02/09/2015

TRƯỜNG XƯA ….THƯƠNG NHỚ     
                                                                                 HUỲNH TẤN KIM KHÁNH      
    (Tiếp theo)                                                                                
4. Mùa thi đáng quên
              Đến hè, chúng tôi nhận nhiệm vụ coi thi và chấm thi Tú tài. Năm đó, một số anh chị em được điều động về Hội đồng thi Cần Thơ – nơi tập trung thí sinh  các tỉnh miền Tây Nam Bộ từ Hậu Giang trở xuống. Trước đó ít lâu, Nha Khảo thí có gởi đến mỗi trường một tập danh sách các hội đồng coi thi gồm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng, các phó chủ tịch trung tâm và số giám thị được chọn. Một tập danh sách tương tự cho hội đồng giám khảo được gởi tiếp theo. Mỗi anh chị em đến văn phòng nhà trường nhận lộ trình thư, tiền ứng công tác khảo thí và chuẩn bị một va-li vật dụng cá nhân, có thể ở lại hội đồng thi một tuần (giám thị) hoặc vài tuần (nếu kiêm nhiệm giám khảo).


            Năm ấy, khoảng 20 anh chị em giáo sư Trung học Kiến Hòa công tác tại Hội đồng Cần Thơ thật vui, vì chủ tịch hội động chính là anh Quế, hiệu trưởng trường mình. Hội đồng đặt tại trường Trung học Phan Thanh Giản, ngôi trường bề thế nhất của miền Tây Nam Bộ, tên cũ là Collège de Cantho. Đây cũng là một trong ba ngôi trường đầu tiên dành cho học sinh bản xứ tại Nam Kỳ, được xây cất năm 1917, sau Collège de Mytho (1880) và trước Lycée Pétrus Ky (1927). Giám thị thuộc nhiều trường ( Trung học Pétrus Ký, Chu Văn An, Hồ Ngọc Cẩn, Gia Long, Trưng Vương, Mạc Đĩnh Chi… của Sài Gòn, một số trường trung học các tỉnh, chẳng hạn Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long…) hoán chuyển nhau. Một số anh chị ngụ ở khách sạn hoặc ở nhà người thân nhưng hầu hết giám thị, trong đó có nhóm Bến Tre, ngụ tại hội trường của trường Phan Thanh Giản để tiện sinh hoạt, họp hành. Hơn nữa, mỗi tối các bạn có thể đàn hát, đánh cờ tướng, có khi chơi bài tây, từng nhóm chuyện trò thật rôm rả. Đợt thi Tú tài I diễn ra suôn sẻ được hai hôm. Đến ngày thứ ba, một sự việc nghiêm trọng xảy ra: tám giám thị thuộc trường Trung học Kiến Hòa bị hành hung.
            Khi anh em đang dùng bữa trưa tại một quán ăn phía trước trường, thình lình một chiếc xe nhà binh mui trần xịt đổ trước quán. Năm bảy anh lính ăn mặc lôi thôi (trên xe chỉ có cuốc xẻng, có lẽ họ từ một công trường quân đội) nhảy xuống, xông vào quán tấn công các giám thị. Anh em nhóm Bến Tre gồm tám người, phản ứng ngay tức khắc: Nguyễn Hữu Khiêm (dạy Sử Địa), Nguyễn Kim Hoàn, Trần Thanh Sao (Lý Hóa), Lê Văn Hậu (Quốc văn) và Lê Văn Trinh (Toán); riêng Đoàn Văn Phi Long (Toán) giỏi thái cực đạo, đã đánh trả quyết liệt, Phạm Tấn Phước (Toán) và Trương Thành Nghĩa (Lý Hóa) to con, vung ghế tự vệ. Có thể nhóm lính chỉ muốn dằn mặt mấy thầy giám thị, vừa sợ quân cảnh ập đến, nên họ rút nhanh. Hậu quả là Nguyễn Hữu Khiêm bị u đầu, sứt nút áo, hai bạn khác bị trầy trụa. Do trong buổi thi  trước, chúng tôi kiên quyết không cho một thí sinh quân nhân giở tài liệu trong phòng thi, nên thí sinh đó đã rủ rê đám lính hành hung chúng tôi.
          Tin tức loan đi thật nhanh, tạo nên một cơn “địa chấn”. Trong những năm trước, có thí sinh bất hảo hăm dọa giám thị và ngay kì thi năm rồi giáo sư Trần Vinh Anh ở Đà Nẵng rủi ro bị lén lút đâm chết. Còn nay lại hành hung giám thị ngay trước cổng trường thi, nghe đâu thí sinh đó lại có dây mơ rễ má với quan chức cấp cao nhất của tỉnh. Toàn thể giám thị quyết định ngưng ngay kỳ thi. Từ Sài Gòn ra Huế, từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ, báo chí đều loan tin đặc biệt này, dư luận xã hội thật xôn xao.
