22/09/2015


        Giúp bạn “chiếc cần câu”
            Sáu Quang

            Bạn Lý Ngẩu, cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, niên khóa 1967-1974, từng là trưởng ban văn nghệ của trường niên khóa 1971-1972. Bạn rất say mê hoạt động trong lảnh vực này; bài ca nổi tiếng mà bạn từng hát vào thời đó là “Những ngày xưa thân ái” của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
            Sau năm 1975, ngôi nhà của gia đình bạn Lý Ngẩu ngụ tại xã An Hiệp, giáp ranh xã Sơn Hòa (huyện Châu Thành, Bến Tre).  Tại đây, bạn sống với vợ (làm ruộng, làm vườn), đứa con gái và con trai. Sau đó, cô con gái lấy chồng cũng người cùng xã. Gia đình khó khăn nên vợ bạn đi giúp việc nhà cho một gia đình thân quen ở thành phố Hồ Chí Minh; đứa con trai của bạn đi làm công nhân tại ngoại ô Sài Gòn. Vậy là, bạn Lý Ngẩu có trên 5 năm sống đơn độc tại ngôi nhà này!
            Cách đây chừng 5 năm, vợ bạn tuổi đã ngoài 58, sức yếu nên xin nghỉ việc tại thành phố Hồ Chí Minh, về sống cảnh cháo rau với chồng, bên cạnh cùng chồng phụng dưỡng bà mẹ chồng tuổi đã ngoài 85. Bên cạnh ngôi nhà của bạn là miếng vườn tạp rộng khoảng 1.000 m2, hàng năm không thu hoạch được gì hết. Những bạn học cũ của Lý Ngẩu thường tới nhà bạn chơi, thấy vậy, anh em bàn chuyện trao cho Lý Ngẩu một “chiếc cần câu”, tức mỗi bạn sẽ góp vô ít tiền để giúp bạn cải tạo đất đai, trồng ít chục gốc bưởi da xanh. Tôi là người được các bạn tín nhiệm giao cho phần đi vận động tiền, giúp bạn Lý Ngẩu thực hiện công việc nho nhỏ nhưng thiết thực này. Tôi đi thành phố Hồ Chí Minh, mời một số bạn học cũ cùng trường đến…nhậu rồi nói về hoàn cảnh gia đình của bạn Lý Ngẩu với ý định chính là các bạn cùng góp sức để bạn Lý Ngẩu thực hiện được “đề án bưởi da xanh”. Trong buổi nhậu, bạn nào cũng hoan nghinh trước ý tưởng này, mỗi bạn người góp vô 500, 700, 1 triệu đồng nhưng giao trước chỉ mình tôi biết ai đã góp vô, không cho bạn Lý Ngẩu biết ai, ai. Bạn bè 30-40 năm mới gặp lại nhưng thật hào hiệp. Một bạn nói: “Mình giúp cái cần câu chứ không giúp con cá…”.
            Tại Bến Tre, mỗi bạn cũng góp vô 200, 300 ngàn đồng. Tôi ước số tiền vừa có đã đủ cho bạn Lý Ngẩu trồng 20 gốc bưởi da xanh nên đem tiền đến bạn và nói rằng anh em tự động góp vào, bạn ráng làm. Bạn Lý Ngẩu xúc động mạnh vì quá bất ngờ.
            Sau khi cải tạo miếng vườn tạp, đắp mô trồng bưởi, đến tháng 5-2015, bạn Lý Ngẩu đã trồng 20 gốc bưởi da xanh. Hôm tôi đến nhà bạn dự lễ giỗ ông già bạn, rão một vòng ngoài miếng vườn nhiều đất cát pha của bạn, những gốc bưởi trồng đã hơn 3 tháng đang phát triển tốt, đầy hứa hẹn. Bạn Lý Ngẩu nói: “ Trời nắng, mình ra sức tưới, thời gian qua mau, tối ngủ ngon. Đó cũng là…niềm vui tuổi già!”.
            Tụi tôi ước chừng: với 20 gốc bưởi da xanh, sau 4-5 năm chăm sóc, cây cho trái, bạn Lý Ngẩu có thể có được 2 triệu đồng/tháng, đắp đổi cuộc sống lúc bạn đã hết sức lao động. Nhưng lại nhớ đến một người bạn trầm ngâm, nói: “Cuộc đời lắm rủi ro, có khi, rồi đây mức thu nhập của vườn bưởi bạn Lý Ngẩu không như mơ ước nhưng điều quí ở đây là những tấm lòng giúp bạn vượt khó qua cái “cần câu”.

            “Cần câu” ấy được bạn Trần Minh Tiên thêm vào: “ Khi vườn bưởi của bạn Lý Ngẩu cho trái, lâu lâu mình lên chơi, mua tặng cho bạn ít phân bón…”

Bạn Lý Ngẩu bên gốc bưởi da xanh mới trồng.

