Đến
với trang trại Anh Mỹ
Huỳnh Thanh
Quang
Hàng năm, anh Trần
Minh Mẫn lại rủ các cựu học sinh, giáo viên Trường THPT huyện Mỏ Cày (Bến Tre)
lên trang trại của anh ăn trái cây chơi. Mỗi lần đến đây, tôi thấy diện tích
trang trại của anh càng nở rộng với cây trái sum suê và tôi không khỏi giựt
mình khi biết được mức thu nhập của trang trại này.
Đem chuông đánh ở
xứ người
Anh Trần Minh Mẫn quê gốc huyện Mỏ Cày. Trang trại của
anh có tên Anh Mỹ, rộng 62 hecta, nằm sát sông Bé thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Tân
Uyên, Bình Dương. Đặc biệt là 62 hecta này là đất liền canh, cứ hết khu trồng
quýt thì tới khu trồng cam, trồng bưởi da xanh, mỗi khu rộng khoảng 20 hecta. Và
đặc biệt hơn nữa là tất cả cây giống cam, quýt, bưởi da xanh anh đều đem từ Bến
Tre lên đây trồng.
Chúng
tôi luồn sâu vào vườn cam sành trang trại Anh Mỹ. Anh Thạch Hải, quê huyện Cầu
Ngang (Trà Vinh), một nhân công chăm sóc vườn cây có múi tại đây, cứ lựng khựng
rồi nói:” Có mấy anh đến tham quan vườn cam, kêu tôi hái trái, tôi mới dám
hái…”. Tôi hỏi: “Vì sao? Chỉ xin vài trái, cầm tay chơi cho vui vậy mà. Ở đây,
trái cây phải tính đến con số tấn, tấn”. Anh Thạch Hải là người gốc Khơ me nên
nói giọng cứng cứng: “Làm công việc như tụi tôi mà tự hái một trái, bị phát
hiện, sẽ bị phạt 50.000 đồng. Kỷ luật ở đây nghiêm lắm – anh tiếp lời – hầu hết
nhân công chăm sóc vườn trái cây tại đây đều ở dưới miền Tây (Bến Tre, Trà
Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng…) lên làm, riêng “hệ” này có khoảng 70 nhân công,
tháng chủ trả cho 3,5 triệu đồng, công việc làm liên tù tì, suốt năm. Về ăn,
ngủ: trong trang trại có hai dãy nhà rộng dành riêng cho nhân công”. Lại hỏi:
“Sáng nay mấy anh, mấy chị đang làm gì trong vườn cam này?” Đáp:” Làm giàn đỡ
để giúp trái cam không hoằng xuống. Còn tầng trên ngọn, cũng làm giàn phủ để phủ
lên tấm che chống nắng – lượm lên một trái cam vừa rụng, nám vàng một bên, anh
giải thích – Như trái cam này đây, bị nắng…táp rồi đó”.
Anh Mẫn tâm sự: “ Thật ra, tôi là một dược sĩ. Năm 1999,
tôi và anh Lương Văn Ấu, cử nhân kinh tế, hợp tác đầu tư xây dựng trang trại
này. Anh Ấu là người rất nhiệt tình, giỏi giang và tâm huyết với trang trại.
Đến năm 2012, trang trại chúng tôi gồm 50 hecta nhưng vào năm 2013 đã mở rộng
thêm 12 hecta – anh Mẫn từ tốn – Sự thành công của hôm nay là nhờ các anh em hỗ
trợ, nhất là người quản lý điều hành là anh Trân Văn Thuận nắm rất vững về kỹ
thuật trồng cây có múi”. Tại khu trồng bưởi da xanh, anh Mẫn dẫn tôi đi xem
những cây bưởi thuộc hạng “lão làng”, trong đó có những cây đã 15 tuổi. Tôi lấy
gang tay đo thử gốc bưởi này, úi trời, bề hoành của gốc bưởi hơn 6 gang tay.
Anh Mẫn cho biết chỉ riêng cây bưởi này trang trại thu hoạch trên 20 triệu
đồng/năm. Tôi hỏi anh Mẫn tổng sản lượng trái hàng năm của trang trại, anh nói
cam (cam sành, cam xoàn), quýt (quýt đường, quýt Tiều), bưởi da xanh, mỗi thứ
thu hoạch từ 50 -70 tấn/ha/năm, trong khi đó tại ĐBSCL chừng 20 -25 tấn/ha/năm
là quát tầm. Cam , quýt giá thấp hơn bưởi da
xanh nhưng thu hoạch hai loại này cộng lại, sản lượng khá hơn, khỏe hơn nhiều
so với bưởi (bưởi khi ra bông đến kết trái phải qua nhiều công đoạn kỹ thuật
chi li). Anh Mẫn nở nụ cười:” Cam, quýt năm 2014 có giá hơn 2013, hiện nay, bán
tại đây đã 30.000 - 32.000 đồng/kg…” Tôi làm bài toán và nghĩ thầm: “Vậy là
tiếng chuông của trang trại Anh Mỹ đã ngân vang trên đất miền Đông…”.
