31/03/2014

Một người lặng lẽ ngồi giữ rừng bên bờ biển Đông: “Robinson” cồn Lợi
          Phan Lữ Hoàng Hà

            Công việc giữ rừng nặng nhọc không phải là mối bận tâm của chàng “Robinson” này. Vấn đề là làm thế nào tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sống chỉ một mình và khó liên lạc được đất liền…

            “Nhất kiếm trấn ải”
            Giám đốc Lâm ngư trường Bến Tre Võ Văn Ngàn (quen gọi là anh Ba Ngàn) cho xuồng máy đưa tôi ra cái chòi nhỏ nằm cheo leo ngoài bờ biển Đông, để một lần diện kiến anh chàng “Robinson” này. Hơn 17 năm qua, anh đã tình nguyện đến đó để canh giữ khu rừng chết chạy dài từ cồn Lợi đến cồn Bững thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Đường từ “đại bản doanh” của lâm ngư trường (gần trung tâm xã Thạnh Hải) phải mất hơn một tiếng đồng hồ chạy xuồng máy. Xuồng cứ đâm dọc dâm ngang, uốn éo qua những vạt rừng phòng hộ như đước, bần, mắm, phi lao…đã cao khỏi đầu người, xanh um, bạt ngàn, mát rượi. Đến gần bờ biển, sóng làm chiếc xuồng nhỏ tròng trành chao đảo, bọc nước tung lên trắng xóa. Dưới cái nắng gay gắt của vùng biển, lớp da trên hai tay tôi như áo một lớp muối mỏng. Anh Ba Ngàn giới thiệu trước lai lịch của chàng “Robinson”:
            - Đó là một thanh niên khá vạm vỡ, hiền từ, tên là Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1960, quê xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Trước năm 1992 anh lái ghe cho lâm ngư trường, sau khi lâm ngư trường giao khoán rừng, Huỳnh xung phong ra đây giữ 118 hecta rừng đước, mắm, phi lao. Trong nội dung khoán, mỗi tháng anh được lãnh 331.000 đồng, nhưng mất một cây đước anh phải bồi thường 15.000 đồng và nếu như làm tốt anh được hưởng thêm 150.000 đồng/tháng.
            - Nghe nói chàng “Robinson” cũng có một mái ấm xinh xinh ở quê hương vườn dừa Bình Khánh – tôi hỏi:
            - Đúng. Song ngày ấy Huỳnh đã gật đầu “vác kiếm thân chinh đi trấn ải”. Huỳnh là người rất mạnh…bóng vía. Một mình với đêm ngày giữa biển rừng không một bóng người mà…
            Hoàng hôn đang ngả dần trên biển, nơi những vạt rừng, cồn bãi nằm e ấp bên cồn Lợi. Tôi đứng lên phóng xa tầm mắt. Ngoài kia, mặt nước biển đang giựt xuống làm lộ rõ những bãi bồi nằm gối bên nhau và trải dài xa tít tắp. Ở đó, những người dân đang đi mông, chòi mông (phương tiện tự tạo để lướt trên mặt bùn), đi cà kheo để bắt thủy sản – một công việc mưu sinh thường nhật của dân nghèo tại địa phương…Chỉ tay về hướng đó, Ba Ngàn hồi tưởng:
         - Hồi còn chiến tranh, tại đây có cả địa danh Bến Mông. Hàng trăm chiếc mông sẽ tựu lại khi có yêu cầu chuyển vũ khí từ tàu và giấu trong rừng. Năm xưa nơi đây là đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam
         - Cảnh kiếm sống kia đến bao giờ mới chấm dứt?
           - Khi nắng không còn…
Tôi ngầm hiểu lúc đó nơi đây sẽ còn duy nhất mỗi một “Robinson”, anh chàng “nặng bóng vía” của tôi đây!
Chiếc xuồng máy đã tấp vào căn chòi lá nằm ngẩng mặt ra hướng biển Đông, phía sau là một khu rừng chết.
Tôi và anh Ba Ngàn khom người chui vào căn chòi nhỏ. Huỳnh im lặng, lù lù hiện ra như…một bóng ma. Chàng vui mừng chào “thủ trưởng” và người khách lạ, nhưng lúng túng không biết mời khách ngồi xuống đâu, uống gì. Thấy trong chòi có nhiều chai nhựa, đủ thứ nhãn hiệu Tây – Tàu, tôi không khỏi ngạc nhiên:
         - Ở nơi xa đất liền như thế này, anh mua những chai lọ đó ở đâu mà mua chi nhiều vậy?
Anh cười:
         - Những chiếc tàu qua lại ngoài khơi ném xuống biển mùa gió chướng sóng đẩy trôi giạt vào bờ…
