà Mau nhưng theo nhà chồng ở đây. Vào ngày đưa tang tía Còn về
quê, cô giúp má Còn lo liệu mọi bề, khó nhứt là bao được chuyến xe đưa tang về
tận U Minh dạo đó. Vậy mà cô vẫn lo xong xuôi và còn dúi cho má Còn một số tiền
khá lớn làm vốn… Má con Còn khóc lóc không dứt vì tang gia bối rối đã đành, và
cũng khóc vì mang ơn tấm thịnh tình của cô giáo là người giàu tình nghĩa đồng
hương mà không biết đến bao giờ trả nổi !
Buổi học đầu tiên ở lớp đêm thật
đáng nhớ. Các bạn không cùng trang lứa, vào học vì hoàn cảnh gia đình bận bịu
làm ăn ban ngày, vì tránh mặc cảm học trường tư, hay một số ít học hành bị trắc
trở giống như Còn. Có lẽ biết vậy nên giờ học Tóan đầu tiên thầy điểm danh rất
vui, đặt thêm biệt danh cho mỗi đứa, như để tạo không khí hòa đồng thân thiện,
thu hẹp khoảng cách đứa cao, đứa lùn, đứa mập, đứa ốm và cả mấy đứa có vẻ nhà
giàu hay quá nghèo. Đó cũng là lý do vì sao từ buổi học ấy Còn có biệt danh “mặt
tròn”.
Quả thật là dòng họ nhà nội Còn ai cũng có cái đầu tròn, mặt
tròn quây rất ngộ. Ba Còn lúc say rượu hay giải thích kiểu tiếu lâm với bạn nhậu
là do lai người Tiều thích ăn bánh bao… Lâu lâu tự sờ cằm, sờ má, sờ trán… mặt
Còn vẫn còn tròn quây. Chỉ trừ mấy lúc bị bệnh, đường bán kính khuôn mặt có ngắn
lại nhưng mặt Còn đã tròn nó vẫn cứ tròn. Bao năm gian khổ qua đi, dạo này đời
sống khấm khá hơn, vì dân nhập cư về đây lập nghiệp ngày càng nhiều, nên khuôn
mặt Còn có tròn hơn và căng hơn nhưng chắc chắn là đang già đi trước ngưỡng tuổi
lục tuần.
Nhắc cảnh sống hiện nay của Còn khấm khá là so với những năm
độ tuổi 15, 25, 35… Như Còn đã kể, những năm chưa kề 20 tuổi đã mồ côi tía, rồi
mồ côi má và mất cả em gái… Đến những năm ngoài 20, Còn lâm cảnh tật nguyền, ăn
uống qua ngày, bữa mặn bữa chay với ông thầy lập chùa trên đất vườn nhà…
Rồi vào năm Còn ngoài 40 tuổi, bỗng nhiên có một ông xưng là
cậu họ, vai anh má Còn, mà trông cũng giống má lắm, làm cán bộ y tế ở tận Tây
Nguyên, không biết làm sao mà cậu đã lần tìm được Còn. Cậu đi xe công bảng số
xanh, có tài xế riêng, mang về tặng Còn chiếc xe lăn inox hàng viện trợ, cho Còn
mượn vốn mở mang tiệm tạp hóa bề thế như bây giờ. Cậu còn giúp Còn lên huyện xuống
xã lập sổ đỏ vườn đất và mướn công thợ về trồng cây trái thu huê lợi. Nhờ vậy
mà từ đó Còn trở nên khấm khá hơn xưa một trời một vực. Không biết vì Còn hay
vì uy tín của Cậu mà xe cộ đi qua đi lại hay ghé quán Còn uống đặc sản nước dừa
có mùi lá dứa như một điểm hẹn. Còn hỏi tại sao thì họ nói đùa rất ác khẩu: “Tại
thích thấy chú nhảy cò cò với cái mặt tròn quây!”. Chỉ có một lần ông tài xế chiếc
xe du lịch Toyota
màu đen láng bóng may ra đã nói thật: “Vùng này đang qui hoạch, đường này sẽ mở
rộng, lô đất vuờn nhà ông đang lên giá bạc tỷ đó…”
Lâu lâu, cậu dẫn mợ và đứa con gái một về thăm, chỉ vẻ làm
chuyện này chuyện nọ, căn dặn Còn phải làm sao để cuộc sống ổn định và khấm khá
hơn… Mợ cũng làm y tá, trẻ hơn cậu một con giáp, nói chuyện khéo bao nhiêu, thì
đứa “con gái rượu” có vai chị nhưng nhỏ hơn Còn gần ba con giáp, sắp tốt nghiệp
đại học mà ăn nói theo kiểu tấu hài hay gọi là “chảnh”: “Hai ba mẫu đất vuờn của
Hai Còn ở xứ khỉ ho cò gáy này thì có là gì so với cái bằng đại học của con đâu
mẹ!”. Nghe câu nói đó, Còn méo cả mặt. Nhớ lại ngày dọn chùa đi nơi khác để Còn
làm sổ đỏ, ông thầy chùa đã rất già yếu, quở một câu xanh rờn mà bây giờ Còn mới
hiểu : “Mặt có méo mới khéo biết chuyện”!