19/09/2015

NHỮNG BÀI HỌC
                     KHÔNG CÓ TRÊN BỤC GIẢNG             
                   Võ Văn Tăng         

               Những bài viết về trường về lớp, về tình thương của thầy cô giáo với học trò cũng như sự suy nghĩ của học trò đối với thầy cô giáo đã có từ bao giờ, không ai có thể thống kê được. Và sẽ còn tiếp nối cho đến muôn đời sau, nó thiêng liêng làm sao và không bút mực nào diễn đạt hết những điều thiêng liêng ấy! Những lời dạy bảo của thầy cô trên bục giảng truyền cho học trò những tri thức, kiến thức mà sau nầy trên đường đời ai cũng cần có để vững bước trong cuộc sống mưu sinh và tạo dựng sự nghiệp.
                   Nhưng ở đây, tôi không nói đến những bài học mà thầy cô "khô buồng phổi" trao truyền cho học trò thân yêu của mình, mà là những bài học không có trên bục giảng. Tôi còn sống được cho đến ngày hôm nay - qua biết bao nhiêu thăng trầm, kể cả trong chiến tranh - phần lớn cũng nhờ vào những bài học đó. Có điều thú vị là tôi học được từ ở chính ngôi trường mà tôi xem như ngôi nhà thứ hai của mình: Trường Trung học Kiến Hòa. “Những ông thầy” ấy có người đã mất, có người từ lâu tôi không có dịp gặp lại cũng có người vẫn còn sống, nhưng có một điều chắc chắn là không ai còn nhớ đã dạy tôi điều gì. Chỉ có tôi mới biết những điều tôi đã học được, nó quan trọng đến nhường nào.
                   “Người thầy” mà tôi muốn nhắc đến đầu tiên là Chú Võ Tào, người
phụ trách mở cổng và đóng cổng sau 15 phút vào học. Học sinh nào đi học trễ,
năn nỉ cách nào chú cũng không cho vào lớp. Chú nhắc nhở nhẹ nhàng kèm theo
nụ cười thân thiện : "Mai mốt đừng trễ nữa nghen !" và xòe bàn tay chai sạn hướng về phía phòng Giám Thị... "Xin mời !" ; đó là bài học về kỷ luật mà học
sinh nào cũng phải tuân theo. Mùa hè năm nào tôi không còn nhớ, trường tổ chức trại công tác hè, tráng sân xi măng trước dãy A. Học sinh phụ sàn cát, trộn xi măng, bưng hồ cho các chú thợ tráng sân... Lúc đó tôi được chú dạy cho "kiến thức thợ hồ" : cách cột "tai-dê" sao cho chắc và nhanh, thế nào là hồ 4, thế nào là hồ 6, xây tường 10 khác với tường 20 ra sao, tại sao gọi là hồ cháy và tráng hồ dầu trên cùng để làm gì, sau cùng tại sao phải lăn ru-lô ...
                   Kế đến là bác Trần Khắc Huệ, nhân viên phụ trách đánh máy. Gia
đình bác ở luôn trong trường - cầu thang đầu dãy D. Cho nên ngoài giờ làm việc khi mọi người ra về hết thì bác là "tư lệnh tổng quát": bác đi rão hết các phòng
học xem đã tắt đèn, tắt quạt chưa, có đóng cửa sổ kính lại chưa nhất là dãy B, cửa lớp có đóng kín không, bác "gom" mấy chiếc xe đạp học sinh bỏ quên về nơi bác ở dùng dây lòi tói khóa lại đàng hoàng sợ trộm ban đêm, - con của bác là bạn Trần Liên Hoan học lớp tôi cũng giúp bác trong "công tác" nầy - và nhất là công tác phòng cháy chữa cháy, cho nên ban đêm chỉ có mình bác...Tôi học được ở bác tánh cẩn thận. Có những đêm đi chơi về khuya, đi ngang trường tôi thường thấy ánh đèn pin của bác. Sáng hôm sau vào trường tôi hỏi bác "Đêm qua bác ngủ lúc nào?".  Bác nói với tôi : "Lớn tuổi rồi ngủ nghê có được bao nhiêu đâu cháu!".
                   Tôi đã học đánh máy từ mùa hè năm học đệ Ngũ ở chỗ cô Thái Dương, nhưng không được cấp chứng chỉ vì thi cuối khóa đánh máy một trang 21x27... quá 15 phút! Cho nên khi phụ với thầy Lê Văn Hoàng làm nội san Bừng Sống, tôi học rất nhiều từ bác Huệ. Bác chỉ dẫn tận tình từ khâu sử dụng máy ronéo cho đến cách quay thế nào để cho giấy stencil được bền, vô mực thế nào để vừa tiết kiệm mực mà không hao giấy... và cho đến khi máy bị hỏng hóc thì cả thầy Hoàng và tôi cùng là "học trò" của bác trong việc sửa chữa! Cho nên khi tờ báo đến được với "bạn đọc", công lao thầm lặng của bác lớn vô cùng.
                   Cũng mùa hè năm đó, có lần tôi đi công việc gia đình ở Cần Thơ, trên đường về tôi có ghé Vĩnh Long thăm cô Trà My, buổi chiều và trời mưa lớn nên cô  không cho về, đêm đó tôi ở lại nhà cô. Cô giới thiệu với  ba cô, tôi là học trò của cô phụ thầy làm báo của trường. Không ngờ tôi được gặp "một vị lão làng" trong nghề báo, ông đọc lướt qua tờ Bừng Sống và nhỏ nhẹ "để bác chỉ cho!". Đêm đó tôi học được ở ông rất nhiều điều từ cách trang trí bìa cho đến nội dung, nơi nào trong tờ báo phải giữ nguyên, nơi nào phải thay đổi... Khi "hai thầy trò" định đi ngủ thì... cô Trà My đã dậy pha cà phê... sáng.
                   Thông lệ hàng năm, cứ gần Tết thì trường ấn hành một Giai phẩm Xuân, bài vở  thì thầy cô chọn từ các bài viết của học sinh, in ấn ngon lành, bìa in bốn màu thường do thầy Tam Nhiều vẽ và trang trí rất đẹp. Nhưng có nhiều năm vì không đủ kinh phí in ấn... mà vẫn có "báo Xuân" để đọc, giải pháp tối ưu là... in ronéo, nhưng in ronéo thì số lượng phát hành không nhiều vì giấy stencil mau bị hỏng, nhất là các hình vẽ minh họa.
                   Thầy Huỳnh Minh Đức về trường cũng bình thường như các thầy cô khác. Thuyên chuyển đến dạy một thời gian rồi... thuyên chuyển đi, để lại cho
học trò nhiều lưu luyến, có cả những giọt nước mắt... tiễn đưa. Nhưng với tôi, thầy là "vị cứu tinh". Thấy thầy Hoàng và tôi quay tờ Bừng Sống, thầy nhờ quay vài chục bản viết sẵn trên giấy stencil, quay xong nét rất đẹp mà... toàn là chữ Hán. Thầy Hoàng và tôi nhìn nhau... cười trừ. Bó tay! Tôi tìm hiểu tại sao thầy viết tay mà nét nhỏ rức không bị nhòe? Thì ra thầy có "bảo bối" lần đầu tiên tôi thấy, nó giống như một cái nhíp xe bị gãy khoảng một gang tay, sờ vào có những hạt rất mịn, dùng để kê dưới tờ stencil mà viết vẽ thoải mái, không rách cũng không bị nhòe, viết vẽ thì chỉ dùng viết bic hết mực. Tôi hỏi mượn thầy không cho, khi nào cần thì đến nhà thầy, thầy cho mượn viết vẽ bao lâu cũng được chớ
không cho mượn về nhà, vì đó là "bảo bối" mà. Nhờ đó mà tờ báo Xuân năm ấy in được nhiều bản hơn. Cho mãi đến bây giờ, mỗi khi dùng viết bic đến lúc hết mực, tôi lại... nhớ thầy!
                   Trường tổ chức các trại hè khi thì ở tại trường, khi thì Vũng Tàu, Đà Lạt... mang tên thứ tự là Trại Kiến Hòa 1,2,3,4... Khâu chụp ảnh lưu niệm thì đã có thầy Phan Hữu Nghĩa lo liệu, chụp ảnh xong thầy tráng rửa tại nhà. Vì có tánh tìm tòi học hỏi nên không bỏ lỡ "cơ hội tiếp cận", tôi hay theo thầy "rình" những lúc thầy lấy góc độ, nhìn mặt trời... chỉnh khẩu độ... và đếm một, hai, ba... Tôi lấy làm thắc mắc: tại sao thầy đếm một hai ba, mà mới đếm đến hai thì thầy đã bấm máy nghe cái "róc" rồi. Thầy mĩm cười, (nụ cười đôn hậu ấy đến mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ!) : "Khi người được chụp ảnh chờ đếm đến ba, chờ lâu mắt sẽ bị chớp, cho nên chỉ đếm đến hai: bấm máy, không bao giờ ảnh chụp có người bị nhắm mắt".  Đó là bài học đầu tiên mà tôi học được ở thầy. Sau nhiều lần đắn đo, định mượn máy của thầy để "thực tập" nhưng không biết thầy có cho hay không - nhớ lại chuyện "cái nhíp xe" của thầy Minh Đức còn không cho mượn, huống chi cái máy chụp hình yêu quý của thầy - Tôi đến nhà thầy, lấy hết can đảm,  hít thật sâu không khí vào buồng phổi... mạnh dạn nói với... cô Huỳnh Cúc chuyện định mượn máy của thầy (lúc đó thầy đang ở trong "phòng tối" rửa ảnh). Thấy tôi vừa nói lắp bắp vừa gãy gãy... cái đầu. Cô tức cười, lấy tay che miệng cười ngặt nghẽo... Một lát, cô mới nói: "Ừ ừ, để cô nói giúp cho !".
                   Rốt cuộc thì thầy cũng cho mượn. Trước khi giao máy thầy chỉ cách vô phim 36 pô mà chụp được... 37 ảnh. Sau khi chụp, rửa ảnh xong tôi đem cho
thầy xem, thầy góp ý và dạy thêm về "thủ thuật" chụp ảnh, nhất là ảnh động.
                   Thầy Huỳnh Ngọc Diêu phụ trách hướng dẫn sinh hoạt học sinh theo Chương trình Phát triển Sinh hoạt thanh niên học đường (CPS) do Bộ Giáo dục đề xướng. Có lần thầy bị cảm không đến được lớp tập huấn, nên thầy nhờ
tôi đi thế  - sẵn dịp tôi về Sài Gòn thăm ba tôi đang bị bịnh. Tôi đem theo giấy giới thiệu của trường đến Trụ sở của Chương trình ở 69B Gia Long Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng Q1). Từ lúc lạ lẫm ban đầu, qua hai ngày dự tập huấn về sinh hoạt quản trò và cách dạy hát các bài hát sinh hoạt trại... tôi tự tin hơn rất nhiều. Nhờ vào cái mác "Kiến Hòa" khiến mọi người chú ý, vì đó là "vùng đất đặc biệt" theo bạn trẻ ở các vùng miền khác. Trong dịp nầy, tôi được hai "hướng dẫn viên" sinh  hoạt  là anh Huỳnh Đắc Đậu và anh Nguyễn Đức Quang để ý và
rủ riêng tôi đi tham dự Chương trình sinh hoạt văn nghệ của Sinh viên học sinh Nguồn Sống tổ chức ở quán Văn, đại học Văn Khoa. Đêm đó có cả sự tham dự của Trịnh Công Sơn và "nữ hoàng hippy" (đi chân đất) thời bấy giờ: Khánh Ly. Có cả cặp song ca đình đám thời đó là Từ Dung - Từ Công Phụng với những bài tình ca... Lần đầu tiên tôi biết được cách "tự phục vụ" của quán sinh viên  như thế nào.Và cũng từ dịp đó, tôi dần dà học được rất nhiều điều của những đàn anh : "Hãy dùng sức trẻ của thanh niên làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn dù đất nước đang còn khó khăn, chứ không khoanh tay đứng nhìn mà than thân trách phận!".
                   Sau đó, khi làm cộng tác viên đài phát thanh Kiến Hòa tôi đưa chương trình "hát cộng đồng" lên sóng được 23 lần (mỗi tháng một lần 30 phút) trong khi đó anh Nguyễn Đức Quang chỉ được 3 lần ở đài phát thanh Sài Gòn!
                    Năm sau lên đệ Tứ, "năm nay phải tập trung học ráo riết để thi bằng Trung học đệ nhứt cấp"- học sinh ai cũng cắm đầu cắm cổ lo học và học. Các lớp luyện thi rộ lên như "nấm sau mưa", nhất là môn Toán. Gần đến thi thì có tin Bộ Giáo dục bỏ kỳ thi nầy, học sinh đủ điểm trung bình trở lên thì được cấp Chứng chỉ thay bằng Trung học. Hoan hô ! Học sinh đệ Tứ năm ấy trút được gánh nặng thi cử, sức trẻ còn sung nên tham gia tiếp các sinh hoạt của trường.
                    Thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh được Ban Giám hiệu phân công phụ trách Chương trình phát thanh của trường ở đài phát thanh Kiến Hòa. Tôi nằm trong Ban văn nghệ nên được cùng ê kíp của thầy qua đài để thu âm chương trình, xen kẽ tin tức là phần văn nghệ, thường là hát cộng đồng. Lần đầu tiên vào cơ quan thông tin đầu não của Tỉnh, an ninh chặt chẽ, không khí có vẽ ngột ngạt làm ai cũng nản lòng, nhưng được thầy động viên nên có phần dịu hơn... Cho đến khi cùng thầy đón nghe chương trình phát lên sóng thành công, ai cũng vui và hứa sẽ cố gắng hơn. Được vài chương trình thì bạn "xướng ngôn viên" bị cảm, thầy gọi tôi đến thử giọng. Thấy "cũng được" nên chính thức được thầy giao nhiệm vụ. Và từ đó, thấy tôi làm được nên thầy "pát xê" luôn cho tôi, vừa biên tập vừa xướng ngôn, thầy chỉ cung cấp tin tức của trường..." phần hát hò thì ban văn nghệ trường hỗ trợ em vì... thầy quá bận".
                   Ai ngờ, tôi lọt vào "mắt xanh" của ông Trưởng đài lúc nào không biết. Một ngày nọ, sau khi thu băng xong chuẩn bị ra về thì ông Trưởng đài mời tôi ở lại "có việc cần bàn". Tôi thấy lo lo, không biết chuyện gì. Thôi gặp rồi sẽ biết. Niềm nỡ tiếp tôi, ông "đề nghị" tôi làm cộng tác viên, phụ trách xướng ngôn thay cho anh xướng ngôn viên nam thuyên chuyển về đài Sài Gòn làm xổ số. Vì đột ngột quá nên tôi hẹn sẽ...trả lời sau. Nhận thấy chương trình làm việc ở đài không trùng với giờ học, cho nên hai ngày sau, tôi trả lời ông và nhận việc. Ông là Nguyễn Liên người Tuy Hòa, giỏi cả hai sinh ngữ Anh và Pháp. Ông cũng là nhạc sĩ với nghệ danh  La Nhiên đàn Mandoline và Tây ban cầm tay trái rất hay. Tôi học được ở ông từ cách ngắt câu, giọng đọc thế nào mà người nghe nhận biết đâu là dấu chấm hỏi, đâu là dấu chấm than, cách biên tập một "văn bản đọc" trở thành "văn bản nói" và cách phát âm giọng Bắc thường dùng trong tân nhạc, ngoại trừ giọng Nam dùng trong dân ca miền Nam. "Thừa thắng xông lên" tôi học luôn biên tập chương trình, phóng viên và kỹ thuật thu phát sóng... đó cũng là một "bước ngoặt" của đời tôi, mà thầy Kim Khánh là người "đưa đẩy" !
                   Còn "một ông thầy" nữa mà tôi muốn nhắc đến là thầy Nguyễn Kim Hoàn -trẻ đẹp trai, ăn mặc lúc nào cũng chỉnh chu, "láng coón". Có lần phụ với thầy mang máy đến các lớp chiếu phim khoa học... tôi học được ở thầy cách sử dụng máy chiếu phim 16 ly “từ dạo ấy”. Có lần thầy đến trễ, tôi "tự xử" một mình... Sau đó thầy đến chỉ nói mấy tiếng... hài lòng: "Ừ, được đó".
                   Những năm còn đi học ở trường, tôi hay đến cô nhi viện Bạch Vân
dạy các em cô nhi những bài hát, trò chơi... có khi còn phụ với các cô tắm cho các em nhỏ. Đơn giản chỉ vì tôi còn cha, còn mẹ, còn anh em và hiện sống rất hạnh phúc dưới mái nhà êm ấm, còn các em thì không! Không gia đình mà cũng không còn cha mẹ. Và "không đơn giản chút nào" khi cô Trần Thị Sinh là một nhân viên bình thường của trường, bỏ lại sau lưng mình cả tuổi xuân, hạnh phúc riêng tư như bao phụ nữ khác, mà lao vào việc xoa dịu phần nào nỗi đau của xã hội, của đất nước... Cưu mang trên vai gánh nặng của "một bà mẹ có nhiều con" nhất của tỉnh, dù đồng lương ít ỏi nhưng với tấm lòng "giàu nghĩa tình" đó đã khiến tôi khâm phục, thì tại sao mình không nhín chút thì giờ đến an ủi phần nào sự thiếu thốn của các em, nhất là hơi ấm gia đình, người thân và cả của tâm hồn.

