10/06/2014

Hoa khôi ngày ấy
          Truyện ngắn: Nguyễn An Cư

             Sau bữa tiệc hội ngộ, đám bạn bè chúng tôi bỗng nổi hứng kỳ cục! Chúng rủ nhau đạp xe ngót hai mươi cây số về Long Thạnh thăm cô bạn gái đang dạy ở đấy. Có lẽ cũng tại thằng Minh nhắc về cô ấy trước nhất. Mà nếu nó không nhắc, khi họp mặt đông đảo bè bạn cũ như thế này, chắc chắn rằng trong tâm trí chúng tôi đứa nào cũng nghĩ về cô bạn gái đã một thời làm chúng tôi điên đảo!
            Cậy có chút rượu vào người, thằng Minh bưng ly rượu bạo mồm bạo miệng tuyên bố:
- Bây giờ tao nhậu hết ngon rồi tụi bây ơi! Tao nhớ hoa khôi lớp mình hồi xưa quá…
Cả bọn cười hố hố:
- Ngon! Cái thằng nầy ngon! Không sợ thằng Vinh nó đập bể mặt à?
Minh nhừa nhựa:
-  Tao cóc sợ thằng nào hết! Nhớ thì nói nhớ chứ tao có làm gì con Thúy Hằng đâu mà thằng Vinh đập tao? Vả lại nghe nói thằng Vinh với con Thúy Hằng dường như chia tay rồi! Tụi bây đừng có giả bộ. Lớp mình thằng nào mà không thương trộm nhớ thầm con Thúy Hằng. Làm như chỉ mình tao vậy! Có phải vậy không? Đứa nào có ngon thì đi với tao xuống Long Thạnh thăm nó.
Chỉ có thế là cả bọn kêu chủ quán tính tiền rồi cùng đạp xe về Long Thạnh!
Thằng Minh nói đúng. Hồi đó học chung lớp 12, bọn chúng tôi đứa nào không mơ ước được Thúy Hằng đáp lại tình yêu. Thúy Hằng không những là hoa khôi của lớp mà còn của cả Trường cấp 3 Nguyễn Đình Chiểu nữa. Đứa thì chăm chút đưa đón con Thúy Hằng, đứa tặng quà cáp, đứa gởi thơ tình… Thằng nào được con Thúy Hằng nhờ vả một chuyện nhỏ cũng sướng như điên và chắc chắn đêm đó sẽ nằm tưởng tượng lung tung! Như thế không phải là đã mơ trộm nhớ thầm Thúy Hằng như thằng Minh đã nói hay sao?
Lúc đầu đám con trai trong lớp kình địch, nguýt háy với nhau dữ dội. Nếu không phải là mái trường cách mạng sau giải phóng thì thằng Quang đã đánh lộn với thằng Minh rồi! Về sau, khi biết con Thúy Hằng đã yêu thằng Vinh học trên một lớp, cả bọn con trai trong lớp ngẩn ngơ buồn. Chúng tôi không còn ganh nhau nữa. Ai nấy xem chuyện mất Thúy Hằng là nỗi nhức nhối chung! Cũng từ đó, cả bọn xem Thúy Hằng như là đóa hoa đẹp, cả lớp cùng chiêm ngưỡng. Thế thôi!
Thằng Minh oang oang cái họng:
-  Tụi bây biết tao nhớ Thúy Hằng nhất là điểm nào hôn? Đôi môi của nó lúc nào cũng đỏ tươi như mời mọc. Hồi đó, được hôn Thuý Hằng một cái thì trượt tốt nghiệp cấp ba tao cũng bằng lòng.
Thằng Quang nạt thằng Minh tới tắp:
-  Cái mặt mày lúc nào cũng hồ đồ như Trư Bát Giới. Gặp đàn bà con gái là muốn cắn muốn xé! Cũng cái tính đó mà ba mươi mấy tuổi đời chưa có cuộc tình vắt vai. Cô nào dám yêu mầy chứ?
Thằng Minh lại cười hô hố:
-  Kệ tao. Tao biết mầy chỉ thích được ngắm em cười, được nghe em thỏ thẻ để về mơ mộng… làm thơ. Nhà thơ mà! Nói như tao là động chạm đến thần tượng của mầy.Yêu trăng yêu gió như mầy mà cũng yêu! Không nghe nhà thơ Xuân Diệu - ông tổ của mầy - nói sao: “Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích”, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”!
Có tiếng thằng Thanh chen vào:
- Đúng! Tao cũng không thích yêu vớ vẩn. Tao cũng muốn được hôn lên đôi má hồng của Thúy Hằng, được vuốt mái tóc thề đen nhánh của nó, muốn được cắn… cắn cái gì hén?
 Cả bọn chúng tôi cười khoái trá:
-         Cắn cái… xuân hồng!
Có tiếng đứa nào phía sau hét toáng lên:
-   Đúng là tụi bây nham nhở quá! Tao lại khác. Tao ao ước được dạo phố và xem phim với Thúy Hằng. Như thế có phải thơ mộng và tình tứ hơn không? Vóc dáng tha thướt và giọng nói ngọt lịm của Thúy Hằng mà đi dạo phố và xem phim với mình thì… nhớ đời!
Các bạn tôi lại cười vang nhạo báng:
- Ai vậy ta? Lại thêm một… nhà thơ nữa! Không ngờ nhà thơ bây giờ như lá mùa thu! Tiếc rằng không phải những chiếc lá hiếm hoi quí giá còn sót lại trên cành mà là những chiếc lá úa vô dụng rụng đầy đường. Thảo nào thơ rẻ hơn bèo cũng phải! Mà mục đích cuối cùng của tình yêu đối với tụi bây là cái gì?
Cả bọn chúng tôi im lặng. Dường như tất cả đang cùng trôi về thời dĩ vãng. Mỗi đứa chúng tôi nhớ và thích hoa khôi của lớp mình một nét riêng như vậy đó. Nếu gộp lại những nét đẹp mà mỗi đứa bạn chúng tôi phát hiện thì Thúy Hằng đúng là một hoa khôi toàn bích. Bây giờ chúng tôi đã lớn, có phải như thời học sinh rụt rè nhút nhát đâu; nhất là nhiều đứa đã qua mười mấy năm trong quân ngũ, lại thêm có rượu vào thì còn ngại ngùng gì những chuyện bình thường ấy mà không dám nói. Riêng tôi, đã mấy lần đi dạo phố, uống cà phê, nghe nhạc riêng với Thúy Hằng. Đúng là… nhớ đời! Tôi nhớ Thúy Hằng nhất ở đôi mắt. Trong sáng và đẹp làm sao ấy! Thúy Hằng không những cười bằng miệng mà còn cười bằng mắt. Mỗi lần Thúy Hằng nhìn tôi cười, lòng tôi chao đảo chơi vơi; đêm về khao khát một vòng tay âu yếm và tiếng thủ thỉ của Hằng. Đến nỗi, khi công tác xa nhà, tôi nhớ Thúy Hằng nhiều hơn nhớ… gia đình!
Cứ thế, câu chuyện về Thúy Hằng, về trường xưa bạn cũ rơm rả suốt quãng đường dài. Thằng Minh nghêu ngao hát mãi bài Hành khúc ngày và đêm: “Bồi hồi đêm xuất kích chợt nghe tiếng pháo ran. Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào…”
                                    *
                        *                       *

