03/12/2014


Chúng tôi đi qua thời gian…

Nguyễn Thị Phương Thảo, Cựu học sinh Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu,
            Cựu giáo viên Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu,
            Giáo viên Trường THPT chuyên Bến Tre.

Nữ sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa ngày đó, bây giờ...


Tôi thuộc lứa học sinh đệ thất cuối cùng trước ngày 30/4/1975 của Trường Trung học Công lập Kiến Hòa. Như một cái duyên gắn bó với ngôi trường này, thế hệ chúng tôi sinh ra ở buổi giao thời, vắt mình qua biến động chung của thời cuộc, chứng kiến ngày lịch sử thống nhất đất nước trong cảm xúc của một lứa học sinh còn ở tuổi thiếu niên. Những tưởng sau giải phóng, chúng tôi trở thành học sinh Lạc Long Quân, rồi sau đó rã ra hoặc chuyển về khung trường Tân Dân trước đây, hoặc về các địa phương, thì ngôi trường nằm cạnh bờ hồ Trúc Giang chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng, hết cấp II, chúng tôi tiếp tục là học sinh cấp III Nguyễn Đình Chiểu, được quay về chốn cũ. Khi tốt nghiệp phổ thông, chọn nghề sư phạm, tôi ra trường và được điều về công tác ở huyện Châu Thành, Bến Tre (từ1986 – 1989). Sau 3 năm, nhân duyên lại đưa tôi trở về với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu. Khi trường Nguyễn Đình Chiểu dời về địa điểm mới 1 năm, tôi được Sở Giáo dục – Đào tạo ký quyết định chuyển về trường chuyên từ 1995 đến nay. Lại có dịp gắn bó với chốn xưa!
Mỗi người chúng ta đi qua trong cuộc đời, ai cũng ít nhiều chứng kiến những biến động thăng trầm của lịch sử. Trong cái chung của dân tộc, có những cái riêng, rất riêng của một nơi chốn, một không gian, thời gian nào đó, để mỗi người trong từng lớp người, từng thế hệ đã qua lưu giữ lại trong tâm khảm dấu ấn của những khoảnh khắc mình đã có mặt, kỷ niệm mình đã từ đó mà ra đi, mang theo vào hành trình cuộc sống. Để rồi vài mươi năm sau, khi tóc đã phai màu, ở một vị trí nào đó trong xã hội, tột đỉnh thành công hay tận cùng thất bại, thong thả hưởng thụ cuộc sống sung túc hay phải trăn trở nỗi lo cơm áo gạo tiền, hạnh phúc viên mãn hay khổ đau bất hạnh, có lúc chúng ta giật mình nhận ra tâm trạng hồi cố vẫn thấp thoáng hiện hữu. ….
Với tuổi trẻ sôi nổi, căng tràn nhiệt huyết, hồi ức là một quyển vở cũ, mà có khi mình lật vội (đôi khi nôn nóng xé đi) để được mau sang trang vở mới.
Với lớp trung niên, lão niên, qua bao biến cố cuộc đời, đồng nghiệp cũ, bạn bè xưa người còn người mất, dù ở tận chân trời góc biển xa xôi nào, có lúc chợt thấy trân trọng làm sao, chợt muốn nâng niu làm sao từng ký ức nhỏ tưởng đã quên từ lâu, tưởng như chưa từng hiện diện !
Thậm chí, chỉ là những ký ức mà lúc ấy, mình cố tình quên vì cho rằng nó … kỳ cục, vô duyên, dại dột, không đáng nhớ…