Bạn Lương Văn Tô My viếng mộ cô Ba Sinh

                    Có nhiều bạn kể lại, nhiều khi ở trọ để đi học mà gia đình chưa kịp gởi tiền lên, thiếu tiền ăn cơm thì hay tìm đến các thầy cô... nhờ "giúp đỡ". Các thầy cô cũng không khá giả gì nhưng cũng san sẽ chút ít cho các em, khi thì vài bữa cơm, khi thì ổ bánh mì qua ngày, khi có khi không vì các thầy cô cũng ở nhà thuê... như học sinh mà thôi. Nhưng khi tìm đến cô Ba thì "chắc ăn" nhất, nếu có tiền thì cô sẵn sàng giúp, còn khi cô hết tiền thì..."Các em chịu khó đạp xe lên chùa ăn cơm với cô". Tôi học được ở cô lòng bao dung, độ lượng, vị tha...
                   Bây giờ, ở nơi nào đó của cõi vĩnh hằng, khi biết được "những đứa con" của mình năm xưa được cô chăm sóc, bồng bế, thuốc thang lúc ốm đau, bệnh tật...giờ đã trưởng thành và thành đạt trên mọi nẽo đường đời mà vẫn theo "tinh thần" của cô: lo lắng cho thế hệ sau! Chắc cô rất vui và... mĩm cười mãn nguyện như lúc cô còn sống, khi "dốc hầu bao" cho học trò... chỉ đủ mua được ổ bánh mì trong lúc khó khăn !