            Vấn đề tác động sâu sắc đến nhiều thành phần khác nhau. Thứ nhất là nhà giáo chúng tôi. Dù rằng đám lính trẻ người non dạ, cũng có thời gian ngồi trên ghế nhà trường, lại có hành động đánh thầy, ngẫm cho cùng giáo dục còn nhiều lỗ hổng. Anh em họp cả đêm, quyết định đấu tranh để bảo vệ danh dự nhà giáo, bảo vệ quyền khảo thí và luật pháp quốc gia.
            Thứ hai là về phía chính quyền. Trước tiên và trên hết, Bộ giáo dục có đảm bảo công tác khảo thí hoàn toàn công bằng, minh bạch chăng khi những viên chức của Bộ làm đúng chức trách lại bị đe dọa, thậm chí xâm phạm đến an nguy bản thân mình. Tiếp đó, chính quyền địa phương có đặt hội đồng thi đã cam kết đảm bảo an ninh gần như tuyệt đối, huy động mọi nguồn lực để công tác khảo thí tại tỉnh nhà diễn tiến suôn sẻ, tốt đẹp. Thế mà để xảy ra việc tồi tệ này.
            Thứ ba là dư luận xã hội. Đặc biệt phụ huynh có con em dự thi vô cùng bất bình trước hành động côn đồ của thí sinh này. Hơn nữa, họ rất lo lắng cho việc thi cử của con em mình. Trong một lần họp, anh Huỳnh Ngọc Diêu (dạy Quốc văn Trung học Kiến Hòa) nêu ý kiến: “Thí sinh các tỉnh thành lân cận (đến Cần Thơ dự thi) đang cạn dần tiền ăn ở, phụ huynh lo lắng lắm… Đợt sóng ngầm này mới đáng sợ…”
            Cũng có những cuộc thương lượng. Tỉnh trưởng Phạm Bá Hoa đến trường trong hai buổi tối, nhận khuyết điểm và tha thiết đề nghị Hội đồng giám thị tiếp tục kì thi . Bộ Giáo dục hai lần cử thanh tra xuống Cần Thơ để thuyết phục anh em giám thị. Bộ hứa sẽ giải quyết dứt điểm một cách hợp lý, hợp pháp, hợp tình. Chúng tôi lại họp hành bàn bạc, cuối cùng vì quyền lợi thí sinh, tiếp tục kì thi Tú tài, cho các em thi các môn còn lại bằng đề dự phòng.
            Lần đầu làm chủ tịch một hội đồng khảo thí lớn, anh Trần Kim Quế thật đau đầu. Anh tỏ ra rất thận trọng trong hướng giải quyết, đặc biệt là nhóm giám thị bị hành hung là những giáo sư của trường mà anh là hiệu trưởng. Nếu đấu tranh đến cùng, nghĩa là ngưng kì thi để gây tiếng vang lớn thì không ổn; nếu theo hướng của Bộ tiếp tục kì thi thì không rõ sau này vấn đề có được giải quyết thỏa đáng chăng; cuối cùng, uy tín của người chủ tịch hội đồng sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
            Sau khi thi xong các môn, Hội đồng giám khảo được triệu tập, cũng do anh Quế làm chủ tịch. Công tác chấm thi, lên điểm, lấy đậu, in ấn và niêm yết kết quả diễn ra khoảng mươi hôm. Cuối cùng, tỉnh có đưa xe “hộ tống” chúng tôi qua phà Mỹ Thuận để về “nhà”. Ít lâu sau, có tin nhóm quân nhân đánh giám thị bị mấy ngày trọng cấm và trung tá Phạm Bá Hoa “được” điều động về Bộ Tổng tham mưu, mất chức tỉnh trưởng Cần Thơ béo bở.

            Cũng có một kỉ niệm vui. Số anh em ở tại trường tối tối có đánh bài tây chơi. Anh Lâm Vĩnh Thế (Sử Địa) trong nhóm chúng tôi, có đêm thắng đậm. Sáng ra, anh dẫn anh em đi ăn cơm gà tại quán Ngọc Lợi ngon nổi tiếng, trong khuôn viên sân quần vợt Cần Thơ. Còn bảo: “Tối nay, tao chiến đấu tiếp, có thể mình sẽ ăn cơm Tây dài dài.” Xui xẻo làm sao, đêm ấy anh nướng sạch túi. Từ đó đến cuối đợt công tác, chúng tôi phải cưu mang anh. Trước kia, mỗi khi sửa soạn đi ăn, anh thật lề mề; nay anh thay đồ cái rụp, mang giày vớ sẵn, nhanh nhẩu đi cùng bạn bè. Về đến “bắc” Mỹ Tho còn đúng năm đồng trong túi!                               (Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment