08/05/2013


Phóng sự
Ký ức xe lam

            Huỳnh Thanh Quang

            Những bến xe dành riêng cho xe lam như trước đây hiện không còn nữa mà xe lam đang luẩn khuất ở các bến cũ. Ở đó, ngày xuất hiện càng nhiều dòng xe tốc hành đời mới, đưa đón khách như con thoi… Tại bến xe chợ xã Tiên Thủy, số điện thoại di động của người chạy xe lam được vẽ bên một góc tường để gọi là…tiếp thị dịch vụ xe lam. Hình ảnh của xe lam bây giờ thật lặng lẽ, tứ tán.
Thời vang bóng
Trước năm 1975 và chừng 15 năm sau đó, xe lam là phương tiện đi lại quen thuộc với mọi người. Tại tỉnh lỵ Kiến Hòa ( Bến Tre), trước năm 1960 cũng đã có xe lam từ tỉnh lỵ chạy sang cầu bắc Rạch Miễu và ngược lại; từ quận Hàm Long (nay là xã Tiên Thủy) đến tỉnh lỵ và từ chợ Mỏ Cày đến cầu bắc Hàm Luông và ngược lại. Xe lam từ tỉnh lỵ Bến Tre đi bến bắc Rạch Miễu sơn màu trắng, từ tỉnh lỵ đi Hàm Long sơn màu xanh da trời. Tại các chợ xã có đường bộ nối với các huyện lộ, tỉnh lộ, xe lam tuy không nhiều vẫn có mặt vài chiếc, tài xế là người lao động tại địa phương. Tiếng máy nổ của xe lam nghe thật ấn tượng. Nó nổ phum phum, đều đặn và nơi ống bô thoát ra những lọn khói trắng như người hút thuốc lá nhả khói ra hình chữ o. Xe lam có hai băng ghế đặt đối diện ở phía sau, mỗi băng nghế dành cho 5 khách và để tranh thủ rước thêm khách, tài xế chen thêm hai ghế súp ở giữa, ghế súp này thường là cái thùng đạn đại liên đựng đồ phụ tùng xe, người ngồi ghế súp phải ngó mặt ra phía sau xe cho bớt…ngộp. Lại nhớ đến một kỷ niệm: Thuở còn học sinh, dù đã học lớp 11-12 nhưng khi có dịp đi xe lam cùng với bạn học nữ, chúng tôi không hề dám ngồi sát bên trên cùng một  băng ghế với cô bạn ấy, mà phải tìm một vị trí ngồi đối diện, nơi gần nhất với cô ấy thôi. Ấy vậy mà còn…mắc cỡ…Tóm lại, với lộ trình chừng 20 km trở lại, xe lam tỏ ra thật đắc dụng trong đưa đón khách bộ hành, kể cả khách mang theo chiếc vali to hay có kèm theo chiếc xe đạp. Với những khách trên, bác tài sẽ thảy hành lý lên mui xe, lấy thêm tiền ba-ga (hành lý).
            Bác Tư Phước, ngụ phường 7, TP Bến Tre, người đã đến với chiếc xe lam từ năm 1957, nay đã rời nghề, nhớ lại: “Xe Lambretta, Lambro người ta quen gọi là xe lam. Trước năm 1957, những chiếc xe lam do nước Ý sản xuất đã được nhập vào miền Nam Việt Nam. Đợt đầu là xe lam trần (không có đóng thùng và mui như sau này), kế đến là xe lam với đầu cabin nhỏ và sau được cải tiến thành đầu cabin lớn như ta thấy hiện nay. Máy xe lam (Lambro) từ 175 đến 200 phân khối, trọng tải chừng 1 tấn trở lại; nếu máy xe còn tốt, xe chở khách chạy chừng 10 km tốn khoảng 1 lít xăng. Tại tỉnh lỵ Kiến Hòa và sau đó là thị xã Bến Tre, thời “sung” nhất, chỉ riêng bến xe này đã có trên 60 chiếc xe lam đưa đón khách…”.
            Xe lam thời bao cấp
            Nhưng vào thời bao cấp từ 1975 đến khoảng năm 1990, nghề chạy xe lam thật vất vả, thu nhập của tài xế xe lam chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Bác Tư Phước kể: “Máy móc xe ngày càng bị tiêu hao, xuống cấp nhưng thời đó không có phụ tùng xe để thay thế. Để duy trì chạy qua ngày, hầu hết anh em tài xế đều tự chế từ máy móc đến chiếc vỏ xe. Thế nhưng, với vỏ xe chẳng hạn, vỏ xe đắp lại, xe chạy được chừng 3 tháng là đã mòn nhẵn! Mỗi ngày một xe lam được cấp phiếu mua 2 lít xăng theo giá chính thức, tức trong ngày chỉ đủ chạy một rờ tua  từ thị xã Bến Tre sang cầu bắc Rạch Miễu và trở về. Để có đủ nhiên liệu chạy, tài xế xe lam pha thêm chừng nửa phần dầu vào xăng, thành ra xe chạy nhả khói đen mù mịt. Mỗi lần muốn khởi động máy xe lam, các bác tài phải hì hục…bơm xăng mồi”.
            Thời đó, xe lam đậu dài dài ở bến nhưng khi khách đến xe đâu có chạy liền. Tất cả thật rề rà. Vì như đã nói, đem 2 lít xăng mua theo giá chính thức rồi bán lại cho người khác, có lẽ còn khỏe hơn so với chạy một rờ tua chở khách theo giá qui định. Nhiều tài xế xe lam lớn tuổi, không còn đủ sức khỏe, lần lượt rời nghề cũng từ dạo ấy. Và xe lam thật sự lùi dần vào quá khứ khi tuyến đường từ thị xã Bến Tre sang Tân Thạch (cầu bắc Rạch Miễu) bắt đầu có xe buýt dập dìu như con thoi.