Các thầy dự lễ giỗ cô Ba Sinh.

                   Khi tích cực tham gia các sinh hoạt của trường năm xưa, lúc đó tôi chỉ nghĩ tham gia cho vui mà thôi, học hỏi thêm ở thầy cô những điều mình chưa biết... Những bài học mà   thầy cô dạy trên bục giảng giúp cho học sinh tri thức sau nầy áp dụng trong cuộc sống. Còn những bài học không có trên bục giảng đã giúp ích thêm cho riêng tôi có được nhiều kiến thức mà trong những năm chiến tranh, tôi đã áp dụng trong cuộc đời và cho đến bây giờ... tôi vẫn còn sống.
                   Đứa cháu nội "ọ ẹ", mẹ nó dậy pha cho nó bình sữa. Thấy tôi còn ngồi trước bàn viết, trên đó có bình trà nước đã nguội...
                   - Sao ba không ngủ chút nữa, mới có ba giờ sáng mà!
                   Tôi trả lời con dâu bằng lời nói của bác Trần Khắc Huệ năm nào:
                   - Lớn tuổi rồi, ngủ nghê có được bao nhiêu đâu con!...

                                                                                        Sài Gòn, 08.9.2015.         

14/09/2015


                 TRƯỜNG XƯA … THƯƠNG NHỚ 

                                                                     HUỲNH  TẤN KIM KHÁNH  (ghi lại cho người)
(Tiếp theo)
      5. “Gió qua song”                                                                                              
        Giữa vùng sáng ngọc lưu ly, nhã nhạc bỗng trỗi vang lừng… Đây là đâu mà suối ngàn mây bạc hoa lá say sưa? Lưu, Nguyễn siết chặt tay nhau để biết mình còn tỉnh, thần trí lênh đênh trong cảm giác thật mơ hồ. Thiên Thai! Ôi tiếng hát ai êm đềm lướt đi trên sóng, âm ba đồng vọng ngút ngàn. Xiêm y nào tha thướt khúc Nghê Thường, trăng sao đổ về trên mái tóc. Búp tay ngà nhẹ dâng mỹ tửu – có phải đây là giấc mơ Đường Minh Hoàng một mùa trăng xưa du nguyệt điện? Ôi! Tấm dung nhan thiên kiều bá mị, ta có duyên nhau tự kiếp nào.
        Tự kiếp nào Lưu, Nguyễn đã có duyên cùng tiên nữ. Cuộc hội ngộ góp bằng sắc với hương, bằng thơ với nhạc. Trên chót vót đỉnh mơ của ngàn người trước của vạn người sau, một khúc ơ hờ lạc bước đã kết nên bản tình ca bất tận. Nơi đây là chốn thiên tiên, là hoa xuân không hề nhạt bướm xuân không hề tàn. Không là chốn bụi trần nên chẳng có cõi hư vô. Không còn thời gian bởi nắng vẫn ươm mơ, suối vẫn đàn muôn thuở, oanh vẫn hót ngọt ngào… Hỡi ơi, cuộc tình nào ước mong miên viễn?


        Hai chàng nho sĩ chốn trần gian trong một thoáng đã rũ áo phong sương thênh thang miền cực lạc. Kìa bên dòng suối ngọc có dáng tiên nga tha thướt dưới hoa đào, má hồng, môi thắm. Chàng bỗng thấy lòng rung động, nhẹ nhàng nâng lấy bàn tay người ngọc. Người ngọc thản nhiên. Chàng bạo dạn khẽ thốt lời ân ái. Người ngọc vẫn im lìm. Những ngón tay mềm mại nằm trong lòng bàn tay chàng mà ánh mắt giai nhân chừng như xa vắng. Chàng chợt hiểu. Bàng hoàng. Nàng là tiên nữ đẹp như trăng và trong như suối. Tâm hồn nàng thanh thoát quá, sao cảm thông được những ước muốn tầm thường. Nét thanh thoát ấy chỉ để trang điểm chốn bồng lai. Nàng là tiên nữ không là người thì làm sao biết xúc động, biết … yêu?
        Chàng tuổi trẻ ngỡ ngàng … Nhân loại ơi! Người ơi! Quê hương ta đâu? Không, tôi chỉ là con người. Tôi muốn trở về cuộc sống của tôi. Ở đó tuy có cái chết nhưng chan hòa nguồn sống. Hoa có tàn bướm có phai, nhưng đông qua rồi xuân đến, cảnh vật lại rực rỡ muôn màu. Ở đó có chiến tranh có đói khổ hận thù nhưng tôi vẫn tìm được một nơi yên ả cho tinh thần, vẫn còn những tấm lòng thành khẩn xây dựng một ngày mai tươi sáng. Trần gian dù cơ nghiệp có khuynh đảo bởi nhan sắc Tây Thi, ngai vàng có nghiêng đổ vì tiếng cười Bao Tự, vẫn là những chuỗi ngày sống động có vui buồn sướng khổ và cái chết không quá đắt của một kiếp nhân sinh. Có gì phải thở than?
        Lưu và Nguyễn, hai chàng hãy còn nặng nợ trần gian nên không hòa hợp được với  đào nguyên tiên cảnh, đành trở về chốn cũ. Nhưng than ôi hiện tại không là dĩ vãng, con người làm sao nối được ngàn xưa với ngàn sau! Ba trăm năm phù thế qua mau giờ đã biền biệt mù khơi, đường xưa lối cũ chỉ còn là sương là khói. Cuộc đời dâu bể tang thương. Âu sầu, Lưu Nguyễn ngược đường quay lại Thiên Thai thì đá mòn rêu phủ, cánh hạc đã bay lên vút tận trời… Trời vẫn xanh, gió vẫn thổi, mây vẫn lững lờ. Màu trời sao xanh làm chi sắc bi thương, gió thổi làm gì những ngọn bão bùng, mây trĩu nặng bao nhiêu buồn đau mà thẫn thờ mãi trôi trên dòng thời gian bất tận. Hai chàng không tìm thấy tình yêu cõi tiên. Nơi đây hạnh phúc đã biến thể vô cùng thuần khiết, ngự trên đỉnh cao chất ngất, nơi cao nhất không có chốn nào cao hơn, trên đó không còn gì nữa và dưới đó chỉ là khoảng chân không mờ mịt. Thôi đành vĩnh biệt. Kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày…
        Ta không muốn lên chốn Thiên Thai. Trái tim ơi, ta muốn nghe từng nhịp đập của mi, khối thịt đỏ chuyển vận sự tồn sinh cho khắp châu thân. Mi là tất cả trần tục của loài người. Ta muốn đọc trên môi ai mơ mộng cuộc tình lên ngôi thần thánh. Ta muốn nhìn trong mắt ai long lanh nụ cười rạng rỡ ánh bình minh. Ta muốn có những chiều hò hẹn, khói thuốc  thơm phả vào từng sợi tóc em mềm. Ta muốn có những tối bâng khuâng nghe gió thổi từ phương trời nào vô định, rồi trong cõi mơ hồ mờ nhạt mây xa hình ảnh người yêu nhẹ hé môi sầu, nụ cười buồn cách biệt rung vỡ trời xanh. Ta muốn chói lòa giữa dòng biển xanh xao vũng mềm ngạt thở dưới ánh chiều khỏa thân cuồng nhiệt. Ta muốn man dại trong tuổi đời ngơ ngác để dắt dìu nhau vào đam mê lớn trong đời. Người xưa thường nguyện làm chim liền cánh cây liền cành. Không, ta tham lam hơn: Ta là máu huyết của loài chim, là nhựa sống của loài cây, còn cánh chim kia có thể lìa thân ta không chịu, cành cây kia có thể gãy đoạn ta không ưng.
        Nhưng ta biết suốt đời ta chỉ là một kẻ hăm hở đi tìm, tìm hạnh phúc mong manh và diệu vợi, biết bao lần cứ ngỡ ôm được trong vòng tay. Giữa tin yêu đã thấp thoáng phút giây tan tác. Bên mắt môi cười làm sao che giấu dòng lệ chia phôi. Quay cuồng trong mưa nắng của đất trời, chân lý chỉ là ánh sáng ở cuối đường. Ta đi hoài, ta đi mãi. Mà cứ mù khơi. Có phải ta chỉ là một thực thể nghèo nàn mãi mãi kiếm tìm vô vọng. Là kẻ lữ hành lặng lẽ đứng trên cầu nhìn dòng nước chảy miên man? Là tần phi nơi cung cấm vì yêu quân vương mà mòn mỏi tuổi xanh, đợi lúc tà huy rũ bóng cuộc đời?