Minh họa: Thạnh Trị

Xong lớp mười hai năm ấy, mặt trận Tây Bắc bùng nổ. Chúng tôi chia tay nhau mỗi người một ngả. Tốp bạn chúng tôi, khoảng mười mấy đứa tình nguyện vào bộ đội ra chiến trường phía Bắc. Số còn lại, vào các ngành nghề, trong đó có tôi. Thúy Hằng thi vào trung học sư phạm tại tỉnh nhà và ra trường đăng ký xung kích về dạy một xã vùng sâu của huyện Long Thạnh. Lúc đó phong trào tình nguyện của Đoàn Thanh niên Cộng sản mạnh lắm. Thanh niên mà ngại khó, lánh nặng tìm nhẹ sẽ bị liệt vào hạng không có tinh thần trách nhiệm, “khó sống” lắm!
Mười mấy năm qua, bạn bè đi bộ đội giải ngũ gần hết. Lần đầu tiên chúng tôi mới có dịp hội ngộ đông đảo như thế này. Đó cũng là đề xuất của thằng Long, cựu lớp trưởng. Đứa bộ đội, đứa giáo viên, đứa nhà báo, đứa làm vườn, đứa xe ôm, mỗi người một cảnh. Có điều buổi họp mặt hôm ấy không có một bóng hồng xưa nào. Đám con gái cùng lớp vốn ít ỏi, đứa bận bịu chồng con, đứa ở xa không dự được. Cả bọn con trai chúng tôi như thiêu thiếu một cái gì! Khi thằng Minh bảo cuộc tình Thúy Hằng với Vinh không suôn sẻ, ai cũng thầm xót xa. Chính vì vậy, khi nghe thằng Minh đề nghị về Long Thạnh thăm Thúy Hằng thì không ai chối từ. Không hiểu còn có người bạn nào khác hay không chớ riêng tôi, bỗng dậy lên một hy vọng mong manh của chàng Từ Hải, muốn được mở lòng bảo bọc nàng Kiều!
                                    *
*                       *

