THẦY và BẠN
Vương
Đức Bình
Mùa hè qua mau... |
Tôi ít có bạn học thân thiết để mà nhớ mặt nhớ tên và
cũng ít gần gũi thầy cô của mình. Đơn giản là vì hồi tôi còn nhỏ ba mẹ cứ phải đổi
chỗ ở hoài. Ba mẹ kiếm sống vất vả, lúc thì ở một cái huyện tít mù xứ muỗi Cà
Mau, bước ra khỏi nhà mấy bước là đụng rừng sậy rừng đước mịt mùng, khi thì ăn
nhờ ở đậu nhà ông bác ở Sài Gòn, ở một con đường nghe cái tên cũng tức cười –
đường Da Bà Bầu - cơm cháo không mấy no lại quay đầu về Sóc Trăng sống với ông
bà nội, suốt ngày nhong nhong ngoài ruộng với mấy con cua đồng và với mấy đứa
nhỏ mốc cời người dân tộc Khmer. Cái kiếp trôi sông lạc chợ như vậy dù không
đến nỗi phải bỏ học nhưng thậm chí có lớp mới vào học hơn tháng, chưa kịp thân
với bạn nào đã phải lặng lẽ xách bị đệm đi xứ khác. Chẳng những không nhớ bạn
cũ mà ngay cả thầy cô cũ hồi tôi còn nhỏ bây giờ cũng chỉ nhớ được thầy Mô khai
tâm tôi hồi lớp năm và lớp tư, còn thì kí ức của tôi tệ đến nỗi vô phương nhớ
được các thầy cô khác đã dạy tôi hồi tiểu học, đệ thất và đệ lục.
Phần lớn kí ức của tôi trong quãng đời học tập là từ
lớp đệ ngũ trở đi vì từ đó việc học tập của tôi mới đi dần vào ổn định. Ba mất
sớm, khi tôi mới 12 tuổi, thế là mẹ dẫn cả bầy con về quê ngoại Bến Tre! Nhưng
trước đó phải lên Sài Gòn ăn nhờ ở chực hết nhà
của bác rồi nhà của cậu đâu gần cả năm, lơ ngơ láo ngáo chẳng học hành gì! Khi tôi
được nhận vào lớp đệ ngũ Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa thì đã gần hết đệ
nhất lục cá nguyệt, không biết mẹ năn nỉ thầy hiệu trưởng làm sao để thầy cho tôi
được vô học nữa! Hậu quả là lớp có 52 học trò thì hầu như tháng nào tôi cũng
hạng 50 hoặc 51. Không biết đứa nào xui rủi học dở hơn tôi hạng 52 thì tôi…
không nhớ! E hèm… vậy cũng tốt, có đứa hạng bét dở hơn thì tôi cũng đỡ quê! Trừ
các môn âm nhạc, vẽ, còn thì chỉ có môn Việt văn của thầy Nguyễn Văn Cò và môn
Pháp văn của thầy Nguyễn Duy Oanh là tôi ấm ớ được chút đỉnh, còn mấy môn khác
tới giờ học là tôi sợ bị kêu trả bài đến xanh mặt! Đặc biệt tới giờ môn toán
của cô Uyển là trái tim của tôi nó rớt tọt xuống dưới chân, mỗi khi bị cô gọi
lên bảng là trái tim đập phình phịch giữa hai cái chân ốm nhách run rẩy đi muốn
té! Vậy đó, nhưng tôi cũng lên được lớp đệ tứ sau khi bị thi lại mấy môn. Hồi
đó thi rớt bằng trung học đệ nhất cấp thì vô quân trường Quang Trung là cái
chắc. Mẹ lo sợ lắm nên mùa hè năm đó mẹ mua cho tôi mấy cuốn sách giúp trí nhớ
mỏng dính để tôi tự ôn, tự lấy lại căn bản! Dù vậy tôi làm gì có thời giờ để
học cho chu đáo như mấy đứa khác. Mẹ phải đi làm, mấy đứa em còn nhỏ lắm nên tôi
phải lo tất tần tật chuyện giặt giũ, gánh nước, kiếm củi và nấu cơm. Ngày nào
cũng xách cái rổ xúc nhảy xuống con kinh trước nhà để chao tép và nếu tệ lắm thì