        Cuộc đời là áng mây trôi mà bến bờ thì mênh mang vô tận. Ta đã lỡ đánh mất một thời vàng ngọc thơ ngây. Tiếc nuối vô ích. Xót xa nào thay đổi được gì. Nửa đời còn lại ta cầu mong có ánh sáng ở cuối đường. Dù mải mê đi tìm, vẫn không thể nào bắt gặp ánh sáng - niềm tin, hy vọng. Tin tưởng thương yêu xua đuổi hết ưu phiền. Hy vọng trong giao cảm thiêng liêng nào đó của tâm tư, những kẻ đồng hội đồng thuyền bên trời lận đận lo gì không gặp gỡ?                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  Bảo Khanh                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   Trung học Kiến Hòa.
                                                                                                                                                                                 (Còn tiếp)

10/09/2015

TẢN MẠN CHUYỆN CÀ PHÊ
          Võ Văn Tăng    


         
Một buổi sáng sớm ở bến  phà  Rạch Miễu, năm tôi lên tám tuổi. Hơi lạnh phả từ mặt sông nước lớn thổi vào bờ, làm tôi phải kéo cao cổ chiếc áo ấm lên một chút. Vì đã gần Tết được nghỉ học, ba tôi cho tôi  theo ông trong một chuyến xe khách đi Sài Gòn.
Trong  lúc đợi  phà, ba kêu cho tôi ly cà phê sữa nhỏ trong một tiệm
người Hoa ở sát bến phà phía Bến Tre. Ba khuấy đều ly cà phê, đổ một ít
 cà phê vào cái dĩa cho mau nguội… Hương cà phê thơm thơm, vị sữa bò  ngọt ngọt, âm ấm  hòa  quyện vào cái hơi lành lạnh của gió từ sông thổi vào. Tiếng lách chách  của nước  bị sóng xô từng đợt dưới gỗ nhà sàn nghe rất vui tai,  khiến ly cà phê đầu đời ấy cho đến mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ… dù thời gian đã qua rất lâu. Sáu mươi năm rồi còn gì !...
          Sau nầy lớn hơn, có nhiều bạn bè hơn, lâu lâu cũng rũ nhau vào quán
“tập tành” uống cà phê. Lúc đó còn nhỏ, chúng tôi nghĩ rằng: vào quán nhâm
nhi ly cà phê đắng đắng ngọt ngọt, phì phà khói  thuốc… như người lớn  là
“sành điệu” lắm rồi ! Thuốc lá cũng đã thử nhưng bị sặc, khó chịu quá nên
không dám hút. Có điều là đụng đâu uống đó chưa biết chọn quán chọn bàn như sau nầy…
          Cho đến khi thi đậu, được vào học ở Trường Trung học Kiến Hòa là một vinh dự của tôi và gia đình. Ngôi trường mà những năm học tiểu học tôi hằng mơ  ước! Đứng bên kia hàng rào chì gai của Trường  nữ  Tỉnh lỵ, nhìn “các anh” mặc áo trắng bỏ vào quần tây dài màu xanh dương, mang giày bata trắng muốt mà…phát  thèm! Cổng trường hướng phía hồ Trúc Giang nước  xanh  xanh có hàng me tây quanh hồ, những chiếc lá  theo gió bay bay  cùng  những cánh hoa nho nhỏ xinh xinh “đậu”  trên tóc, trên vai áo trắng của các bạn nữ sinh… khiến lứa học trò mới lớn chúng tôi phải… ngơ ngơ, ngẫn ngẫn, mơ mơ, mộng mộng !
          Rồi những đoạn văn  ngắn ngắn, những bài thơ  không đầu không đuôi
“tràn trề cảm xúc”… từ đó ra đời, có gì đó  thú vị vô cùng! Khi đã sửa chữa
xong thì “lẩm ba lẩm bẩm” cho đến khi  thuộc lòng mới thôi ! Cho nên quán   
cà phê Giao Châu ở góc bờ hồ thường là nơi  hò hẹn của cánh nam sinh, đến
đó để trao đổi… những “tác phẩm” ấy.
          Tôi nhớ lúc đó đã được đọc thơ Tế Hanh :
               “Những ngày nghỉ học tôi hay tới,
                Đón chuyến tàu đêm đến những ga.
                Tôi đứng tôi đưa xem tiễn biệt,
                Lòng buồn đau xót nỗi chia xa !”
          Có một thằng bạn ứng khẩu :
              “Những giờ trống tiết tôi hay tới,
                Tới quán Giao Châu cạnh bờ hồ.  
                 Có tiền thì trả, đừng thiếu chịu,
                Bà già chủ quán bả chửi cha !”
          Bài thơ không vần không điệu ấy khiến cả bọn cười ngã nghiêng và cho
rằng “uống cà phê ở cạnh trường, cạnh bờ hồ là điều hạnh phúc !”. Sau  nầy
càng lớn tuổi, tôi vẫn thấy điều mà chúng tôi nghĩ năm nào đến bây giờ vẫn
hoàn toàn đúng !
          Sau đó, có một  quán  cà phê khác cũng không xa bờ hồ lắm vừa  mới
khai trương, chúng tôi cũng vào uống thử. Quán trang trí đẹp, rộng rãi, thoáng
mát…nhất là cái tên Ngy khó hiểu, khiến chúng  tôi  tò mò… Chị chủ quán –
tuổi “dừa cứng cạy” có gương mặt đẹp -  cho biết đó là tên viết tắt của cụm từ “người yêu” ! Âu đó cũng  là một điều thú vị. Uống được vài ba lần, chúng tôi quay trở lại quán Giao Châu, vì ở đó lại được nhìn trường, nhìn bờ hồ có nhà  Thủy tạ ngói  đỏ, mặt nước gợn sóng lăn tăn, lấp la lấp lánh… vẫn thích hơn !
          Rồi những bài thơ, bài văn ngắn ngắn không đầu không đuôi, mây trời
hoa lá đó đã được… đăng báo ; đó là điều lớn lao vô  cùng. Các bạn chuyền tay nhau tờ báo với những lời chúc mừng và khích lệ. Tiền nhuận bút ít ỏi mà tòa soạn báo gởi về cũng chỉ để cùng các bạn…  uống cà phê.
          Tuổi học trò dần trôi với những mơ mộng vu vơ, chợt buồn chợt vui.
“Nghĩ suy” về những cuộc chia tay bạn bè không  hẹn trước… và dĩ nhiên những ly cà phê ngày càng có thêm hương vị của sự suy tư, gởi gắm trong
những giọt đăng đắng ấy những hoài bão, viễn ảnh tương lai còn rất dài phía trước, chưa biết thế nào là thế nào ! Ngày sau sẽ ra sao ?
          Những ngày còn đi học ở trường, có một “quy luật bất thành văn” của
cả cánh nam sinh chúng tôi mà sau nầy các thầy lớn tuổi cũng phải công nhận.
Thời đó, có một quán cà phê khá rộng người Hoa ở sát “ngã tư quốc tế”, trong
quán có nhiều bàn tròn và các dĩa bánh ngọt để sẵn, cà phê ở đó ai cũng khen
ngon pha bằng siêu đất. Có điều cả thầy và trò đều thích đến đó ! Hôm nào cả
nhóm  đi ngang định ghé mà thấy có ông  thầy dạy trường mình (có dạy  lớp
mình hay không cũng vậy) ngồi trước đó với vài người bạn, thì đám học trò lãng qua quán khác. Cũng như khi đã ngồi trước đó đang líu lo nhiều chuyện,
bất chợt thấy thầy và bạn thầy vào quán, thì… a  lê hấp: kêu trả tiền và lặng
lẽ… rút êm ! Cũng có nhiều lần cả bọn đang đi ngoài đường, nhìn thấy ông thầy đang đi ngược chiều xa xa thì vội vã bỏ điếu thuốc đang hút dỡ xuống
đường và đợi khi đến gần cả bọn kính cẩn… cúi đầu chào thầy !
          Ngoài chuyện tập tành viết lách, làm thơ… chúng tôi cũng tập tễnh học
đàn. Ngoài những giờ lý thuyết âm nhạc ít ỏi ở trường, trong cặp chúng tôi
thường  kè kè quyển Tự học Tây ban cầm của Lan Đài. Hình ảnh “người con
trai ôm đàn ghita hát tình ca” thấy cũng hay hay, đã thôi thúc chúng tôi… tự
học đàn. Từ khi “…tôi ca  không hay, tôi đàn nghe cũng dở !...” đến khi đệm được cho các bạn hát trong các buổi sinh hoạt và các đêm “thanh đàm”  của
các trại hè do trường tổ chức… chúng tôi thấy rất vui.
          Nhưng gần bên cái vui vui thì cũng có cái buồn buồn.
          Rồi đến  những năm sinh hoạt du ca, tôi được biết một “đứa con tinh
thần” của anh Nguyễn Đức Quang là bài “Vì tôi là linh mục” đầu tư rất nhiều
tâm huyết (sau những bài thanh ca và  trầm ca) đành “ngậm ngùi” bán cho
Phạm Duy để lấy tiển trả… nợ cà phê cho anh em ở quán anh Ba Râu đường
