NHỮNG BÀI HỌC
KHÔNG
CÓ TRÊN BỤC GIẢNG
Võ Văn Tăng
Những
bài viết về trường về lớp, về tình thương của thầy cô giáo với học trò cũng như
sự suy nghĩ của học trò đối với thầy cô giáo đã có từ bao giờ, không ai có thể
thống kê được. Và sẽ còn tiếp nối cho đến muôn đời sau, nó thiêng liêng làm sao
và không bút mực nào diễn đạt hết những điều thiêng liêng ấy! Những lời dạy bảo
của thầy cô trên bục giảng truyền cho học trò những tri thức, kiến thức mà sau
nầy trên đường đời ai cũng cần có để vững bước trong cuộc sống mưu sinh và tạo
dựng sự nghiệp.
Nhưng ở đây,
tôi không nói đến những bài học mà thầy cô "khô buồng phổi" trao truyền
cho học trò thân yêu của mình, mà là những bài học không có trên bục giảng. Tôi
còn sống được cho đến ngày hôm nay - qua biết bao nhiêu thăng trầm, kể cả trong
chiến tranh - phần lớn cũng nhờ vào những bài học đó. Có điều thú vị là tôi học
được từ ở chính ngôi trường mà tôi xem như ngôi nhà thứ hai của mình: Trường
Trung học Kiến Hòa. “Những ông thầy” ấy có người đã mất, có người từ lâu tôi
không có dịp gặp lại cũng có người vẫn còn sống, nhưng có một điều chắc chắn là
không ai còn nhớ đã dạy tôi điều gì. Chỉ có tôi mới biết những điều tôi đã học
được, nó quan trọng đến nhường nào.
“Người
thầy” mà tôi muốn nhắc đến đầu tiên là Chú Võ
Tào, người
phụ trách mở cổng và đóng cổng sau 15 phút vào học. Học sinh nào đi học
trễ,
năn nỉ cách nào chú cũng không cho vào lớp. Chú nhắc nhở nhẹ nhàng kèm
theo
nụ cười thân thiện : "Mai mốt đừng trễ nữa nghen !" và xòe
bàn tay chai sạn hướng về phía phòng Giám Thị... "Xin mời !" ; đó là
bài học về kỷ luật mà học
sinh nào cũng phải tuân theo. Mùa hè năm nào tôi không còn nhớ, trường
tổ chức trại công tác hè, tráng sân xi măng trước dãy A. Học sinh phụ sàn cát,
trộn xi măng, bưng hồ cho các chú thợ tráng sân... Lúc đó tôi được chú dạy cho
"kiến thức thợ hồ" : cách cột "tai-dê" sao cho chắc và
nhanh, thế nào là hồ 4, thế nào là hồ 6, xây tường 10 khác với tường 20 ra sao,
tại sao gọi là hồ cháy và tráng hồ dầu trên cùng để làm gì, sau cùng tại sao phải
lăn ru-lô ...
Kế đến là bác Trần Khắc Huệ, nhân viên phụ trách đánh
máy. Gia
đình bác ở luôn trong trường - cầu thang đầu dãy D. Cho nên ngoài giờ
làm việc khi mọi người ra về hết thì bác là "tư lệnh tổng quát": bác
đi rão hết các phòng
học xem đã tắt đèn, tắt quạt chưa, có đóng cửa sổ kính lại chưa nhất là
dãy B, cửa lớp có đóng kín không, bác "gom" mấy chiếc xe đạp học sinh
bỏ quên về nơi bác ở dùng dây lòi tói khóa lại đàng hoàng sợ trộm ban đêm, -
con của bác là bạn Trần Liên Hoan học lớp tôi cũng giúp bác trong "công
tác" nầy - và nhất là công tác phòng cháy chữa cháy, cho nên ban đêm chỉ
có mình bác...Tôi học được ở bác tánh cẩn thận. Có những đêm đi chơi về khuya,
đi ngang trường tôi thường thấy ánh đèn pin của bác. Sáng hôm sau vào trường
tôi hỏi bác "Đêm qua bác ngủ lúc nào?". Bác nói với tôi : "Lớn tuổi rồi ngủ nghê
có được bao nhiêu đâu cháu!".