mỗi ngày phải ráng kiếm cho được một tô hến mới có cái gì mặn mặn dằn bụng đi
học. Làm gì có thời giờ học bài. Ôi trời, cái khó làm ló cái khôn! Vậy là tôi
nghĩ ra cách học: Trước hết phải đọc thuộc lòng đề bài, nhớ hết các giả thiết
và yêu cầu chứng minh (Để thuộc lòng đề toán thì chỉ cần ít phút thôi!) Nhờ nhớ
như vậy tôi không cần phải cầm cuốn sách hay cây viết nữa. Rồi tôi phải tập
tiếp một khả năng nữa: ngồi giặt quần áo cho mấy đứa em cũng suy nghĩ về bài
toán, đang ở dưới mương chao cá lòng tong cũng suy nghĩ về lời giải bài toán,
đang đi ngoài đường cũng suy nghĩ về bài toán, thậm chí đang ngủ cũng suy nghĩ
về bài toán. Đó là một khả năng hoàn toàn có thể luyện tập được (Nhưng xin bạn
nào đang đọc lời trần tình của tôi đây đừng bắt chước cái kiểu đó trong lúc lái
xe nghen, tôi không chịu trách nhiệm đâu!). Khả năng đang ngủ mà vẫn suy nghĩ
là một khả năng hoàn toàn có thật. Minh chứng là sau này, khi đã làm thầy giáo
dạy toán rồi (sic), nhiều đêm tôi vẫn sực tỉnh giấc giữa cơn mơ thấy mình đang
giải mấy bài toán khó đã ra cho sinh viên mà chưa kịp viết vào giáo án hoặc
không có đủ thời giờ ban ngày để giải ra cụ thể. Cũng nhờ khả năng đó mà lên
lớp 12 tôi thoát nạn khi bị thầy Lê Văn Trinh kiểm tra bài tập: trong lúc có
một đứa đang giải toán trên bảng – hình như là Nguyễn An Cư - thì thầy đi kiểm
tra mấy đứa chuẩn bị bài ra sao. Tới bàn tôi thầy biểu mở tập ra cho thầy coi.
Có trời đất chứng giám! Cuốn tập của tôi trống trơn không có lấy một dòng bài
giải. Có lẽ thầy giận lắm nên hỏi một câu cụt lủn: Sao hả !!? Tôi gải đầu lắp
bắp: Em có giải rồi. Thầy hỏi một câu còn cụt hơn: Đâu ? Tôi đáp rụt rè: Em
chưa ghi vô tập. Tôi chắc là thầy nghĩ cái tên này vụng chèo… mà cũng vụng
chống đây. Tôi còn nhớ thầy cười… một nụ cười khó hiểu: Giỏi hen, vậy lên bảng
giải cho tui coi! Trời đất, tôi bước lên bảng trong trạng thái của một cơn mê
sảng… Trong cơn mê đó tôi đã giải tròn trịa bài toán. Sau đó thầy chỉ cười độ
lượng và hừ một tiếng xóa tội cho tôi!
Nhưng mà khả năng đó cũng không làm tôi “vượt lên
chính mình” được. Phải có hai người quan trọng mà trời đất sắp xếp để giúp tôi
lấy lại lòng tự tin, giúp cho tôi thấy rằng tôi không phải là đứa chuyên ở gần
hạng bét, và rằng tôi… cũng có chút giá trị nào đó trong cuộc đời!
Người thứ nhất là thầy Trần Thanh Sao, thầy dạy tôi
môn vật lí hồi lớp đệ tứ. Tôi thích cách dạy của thầy lắm: khoan thai, mạch lạc
và hấp dẫn. Nhưng như đã nói trên, tôi là đứa học trò không hồi nào thuộc bài
(hiểu theo nghĩa đọc vanh vách cái gì được chép vô tập). Bởi vậy mỗi lần ấp úng
lên trả bài là tôi có nguy cơ nhận cây gậy dưỡng già hoặc con ngỗng về nấu cà
ri! Lần đầu tiên thầy gọi tên lên trả bài, tôi ngắc ngứ đứng trồng cây trên
bảng, tự nhiên quên đâu hết trơn bài học. Thầy hỏi hiền từ: Em chưa học bài hả?