Sương Nguyệt Anh, Quận 1, Sài Gòn, đối diện Trụ sở Phong trào du ca Việt
Nam thời bấy giờ. (Xin mở ngoặc một chút) Trước đó, biết chuyện anh  Trần
Thiện Thanh “cúi mặt làm ngơ” bán bài “Chuyến đi về sáng” cho Mạnh Phát lấy tiền lo cho gia đình đang lúc khó khăn ; đó cũng là những điều… xót xa !
          Lại là chuyện “bất thành văn” khác của “cà phê cà pháo”; không phải
chỉ để thưởng thức cà phê theo gu mỗi người, khi vào quán mà mình đã  chọn
thì y như rằng: cái bàn ngồi và người đối ẩm là ưu tiên số một… Hôm nào
đến mà bàn thường ngồi của mình đã có người khác ngồi rồi, dĩ nhiên cả bọn
phải ngồi bàn khác, cho nên cà phê hôm đó… không được ngon lắm.
          Càng ngày tuổi càng lớn, những tâm sự về tình cảm, chuyện đời, chuyện
người, chuyện mình, chuyện cuộc sống  mà bạn bè trao đổi bên ly cà phê; nó
đậm đà, thi vị biết chừng nào.
          Rồi sau đó, gia đình tôi chuyển lên sống ở Sài Gòn.
          Khi có việc phải về quê, lúc phà vừa cặp bến hoặc sau nầy khi qua khỏi
cầu Rạch Miễu. Cái bầu không khí mà tôi đang hít thở dường như nhẹ nhàng
hơn, dễ chịu hơn. Nếu không có việc gấp thì thế nào tôi cũng đi về phía trường cũ và bờ hồ thân thương ấy. Uống cà phê ở quán gần trường nhất để…
nhớ lại “quãng đời nhỏ dại”, để hình dung những tà áo trắng ngày nào giờ tan
trường phủ gần kín vòng tròn bờ hồ, bay bay, bay bay… như đàn bướm trắng của cõi thần tiên trong truyện cổ tích !... Dĩ nhiên không quên réo gọi một vài
“bạn già” đến để tâm sự nhiều điều, nhiều chuyện trên đời… rồi chia tay mà không hẹn ngày gặp lại !
          Sau  nầy vì cuộc sống đưa đẩy, tôi “lặn lội” ra Buôn Ma Thuột làm ăn.
Lần đầu tiên được đến Tây nguyên – khi xe qua khỏi những khúc cua quanh co của đèo Phượng Hoàng – tôi được hít thở không khí vùng cao với mùi đất
đỏ badan cộng với mùi  thoang thoảng của những vườn cà phê đang trổ hoa
ven đường, khác hẳn với mùi phù sa và hương thơm của những vườn cau quê
hương, càng khác rất xa với mùi nắng cháy, mùi khói, mùi nhựa đường hăng hắc của Sài Gòn.
          Tôi tìm đến một quán cà phê đang đông khách(chắc là cà phê ngon lắm đây !) để xem cà phê của “thủ phủ Tây nguyên” ngon đến mức nào. Một tiếp
viên nữ trong sắc phục “sơn nữ Phà Ca” mang ly cà phê nóng còn bốc khói đến… Chỉ một  lát, mùi cà phê thơm lừng kia mất hẳn khi giọt cà  phê cuối cùng của cái phin nhỏ hết xuống chiếc ly xinh  xinh; nó trở thành ly cà phê đen  nguội, nó bị giãm nhiệt theo cái lạnh của buổi sáng vùng  cao: cà phê không được ngon! Nghĩ lại thì…chắc không phải (cà phê không ngon thì làm
sao quán lại đông khách). Có thể do cãm nhận của riêng mình. Chắc tại quán
không quen, bàn không quen và vô duyên nhất là… “sáng nay cà phê một
mình !”. Cho nên mấy năm ở Buôn Ma Thuột, tôi chỉ uống… cà phê đá !
          Bây giờ, đời đã về chiều và cũng “gần  tắt nắng” ! Có điều thật đáng
“xấu hổ” là sau sáu mươi năm uống cà phê, tôi chưa biết thế nào là cà phê ngon và ngon ở chỗ nào. Chưa biết cà phê chè ngon hay cà phê dối ngon và
ngon ở đâu, cũng như “cà phê bắp” khác  với “cà phê đậu nành” ra sao ! Chỉ
biết hễ vào quán cà phê thì… chỉ uống cà phê. Giống như có nhiều người cho
rằng “hoa chanh nở giữa vườn chanh”(chứ hổng lẽ hoa chanh nở giữa vườn
cam) và “ra bờ sông em nhìn thấy sông” (hổng lẽ ra bờ sông  em nhìn thấy biển). Bất chợt tôi…cười một mình, mà cũng không biết mình cười chuyện gì !.
          Nhớ rất nhiều về những ngày xưa ở quê hương Bến Tre giàu nghĩa tình.
Ở đó tôi có nhiều bạn bè với đủ thứ hỉ nộ ái ố trên đời: nên có, hư có, cười đó,
khóc đó…Đời mình cũng có rất nhiều khúc quanh, những khúc quanh tình cảm và cả cuộc sống.Vui cũng nhiều và buồn thì mãi… triền miên !
          Nhớ lại những ngày còn đi học với bao buồn vui. Tình bè bạn, nghĩa thầy trò gắn bó nhiều năm… Cho đến bây giờ không còn lại mấy người ; một
số đã “đi xa” và còn lại thì hiện đang chống chọi với bệnh tật và sự già nua !
          Còn lại một người thầy lớn hơn tôi 6 tuổi, dạy Việt văn năm tôi học lớp
đệ Ngũ ở Trường Trung học Kiến Hòa ; Thầy Bùi Thanh Kiên. Sau nhiều năm
xa cách, mất liên lạc từ năm 1968 vì những thăng trầm của cuộc sống… Thầy
trò vô tình gặp lại nhau ở Sài Gòn năm 1995…mừng mừng, tủi tủi. Dĩ nhiên là không thiếu ly cà phê để …hàn huyên, tâm sự !
          Nhớ  những ngày xa xưa ấy, tuy không lớn tuổi hơn bao nhiêu nhưng thầy trò có nhiều xa cách; thầy giáo đang giảng bài còn học trò thì đang lắng
Nghe. Mỗi khi thầy gọi tôi lên trả bài, thì đúng là “run en  phát rét !” nhất là
những bài bình giảng. Hồi đó, cả thầy và trò đều hướng về tương lai. Tương
lai còn rất dài phía trước của cả thầy giáo trẻ và  học trò mới lớn… Ai cũng
phấn đấu cho sự nghiệp và hạnh phúc sau nầy của riêng mình.
          Còn bây giờ thì… bên ly cà phê của tuổi về chiều, tóc cả thầy và trò đều bạc như nhau, sự xa cách ngày xưa dường như đã được rút ngắn lại. Cho nên sự tao ngộ bây giờ đồng nghĩa với sự hoài niệm… và những câu chuyện trao đổi của thầy trò dường như không bao giờ cạn !...
          Đã hơn bốn năm nay, nếu không có việc bận thì sáng Chủ nhựt nào tôi
cũng đến nhà đón thầy đi uống cà phê, dù trời mưa hay nắng. Điểm đến là một
quán tuy không rộng lắm, nhưng cả thầy trò đều chọn để gặp gỡ…  chỉ đơn giản là ở giữa quán có trồng một cây si  gần giống cây si ở trường năm xưa…
Cho nên khi đến quán, tôi cảm thấy… ấm lòng hơn và hình ảnh trường cũ lại hiện về, nó gợi lại cho cả thầy trò những hồi ức về một thời xa xưa với nhiều kỷ niệm không thể nào quên !
          Điện thoại thầy đổ chuông.
- “A lô, tôi  nghe…ờ ờ… tôi  đang uống cà phê với người bạn…ờ ờ…
được được…ờ ờ… hẹn gặp sau nghen !”.
          “Người bạn”. Lời thầy tuy không còn tròn tiếng như xưa, nhưng hai từ
“người bạn” đã làm tôi xúc động đến… nao lòng! Phải (theo thầy) ngày xưa  là  học trò, bây giờ được thầy xem là bạn… có thể đã từ lâu thầy nhận thấy thầy trò có cùng quan niệm sống, đồng cảm đồng điệu về nghĩ suy cuộc đời và cả về tình cảm. Vì tuy nói rất nhiều về quá khứ; về… hồi đó, về… năm ấy, về… ngày xưa, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn về tương lai.
- “Quỹ thời gian” còn lại quá ít phải không thầy !
Thầy lúc nào cũng nói vui, nhưng có gì đó nghèn nghẹn, buồn buồn :
- “Đích đến” của cuộc đời đang ở trước mặt, rất gần…rất gần ! Thầy và
em, ai  “đến đó” trước cũng được, không cần xếp hàng mà cũng  không  cần chen lấn.
          Trước khi chia tay hẹn gặp lại Chủ nhựt tuần sau. Thầy trò thường nhìn lại quán cà phê có cây si xanh mướt, nhiều rễ phụ buông thòng xuống… đung
đưa theo gió.
          Tôi dắt xe ra, nói với thầy :
- Cà phê bữa nay ngon quá hén thầy.
Thầy mĩm cười :
- Ừ, ừ… ngon !
Tiếng hát Ngọc Lan vẫn nhè nhẹ, man mác… văng vẵng sau lưng…
“ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu… ngày nào đời thôi có nhau…
xin người biết đau !”….