Lứa đệ thất chúng tôi hồi đó có nhiều bạn hay được các anh chị đệ nhị, đệ nhất tin tưởng phó thác đi gửi thư tình, trong đó có cả những bức thư mượn thơ tình Xuân Diệu để gửi gắm nỗi niềm. Còn nhớ, thời ấy, đứa nào được các anh chị nhờ đưa thư là thấy mình vinh dự lắm, quan trọng lắm, làm được việc … phước đức lắm (!) , nên thường tranh nhau nhận “trọng trách” rồi chạy thục mạng làm giao liên để … tích phước . Có đứa chưa hoàn thành nhiệm vụ thì bị phát hiện, bị bắt lên phòng giám thị, mặt mày tái mét ; có đứa băng từ lầu dãy C qua lầu dãy B, hoặc dãy A, chạy qua khỏi cầu thang thì cũng kịp thuộc lòng cả bức thư của người trong cuộc; có đứa nhận nhiệm vụ xong lo mua bánh ăn, đến khi đi giao thư thì vô học nên chạy về lớp rồi đem luôn thư về nhà để bữa sau đưa, hậu quả là bị mẹ kiểm tập, phát hiện, tưởng con mình lộn xộn, đánh cho một trận nhớ đời…
Tôi cũng có mặt trong số học trò út của trường thích cái trò “làm phước” ấy, và dĩ nhiên, bị phạt hay bị đòn, đều có mặt tôi trong số đó.
Mọi thứ của ngày hôm qua lững thững đi qua như một giấc mơ dài!
Trường có từ năm 1954. Hai mươi năm sau, tôi mới chập chững bước chân vào .
Chúng tôi đi qua thời gian, qua những thay đổi của cuộc sống và số phận, giờ đây ở tuổi 50, chợt thấy thèm được ngu ngơ như những ngày xưa cũ.
Chúng tôi đi qua thời gian, giật mình nhận ra: sao nhanh quá ! 50 tuổi rồi ! Bạn bè xưa người đã là ông bà nội ngoại, người vẫn còn chiếc bóng đơn thân, người vừa chít vành khăn tang tiễn đưa bạn đời hay thấm thía nỗi đau tre già khóc măng non,…
Chúng tôi đi qua thời gian, chợt thấy thấm thía cái vô thường của cuộc đời, khi bùi ngùi thắp nén hương tiễn đưa một người thầy cũ, một người bạn xưa trở về với đất; hay đi thăm một thầy cô đang chống chọi từng ngày với bệnh tật mà vẫn quên đớn đau hành hạ, luôn ấm áp động viên học trò cũ gặp khó khăn.
Chúng tôi đi qua thời gian, hơn nửa đời người mới thấy có nhiều điều chưa kịp làm, nhiều câu chưa kịp nói. Thầy cô ơi, bạn bè ơi, những được mất của cuộc sống đọng lại thành đắng ngọt chua cay đời người, mình còn thiếu thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp những câu cảm ơn, những lời xin lỗi chân thành vì biết bao điều vụng dại, ngu ngơ của cái thuở chưa kịp lớn...
Chúng tôi đi qua thời gian, một lúc nào đó, nhìn từ bục giảng, quan sát từng khuôn mặt học sinh, tôi bất chợt nhận ra nét hao hao gợi nhớ về một khuôn mặt bạn bè xưa cũ, bất chợt thấy mình đã chớm già, thấy biết ơn cuộc đời đã cho mình những cái duyên gặp gỡ không phải là tình cờ trên đường đời tấp nập này.
Và, thưa Thầy Cô của các cấp học đã qua mà em có dịp được làm học trò của Người hay chỉ được ngắm nhìn, ngưỡng mộ từ xa! Có những khoảnh khắc, em chợt nhận ra trong lời giảng bài của mình hôm nay có chất Văn mà Người khai sáng ngày xưa đã âm thầm để lại cho em. Ngọn lửa của yêu thương, say mê mà các Thầy Cô ngày ấy dìu dắt lứa học trò chúng em (dù có gián cách bởi những cái tên Kiến Hòa, Lạc Long Quân hay  Nguyễn Đình Chiểu, với em, vẫn chỉ là một)  đi qua những tháng ngày cơ cực nhất của cuộc sống để thành tài, thành nhân. Đến giờ này, em nghiệm ra được rằng, phải thành nhân trước khi thành tài thì mới sống được với nghề, mới không bao giờ thấy nghề là bạc và mới không bao giờ làm xấu nghề. Em xin cảm ơn tất cả các Thầy cô dạy các bộ môn tự nhiên và xã hội đã tạo mọi điều kiện để dìu dắt lứa học trò Lạc Long Quân, Nguyễn Đình Chiểu chúng em những năm sau giải phóng, trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn ngày ấy, được đi trọn con đường học vấn của mình, để nhờ cái chữ mà thay đổi cuộc đời.
