29/03/2014

Những giọt máu, những nụ hoa cho đời

      
            Phan Lữ Hoàng Hà

            Một sáng ra Tòa soạn báo Đồng Khởi, chị Mai Hoa, trưởng phòng công tác bạn đọc của báo, trao tôi phong thư, tôi vội mở ra xem. Ra đó là một bức thư của bạn đọc tên Đoàn Văn Minh, ngụ ở ấp Thạnh Đông, xã Hương Mỹ, Mỏ Cày. Trong thư, anh Đoàn Văn Minh viết:
            “…Vào một đêm, trong tình trạng nguy kịch, cô em vợ của tôi (tên: Cù Thị Mãnh, ngụ ấp Vĩnh, xã Đại Điền) đã được trạm xá Tân Phong chuyển đi cấp cứu sản ở bệnh viện Mỏ Cày lúc 5 giờ 30 sáng. Lúc đó huyết áp của cô đã kẹp (5/3), và sau khi hội chẩn, bác sĩ khoa sản Lê Phi Long cho biết là nơi bào thai của cô em vợ tôi đã phải “nhau tiền đạo trung tâm, cài răng lược” thế nên phải mổ khẩn cấp. Mà mổ thì phải cần tiếp máu. Máu đâu? Một đứa con của cô Mãnh sẵn sàng nhưng ngặt nỗi không đúng nhóm máu, ở bệnh viện cũng lại chưa có ngân hàng máu. Và thế là bác sĩ Lê Phi Long – người trong chốc lát nữa đây sẽ trực tiếp phẫu thuật cho cô Mãnh – quyết định tự hiến máu của mình. Cùng với một đơn vị máu của bác sĩ Lê Phi Long, cộng với truyền dịch, tình trạng nguy kịch ở cô Mãnh từ từ đã được cải thiện, ca phẫu thuật để cứu mẹ lẫn đứa con được tiến hành và kết thúc tốt đẹp. Mười ngày sau đó, cô em vợ tôi xuất viện với cháu nhỏ đã biết đưa mắt nhìn bầu trời. Cả hai mẹ con đều khỏe mạnh trong xúc động của mọi người…
            Song nếu bác sĩ ấy lặng đi, không cho máu, thì sẽ ra sao?
            Nay tôi viết thư này gởi đến quí báo để nói lên tấm lòng cao cả của một bác sĩ đang công tác tại một huyện mà người ta quen gọi là: “Cái nôi quê hương Đồng Khởi”.
                                                                                    Ký tên (Đoàn Văn Minh).
            Đọc những dòng tường thuật trên, thú thật, lòng tôi không khỏi xúc động và trân trọng đối với một “lương y như từ mẫu”. Song, sự việc không rõ thực hư ra sao, thế là tôi quyết định đến ấp Vĩnh (xã Đại Điền).
            Hướng dẫn tôi đến thăm mẹ con chị Cù Thị Mãnh là anh Lượm – Trưởng công an xã Đại Điền. Đường đến nhà chị Mãnh khá xa, lại phải bước đi rất chật vật trên những đoạn đường nổi sình cháo, song trong lòng vẫn thấy có điều gì đó bồn chồn và cũng chính từ niềm vui, sự cảm phục đó đã thôi thúc tôi tìm đến một nơi xa xôi và quá ư hẻo lánh như ấp Vĩnh của xã Đại Điền. Trời vẫn mưa không ngớt…
            Tôi vào nhà chị Mãnh, lúc chị đang ru cháu ngủ (đứa bé được sinh ra trong ca mổ thập tử nhất sinh). Chị Mãnh xúc động mạnh, bồng cháu lên nói:”Ơn đối với bác sĩ Phi Long, với tập thể y, bác sĩ bệnh viện Mỏ Cày, biết bao giờ…em mới trả hết. Anh Đoàn Văn Minh – người anh rể của em – có đến đền ơn bác sĩ Phi Long 2 triệu đồng gọi là “tiền máu”. Song, bác sĩ Phi Long nhất quyết không nhận. Với anh Minh, tánh tình anh ấy rất sòng phẳng, ai giúp mình, thì mình phải “trả ơn” lại như vậy, lòng anh ấy mới yên ổn…”. Rồi chị Mãnh bế cháu nhỏ đến sát tôi, cho tôi xem. Cháu ngáp thật dễ thương, chị Mãnh nói tiếp: “Đến nay, cháu được 1 tháng 16 ngày…”. Không khỏi băn khoăn (dù chuyện đã qua hết rồi), tôi hỏi chị Mãnh: “Trước đó, chị có đi…siêu âm?”. “Có. Nhưng bác sĩ ở phòng siêu âm không nói là em có nhau tiền đạo. Ấy mới chết! Thế là khi thai của em 9 tháng nó phải bể ra và ra huyết dữ dội. Các y, bác sĩ sản khoa ở trạm y tế xã Tân Phong đành bó tay!”.
            Ngược lớp bụi đỏ bốc cao mù trời trên đường 888, tôi đến bệnh viện Mỏ Cày và tìm gặp bác sĩ Lê Phi Long. Được biết, đêm đó bác sĩ Long đã đứng mổ liên tiếp cả thảy 7 ca và với chị Mãnh là ca thứ 8, và ca ấy đã kéo dài luôn tới sáng. Một y sĩ (xin yêu cầu không nêu tên) ở bệnh viện Mỏ Cày nói với tôi: “Đâu chỉ riêng trường hợp của chị Cù Thị Mãnh, mà nhiều trường hợp khác nữa, bác sĩ Phi Long sẵn sàng cho máu mình, cứu người”
            Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh năm 1989 và từ đó bác sĩ về công tác tại bệnh viện Mỏ Cày. Hiện bác sĩ là Trưởng khoa ngoại và khối ngoại sản của bệnh viện huyện. Ngoài ra còn là bí thư chi bộ 1, chi ủy viên Đảng ủy y tế Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày. Còn về sự tận tụy và lòng cao cả của một thầy thuốc đối với bệnh nhân – như bác sĩ Lê Phi Long – tôi đã nghe rất nhiều người dân ở thị trấn Mỏ Cày nói đến với lòng trân trọng. Những giọt máu ấy, chính là những nụ hoa cho đời…

                                                                                             (Giải C báo chí toàn quốc

                                                                                               Hội nhà báo Việt Nam năm 1997).

Bác sĩ Lê Phi Long.

No comments:

Post a Comment