                                                                             Sài Gòn, 18.8.2015.

04/09/2015




                         MỎI  CÁNH CÒ
                                        (thơ nói lái)

                    Kính tặng Thầy Bùi Thanh Kiên


                   Hơn bảy mươi Xuân mắt đã mờ,
                   Phú Hưng, “lão phu hứng làm thơ !
                   Nhớ người con gái xa xưa đó,
                   Giồng Trôm, lão chằng ngó dòm trông !

                             A ! Quán ven sông chiều An Hóa,
                             Đêm Hàm Long, lòng vẫn còn ham !
                             Áo dài phi mỏng sang Phong Mỹ,
                             Tân Thiềng trái ngọt, nghĩ thần tiên !

                   Băng Tra mới đó đã ba trăng !
                   Giồng Tre sao lại phải dè trông !
                   Bến Tre in bóng hồng xưa cũ…
                   Nay đã trên tuổi lục tuần !

                             Chợ Giữa năm xưa, đời chữa vợ,
                             Đình Khao chưa từng bị đào khinh !
                             Long Mỹ rượu say nghìn ly mỏng,
                             Nên Quới Điền không quyến luyến đời !

                   Cồn Ốc, cóc ồn – tai đã lãng !
                   Đại Điền tắt máy, chẳng điện đài.
                   Bay lã, bay la, Ba Lai đón…
                   Mõ Cày mỏi cánh. . . mãi cò ơi !
                            
                                                                             Võ Văn Tăng
                                                    Sài Gòn, 18.8.2015







                       

                                    
                                                                                                                  DI CHÚC                              
      

             Khi xuôi tay ta nào có biết,
                   Bao nhiêu người sẽ đến với mình !
                   Nén hương thơm làm sao thưởng thức,
                   Ly rượu rồi sẽ nhạt rất nhanh !

                              Bạn bè tôi mất rồi một đứa,
                              Trong những lần họp mặt sum vầy.
                              Vẫn bình thường như ngày xưa ấy,
                              Có chút gì trống vắng ở đây !

                   Hãy chắt chiu phút giây ngắn ngủi,
                   Thời gian không dừng lại bao giờ !
                   Đến với nhau khi còn có thể,
                   Gối mỏi rồi chẳng dễ tìm nhau !         
             

                                                      
                           Võ Văn Tăng

                                                         Sài Gòn, 12.8.2015

02/09/2015

TRƯỜNG XƯA ….THƯƠNG NHỚ     
                                                                                 HUỲNH TẤN KIM KHÁNH      
    (Tiếp theo)                                                                                
4. Mùa thi đáng quên
              Đến hè, chúng tôi nhận nhiệm vụ coi thi và chấm thi Tú tài. Năm đó, một số anh chị em được điều động về Hội đồng thi Cần Thơ – nơi tập trung thí sinh  các tỉnh miền Tây Nam Bộ từ Hậu Giang trở xuống. Trước đó ít lâu, Nha Khảo thí có gởi đến mỗi trường một tập danh sách các hội đồng coi thi gồm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng, các phó chủ tịch trung tâm và số giám thị được chọn. Một tập danh sách tương tự cho hội đồng giám khảo được gởi tiếp theo. Mỗi anh chị em đến văn phòng nhà trường nhận lộ trình thư, tiền ứng công tác khảo thí và chuẩn bị một va-li vật dụng cá nhân, có thể ở lại hội đồng thi một tuần (giám thị) hoặc vài tuần (nếu kiêm nhiệm giám khảo).


