Một mảnh tình lớp ngày và đêm
Văn Thơ
·
Thay lời cựu học sinh Trung học Bán
công đêm, nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập trường Trung học Bến Tre 1954-2014.
Ngày nhập trường niên khóa sáu tám sáu chín, tôi chia tay các
bạn học Trung học tư thục Tân Dân, sát cạnh nhà thờ, chuyển sang học lớp bán
công ban đêm mới khai giảng của trường Trung học công lập duy nhất ở tỉnh lỵ, nhìn
ra cảnh hồ Chung thủy thơ mộng, mơ màng. Lâu nay ở trường này nam học sáng, nữ
học chiều, bây giờ cả nam nữ cùng học chung lớp đêm. Rồi từ dạo đó, ngôi trường
này đêm đêm đèn vẫn sáng với các lớp học bán công, học phí chừng nửa trường tư
và có thuyên giảm vì lý do gia cảnh.
Tôi cả nghĩ học sinh bán công đêm thường có ”mẫu số chung” là
do gia cảnh mới tản cư về tỉnh lỵ, vì hoàn cảnh học hành trắc trở, hay bị “lỡ vận”
kỳ thi vào lớp đệ thất đầu cấp “trung học đệ nhứt cấp” mà phải học tư thục.
Song, cũng có riêng một “ẩn số” là vào học bán công đêm để giành cơ may chuyển
vào trường công ban ngày, với điều kiện qui định phải có điểm hạnh kiểm tốt và
học lực giỏi, mà ngôn từ bây giờ gọi là “tốp mười” hay “top teen”.
Theo giờ Sài Gòn hồi đó, tính trước một giờ so với giờ hiện
nay, thì giờ học ban đêm bắt đầu sau khi các lớp nữ sinh công lập tan trường
ban chiều, lúc năm giờ, và giờ học đêm kết thúc lúc chín giờ, để cho thầy trò ở
ngoại ô còn kịp về nhà trước giờ giới nghiêm, từ mười hai giờ khuya, đến rạng năm
giờ sáng. Nhớ lại giờ giấc đi học đêm, mới đầu không quen, đồng hồ sinh học bị
lộn xộn, nhưng rồi cũng quen dần dần với thời khắc giờ âm ! Bị đám bạn bè cùng
xóm học ban ngày chọc tức là gà vô chuồng thì tôi cũng vào lớp, tôi bèn trả đũa
cay cú là khi mèo ị sáng thì đi hốt thôi ! Lời qua tiếng lại kiểu đó không
tránh khỏi hiềm khích, rồi ẩu đả “thượng cẳng chưn, hạ cẳng tay”, nên cả đám
hay bị phạt cấm túc ở phòng giám thị nhà trường hoài thôi… Nhưng đây chỉ là mẩu
giai thoại học trò “cá biệt” theo cách gọi bây giờ, còn lại cũng có lắm giai
thoại “thương trộm, nhớ thầm”, hay “tình tay đôi, tay ba” của học trò lớp ngày
và lớp đêm sẽ được kể sau đây!
Chiều chiều đạp xe đi học với tâm trạng thư thả yên bình bao
nhiêu thì khi đêm đêm trên đường về tôi càng âu lo thắc thỏm bấy nhiêu ! Bởi có
hôm nghe tiếng đạn pháo vẳng vọng, tiếng trực thăng vần vũ, hay ánh hỏa châu
rơi xa xa trên bầu trời ! Nhưng điều lắng đọng và phát tiết về tri thức và tâm
thức trong tôi từ dạo đó có lẽ là những bài học được hàm thụ qua từng buổi học
đêm đêm, thấm đượm tình ân sư và nghĩa bằng hữu…
Nhịp sinh hoạt đều đặn của ngôi trường về đêm như tạo thêm đường
nét sinh cảnh mới cho hồ Chung thủy bớt vẻ u huyền vì có tiếng trống trường, có
tiếng vui đùa trong giờ ra chơi và nhất là có bóng dáng học trò thư thái vô tư,
cho dù thanh danh học trò công lập, học ban ngày vẫn còn đó là một tâm trạng so
đo đối với học trò ban đêm…
Nhưng mặc cảm tự ty đó không tồn hoài mà được khỏa lấp ngay,
khi chương trình học vấn và mọi sinh hoạt học đường của cả lớp ngày và đêm đều
giống nhau như anh em sinh đôi, chung một trường, cùng thầy cô, chỉ có khác
nhau “song cảnh” học ngày hay đêm, thể hiện qua mảnh phù hiệu thêu trên ngực áo
thôi !
Giờ đây ! Nhớ lại những ngày học bán công đêm, tôi không quên
những kết quả học tập đã thu đạt, đủ để làm hành trang vào đời cũng như các bạn
học lớp ngày. Nhưng trong tâm thế từng trải cảnh học đêm, chúng tôi luôn nhớ những
kỷ niệm học trò thú vị mà chắc rằng nếu không kể ra không ai biết, trừ phi là
nhân vật chính trong những mẩu chuyện như thế này !