Bưởi da xanh tại trang trại Anh Mỹ |
Lợi thế miền Đông
Đất đai phì nhiêu, mầu mỡ, có thể mở rộng diện tích
liền canh chừng vài chục hecta để có sản lượng lớn, sản phẩm đồng đều là điều
có thể thực hiện được tại miền Đông. Còn tại ĐBSCL, hộ chỉ vài hecta (những
người có nhiều đất ) nên việc canh tác, sản xuất tại đây vẫn trên nền nhỏ lẻ, manh
mún, khó chủ động nhất là về mặt sức cung.
Để phát huy lợi thế của miền Đông, anh Trần Văn Thuận cho
biết về sức đầu tư của trang trại: Về phân bón, cứ khoảng 2 tháng chi 1 tỷ đồng,
gồm 600 triệu đồng phân vô cơ, 400 triệu đồng phân hữu cơ. Riêng về hệ thống
tưới cây, hệ thống tưới này được đặt âm dưới lòng đất, béc phun tưới nước tự
động, đầu tư tính ra khoảng 60 triệu đồng/hecta. Trang trại sử dụng điện 3 pha
trên sông Bé, vào mùa khô, cứ hai, ba ngày, các cây nước sẽ xoay vòng tưới đều
các gốc cây ăn trái. Toàn bộ lưới điện 3 pha do chính quyền Bình Dương tài trợ,
chi phí gần 1 tỷ đồng cách đây 7 năm. Tôi hỏi anh Năm Hiền (quê xã Bình Khánh
Đông, Mỏ Cày Nam ,
Bến Tre), người quản gia của trang trại: “Khi thu hoạch, trái cây của trang
trại chở đến các vựa?” Anh Năm cười hiền: “Các mối đến trang trại, thu mua và
đóng gói tại đây. Dịp gần tết…sung lắm vì lúc này là thời điểm thu hoạch bưởi
da xanh”.
Rảo khắp khu trồng bưởi da xanh bên bờ sông Bé của trang
trại, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy nơi đây bưởi không “ngủ mùng”
(bao trái), tôi hỏi gặng anh Mẫn: “Ba, bốn năm qua, sâu hồng tấn công dữ dội
vào các vườn bưởi tại Bến Tre, ĐBSCL. Để bảo dưỡng trái bưởi không bị xì mủ do
sâu hồng đục, các chủ nhà vườn tại đây phải may bao bằng vải mùng và cho bưởi
“ngủ mùng” khi trái mới bằng ngón chân cái. Vào một vườn bưởi da xanh, thấy màu
trắng, đỏ của bao vải mùng bịt trái nhiều hơn màu xanh của cây trái!?” Anh Mẫn
cho rằng sở dĩ nơi đây không có sâu hồng vì đất rộng, liền canh, mọi biện pháp
về trừ sâu được khoanh vùng, xử lý kỹ thuật triệt để. Còn tại dưới quê nhà (Bến
Tre – ĐBSCL), người ta chỉ canh tác trên diện tích 5-7 công đất hoặc một vài
hecta, đất lại san sát nhau, xịt thuốc bên này, sâu bay sang bên kia rồi đáo
lại tiếp tục phá hại cây trái.
PGS- TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên
cứu cây ăn quả miền Nam
đã một lần đến trang trại Anh Mỹ. Ông đánh giá rất cao trang trại này vì thu
nhập tại đây rất cao, ông nói: “Ở miền Đông mà làm được trái vụ trên cam quýt
thì tay nghề phải rất cao, người trồng vừa nắm được kỹ thuật vừa nắm được thị
trường lúc nào cần”.
Tôi
đã nhiều lần ăn cam, quýt, bưởi da xanh của trang trại Anh Mỹ. Chất lượng múi
ngon ngọt, thanh khiết và khi ăn tôi không có cảm giác lo lo như phải mua các
loại trái cây có hình thức sặc sỡ, tươi chong đang tràn ngập ngoài các chợ.
Anh Trần Minh Mẫn. |
No comments:
Post a Comment