            Năm ấy, khoảng 20 anh chị em giáo sư Trung học Kiến Hòa công tác tại Hội đồng Cần Thơ thật vui, vì chủ tịch hội động chính là anh Quế, hiệu trưởng trường mình. Hội đồng đặt tại trường Trung học Phan Thanh Giản, ngôi trường bề thế nhất của miền Tây Nam Bộ, tên cũ là Collège de Cantho. Đây cũng là một trong ba ngôi trường đầu tiên dành cho học sinh bản xứ tại Nam Kỳ, được xây cất năm 1917, sau Collège de Mytho (1880) và trước Lycée Pétrus Ky (1927). Giám thị thuộc nhiều trường ( Trung học Pétrus Ký, Chu Văn An, Hồ Ngọc Cẩn, Gia Long, Trưng Vương, Mạc Đĩnh Chi… của Sài Gòn, một số trường trung học các tỉnh, chẳng hạn Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long…) hoán chuyển nhau. Một số anh chị ngụ ở khách sạn hoặc ở nhà người thân nhưng hầu hết giám thị, trong đó có nhóm Bến Tre, ngụ tại hội trường của trường Phan Thanh Giản để tiện sinh hoạt, họp hành. Hơn nữa, mỗi tối các bạn có thể đàn hát, đánh cờ tướng, có khi chơi bài tây, từng nhóm chuyện trò thật rôm rả. Đợt thi Tú tài I diễn ra suôn sẻ được hai hôm. Đến ngày thứ ba, một sự việc nghiêm trọng xảy ra: tám giám thị thuộc trường Trung học Kiến Hòa bị hành hung.
            Khi anh em đang dùng bữa trưa tại một quán ăn phía trước trường, thình lình một chiếc xe nhà binh mui trần xịt đổ trước quán. Năm bảy anh lính ăn mặc lôi thôi (trên xe chỉ có cuốc xẻng, có lẽ họ từ một công trường quân đội) nhảy xuống, xông vào quán tấn công các giám thị. Anh em nhóm Bến Tre gồm tám người, phản ứng ngay tức khắc: Nguyễn Hữu Khiêm (dạy Sử Địa), Nguyễn Kim Hoàn, Trần Thanh Sao (Lý Hóa), Lê Văn Hậu (Quốc văn) và Lê Văn Trinh (Toán); riêng Đoàn Văn Phi Long (Toán) giỏi thái cực đạo, đã đánh trả quyết liệt, Phạm Tấn Phước (Toán) và Trương Thành Nghĩa (Lý Hóa) to con, vung ghế tự vệ. Có thể nhóm lính chỉ muốn dằn mặt mấy thầy giám thị, vừa sợ quân cảnh ập đến, nên họ rút nhanh. Hậu quả là Nguyễn Hữu Khiêm bị u đầu, sứt nút áo, hai bạn khác bị trầy trụa. Do trong buổi thi  trước, chúng tôi kiên quyết không cho một thí sinh quân nhân giở tài liệu trong phòng thi, nên thí sinh đó đã rủ rê đám lính hành hung chúng tôi.
          Tin tức loan đi thật nhanh, tạo nên một cơn “địa chấn”. Trong những năm trước, có thí sinh bất hảo hăm dọa giám thị và ngay kì thi năm rồi giáo sư Trần Vinh Anh ở Đà Nẵng rủi ro bị lén lút đâm chết. Còn nay lại hành hung giám thị ngay trước cổng trường thi, nghe đâu thí sinh đó lại có dây mơ rễ má với quan chức cấp cao nhất của tỉnh. Toàn thể giám thị quyết định ngưng ngay kỳ thi. Từ Sài Gòn ra Huế, từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ, báo chí đều loan tin đặc biệt này, dư luận xã hội thật xôn xao.
            Vấn đề tác động sâu sắc đến nhiều thành phần khác nhau. Thứ nhất là nhà giáo chúng tôi. Dù rằng đám lính trẻ người non dạ, cũng có thời gian ngồi trên ghế nhà trường, lại có hành động đánh thầy, ngẫm cho cùng giáo dục còn nhiều lỗ hổng. Anh em họp cả đêm, quyết định đấu tranh để bảo vệ danh dự nhà giáo, bảo vệ quyền khảo thí và luật pháp quốc gia.
            Thứ hai là về phía chính quyền. Trước tiên và trên hết, Bộ giáo dục có đảm bảo công tác khảo thí hoàn toàn công bằng, minh bạch chăng khi những viên chức của Bộ làm đúng chức trách lại bị đe dọa, thậm chí xâm phạm đến an nguy bản thân mình. Tiếp đó, chính quyền địa phương có đặt hội đồng thi đã cam kết đảm bảo an ninh gần như tuyệt đối, huy động mọi nguồn lực để công tác khảo thí tại tỉnh nhà diễn tiến suôn sẻ, tốt đẹp. Thế mà để xảy ra việc tồi tệ này.
            Thứ ba là dư luận xã hội. Đặc biệt phụ huynh có con em dự thi vô cùng bất bình trước hành động côn đồ của thí sinh này. Hơn nữa, họ rất lo lắng cho việc thi cử của con em mình. Trong một lần họp, anh Huỳnh Ngọc Diêu (dạy Quốc văn Trung học Kiến Hòa) nêu ý kiến: “Thí sinh các tỉnh thành lân cận (đến Cần Thơ dự thi) đang cạn dần tiền ăn ở, phụ huynh lo lắng lắm… Đợt sóng ngầm này mới đáng sợ…”
            Cũng có những cuộc thương lượng. Tỉnh trưởng Phạm Bá Hoa đến trường trong hai buổi tối, nhận khuyết điểm và tha thiết đề nghị Hội đồng giám thị tiếp tục kì thi . Bộ Giáo dục hai lần cử thanh tra xuống Cần Thơ để thuyết phục anh em giám thị. Bộ hứa sẽ giải quyết dứt điểm một cách hợp lý, hợp pháp, hợp tình. Chúng tôi lại họp hành bàn bạc, cuối cùng vì quyền lợi thí sinh, tiếp tục kì thi Tú tài, cho các em thi các môn còn lại bằng đề dự phòng.
            Lần đầu làm chủ tịch một hội đồng khảo thí lớn, anh Trần Kim Quế thật đau đầu. Anh tỏ ra rất thận trọng trong hướng giải quyết, đặc biệt là nhóm giám thị bị hành hung là những giáo sư của trường mà anh là hiệu trưởng. Nếu đấu tranh đến cùng, nghĩa là ngưng kì thi để gây tiếng vang lớn thì không ổn; nếu theo hướng của Bộ tiếp tục kì thi thì không rõ sau này vấn đề có được giải quyết thỏa đáng chăng; cuối cùng, uy tín của người chủ tịch hội đồng sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
            Sau khi thi xong các môn, Hội đồng giám khảo được triệu tập, cũng do anh Quế làm chủ tịch. Công tác chấm thi, lên điểm, lấy đậu, in ấn và niêm yết kết quả diễn ra khoảng mươi hôm. Cuối cùng, tỉnh có đưa xe “hộ tống” chúng tôi qua phà Mỹ Thuận để về “nhà”. Ít lâu sau, có tin nhóm quân nhân đánh giám thị bị mấy ngày trọng cấm và trung tá Phạm Bá Hoa “được” điều động về Bộ Tổng tham mưu, mất chức tỉnh trưởng Cần Thơ béo bở.

            Cũng có một kỉ niệm vui. Số anh em ở tại trường tối tối có đánh bài tây chơi. Anh Lâm Vĩnh Thế (Sử Địa) trong nhóm chúng tôi, có đêm thắng đậm. Sáng ra, anh dẫn anh em đi ăn cơm gà tại quán Ngọc Lợi ngon nổi tiếng, trong khuôn viên sân quần vợt Cần Thơ. Còn bảo: “Tối nay, tao chiến đấu tiếp, có thể mình sẽ ăn cơm Tây dài dài.” Xui xẻo làm sao, đêm ấy anh nướng sạch túi. Từ đó đến cuối đợt công tác, chúng tôi phải cưu mang anh. Trước kia, mỗi khi sửa soạn đi ăn, anh thật lề mề; nay anh thay đồ cái rụp, mang giày vớ sẵn, nhanh nhẩu đi cùng bạn bè. Về đến “bắc” Mỹ Tho còn đúng năm đồng trong túi!                               (Còn tiếp)