10/09/2015

TẢN MẠN CHUYỆN CÀ PHÊ
          Võ Văn Tăng    


         
Một buổi sáng sớm ở bến  phà  Rạch Miễu, năm tôi lên tám tuổi. Hơi lạnh phả từ mặt sông nước lớn thổi vào bờ, làm tôi phải kéo cao cổ chiếc áo ấm lên một chút. Vì đã gần Tết được nghỉ học, ba tôi cho tôi  theo ông trong một chuyến xe khách đi Sài Gòn.
Trong  lúc đợi  phà, ba kêu cho tôi ly cà phê sữa nhỏ trong một tiệm
người Hoa ở sát bến phà phía Bến Tre. Ba khuấy đều ly cà phê, đổ một ít
 cà phê vào cái dĩa cho mau nguội… Hương cà phê thơm thơm, vị sữa bò  ngọt ngọt, âm ấm  hòa  quyện vào cái hơi lành lạnh của gió từ sông thổi vào. Tiếng lách chách  của nước  bị sóng xô từng đợt dưới gỗ nhà sàn nghe rất vui tai,  khiến ly cà phê đầu đời ấy cho đến mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ… dù thời gian đã qua rất lâu. Sáu mươi năm rồi còn gì !...
          Sau nầy lớn hơn, có nhiều bạn bè hơn, lâu lâu cũng rũ nhau vào quán
“tập tành” uống cà phê. Lúc đó còn nhỏ, chúng tôi nghĩ rằng: vào quán nhâm
nhi ly cà phê đắng đắng ngọt ngọt, phì phà khói  thuốc… như người lớn  là
“sành điệu” lắm rồi ! Thuốc lá cũng đã thử nhưng bị sặc, khó chịu quá nên
không dám hút. Có điều là đụng đâu uống đó chưa biết chọn quán chọn bàn như sau nầy…
          Cho đến khi thi đậu, được vào học ở Trường Trung học Kiến Hòa là một vinh dự của tôi và gia đình. Ngôi trường mà những năm học tiểu học tôi hằng mơ  ước! Đứng bên kia hàng rào chì gai của Trường  nữ  Tỉnh lỵ, nhìn “các anh” mặc áo trắng bỏ vào quần tây dài màu xanh dương, mang giày bata trắng muốt mà…phát  thèm! Cổng trường hướng phía hồ Trúc Giang nước  xanh  xanh có hàng me tây quanh hồ, những chiếc lá  theo gió bay bay  cùng  những cánh hoa nho nhỏ xinh xinh “đậu”  trên tóc, trên vai áo trắng của các bạn nữ sinh… khiến lứa học trò mới lớn chúng tôi phải… ngơ ngơ, ngẫn ngẫn, mơ mơ, mộng mộng !
          Rồi những đoạn văn  ngắn ngắn, những bài thơ  không đầu không đuôi
“tràn trề cảm xúc”… từ đó ra đời, có gì đó  thú vị vô cùng! Khi đã sửa chữa
xong thì “lẩm ba lẩm bẩm” cho đến khi  thuộc lòng mới thôi ! Cho nên quán   
cà phê Giao Châu ở góc bờ hồ thường là nơi  hò hẹn của cánh nam sinh, đến
đó để trao đổi… những “tác phẩm” ấy.
          Tôi nhớ lúc đó đã được đọc thơ Tế Hanh :
               “Những ngày nghỉ học tôi hay tới,
                Đón chuyến tàu đêm đến những ga.
                Tôi đứng tôi đưa xem tiễn biệt,
                Lòng buồn đau xót nỗi chia xa !”
          Có một thằng bạn ứng khẩu :
              “Những giờ trống tiết tôi hay tới,
                Tới quán Giao Châu cạnh bờ hồ.  
                 Có tiền thì trả, đừng thiếu chịu,
                Bà già chủ quán bả chửi cha !”
          Bài thơ không vần không điệu ấy khiến cả bọn cười ngã nghiêng và cho
rằng “uống cà phê ở cạnh trường, cạnh bờ hồ là điều hạnh phúc !”. Sau  nầy
càng lớn tuổi, tôi vẫn thấy điều mà chúng tôi nghĩ năm nào đến bây giờ vẫn
hoàn toàn đúng !
          Sau đó, có một  quán  cà phê khác cũng không xa bờ hồ lắm vừa  mới
khai trương, chúng tôi cũng vào uống thử. Quán trang trí đẹp, rộng rãi, thoáng
mát…nhất là cái tên Ngy khó hiểu, khiến chúng  tôi  tò mò… Chị chủ quán –
tuổi “dừa cứng cạy” có gương mặt đẹp -  cho biết đó là tên viết tắt của cụm từ “người yêu” ! Âu đó cũng  là một điều thú vị. Uống được vài ba lần, chúng tôi quay trở lại quán Giao Châu, vì ở đó lại được nhìn trường, nhìn bờ hồ có nhà  Thủy tạ ngói  đỏ, mặt nước gợn sóng lăn tăn, lấp la lấp lánh… vẫn thích hơn !
          Rồi những bài thơ, bài văn ngắn ngắn không đầu không đuôi, mây trời
hoa lá đó đã được… đăng báo ; đó là điều lớn lao vô  cùng. Các bạn chuyền tay nhau tờ báo với những lời chúc mừng và khích lệ. Tiền nhuận bút ít ỏi mà tòa soạn báo gởi về cũng chỉ để cùng các bạn…  uống cà phê.
          Tuổi học trò dần trôi với những mơ mộng vu vơ, chợt buồn chợt vui.
“Nghĩ suy” về những cuộc chia tay bạn bè không  hẹn trước… và dĩ nhiên những ly cà phê ngày càng có thêm hương vị của sự suy tư, gởi gắm trong
những giọt đăng đắng ấy những hoài bão, viễn ảnh tương lai còn rất dài phía trước, chưa biết thế nào là thế nào ! Ngày sau sẽ ra sao ?
          Những ngày còn đi học ở trường, có một “quy luật bất thành văn” của
cả cánh nam sinh chúng tôi mà sau nầy các thầy lớn tuổi cũng phải công nhận.
Thời đó, có một quán cà phê khá rộng người Hoa ở sát “ngã tư quốc tế”, trong
quán có nhiều bàn tròn và các dĩa bánh ngọt để sẵn, cà phê ở đó ai cũng khen
ngon pha bằng siêu đất. Có điều cả thầy và trò đều thích đến đó ! Hôm nào cả
nhóm  đi ngang định ghé mà thấy có ông  thầy dạy trường mình (có dạy  lớp
mình hay không cũng vậy) ngồi trước đó với vài người bạn, thì đám học trò lãng qua quán khác. Cũng như khi đã ngồi trước đó đang líu lo nhiều chuyện,
bất chợt thấy thầy và bạn thầy vào quán, thì… a  lê hấp: kêu trả tiền và lặng
lẽ… rút êm ! Cũng có nhiều lần cả bọn đang đi ngoài đường, nhìn thấy ông thầy đang đi ngược chiều xa xa thì vội vã bỏ điếu thuốc đang hút dỡ xuống
đường và đợi khi đến gần cả bọn kính cẩn… cúi đầu chào thầy !
          Ngoài chuyện tập tành viết lách, làm thơ… chúng tôi cũng tập tễnh học
đàn. Ngoài những giờ lý thuyết âm nhạc ít ỏi ở trường, trong cặp chúng tôi
thường  kè kè quyển Tự học Tây ban cầm của Lan Đài. Hình ảnh “người con
trai ôm đàn ghita hát tình ca” thấy cũng hay hay, đã thôi thúc chúng tôi… tự
học đàn. Từ khi “…tôi ca  không hay, tôi đàn nghe cũng dở !...” đến khi đệm được cho các bạn hát trong các buổi sinh hoạt và các đêm “thanh đàm”  của
các trại hè do trường tổ chức… chúng tôi thấy rất vui.
          Nhưng gần bên cái vui vui thì cũng có cái buồn buồn.
          Rồi đến  những năm sinh hoạt du ca, tôi được biết một “đứa con tinh
thần” của anh Nguyễn Đức Quang là bài “Vì tôi là linh mục” đầu tư rất nhiều
tâm huyết (sau những bài thanh ca và  trầm ca) đành “ngậm ngùi” bán cho
Phạm Duy để lấy tiển trả… nợ cà phê cho anh em ở quán anh Ba Râu đường
Sương Nguyệt Anh, Quận 1, Sài Gòn, đối diện Trụ sở Phong trào du ca Việt
Nam thời bấy giờ. (Xin mở ngoặc một chút) Trước đó, biết chuyện anh  Trần
Thiện Thanh “cúi mặt làm ngơ” bán bài “Chuyến đi về sáng” cho Mạnh Phát lấy tiền lo cho gia đình đang lúc khó khăn ; đó cũng là những điều… xót xa !
          Lại là chuyện “bất thành văn” khác của “cà phê cà pháo”; không phải
chỉ để thưởng thức cà phê theo gu mỗi người, khi vào quán mà mình đã  chọn
thì y như rằng: cái bàn ngồi và người đối ẩm là ưu tiên số một… Hôm nào
đến mà bàn thường ngồi của mình đã có người khác ngồi rồi, dĩ nhiên cả bọn
phải ngồi bàn khác, cho nên cà phê hôm đó… không được ngon lắm.
          Càng ngày tuổi càng lớn, những tâm sự về tình cảm, chuyện đời, chuyện
người, chuyện mình, chuyện cuộc sống  mà bạn bè trao đổi bên ly cà phê; nó
đậm đà, thi vị biết chừng nào.
          Rồi sau đó, gia đình tôi chuyển lên sống ở Sài Gòn.
          Khi có việc phải về quê, lúc phà vừa cặp bến hoặc sau nầy khi qua khỏi
cầu Rạch Miễu. Cái bầu không khí mà tôi đang hít thở dường như nhẹ nhàng
hơn, dễ chịu hơn. Nếu không có việc gấp thì thế nào tôi cũng đi về phía trường cũ và bờ hồ thân thương ấy. Uống cà phê ở quán gần trường nhất để…
nhớ lại “quãng đời nhỏ dại”, để hình dung những tà áo trắng ngày nào giờ tan
trường phủ gần kín vòng tròn bờ hồ, bay bay, bay bay… như đàn bướm trắng của cõi thần tiên trong truyện cổ tích !... Dĩ nhiên không quên réo gọi một vài
“bạn già” đến để tâm sự nhiều điều, nhiều chuyện trên đời… rồi chia tay mà không hẹn ngày gặp lại !
          Sau  nầy vì cuộc sống đưa đẩy, tôi “lặn lội” ra Buôn Ma Thuột làm ăn.
Lần đầu tiên được đến Tây nguyên – khi xe qua khỏi những khúc cua quanh co của đèo Phượng Hoàng – tôi được hít thở không khí vùng cao với mùi đất
đỏ badan cộng với mùi  thoang thoảng của những vườn cà phê đang trổ hoa
ven đường, khác hẳn với mùi phù sa và hương thơm của những vườn cau quê
hương, càng khác rất xa với mùi nắng cháy, mùi khói, mùi nhựa đường hăng hắc của Sài Gòn.
          Tôi tìm đến một quán cà phê đang đông khách(chắc là cà phê ngon lắm đây !) để xem cà phê của “thủ phủ Tây nguyên” ngon đến mức nào. Một tiếp
viên nữ trong sắc phục “sơn nữ Phà Ca” mang ly cà phê nóng còn bốc khói đến… Chỉ một  lát, mùi cà phê thơm lừng kia mất hẳn khi giọt cà  phê cuối cùng của cái phin nhỏ hết xuống chiếc ly xinh  xinh; nó trở thành ly cà phê đen  nguội, nó bị giãm nhiệt theo cái lạnh của buổi sáng vùng  cao: cà phê không được ngon! Nghĩ lại thì…chắc không phải (cà phê không ngon thì làm
sao quán lại đông khách). Có thể do cãm nhận của riêng mình. Chắc tại quán
không quen, bàn không quen và vô duyên nhất là… “sáng nay cà phê một
mình !”. Cho nên mấy năm ở Buôn Ma Thuột, tôi chỉ uống… cà phê đá !
          Bây giờ, đời đã về chiều và cũng “gần  tắt nắng” ! Có điều thật đáng
“xấu hổ” là sau sáu mươi năm uống cà phê, tôi chưa biết thế nào là cà phê ngon và ngon ở chỗ nào. Chưa biết cà phê chè ngon hay cà phê dối ngon và
ngon ở đâu, cũng như “cà phê bắp” khác  với “cà phê đậu nành” ra sao ! Chỉ
biết hễ vào quán cà phê thì… chỉ uống cà phê. Giống như có nhiều người cho
rằng “hoa chanh nở giữa vườn chanh”(chứ hổng lẽ hoa chanh nở giữa vườn
cam) và “ra bờ sông em nhìn thấy sông” (hổng lẽ ra bờ sông  em nhìn thấy biển). Bất chợt tôi…cười một mình, mà cũng không biết mình cười chuyện gì !.
          Nhớ rất nhiều về những ngày xưa ở quê hương Bến Tre giàu nghĩa tình.
Ở đó tôi có nhiều bạn bè với đủ thứ hỉ nộ ái ố trên đời: nên có, hư có, cười đó,
khóc đó…Đời mình cũng có rất nhiều khúc quanh, những khúc quanh tình cảm và cả cuộc sống.Vui cũng nhiều và buồn thì mãi… triền miên !
          Nhớ lại những ngày còn đi học với bao buồn vui. Tình bè bạn, nghĩa thầy trò gắn bó nhiều năm… Cho đến bây giờ không còn lại mấy người ; một
số đã “đi xa” và còn lại thì hiện đang chống chọi với bệnh tật và sự già nua !
          Còn lại một người thầy lớn hơn tôi 6 tuổi, dạy Việt văn năm tôi học lớp
đệ Ngũ ở Trường Trung học Kiến Hòa ; Thầy Bùi Thanh Kiên. Sau nhiều năm
xa cách, mất liên lạc từ năm 1968 vì những thăng trầm của cuộc sống… Thầy
trò vô tình gặp lại nhau ở Sài Gòn năm 1995…mừng mừng, tủi tủi. Dĩ nhiên là không thiếu ly cà phê để …hàn huyên, tâm sự !
          Nhớ  những ngày xa xưa ấy, tuy không lớn tuổi hơn bao nhiêu nhưng thầy trò có nhiều xa cách; thầy giáo đang giảng bài còn học trò thì đang lắng
Nghe. Mỗi khi thầy gọi tôi lên trả bài, thì đúng là “run en  phát rét !” nhất là
những bài bình giảng. Hồi đó, cả thầy và trò đều hướng về tương lai. Tương
lai còn rất dài phía trước của cả thầy giáo trẻ và  học trò mới lớn… Ai cũng
phấn đấu cho sự nghiệp và hạnh phúc sau nầy của riêng mình.
          Còn bây giờ thì… bên ly cà phê của tuổi về chiều, tóc cả thầy và trò đều bạc như nhau, sự xa cách ngày xưa dường như đã được rút ngắn lại. Cho nên sự tao ngộ bây giờ đồng nghĩa với sự hoài niệm… và những câu chuyện trao đổi của thầy trò dường như không bao giờ cạn !...
          Đã hơn bốn năm nay, nếu không có việc bận thì sáng Chủ nhựt nào tôi
cũng đến nhà đón thầy đi uống cà phê, dù trời mưa hay nắng. Điểm đến là một
quán tuy không rộng lắm, nhưng cả thầy trò đều chọn để gặp gỡ…  chỉ đơn giản là ở giữa quán có trồng một cây si  gần giống cây si ở trường năm xưa…
Cho nên khi đến quán, tôi cảm thấy… ấm lòng hơn và hình ảnh trường cũ lại hiện về, nó gợi lại cho cả thầy trò những hồi ức về một thời xa xưa với nhiều kỷ niệm không thể nào quên !
          Điện thoại thầy đổ chuông.
- “A lô, tôi  nghe…ờ ờ… tôi  đang uống cà phê với người bạn…ờ ờ…
được được…ờ ờ… hẹn gặp sau nghen !”.
          “Người bạn”. Lời thầy tuy không còn tròn tiếng như xưa, nhưng hai từ
“người bạn” đã làm tôi xúc động đến… nao lòng! Phải (theo thầy) ngày xưa  là  học trò, bây giờ được thầy xem là bạn… có thể đã từ lâu thầy nhận thấy thầy trò có cùng quan niệm sống, đồng cảm đồng điệu về nghĩ suy cuộc đời và cả về tình cảm. Vì tuy nói rất nhiều về quá khứ; về… hồi đó, về… năm ấy, về… ngày xưa, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn về tương lai.
- “Quỹ thời gian” còn lại quá ít phải không thầy !
Thầy lúc nào cũng nói vui, nhưng có gì đó nghèn nghẹn, buồn buồn :
- “Đích đến” của cuộc đời đang ở trước mặt, rất gần…rất gần ! Thầy và
em, ai  “đến đó” trước cũng được, không cần xếp hàng mà cũng  không  cần chen lấn.
          Trước khi chia tay hẹn gặp lại Chủ nhựt tuần sau. Thầy trò thường nhìn lại quán cà phê có cây si xanh mướt, nhiều rễ phụ buông thòng xuống… đung
đưa theo gió.
          Tôi dắt xe ra, nói với thầy :
- Cà phê bữa nay ngon quá hén thầy.
Thầy mĩm cười :
- Ừ, ừ… ngon !
Tiếng hát Ngọc Lan vẫn nhè nhẹ, man mác… văng vẵng sau lưng…
“ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu… ngày nào đời thôi có nhau…
xin người biết đau !”….


                                                                             Sài Gòn, 18.8.2015.

No comments:

Post a Comment