Trường Trung học
Công lập Bến Tre qua các thời kỳ (1954 – 2014)
Huỳnh Tấn Kim Khánh
Hôm nay, kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1954-2014), chúng ta
xúc động vô vàn. Ngôi trường của chúng ta như một sinh thể, một linh hồn, có đời
sống tròn đầy như của một kiếp người 60 năm. Hàng vạn mái đầu xanh đã học tập,
trưởng thành từ mái trường yêu dấu này, đặc biệt có người trở lại giảng dạy ở
đây để tiếp tục dìu dắt đàn em trên con đường học vấn.
So với ba trường
trung học đầu tiên do Pháp thành lập tại Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ
XX (Collège de Mytho, Collège de Cantho, Lycée Pétrus Ký) thì Trường Trung học
Công lập Bến Tre ra đời muộn, sau hơn nửa thế kỷ dài. Và cũng so với hầu hết
các trường trung học trên mọi miền đất nước, kể cả ba ngôi trường nói trên,
chúng ta có thể tự hào rằng Trường Trung học Công lập Bến Tre của chúng ta là
ngôi trường đẹp nhất. Đẹp ở kiến trúc giản đơn mà hài hòa từng dãy lớp với cảnh
vật sân trường, cổng trường uy nghi; nét đẹp độc đáo là ở cảnh quang thơ mộng với
hồ Chung Thủy xanh trong, quyến rũ vào những lúc tan trường.
Trải qua 60 năm ( từ 1954 đến 2014),
trường chúng ta mang nhiều tên gọi:
- Từ ngày thành lập
15-12-1954, trường có danh xưng Trung học Công lập Bến Tre, bắt đầu mở các lớp
đệ nhất cấp (đệ thất đến đệ tứ) và từ năm 1959, mở thêm các lớp đệ nhị cấp (đệ
tam đến đệ nhất).
- Từ 1956 đến 1972,
trường đổi tên là Trung học Kiến Hòa.
- Từ 1972 đến 1974, mang tên Trung học Tổng hợp Kiến
Hòa.
- Từ 1974 đến 1975,
đổi thành Trung học Lạc Long Quân.
Sau ngày thống nhất
đất nước, trường mang tên Phổ thông Trung học Nguyễn Đình Chiểu và hiện nay là
Trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre.
Năm 1965, vừa tốt
nghiệp, chúng tôi may mắn được giảng dạy tại trường Trung học Kiến Hòa trong 8
năm (1965 đến 1973). Có thể nói, đây là giai đoạn phát triển đỉnh cao của trường.
Chẳng hạn năm học 1971 - 1972, trường mở được 85 lớp ngày và 15 lớp bán công
đêm, tổng cộng 100 lớp với gần 5.000 học sinh, chưa kể 14 nhóm học đánh máy chữ
gồm 300 em và 7 nhóm học doanh thương với 280 em.
Hôm nay, hân hạnh
thay mặt một số anh chị em giáo viên nhà trường trong giai đoạn trên, chúng tôi
xin nêu vài cảm nhận về tinh thần giảng dạy của giáo viên, ý thức học tập của học
sinh, sinh hoạt nhà trường và một số thành quả trong giai đoạn đó.
- Thứ nhất là về
giáo viên: Phần nhiều anh chị em chúng tôi là những thanh niên vừa ra trường,
luôn đem hết nhiệt tình và năng lực giảng dạy con em tỉnh nhà. Trên lớp và qua
những sinh hoạt nhà trường, chúng tôi giáo dục đạo đức, nhân cách, truyền đạt tri thức khoa học và rèn luyện kỹ
năng các môn học phổ thông theo từng cấp lớp, với tất cả lương tâm và trách nhiệm.
- Thứ hai là về học
sinh: Còn nhớ lúc bấy giờ, các em chỉ kém chúng tôi từ 5 đến 10 tuổi đời. Các
em say sưa đón nhận những lời dạy bảo về “tâm” để hình thành những hạt ngọc
tình thần và tình cảm đầu đời, đồng thời hấp thụ bao tri thức, về “trí” để chuẩn
bị hành trang vào đời một cách tự tin, bằng năng lực của chính mình.