Thằng Minh đập phành phạch vào tấm vách lá nhà tập thể Trường Tiểu học Long Phú hỏi:

-         Cô giáo ơi, cho tôi hỏi thăm cô Thúy Hằng.
Một cô giáo có nước da bánh mật chạy ra trả lời:
- Cô Thúy Hằng dạy bên trường trung học cơ sở mà.
Thằng Minh cãi lại:
- Không phải! Tôi muốn hỏi thăm cô Thúy Hằng dạy trường tiểu học ấy.
Cô giáo cười:
- Anh lạc hậu lắm rồi! Đúng là trước kia cô Thúy Hằng dạy tiểu học. Cô ấy đã tốt nghiệp đại học và chuyển lên trung học cơ sở rồi. Không những vậy, mấy năm nay cô còn được đề bạt làm phó hiệu trưởng!
Thằng Minh ngạc nhiên kêu lên:
- Vậy à?
-  Đúng vậy! Cô ấy phấn đấu rất tốt và nổi tiếng lắm! Nhiều năm liền là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh đó.
Minh càng ngạc nhiên hơn:
-         Vậy lận à?
Thấy Minh còn đang ngơ ngác, chưa chịu đi, cô giáo kể lể tiếp như là muốn trút đi nỗi uất ức chất chứa từ lâu:
- Đúng vậy. Chỉ tội, người giỏi giang, tốt bụng như vậy mà cậu Vinh lại bỏ rơi! Cậu ta coi mủ mỉ mà bạc tình!
Minh há hốc:
-         Bỏ thật sự rồi à? Sao lại bỏ?
Cả bọn chúng tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác!
Được khơi dậy bản tính thường tình của một số phụ nữ, cô giáo có nước da bánh mật kể lể đủ thứ chuyện:
-  Lúc đầu cậu Vinh bảo cô Hằng nghỉ việc về thành phố sống với cậu ấy. Cậu ta là kỹ sư mà! Cô Hằng một mực không chịu bỏ nghề. Cổ nói, về bỏ mấy đứa học trò bơ vơ tội lắm. Những năm đầu cậu Vinh còn lui tới thăm nom. Về sau thưa dần và khi thấy cô Hằng…  xuống sắc thì bỏ luôn!
Chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Thúy Hằng hồi đi học sung sướng sang trọng như một tiểu thư đài các. Vì thế Thúy Hằng giống như một loài dây leo mong manh lúc nào cũng phải bám víu vào những cành cây vững chải là gia đình và bè bạn. Không ngờ bây giờ cuộc đời Thúy Hằng lại gian truân mà cũng lại bản lĩnh đến như thế. Có ai ngờ cô gái yếu đuối như Thúy Hằng xưa kia, bây giờ lại có thể làm lãnh đạo gánh vác công việc cả trường? Tình yêu nghề nghiệp hay sự vấp ngã trong tình cảm riêng tư đã xốc nàng đứng dậy, đã thay đổi được bản chất yếu đuối của Thúy Hằng? Thôi, vì lý do gì, tôi cũng mừng cho Thúy Hằng tiến bộ.
Theo lời cô giáo chỉ, chúng tôi lại sang nhà tập thể Trường Trung học cơ sở Long Phú ngồi chờ Thúy Hằng và nghe các cô giáo ở đây tíu tít kể về người lãnh đạo của họ một cách thán phục. Mắt chúng tôi lúc nào cũng đau đáu ngóng ra dòng sông mênh mông nước đang êm ả chảy thật thơ mộng vắt qua cánh đồng bát ngát trước cửa trường trông đợi Thúy Hằng về.
Một cô giáo trấn an chúng tôi:
- Chị Hằng sắp về thôi. Chị chèo ghe sang ủy ban có chút việc trường.
- Trời ơi! Cô ấy biết chèo ghe à? Một người bạn tôi hỏi.
Cô giáo trẻ, quê thành phố, có tên như một nghệ sĩ – Vân Hạ – nhìn chúng tôi cười bảo:
-  Dạ, không riêng gì chị Hằng. Ở vùng sông nước này, ai về đây ít tháng cũng đều biết bơi và biết chèo ghe hết. Chị Hằng về trước chúng em. Chị kể lại rằng hồi trước ở đây vắng vẻ lắm, rất ít đò ghe qua lại; trường còn ở bên kia sông, mỗi ngày đi dạy chị Hằng phải ôm thùng nhựa bơi qua sông.