Xe lam thời bao cấp

            Mai một nhưng vẫn sống
            Tại Bến xe khách số 1 trên đường Trần Quốc Tuấn, phường 4, TP Bến Tre (sau hồ bơi Hoàng Lam), xen lẫn trong dòng xe khách, xe buýt, xe tốc hành đời mới, mỗi sáng, vẫn còn một hai chiếc xe lam đậu ở đó. Những chiếc xe lam ấy trông lặng lẽ, khép nép. Tôi tìm một bác tài lái xe lam để hỏi chuyện về hiện tại của xe lam. Thì ra, người tài xế xe lam mà tôi muốn gặp đang thư thả ngồi uống cà phê ở bên kia đường. Anh là Nguyễn Phi Hùng, 59 tuổi, ngụ phường 6, TP Bến Tre, người có trên 20 năm thăng trầm với chiếc xe lam. Anh Hùng giới thiệu với tôi, những người đang ngồi cùng anh, có người tuổi ngoài 60, cũng là những người có duyên nợ với xe lam. Giới thiệu xong, anh Hùng tiếp lời: “Cứ vài buổi sáng thì tôi chạy chiếc Lambro 550 của tôi ra đây một lần, để cho có mặt, để cho người ta biết là hiện vẫn còn xe lam. Nhiều khi cả tuần tôi mới có một chuyến chạy cho khách. Thế nên, thu nhập của tài xế xe lam bây giờ như chờ…sung rụng. Song, tuổi tôi đã gần 60 rồi, giải nghệ biết làm nghề gì khác!”
            Theo anh Hùng, phụ tùng máy móc xe lam bây giờ thứ gì cũng có, chiếc xe lam của anh cũng được sơn phết, tân trang trông khá lịch sự, nhưng ngặt nỗi là giờ đây rất ít người chịu đi xe lam. Quá ế, anh em chạy xe lam bây giờ lãnh luôn chở hàng hóa. Nhưng chở hàng hóa, thì làm sao xe lam cạnh tranh nổi với xe ba bánh Trung Quốc, xe tut-tut (Thái Lan) xe Vinaxuki (Việt Nam)… vì các loại xe này có sức kéo và tải trọng hơn hẳn xe lam. Tuy nhiên, anh Hùng cho biết xe lam vẫn còn một cửa sống là để chở những… đám ma nghèo ở ngoại ô, chở các tăng ni ở chùa đi cúng, chở các thầy tụng đi cúng kéo cửa mả, chở người đi quét mộ ở nông thôn mỗi độ xuân về, tết đến...; xe lam lại lấy giá phải chăng. ” Có khi nào xe lam chở…đám cưới - những đám cưới nhà nghèo?”- tôi hỏi. Anh Hùng nhún vai: “ Hồi trước năm 1990 thì còn lai rai, chứ bây giờ mà đàng trai đến đàng gái bằng… xe lam chắc là đàng gái sẽ…”dội”. Hiện nay, xe thuê đời mới từ 12 chỗ ngồi trở lên lềnh khênh. Đi cho nó sang chút mà…”.
            Với Bác Tư Phước, anh Phi Hùng và nhiều anh em tài xế xe lam khác nữa, chiếc xe lam đã là một phần của cuộc đời họ với biết bao kỷ niệm vui buồn, thăng trầm cùng năm tháng với nó. Chiếc xe lam của bác Tư Phước đã góp sức nuôi bảy người con của bác ăn học, lớn khôn thành người. Và với các tài xe lam, đây là những người đã chứng kiến với hồi ức sống động và xác thực nhất về bước phát triển giao thông đường bộ trên đất cù lao Bến Tre. Bác Tư Phước thì thầm: “Trước giải phóng, con đường tỉnh từ ngã Ba Tháp-Bến Tre qua Tân Thạch-cầu bắc Rạch Miễu …hẹp té với hai bên đường vườn tược xác xơ vì chất độc khai quang, rồi còn phải chờ phà. Bây giờ đường kia đã thành quốc lộ, thoắt cái là, đã đến cầu dây văng Rạch Miễu bắc qua sông Tiền. Xe cứ phom phom mà chạy…”.

Anh tài xế xe lam thong thả ngồi võng, chờ mối chạy.

No comments:

Post a Comment