Mọi vật dụng hằng ngày của anh cũng từ biển: đôi dép anh đang mang, chiếc ấm nấu nước, dụng cụ để thức ăn, cao su để anh nhóm lửa nấu cơm…Tất cả đều do nhặt từ ngoài bờ biển trong những chuyến đi tuần tra bảo vệ rừng. Hàng ngày Huỳnh phải lội rừng trên 10 km đi kiểm tra. Hóa ra anh còn là người làm sạch môi trường biển ở một nơi đìu hiu hút gió…
Tôi bước ra ngoài căn chòi quan sát. Một chậu cà tây đang cho trái trên lớp cát. Một bụi rau quế xanh tốt từ lớp phân cá, còng ủ mục do anh chăm bón. Những dây mồng tơi xanh rờn bò lên mái chòi. Còn có cả hai chú chó mực lưỡi có đốm đen. Đây là loại chó ta mà người ta cho là rắn cắn không chết. Và ngộ thay, chúng không bao giờ ngủ trong chòi…
Anh Ba Ngàn ra theo nói:
- Cơn bão Linda (số 5 năm 1997) cơn bão thế kỷ, đã không khuất phục được con người này. Sau bão Huỳnh vẫn tiếp tục ở lại. Công việc nặng nhọc không phải là mối bận tâm với người giữ rừng. Vấn đề là làm thế nào tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sống chỉ có một mình và khó liên lạc được với đất liền. Bởi vậy nước ngọt, rau xanh vẫn là điều mà những người giữ rừng phải chắt chiu, toan tính, nhất là trong những tháng mùa nắng.
Còn trong suy nghĩ của tôi: Có phải từ ý thức bảo vệ sự sống đã thúc đẩy chàng “Robinson” làm nên điều kỳ diệu mà những người giữ rừng trước đó không thể làm được?
Đêm. Tiếng gió rú từng chập. Ngoài khơi xa tiếng sóng bổ gành rền dưới lòng đất, tiếng gió biển rít vi vút qua những hàng đước chết đứng trơ trụi trên nền cát. Tôi hỏi anh Ba Ngàn:
           - Nhưng giữ rừng mà tại sao lại giữ…khu rừng chết?
           - Từ nhiều năm qua bỗng tại đây xuất hiện chuyện cát lấn, cát tràn. Hàng năm, từ cồn Lợi đến cây Bàng (cồn Bững) dài trên 10 km, gió biển đưa cát lấn thêm vào bờ từ 10 – 15 mét. Cát lấn tràn đến đâu thì rừng đước lùi dần đến đó. Cho nên để bảo vệ và cứu lấy rừng phòng hộ bên trong đang rất tươi tốt, những cây đước chết khô kia vẫn phải để nguyên đó, không cho bất cứ ai đốn mất vì đây là màn chắn cuối cùng. Vả lại, khu vực này rất phức tạp gọi là: “Khu Sài Gòn mới”.
            - “Sài Gòn mới”?
            - Dân đây quen gọi vậy. Vào mùa nam lặng gió, hàng trăm con người từ các vùng lân cận tìm đến đây để bắt nghêu, sò và tất nhiên chặt cây rừng.
            Trước năm 1990, rừng phòng hộ ven biển Thạnh Phú bị tàn phá gần như khánh kiệt. Người ta phá rừng để làm vuông nuôi tôm và để sống. Để cứu lấy rừng, Lâm ngư trường Bến Tre ra đời từ đó. Với trên 60 người (không kể số hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng), lâm ngư trường vừa nuôi tôm trên tổng diện tích 971 hecta rừng ngập mặn vừa trồng rừng, từng bước lâm ngư trường đã đứng vững và phát triển trên địa bàn dài hơn 20 km thuộc vùng đất cuối cù lao Minh.
            Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú (gồm 8.825 hecta tại xã An Điền, Thạnh Phong và Thạnh Hải), đồng thời Nhà nước đã có dự án trồng 5 triệu hecta rừng. Trên những thảm rừng mới mà “Robinson” Nguyễn Văn Huỳnh cùng tập thể các anh lính giữ rừng của Lâm ngư trường Bến Tre đã tạo dựng được, nay mai lâm ngư trường sẽ bắt tay vào thực hiện hai dự án quan trọng trên. Đó cũng là niềm an ủi lớn lao đối với một người lặng lẽ ngồi giữ rừng bên bờ biển Đông.

Khu rừng chết.


                                                            (Báo Tuổi trẻ Chủ Nhật năm 1998,
                                                             Giải C báo chí toàn quốc Hội nhà báo

                                                                    Việt Nam năm 1999).

No comments:

Post a Comment