24/05/2013

Quán cơm chay của ông tiến sĩ




 Phan Lữ Hoàng Hà

          Bỏ ra nhiều tỉ đồng mở quán cơm chay khang trang, bán thức ăn rất rẻ. Bán cơm không để làm giàu mà làm việc nghĩa.

            Trên miếng đất mặt tiền rộng 2.000 m2 tại 538 C Nguyển Đình Chiểu, phường 8, thành phố Bến Tre, Tiến sĩ Lương Văn Tô My (Bến Tre) mở quán cơm chay lấy tên Nhường Trà. Ở ngôi nhà xây hình bát giác, nơi đón khách vào dùng các món chay, phía trên cao giữa nhà anh treo một khung kính hình chữ nhật, rất trân trọng với bốn chữ vàng: Tôn sư trọng đạo. Điều đặc biệt là quán cơm chay này bán giá rất mềm: Điểm tâm với cơm Dương Châu, bánh ướt, hủ tiếu; cơm trưa...

Anh Lương Văn Tô My phục vụ khách đến quán chay Nhường Trà

            Từ một đêm kinh hoàng
            Tấm lòng nhân hậu của ông tiến sĩ bán cơm được hun đúc từ chuyện đau thương đã ập đến gia đình ông năm 1967. Ông kể: “Khoảng 11 giờ đêm, khi cả nhà đang ngủ, một trái cà nông 155 li từ căn cứ Bình Đức của Mỹ (Tiền Giang) bắn trúng nhà tôi. Cha, mẹ, người anh thứ ba của tôi và hai người thân trong gia đình chết ngay trên giường ngủ. Tôi và bốn đứa em nhỏ may mắn thoát chết. Lúc đó tôi 12 tuổi, đứa em út mới hai tuổi!...”
            Ngay sau đêm tang tóc đó, ông My cùng bốn người em đến tá túc nhà người cô, ông tiếp tục theo học lớp 7. Có điều, gia đình người cô quá khó khăn, mấy anh em được cưu mang vài tháng thì phải vào sống tại cô nhi viện Bạch Vân (ấp Bình Nguyên, nay là phường 6, TP Bến Tre).
            Suốt thời gian theo học trung học, ban đêm ông My làm thợ nhồi bột làm bánh mì. Từ 4 giờ sáng đến lúc vào lớp, ông đi bán bánh mì ở chợ. Chiều về, phụ bán nước giải khát cho học sinh tại căng tin của trường để được ăn cơm miễn phí.
            Sau khi thi đậu tú tài hai, ông lên Sài Gòn học lấy chứng chỉ dự bị đại học. Thời gian này, để có tiền đi học, hằng tuần ông về Bến Tre lấy kẹo dừa lên bỏ mối ở Chợ Lớn. Có lúc ông đi bán rượu lẻ cho lính Mỹ tại các snack bar ở sài Gòn, lúc lại đi dạy thêm tại trường cai nghiện ma túy Duy Tân.
            Về chuyện bán rượu lẻ cho lính Mỹ, ông giải thích: “Tại các snack bar, khi lính Mỹ say khướt rồi, mình cứ xáp vào đứng kế bên, rót ly rượu nào thì họ sẽ trả ly đó. Bấy giờ, các bà chủ snack bar rất kiêu căng nhưng ngộ thay lại thương cảm hoàn cảnh khó khăn của sinh viên. Các bà ấy cho tụi này cứ tự nhiên vào quán…bán rượu kiếm tiền đi học”. Ông thi đậu vào Đại học Y Dược TP.HCM khóa đầu tiên sau giải phóng và khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại làm giảng viên của trường, được đi Nhật làm nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh răng, hàm, mặt tại Nhật Bản.
            Tìm hạnh phúc chứ không để làm giàu
            Ông My tâm sự: “Tôi xem quán chay này là nơi để các thầy cô, bạn bè, học sinh tại tỉnh nhà gặp gỡ, tâm tình, giúp đỡ, hướng dẫn nhau trên các nẻo đường rồi thưởng thức các mon chay vừa rẻ vừa nhiều dinh dưỡng để có sức khỏe tiếp tục cho sự học, cho cuộc mưu sinh khó khăn, vất vả phía trước. Với tôi, để duy trì sức sống lâu dài cho quán, tôi chỉ mong huề vốn hoặc có lời chút đỉnh là được rồi”.
            Hiện nay, từ TP.HCM mỗi tuần ông về quán một lần. Như mọi người phục vụ khác tại đây, ông dọn bàn, mang từng phần cơm cho khách, cho các thầy cô, các bạn học sinh. Với ông, bài học khi mở quán chay này là biết tiết kiệm được đồng tiền từ công việc từ tâm bao giờ cũng khó. Nhưng đó là niềm hạnh phúc mà ông đang có.

Anh Lương Văn Tô My (giữa, áo trắng) tại buổi phát học bổng cho học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre.

                                                                                                                  

No comments:

Post a Comment