Tôi đã học đánh
máy từ mùa hè năm học đệ Ngũ ở chỗ cô Thái Dương, nhưng không được cấp chứng chỉ
vì thi cuối khóa đánh máy một trang 21x27... quá 15 phút! Cho nên khi phụ với
thầy Lê Văn Hoàng làm nội san Bừng Sống,
tôi học rất nhiều từ bác Huệ. Bác chỉ dẫn tận tình từ khâu sử dụng máy ronéo
cho đến cách quay thế nào để cho giấy stencil được bền, vô mực thế nào để vừa
tiết kiệm mực mà không hao giấy... và cho đến khi máy bị hỏng hóc thì cả thầy
Hoàng và tôi cùng là "học trò" của bác trong việc sửa chữa! Cho nên
khi tờ báo đến được với "bạn đọc", công lao thầm lặng của bác lớn vô
cùng.
Cũng mùa hè năm
đó, có lần tôi đi công việc gia đình ở Cần Thơ, trên đường về tôi có ghé Vĩnh
Long thăm cô Trà My, buổi chiều và
trời mưa lớn nên cô không cho về, đêm đó
tôi ở lại nhà cô. Cô giới thiệu với ba
cô, tôi là học trò của cô phụ thầy làm báo của trường. Không ngờ tôi được gặp
"một vị lão làng" trong nghề báo, ông đọc lướt qua tờ Bừng Sống và nhỏ
nhẹ "để bác chỉ cho!". Đêm đó tôi học được ở ông rất nhiều điều từ
cách trang trí bìa cho đến nội dung, nơi nào trong tờ báo phải giữ nguyên, nơi
nào phải thay đổi... Khi "hai thầy trò" định đi ngủ thì... cô Trà My
đã dậy pha cà phê... sáng.
Thông lệ hàng
năm, cứ gần Tết thì trường ấn hành một Giai phẩm Xuân, bài vở thì thầy cô chọn từ các bài viết của học
sinh, in ấn ngon lành, bìa in bốn màu thường do thầy Tam Nhiều vẽ và trang trí rất đẹp. Nhưng có nhiều năm vì không đủ
kinh phí in ấn... mà vẫn có "báo Xuân" để đọc, giải pháp tối ưu là...
in ronéo, nhưng in ronéo thì số lượng phát hành không nhiều vì giấy stencil mau
bị hỏng, nhất là các hình vẽ minh họa.
Thầy Huỳnh Minh Đức về trường cũng bình thường
như các thầy cô khác. Thuyên chuyển đến dạy một thời gian rồi... thuyên chuyển
đi, để lại cho
học trò nhiều lưu luyến, có cả những giọt nước mắt... tiễn đưa. Nhưng với
tôi, thầy là "vị cứu tinh". Thấy thầy Hoàng và tôi quay tờ Bừng Sống,
thầy nhờ quay vài chục bản viết sẵn trên giấy stencil, quay xong nét rất đẹp
mà... toàn là chữ Hán. Thầy Hoàng và tôi nhìn nhau... cười trừ. Bó tay! Tôi tìm
hiểu tại sao thầy viết tay mà nét nhỏ rức không bị nhòe? Thì ra thầy có "bảo
bối" lần đầu tiên tôi thấy, nó giống như một cái nhíp xe bị gãy khoảng một
gang tay, sờ vào có những hạt rất mịn, dùng để kê dưới tờ stencil mà viết vẽ
thoải mái, không rách cũng không bị nhòe, viết vẽ thì chỉ dùng viết bic hết mực.
Tôi hỏi mượn thầy không cho, khi nào cần thì đến nhà thầy, thầy cho mượn viết vẽ
bao lâu cũng được chớ
không cho mượn về nhà, vì đó là "bảo bối" mà. Nhờ đó mà tờ
báo Xuân năm ấy in được nhiều bản hơn. Cho mãi đến bây giờ, mỗi khi dùng viết
bic đến lúc hết mực, tôi lại... nhớ thầy!
Trường tổ chức
các trại hè khi thì ở tại trường, khi thì Vũng Tàu, Đà Lạt... mang tên thứ tự
là Trại Kiến Hòa 1,2,3,4... Khâu chụp ảnh lưu niệm thì đã có thầy Phan Hữu Nghĩa lo liệu, chụp ảnh xong
thầy tráng rửa tại nhà. Vì có tánh tìm tòi học hỏi nên không bỏ lỡ "cơ hội
tiếp cận", tôi hay theo thầy "rình" những lúc thầy lấy góc độ,
nhìn mặt trời... chỉnh khẩu độ... và đếm một, hai, ba... Tôi lấy làm thắc mắc:
tại sao thầy đếm một hai ba, mà mới đếm đến hai thì thầy đã bấm máy nghe cái
"róc" rồi. Thầy mĩm cười, (nụ cười đôn hậu ấy đến mãi bây giờ tôi vẫn
còn nhớ!) : "Khi người được chụp ảnh chờ đếm đến ba, chờ lâu mắt sẽ bị chớp,
cho nên chỉ đếm đến hai: bấm máy, không bao giờ ảnh chụp có người bị nhắm mắt". Đó là bài học đầu tiên mà tôi học được ở thầy.
Sau nhiều lần đắn đo, định mượn máy của thầy để "thực tập" nhưng
không biết thầy có cho hay không - nhớ lại chuyện "cái nhíp xe" của
thầy Minh Đức còn không cho mượn, huống chi cái máy chụp hình yêu quý của thầy
- Tôi đến nhà thầy, lấy hết can đảm, hít
thật sâu không khí vào buồng phổi... mạnh dạn nói với... cô Huỳnh Cúc chuyện định
mượn máy của thầy (lúc đó thầy đang ở trong "phòng tối" rửa ảnh). Thấy
tôi vừa nói lắp bắp vừa gãy gãy... cái đầu. Cô tức cười, lấy tay che miệng cười
ngặt nghẽo... Một lát, cô mới nói: "Ừ ừ, để cô nói giúp cho !".
Rốt cuộc thì thầy
cũng cho mượn. Trước khi giao máy thầy chỉ cách vô phim 36 pô mà chụp được...
37 ảnh. Sau khi chụp, rửa ảnh xong tôi đem cho
thầy xem, thầy góp ý và dạy thêm về "thủ thuật" chụp ảnh, nhất
là ảnh động.
Thầy Huỳnh Ngọc Diêu phụ trách hướng dẫn
sinh hoạt học sinh theo Chương trình Phát triển Sinh hoạt thanh niên học đường
(CPS) do Bộ Giáo dục đề xướng. Có lần thầy bị cảm không đến được lớp tập huấn,
nên thầy nhờ
tôi đi thế - sẵn dịp tôi về Sài
Gòn thăm ba tôi đang bị bịnh. Tôi đem theo giấy giới thiệu của trường đến Trụ sở
của Chương trình ở 69B Gia Long Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng Q1). Từ lúc lạ
lẫm ban đầu, qua hai ngày dự tập huấn về sinh hoạt quản trò và cách dạy hát các
bài hát sinh hoạt trại... tôi tự tin hơn rất nhiều. Nhờ vào cái mác "Kiến
Hòa" khiến mọi người chú ý, vì đó là "vùng đất đặc biệt" theo bạn
trẻ ở các vùng miền khác. Trong dịp nầy, tôi được hai "hướng dẫn
viên" sinh hoạt là anh Huỳnh
Đắc Đậu và anh Nguyễn Đức Quang
để ý và
rủ riêng tôi đi tham dự Chương trình sinh hoạt văn nghệ của Sinh viên học
sinh Nguồn Sống tổ chức ở quán Văn, đại học Văn Khoa. Đêm đó có cả sự tham dự của
Trịnh Công Sơn và "nữ hoàng hippy" (đi chân đất) thời bấy giờ: Khánh
Ly. Có cả cặp song ca đình đám thời đó là Từ Dung - Từ Công Phụng với những bài
tình ca... Lần đầu tiên tôi biết được cách "tự phục vụ" của quán sinh
viên như thế nào.Và cũng từ dịp đó, tôi
dần dà học được rất nhiều điều của những đàn anh : "Hãy dùng sức trẻ của
thanh niên làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn dù đất nước đang còn khó khăn, chứ
không khoanh tay đứng nhìn mà than thân trách phận!".
Sau đó, khi làm
cộng tác viên đài phát thanh Kiến Hòa tôi đưa chương trình "hát cộng đồng"
lên sóng được 23 lần (mỗi tháng một lần 30 phút) trong khi đó anh Nguyễn Đức
Quang chỉ được 3 lần ở đài phát thanh Sài Gòn!
Năm sau lên đệ Tứ, "năm nay phải tập
trung học ráo riết để thi bằng Trung học đệ nhứt cấp"- học sinh ai cũng cắm
đầu cắm cổ lo học và học. Các lớp luyện thi rộ lên như "nấm sau mưa",
nhất là môn Toán. Gần đến thi thì có tin Bộ Giáo dục bỏ kỳ thi nầy, học sinh đủ
điểm trung bình trở lên thì được cấp Chứng chỉ thay bằng Trung học. Hoan hô ! Học
sinh đệ Tứ năm ấy trút được gánh nặng thi cử, sức trẻ còn sung nên tham gia tiếp
các sinh hoạt của trường.
Thầy Huỳnh
Tấn Kim Khánh được Ban Giám hiệu phân công phụ trách Chương trình phát
thanh của trường ở đài phát thanh Kiến Hòa. Tôi nằm trong Ban văn nghệ nên được
cùng ê kíp của thầy qua đài để thu âm chương trình, xen kẽ tin tức là phần văn
nghệ, thường là hát cộng đồng. Lần đầu tiên vào cơ quan thông tin đầu não của Tỉnh,
an ninh chặt chẽ, không khí có vẽ ngột ngạt làm ai cũng nản lòng, nhưng được thầy
động viên nên có phần dịu hơn... Cho đến khi cùng thầy đón nghe chương trình
phát lên sóng thành công, ai cũng vui và hứa sẽ cố gắng hơn. Được vài chương
trình thì bạn "xướng ngôn viên" bị cảm, thầy gọi tôi đến thử giọng.
Thấy "cũng được" nên chính thức được thầy giao nhiệm vụ. Và từ đó, thấy
tôi làm được nên thầy "pát xê" luôn cho tôi, vừa biên tập vừa xướng
ngôn, thầy chỉ cung cấp tin tức của trường..." phần hát hò thì ban văn nghệ
trường hỗ trợ em vì... thầy quá bận".
Ai ngờ, tôi lọt
vào "mắt xanh" của ông Trưởng đài lúc nào không biết. Một ngày nọ,
sau khi thu băng xong chuẩn bị ra về thì ông Trưởng đài mời tôi ở lại "có
việc cần bàn". Tôi thấy lo lo, không biết chuyện gì. Thôi gặp rồi sẽ biết.
Niềm nỡ tiếp tôi, ông "đề nghị" tôi làm cộng tác viên, phụ trách xướng
ngôn thay cho anh xướng ngôn viên nam thuyên chuyển về đài Sài Gòn làm xổ số.
Vì đột ngột quá nên tôi hẹn sẽ...trả lời sau. Nhận thấy chương trình làm việc ở
đài không trùng với giờ học, cho nên hai ngày sau, tôi trả lời ông và nhận việc.
Ông là Nguyễn Liên người Tuy Hòa, giỏi
cả hai sinh ngữ Anh và Pháp. Ông cũng là nhạc sĩ với nghệ danh La
Nhiên đàn Mandoline và Tây ban cầm
tay trái rất hay. Tôi học được ở ông từ cách ngắt câu, giọng đọc thế nào mà người
nghe nhận biết đâu là dấu chấm hỏi, đâu là dấu chấm than, cách biên tập một
"văn bản đọc" trở thành "văn bản nói" và cách phát âm giọng
Bắc thường dùng trong tân nhạc, ngoại trừ giọng Nam dùng trong dân ca miền Nam.
"Thừa thắng xông lên" tôi học luôn biên tập chương trình, phóng viên
và kỹ thuật thu phát sóng... đó cũng là một "bước ngoặt" của đời tôi,
mà thầy Kim Khánh là người "đưa đẩy" !
Còn "một
ông thầy" nữa mà tôi muốn nhắc đến là thầy Nguyễn Kim Hoàn -trẻ đẹp trai, ăn mặc lúc nào cũng chỉnh chu,
"láng coón". Có lần phụ với thầy mang máy đến các lớp chiếu phim khoa
học... tôi học được ở thầy cách sử dụng máy chiếu phim 16 ly “từ dạo ấy”. Có lần
thầy đến trễ, tôi "tự xử" một mình... Sau đó thầy đến chỉ nói mấy tiếng...
hài lòng: "Ừ, được đó".
Những năm còn
đi học ở trường, tôi hay đến cô nhi viện Bạch Vân
dạy các em cô nhi những bài hát, trò chơi... có khi còn phụ với các cô
tắm cho các em nhỏ. Đơn giản chỉ vì tôi còn cha, còn mẹ, còn anh em và hiện sống
rất hạnh phúc dưới mái nhà êm ấm, còn các em thì không! Không gia đình mà cũng
không còn cha mẹ. Và "không đơn giản chút nào" khi cô Trần Thị Sinh là một nhân viên bình thường
của trường, bỏ lại sau lưng mình cả tuổi xuân, hạnh phúc riêng tư như bao phụ nữ
khác, mà lao vào việc xoa dịu phần nào nỗi đau của xã hội, của đất nước... Cưu
mang trên vai gánh nặng của "một bà mẹ có nhiều con" nhất của tỉnh,
dù đồng lương ít ỏi nhưng với tấm lòng "giàu nghĩa tình" đó đã khiến
tôi khâm phục, thì tại sao mình không nhín chút thì giờ đến an ủi phần nào sự
thiếu thốn của các em, nhất là hơi ấm gia đình, người thân và cả của tâm hồn.
Bạn Lương Văn Tô My viếng mộ cô Ba Sinh |
Có nhiều bạn kể lại, nhiều khi ở trọ để đi học
mà gia đình chưa kịp gởi tiền lên, thiếu tiền ăn cơm thì hay tìm đến các thầy
cô... nhờ "giúp đỡ". Các thầy cô cũng không khá giả gì nhưng cũng san
sẽ chút ít cho các em, khi thì vài bữa cơm, khi thì ổ bánh mì qua ngày, khi có
khi không vì các thầy cô cũng ở nhà thuê... như học sinh mà thôi. Nhưng khi tìm
đến cô Ba thì "chắc ăn" nhất,
nếu có tiền thì cô sẵn sàng giúp, còn khi cô hết tiền thì..."Các em chịu
khó đạp xe lên chùa ăn cơm với cô". Tôi học được ở cô lòng bao dung, độ lượng,
vị tha...
Bây giờ, ở nơi
nào đó của cõi vĩnh hằng, khi biết được "những đứa con" của mình năm
xưa được cô chăm sóc, bồng bế, thuốc thang lúc ốm đau, bệnh tật...giờ đã trưởng
thành và thành đạt trên mọi nẽo đường đời mà vẫn theo "tinh thần" của
cô: lo lắng cho thế hệ sau! Chắc cô rất vui và... mĩm cười mãn nguyện như lúc
cô còn sống, khi "dốc hầu bao" cho học trò... chỉ đủ mua được ổ bánh
mì trong lúc khó khăn !
Các thầy dự lễ giỗ cô Ba Sinh. |
Khi tích cực
tham gia các sinh hoạt của trường năm xưa, lúc đó tôi chỉ nghĩ tham gia cho vui
mà thôi, học hỏi thêm ở thầy cô những điều mình chưa biết... Những bài học mà thầy cô dạy trên bục giảng giúp cho học sinh
tri thức sau nầy áp dụng trong cuộc sống. Còn những bài học không có trên bục
giảng đã giúp ích thêm cho riêng tôi có được nhiều kiến thức mà trong những năm
chiến tranh, tôi đã áp dụng trong cuộc đời và cho đến bây giờ... tôi vẫn còn sống.
Đứa cháu nội
"ọ ẹ", mẹ nó dậy pha cho nó bình sữa. Thấy tôi còn ngồi trước bàn viết,
trên đó có bình trà nước đã nguội...
- Sao ba không
ngủ chút nữa, mới có ba giờ sáng mà!
Tôi trả lời con
dâu bằng lời nói của bác Trần Khắc Huệ năm nào:
- Lớn tuổi rồi,
ngủ nghê có được bao nhiêu đâu con!...
No comments:
Post a Comment