- Thứ ba, bên cạnh
công tác giảng dạy của thầy và học tập của trò, những sinh hoạt hỗ trợ đã góp
phần phát triển toàn diện cho các em. Đó là sinh hoạt hiệu đoàn, hoạt động của
hội phụ huynh học sinh và thư viện nhà trường. Nổi bật nhất là hoạt động hiệu
đoàn với 5 khối Học tập - Kỷ luật, Xã hội - Vệ sinh, Thể thao - Du lịch, Văn
nghệ và Báo chí:
+ Chẳng hạn, khối Học
tập - Kỷ luật tổ chức các buổi thuyết trình về triết học, về văn học, in ấn tập
san học tập giúp các em ôn thi Tú tài.
+ Khối Xã hội - Vệ
sinh tổ chức những đợt thi trang hoàng lớp, đặc biệt là mở cửa hàng Hợp tác xã
để giúp học sinh mua dụng cụ học tập, sách vở giá rẻ.
+ Khối Văn nghệ,
ngoài việc chuẩn bị những đợt văn nghệ Tết và bãi trường, còn hình thành các
nhóm văn nghệ học sinh như nhóm du ca Phù sa, Cỏ may và nhóm Hương sống.
+ Khối Báo chí hằng
năm phát hành Giai phẩm mùa Xuân, Giai phẩm mùa Hè và nội san Bừng sống vào mỗi
đầu tháng.
+ Đặc biệt, khối Thể
thao - Du lịch, ngoài các cuộc tranh giải thể thao, còn tổ chức các trại hè,
trại công tác tại sân trường, trại du ngoạn, trại du khảo ở các tỉnh bạn, giúp
các em sớm hòa nhập vào cuộc sống.
Chúng tôi vừa
thoáng thấy một số cựu học sinh từng tham gia sinh hoạt Hiệu đoàn 44 năm trước, giờ các em đã ở lứa tuổi U 60.
Xin nêu tên:
- Em Trương
Thọ Lương, lớp 10B5, Đệ nhị Phó tổng thư ký khối thường vụ.
- Em Huỳnh
Phương Nghĩa, lớp 10B1, Trưởng khối Xã hội - Vệ sinh.
- Em Lưu Huỳnh Thống, lớp 10B2, Đệ nhất Phó trưởng khối
Văn nghệ.
- Em Nguyễn
Văn Vị, lớp 11B5, Đệ nhất Phó trưởng khối Thể thao - Du lịch.
Qua 60 năm hoạt động,
ngôi trường yêu dấu này đã đào tạo hàng vạn học sinh đạt trình độ phổ thông, phần
lớn nối tiếp con đường học vấn để tỏa ra khắp mọi miền của đất nước, phục vụ xã
hội đủ ngành nghề, ở nhiều lĩnh vực khoa học. Đặc biệt, có nhiều em đã
trải qua thời ấu hết sức gian khổ nhưng giờ đây đã đạt nhiều thành tựu rực
rỡ như: Tiến sĩ Nha khoa Lương Văn Tô My, Tiến sĩ Hóa Huỳnh Kỳ Trân, Kiến
trúc sư Phan Nhựt Linh và một số em nữa, không kể hết…
Đây
là thành quả giáo dục đào tạo của trường ta, ví như bề mặt muôn màu, nhiều vẻ
của một dòng sông. Và suy ngẫm thêm, ta cảm nhận như có một mạch ngầm của hồn
văn hóa dân tộc từ ngàn xưa vẫn âm ỉ chảy dưới lòng sông ấy. Đó là tinh thần học
để thành nhân, thành con người đạo đức, thấm đẫm tình yêu tổ quốc, nhân dân,
quê hương, tình yêu gia đình, thầy cô, bè bạn. Mạch ngầm của hồn văn hóa dân tộc
trường cửu đó - chúng ta khẳng định - đã trở thành nét truyền thống hiện hữu ở
ngôi trường của chúng ta, đúng như ý nghĩa của câu đối ở cổng trường:
“Hàm dưỡng nhân luân
minh tuấn đức,
Hoằng khai khoa học tác tân dân.”
“Hàm
dưỡng nhân luân” - nhân luân là nền gốc để “minh tuấn đức”, làm sáng cái đức đẹp
đẽ và mạnh mẽ của bản thân.
“
Hoằng khai khoa học” - phát triển tri thức khoa học - làm sở dụng để “tác tân
dân”, giúp đổi mới con người và xã hội.
Mong
rằng giá trị truyền thống đó là những bậc thang quý báu, giúp các thế hệ học
sinh tiếp theo kế thừa và phát huy ngày càng tốt đẹp hơn.
Thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh(phải). |
No comments:
Post a Comment