Minh họa: S. Thống. |
Một lần nọ, tôi tình cờ nhặt được trong hộc bàn một lá thơ
tình, chữ viết nắn nót vụng về trên nửa mảnh giấy học trò. Đọc qua tôi đoán chắc
là của cô bạn buổi chiều bỏ quên, mà người gửi là anh bạn học buổi sáng, chắc
cũng ngồi cùng chỗ nơi chiếc bàn khập khiểng ở cuối lớp này. Mà đây cũng là chỗ
tôi ưa ngồi, để lâu lâu lén nhìn qua cửa sổ, nhìn sang dãy lớp bên kia có một
ánh mắt bồ câu đã hút hồn tôi từ ngày nhập học !
Bài thơ đó đến nay tôi vẫn còn nhớ, bởi những ngày tháng sau
đó chính tôi đã làm bùng lên một mối tình học trò tay ba, cùng cấp lớp học ngày
và đêm, và ngồi cùng chỗ trên chiếc bàn khập khiểng này!
Mai này ! Anh mong Mai sẽ nhớ…
Lời ngỏ này là chân tình Anh
Vì Anh mong một mùa Mai nở
Cho xuân yêu sẽ đến cùng Anh
Chà chà ! Sau mấy ngày liền nhờ bạn học lớp ngày dò la tông
tích, tôi biết đúng là có chàng tên Anh gửi thơ tán tỉnh nàng tên Mai. Tôi bèn
thử dỡ “độc chiêu”, tán tỉnh táo bạo theo cách của tôi là đón chờ Mai tan trường
và đường đột bước đến trả lại lá thơ, nói là vô tình nhặt được trong hộc bàn…!
Khuôn mặt trái xoan của Mai trắng xinh chợt đỏ bừng, ánh mắt có chuôi long lanh
nhìn tôi trân trân như kịp hiểu ra cớ sự, đôi môi hồng mỏng có nốt ruồi duyên
khẻ nói cảm ơn, và rất bối rối khi đưa bàn tay phải thanh mảnh nhận vội rồi
quày quả bước đi với dáng điệu thiếu tự nhiên… Tôi chợt bâng khuâng với câu hát
tiếng Pháp rất nhạy cảm: “Qu’est sera… sera…”, tức là “Rồi mai sẽ ra sao…” ! Và
rồi tôi khẽ huýt sáo mãi câu hát tình tứ này khi bước vào lớp học đêm hôm đó !
Cả đêm hôm đó, tôi thật khó ngủ, vì tự hỏi không hiểu Mai sẽ
đáp trả thế nào khi biết lá thư bị đánh tráo bằng lá thơ của tôi, người họ Văn
và mang tên Thơ !
Thơ này là Thơ gửi riêng Mai
Vì yêu xuân và rất mến Mai
Anh chỉ ngỏ lời qua thơ vắn
Nhưng với Thơ là cả tình dài
Tôi chợt trăn trở mơ màng so sánh ánh mắt có chuôi và đôi mắt
bồ câu, đôi môi trái tim và nốt ruồi duyên trên khóe môi hồng mỏng, và một dáng
điệu thanh tân rất thị thành so với vẻ chân quê dịu dàng… cho đến khi bừng tỉnh
giấc, vì tiếng gà gáy sáng trong xóm vắng ngoại ô, sau một đêm dài mộng mỵ
nhưng thật bình yên!
Từ những buổi học đêm sau đó, tôi luôn bước vào lớp học sớm
nhất, để mong nhận được lá thơ hồi âm ! Quả nhiên ! Đến một hôm, còn hơn cả sự
mong chờ, tôi nhận được lá thơ của Mai, với tuồng chữ chân phương tròn trịa
trên mảnh giấy hồng nhạt, có mùi hương hoàng lan… Tôi lẩm nhẩm đọc hoài đến thuộc
lòng và suy gẫm mãi phải hồi âm thế nào đây !
Không nỡ bỏ quên ! Mà không nhận !
Và rồi không ngỡ lại được Thơ
Thơ cũng vắn với lời thơ thẩn
Mai đợi tình dài trong ý Thơ
Kể từ hôm đó, bùng lên một mối tình tay ba kín đáo, khi tôi lặng
lẽ đứng nhìn Anh chiều chiều đón đưa Mai chậm bước theo cung đường quanh bờ hồ
rồi rẽ lối về hướng ngã ba Tháp…
Đến một buổi chiều tan trường cuối niên khóa, Mai lặng lẽ ngồi
một mình bên cội me tây rủ bóng mát trên mặt hồ Chung thủy, như dự cảm một cuộc
chia tay thầm lặng… Quả nhiên, vài hôm sau, Anh giáp mặt tôi lúc tan trường
đêm, buồn bả nói: “Mai theo gia đình chuyển về Sài Gòn rồi…”. Tôi khẽ gật đầu
và chìa lá thơ cuối cùng của Mai với mỗi dòng ngắn gọn, không phải thơ: “Tạm biệt
Anh và Thơ nhé! Mai về học trường Trưng Vương rồi !”
Nhiều chục năm sau, mẩu chuyện tình bán công đêm xa xưa ấy được
đồng cảm, khi tôi được tặng một bài thơ tình hay hay, cũng gợi lên cung bậc, tiết
tấu và giai điệu đủ để phổ thành bài nhạc mang dấu ấn một mảnh tình học trò vào
thời đêm đêm tôi đi học bán công đêm !
No comments:
Post a Comment