Cả bọn chúng tôi mở mắt thô lố. Chúng tôi không ngờ cô giáo mà phải vất vả như vậy? Tôi  những tưởng cảnh lặn lội vất vả ấy chỉ có trong giới bộ đội bạn bè chúng tôi!
Thảo nào trông cô nào cô nấy nước da cũng có màu bánh mật!
Tôi đảo mắt nhìn căn nhà tập thể trường. Cũng ộp ẹp, phên tre mái lá đơn sơ. Cũng nền đất lở lói như  những lán trại của các bạn tôi lúc đóng ở rừng mà tôi đã có dịp đến thăm. Cũng mấy cái giường gỗ tạp. Cũng mấy cây đinh trần trụi để mắc áo, không tủ không rương. Có điều tất cả sạch sẽ, ngăn nắp hơn chúng tôi!
 Điều đập vào mắt chúng tôi mạnh nhất là trên mỗi cái bàn viết xiêu vẹo đóng tạm bợ bằng mấy mảnh bàn học sinh cũ đều có một cái đèn dầu; ống khói đèn nào cũng trùm cái chụp giấy cháy vàng!
Thoáng thấy có mấy chiếc áo trẻ con đang phơi ngoài sân. Tôi thắc mắc hỏi Vân Hạ:
- Ở đây mấy cô đã có gia đình?
Vân Hạ cười buồn:
-  Làm gì có anh! Chúng em đều độc thân. Tất cả cô giáo dạy ở đây đều từ thành phố và thị xã về. Bà con, thanh niên nông dân thấy chúng em thì ngại không bước tới. Có lẽ họ sợ chúng em cao sang không gánh vác nổi công việc đồng áng, không thích ứng với vùng đồng chua nước mặn như thế nầy. Ngược lại, thú thật chúng em cũng… hơi ngán!
Vân Hạ vừa dứt lời, một tốp thanh niên mặt mày đỏ gay ngã nghiêng ngã ngửa bước vào nhừa nhựa:
- Các cô giáo đâu rồi? Nấu nước các anh uống coi. Nhanh lên!
Khi thấy chúng tôi đông đảo, một số lại mặc đồ bộ đội, các thanh niên nầy tản lờ bỏ đi. Có người nói:
- Về tụi bây ơi! Bữa nay các em bận tiếp người yêu rồi, không tiếp mình đâu!
Vân Hạ than:
-  Thanh niên ở đây như vậy đó. Làm thì giỏi nhưng hầu hết đều rượu chè be bét như thế! Tối tối họ nhậu say đập cửa hoài. Khiếp lắm. Chúng em sợ lấy chồng như vậy lắm!
Tôi nhìn ra sào quần áo và hỏi lại:
- Không ai có gia đình sao lại có quần áo trẻ em?
Vân Hạ đáp:
- Dạ, của mấy em học sinh nhà bên kia sông ở trọ cùng chúng em. Thấy chúng đi về quá cực khổ, chúng em bảo chúng trọ lại đây và cơm nước cho chúng nó luôn.
Thằng Minh nói:
- Làm cô giáo cũng cực quá hén. Đàn ông chúng tôi xin chịu! Đúng là “cô giáo như mẹ hiền”. Người ta nói không sai.
Vân Hạ cười:
- Cũng muốn làm mẹ hiền lắm nhưng không được!
Thằng Minh chạy ra lu nước rửa mặt. Vừa hớp nước vào miệng, nó phun phèo phèo, chạy trở vô la  oai oái:
- Nước ở đây sao mặn đắng thế nầy?
Vân Hạ cười ngặt nghẽo:
- Nước nôi ở đây như vậy đó. Vùng biển mà anh! Bây giờ đã đỡ nhiều rồi. Những năm tám mươi, chưa ngăn mặn, quanh năm nước mặn đắng, ruộng rẫy bị sâu rầy mất trắng, bà con và chúng em còn khổ hơn. Sống giữa ruộng đồng, sông nước mênh mông mà phải ăn độn cao lương và thiếu nước sử dụng! Trường lớp, bàn ghế, giáo viên… thiếu trầm trọng; phòng nào cũng học ba ca, học sinh phải ngồi dưới đất. Chúng em có người phải dạy hai lớp, tối còn phải dạy bổ túc văn hóa. Thân gái cũng phải băng rừng lội rạch trong đêm. Chúng em những tưởng mình phải bỏ việc, không ngờ bám trụ được đến bây giờ! Cực khổ còn chịu đựng được, chỉ có một điều đáng sợ…