Quả nhiên, cách đây mấy tháng, cậu họ về chỉ một mình và nói
là muốn ở hẳn với Còn, vì cậu bị đau khớp, ở Tây Nguyên lạnh quá, đau không chịu
nổi. Lập tức, Còn bốc điện thoại gọi cho bà Mợ và bà Chị nhưng không ai bắt máy.
Khi gặng hỏi cậu tại sao vậy, Còn chỉ thấy mặt cậu méo mó chảy xệ, lầm lỳ chẳng
nói chẳng rằng… Mặt Còn cũng co rúm lại, méo xẹo, sổ toẹt: “Số tiền cậu giúp
cháu vẫn còn nguyên cả bút tích giao nhận đây nè. Tính luôn trợt giá vàng tất cả
là 10 cây. Đây! Cậu nhận lại cho cháu được yên ổn cái thân mồ côi, tàn tật này.
Bây giờ, cậu mới nếm mùi đau khổ. Còn cháu thì khổ cả đời rồi, không muốn đau
thêm nữa đâu! ”. Đêm hôm đó, Còn không ngủ được, đến sáng thiếp đi một chút thì
nghe có tiếng xe hơi đóng cửa sầm sập trước nhà, chở cậu đi về hướng huyện lên
tỉnh. Còn thở phào nhẹ nhõm, như trút đi được mối quan hệ họ hàng rắc rối cuối
cùng.
Đêm đêm, chui vào mùng trốn muỗi, viết câu chuyện đời mình,
viết đi viết lại mất ngủ cả tháng trời, hút hơn 2 cây thuốc Bastos, cả ký cà
phê ! May mà Còn không uống được rượu, bằng không cũng mất mấy can rượu thuốc, mấy
ký mắm cá sặc nấu lẩu nữa là khác!
Mà thôi, Còn xin thú thiệt: “Sở dĩ Còn trút cả tâm sự đời
mình cho các bạn là bởi nghĩ rằng ai cũng có phúc có phận cả. Nhưng cái phúc của
Còn thì quá mỏng manh, còn cái phận lại rất hẩm hiu, phải kể ra để biết mà
phòng! Cả chốn quê này ai cũng biết ít nhiều những mẩu chuyện nọ xọ chuyện kia
của Còn, nhưng họ hay bàn tán đủ kiểu, người này thương cảm, nguời kia thương hại,
nguời nọ thương tình… Nhưng với các bạn, tuy là bạn phương xa, suýt chút nữa
cùng là bạn đồng môn thân thiết của Còn, thì việc cùng nhau chia sớt chuyện đời
tư chút đỉnh chắc cũng đỡ tủi, đỡ hổ hơn nhiều ? Phải không?“.
Chắc có bạn sẽ gặng hỏi: “Sao Còn không một lần thu xếp về
thăm trường cũ, thăm mái nhà xưa, hay những người quen dạo đó… Mà lại…”.
Còn xin trả lời ngay: “Tại mặc cảm và tự ti! May ra đến gần
cuối đời, trải nghiệm bao đắng cay, đau khổ, mới có thể rũ bỏ được nó. Và bằng
chứng cho sự rũ bỏ được nó, đó chính là câu chuyện đời của Còn được viết ra đây
để gửi cho các bạn chia sớt, may ra giúp Còn chùi sạch lớp bụi mờ dĩ vãng trên
khuôn mặt tròn quây, từ nay không còn sợ méo mó nữa!”
Cuối cùng, Còn muốn báo các bạn tin mới nhận hôm kia: Bệnh viện ung bướu vừa gửi về kết quả xét nghiệm
báo rằng: “Khối u ác tính đã đến giai đoạn cuối, không can thiệp được nữa”. Ông
hàng xóm hay qua lại đánh cờ tướng bữa ăn bữa thua với Còn khuyên: “Nghe nói xóm
trên có người đi xạ trị tốn cả chục cây, thọ thêm được mấy năm”. Còn căng cái mặt
tròn quây, cười hề hề: “Tiếc chi 10 cây? Chỉ tiếc cái mảnh vườn nhà này rồi thì
không biết phải làm sao đây?
Tại tư gia, 19.10.2013
No comments:
Post a Comment