Tôi đáp lí nhí: Dạ, em hiểu bài nhưng không đọc lại được. Thầy đưa cho tôi cục
phấn và nói: Em hiểu làm sao, cứ nói lại coi. Tôi lấy lại bình tĩnh, và tôi
bỗng dưng “thông minh đột xuất”! Cầm lấy viên phấn tôi trình bày lại như mình
hiểu về điện trở, cường độ dòng điện và điện thế cũng như các công thức liên
quan. Thiệt tình là khi trình bày xong tôi đã đứng ngây người chờ “kêu án”. Dè
đâu thầy cười hiền từ nói gọn: Tốt! Tôi được điểm tuyệt đối. Nếu tính theo
thang điểm 10 thì đó là điểm 10 đầu tiên trong cuộc đời học trò của tôi. Dù sau
này tôi còn được nhiều điểm 10 khác, kể cả sau này khi tôi học ở Trường Đại Học
Bách Khoa, mỗi lần nhớ lại cái điểm 10 đó tôi còn muốn khóc. Trước điểm 10 đó
hình như tôi chỉ làm cho các thầy cô bực bội vì… ngu. Điểm 10 đó và sự ôn tồn
của thầy đã mở tung cánh cửa tâm trí cho tôi. Nếu thầy Mô là người đã khai tâm
cho tôi thì thầy Trần Thanh Sao mới là người mở trí cho tôi. Gần đây đọc một
bài trong tạp chí Scientific American nghiên cứu về vai trò cốt yếu của người
thầy dạy khoa học trong thời đại công nghệ thông tin – thời đại mà tri thức
tràn ngập không gian thông tin, chỉ cần gõ một dòng từ khóa vào Google và một
cái nhấp chuột là có gần đủ các tri thức cần biết - người ta xác định rằng điều
quan trọng nhất của người thầy ấy là truyền được cảm hứng và lòng yêu khoa học
cho học sinh chứ không phải bản thân cái khối lượng kiến thức cần phải nhồi
nhét. Tôi mang ơn và may mắn biết bao có được một người thầy đức độ và “đi
trước thời đại” như thế trong cuộc đời.
Người quan trọng thứ hai là thằng bạn tên Việt. Việt
nó học giỏi toán thì khỏi phải nói rồi mà nó còn giỏi nhiều môn khác nữa. Tôi
thích nó và hay tới nhà nó chơi trước tiên không phải tại vì nó giỏi. Tôi thích
nó trước tiên vì… nó không có Ba giống như tôi. Tại sao nó không có Ba thì tôi
không biết, và cũng không nên biết. Thời kì chiến tranh đó đừng hỏi vì sao
người đàn ông không thấy có mặt ở nhà! Cái câu hỏi đó khó trả lời hoặc là một
câu hỏi nguy hiểm! Má nó là một người phụ nữ mộc mạc, rất hiền, có một sạp bán
guốc ngoài chợ. Má nó và mẹ tôi quen nhau, thỉnh thoảng mẹ cũng sai tôi đem mấy
đôi guốc mòn sứt quai của bà tới nhờ má nó đóng lại bộ quai mới, cũng là một lí
do để tôi đến nhà nó. Lí do khác là nó chẳng bao giờ “chộ” tôi vì những kiến
thức tôi bị thiếu sót, mất căn bản, và nếu tôi vẫn còn u ơ thì nó thân ái nhắc
lại một cách nhẹ nhàng, giải thích tận tường như thể nó là thầy của tôi vậy. Cứ
thế, cho đến lớp 12 thì tôi cũng được “ngang ngửa” với nó rồi. Nói rằng tôi
thân với nó thì cũng không thân. Việt là đứa con ngoan, chăm chỉ hạt bột, trừ
đến trường tôi không thấy nó đi chơi, còn tôi là đứa đôi khi lêu lổng – thậm
chí “cúp cua” và có lần còn bị cấm túc. Khi đi đâu chơi hầu như tôi quên nó mà
đi với bạn khác. Giả sử tôi có rủ rê nó – ví dụ đi uống cà phê nghe Ca khúc da
vàng của Trịnh Công Sơn ở quán Giao Châu (không phải tôi đã đến hồi dư dả gì
đâu, chỉ là nhịn ăn sáng để uống cà phê tối mà thôi) - chắc nó cũng không đi
đâu! Dù vậy, nó quan trọng đối với tôi, cả trong học tập lẫn trong tình bạn.
Còn tôi có quan trọng đối với nó không thì tôi không biết. Biết làm sao được
khi bạn có một người bạn luôn luôn trầm tĩnh, kín đáo, chẳng khi nào nói với
bạn chuyện gì trừ chuyện học!
Thời
cuộc gây ra biết bao nhiêu ngả rẽ trong cuộc đời. Những nhánh sông rồi mải miết
chảy về phía trước, chẳng bao giờ gặp lại. Tôi với nó cũng vậy. Tính ra đã gần
40 năm rồi bặt tin nhau. Có một lần họp mặt ở quán Nhường Trà, thấy tôi ngồi
chông ngốc một mình, và chắc cái bản mặt của tôi giống cái đám un hay sao đó
nên một bạn trong ban tổ chức đến hỏi: Sao ngồi cô đơn vậy? Không gặp bạn cũ
nào à? – Đúng rồi có khi người ta cô đơn kinh khủng giữa một đám đông những
người quen biết. Nhà thơ Lamartine đã viết “Un
seul être vous manque, et tout est dépeuplé!”. Lamartine viết câu đó vì mất
người tình Envy. Còn tôi, tôi không mất một người tình, chỉ là thiếu một người
bạn mà hồn tôi cũng trống vắng vô cùng.
eTf
No comments:
Post a Comment