Trở thành giáo viên, đứng trên bục giảng của lớp học ngày xưa mình từng ngồi học, dù là ngôi trường mang tên Kiến Hòa hay Lạc Long Quân, Nguyễn Đình Chiểu hay Chuyên Bến Tre, với em, chỉ là thời gian vật đổi sao dời, là những lớp người tiếp nối nhau đi qua vốn tự nhiên như chính quy luật vận động khắc nghiệt của cuộc sống, còn ngôi trường này vẫn như thế. Cây cối có chút ít đổi thay, kiến trúc có chút ít khác lạ so với ngày trước. Nhưng đây vẫn là chốn cũ thủy chung chờ đợi, là chốn đi về của biết bao thế hệ đã từ đây mà thành nhân và thành danh, mang theo cuộc đời mình gánh ân tình với thầy cũ, trường xưa. Vẫn còn cây sộp già chứng nhân trút lá qua từng mùa ở góc dãy AB, tuy không rậm rễ đong đưa bằng cây si giữa sân trường đã bật gốc trong giông bão . Vẫn còn cây me tây xù xì lặng lẽ trước dãy C, đón đưa bao thế hệ thầy trò đến – đi, tò mò nghe con người xù xì bảo nhau: ai lấy vợ lấy chồng, ai sướng ai khổ,  ai mất ai còn, …
Sung sướng và nhẹ lòng làm sao! Khi có một ngày sau mấy độ hụp lặn, bươn chải giữa dòng đời, tạm ngừng tất cả mọi lo toan, để lại sau lưng tất cả danh phận, cảnh ngộ, nỗi niềm, những được mất, những nhớ và quên, lại được bước qua dưới cổng trường xưa (dẫu với em, hàng ngày mình vẫn bước qua như thế) như một đứa học trò ngày cũ, để được thốt thầm với chính mình: Trường ơi, tôi đã về.Thầy Cô ơi, em đã về. Bạn bè ơi, tôi đã về ! ….
Đó là cái chất Vitamin mầu nhiệm vẫn chảy trong mạch sống mà có khi bề nổi của cuộc đời khiến ta vô tình không nhận ra cái tầng ngầm, những vi mạch của nhớ thương vốn âm thầm hiện hữu , vẫn đang lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn mình. Giống như ta vốn không nhớ tới hơi thở của mình, trừ khi ta bỗng dưng khó thở. Để một lúc nào đó trên dòng thời gian của mỗi người, ta chợt nôn nả tìm về. Về thôi. Về thôi !
Thời gian lặng lẽ trôi. Chúng ta, từng người cũng lặng lẽ trôi cùng thời gian theo cách riêng của mình.
Nhưng nơi đây vẫn là chốn của hội ngộ và ký ức, chốn của chứng tích và kỷ niệm.
Chốn ấy nhắc nhở mỗi người: Hãy kịp lưu giữ vào ký ức, trân trọng ký ức ấy, để không bao giờ nuối tiếc khi thời gian đưa mọi thứ vuột khỏi tầm tay.
Chốn ấy nhắc nhở mỗi lứa học trò: mình đi ra từ ngôi trường ấy, mang theo niềm mong mỏi của thầy xưa, trường cũ, dù ở bất cứ cương vị nào, ngành nghề nào trong xã hội, dù ở bất cứ hoàn cảnh sống nào, cũng sẽ sống tốt, cống hiến tốt, với ý thức thành nhân trước khi thành danh. Đó là cách thể hiện lòng tri ân đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất với Những – Người – Gieo – Chữ, không chỉ dạy ta Tri thức, mà còn dạy ta biết Sống, biết Tri Ân,  biết Trao, biết Cho, biết Nhận, biết Bao Dung, biết Yêu Thương …
  Để khi nhắc về Thầy cũ, trường xưa, mình luôn có thể tự hào rằng: tôi đã ra đi,  đã trưởng thành từ một ngôi trường !
Ngôi trường của bao thế hệ…
Ngôi trường của mấy chặng đường….

Học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre ngày nay.



                                                                                                     (Bến Tre, tháng 11 năm 2014).

No comments:

Post a Comment