Vân Hạ bỏ lửng câu nói giữa chừng, mắt cô hơi buồn. Tuy nhiên chúng tôi đều hiểu; bởi tâm sự nầy nhiều người đã hiểu. Vâng! Chỉ có một điều đáng sợ là… thời con gái sẽ đi qua, không được làm mẹ hiền như Vân Hạ đã nói!
Bạn tôi có người dường như hối hận nên bảo:
- Lúc chiến đấu cực khổ ở biên giới phía Bắc, tao chỉ nghĩ thầy cô giáo là những người quần là áo lượt, chân dép chân giày và ưa đèo bòng, đòi hỏi! Vì vậy thú thật nhiều lúc tao không khoái giáo viên. Không ngờ…
Có bóng dáng một chiếc thuyền con cập bến. Vân Hạ nói:
-         Chị Thúy Hằng về.
Chúng tôi đổ xô ra bến ghe. Quang là người chạy ra trước tiên. Nó đưa tay vẫy và lớn tiếng gọi, giọng cố kéo dài ra: “Chào… hoa… khôi!”.
Bỗng Quang im bặt. Nó luống cuống đưa tay kéo Thúy Hằng lên bờ. Thúy Hằng xúc động ngã vào vòng tay Quang im lặng thật lâu và hai hàng nước mắt chảy dài. Chúng tôi cũng xúc động đứng nhìn, không ai tỏ vẻ khó chịu hay ghen tức với Quang. Chúng tôi biết tình cảm ấy Thúy Hằng không phải dành riêng cho Quang mà cho cả bọn tôi. Có trải qua mười mấy năm cực khổ, cận kề cái chết mới thấy được tình cảm lớn lao ấy. Có lẽ Thúy Hằng quá xúc động, không ngờ bọn tôi lại lặn lội về thăm. Như sực nhớ ra mọi người đang nhìn mình, Thúy Hằng đẩy nhẹ Quang ra, đưa tay quẹt nước mắt, miệng lắp bắp:
-  Không ngờ…, không ngờ  lại gặp các anh ở đây!
Chúng tôi ngắm Thúy Hằng trân trối. Nàng ốm và đen quá! Mái tóc bồng bềnh đen mướt ngày nào tôi thầm ao ước được một lần vuốt nhẹ nay đã vàng cháy. Đôi má hồng hào và đôi mắt đen láy mà đám bạn tôi từng ao ước được một lần kề môi hôn giờ đã trũng sâu!...
Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, Thúy Hằng mỉm cười bảo:
- Em thay đổi nhiều quá phải không? Hay nói đúng hơn, hoa khôi của các anh ngày nào đâu còn nữa! Gần hai mươi năm tất tả rồi còn gì!
Thúy Hằng nói thêm:
- Nhưng các anh đừng thấy thế rồi thương hại nha! Chúng em ở đây cũng có nhiều niềm vui lắm: học sinh, đồng bào…
Tôi tự hỏi: “Có thật như vậy không?”.
Nhìn dung nhan tiều tụy của Thúy Hằng chúng tôi ai nấy cũng chạnh lòng. Phải rồi! Công việc chồng chất ấy, dòng sông mặn chát kia, cánh đồng nắng gió nghiệt ngã nầy, chiếc đèn dầu với cái chụp giấy cháy vàng ấy… đã cướp đi thời con gái của các cô giáo vùng sâu!

Các bạn tôi trò chuyện với Thúy Hằng có vẻ gượng gạo, không tự nhiên lắm. Ai cũng ngại ngùng, không dám nhìn thẳng vào mắt Thúy Hằng!  
Mặt trời đã ngã xuống cánh đồng. Chiều quê thật bình lặng yên ả. Có lẽ mấy chục năm nay ở đây cũng bình lặng yên ả, ít người biết đến như thế này? Chúng tôi uể oải đứng lên từ giã các cô giáo. Thỉnh thoảng tôi ngoáy lại nhìn, vẫn thấy Thúy Hằng đứng dõi mắt trông theo chúng tôi đến khi mất hút…
Dòng sông quê chợt không còn thơ mộng như lúc chúng tôi mới đến. Nước sông vẫn êm đềm nhưng bỗng như cuồn cuộn chảy cắt lòng tôi!
Đường về, chúng tôi lầm lũi đạp xe và rất ít trò chuyện với nhau, nhất là không còn nghe ai nhắc đến hai tiếng “hoa khôi”!

                                                                                                                                 NAC.

No comments:

Post a Comment