26/05/2013


 Phóng sự

Vui buồn trên ngọn cây dừa

Huỳnh Nguyên Khang

            “Cuộc chiến” dừa khô nghe cứ nóng hổi, giá dừa dù có thăng trầm lên xuống nhưng hiện nay dừa vẫn tiếp tục xuất sang Trung Quốc, nông dân có phần phấn khởi. Nhưng bên cạnh câu chuyện trái dừa lên giá, có ai thấm thía sự cực nhọc và lắm rủi ro của những người bẻ dừa, giựt dừa tại vùng sâu.


Thợ leo dừa

 

            Một lần… “ phi thân”
Ngồi ở khu vườn của anh Tư Ri tại ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, ( Châu Thành, Bến Tre), thỉnh thoảng anh Lương Nhân Huỳnh đứng lên, phóng xa ánh mắt đến những ngọn dừa cao phía trước. Đêm qua trời mưa quá lớn nên sáng nay công việc bẻ dừa của anh đành phải chờ cho tới khi nắng lên mới có thể bắt đầu.
            Nắng đã lên nhiều, anh bắt đầu cởi áo, vào việc. Nhìn tấm thân trần của người đàn ông gần 50 tuổi này, tôi khá ngạc nhiên khi thấy bộ ngực của anh như bị…lép hết một bên. Biết tôi thắc mắc, anh xoa xoa một bên ngực, kể: “Leo dừa hay bị trượt, mỗi lần trợt, tôi chỉ còn cách phải lấy một phần bên ngực chịu vào thân cây dừa. Lắm khi lát cả da ngực…”. Anh lắc đầu: “30 năm sống nghề leo dừa, tôi ngán nhất là lúc sau mưa hoặc gặp những cây dừa bám đầy rong xanh trên đó. Rớt xuống đất như chơi!...”.
Nói rồi, anh giắt chiếc câu lim giựt dừa vào bên hông mình và tròng chiếc nài leo dừa vào đôi chân, thoăn thoắt lao nhanh vào công việc của một người thợ bẻ dừa chuyên nghiệp. Anh Huỳnh đang leo lên gần tới ngọn một cây dừa cao khoảng 18 mét. Anh tiến sát tới những tàu dừa  xòe ra ngay trên đầu anh…
            Từ dưới đất, anh Ri ngóng nhìn lên cây dừa anh Huỳnh sắp bẻ trái, nói : “Ông Huỳnh lên đó, làm một lúc đến ba việc chứ chẳng phải chỉ bẻ dừa không thôi” . “ Hai việc kia nữa là gì?”- tôi hỏi. Ri tiếp lời: “Lục chuột và dọn dừa – hai yêu cầu thêm mà các chủ vườn dừa luôn cần khi mướn người bẻ dừa”.
            Lục chuột? Khi anh Huỳnh vừa áp sát vào ngọn dừa, nơi lũ chuột dừa thường là ổ, anh tranh thủ tóm ngay chúng để nó không còn cắn phá, gây hại trái dừa. Còn như khi bị phát hiện, lũ chuột chạy tuôn xuống đất, người dưới đất sẽ rượt chuột mà đập, đó là nhiệm vụ hôm nay của anh Ri. Tư Ri tặc lưỡi: “Nhưng để đập cho dính chuột, không dễ đâu nghe ông bạn – Tư Ri huơ huơ chiếc chà mo nang trên tay mình, giọng chắc nịch – Huơ trúng chuột, nhưng phải huơ hướng ngược lên từ dưới đất lên trời thì nó mới…bất tỉnh. Ngược lại, chúng dông mất tiêu…”
            Tôi thích thú với kinh nghiệm tóm của Ri. Nếu bạn là người trồng dừa, bạn sẽ la trời trước nạn chuột đục khoéc trái dừa . Ở hầu hết vườn dừa xưa nay, dừa chưa đến lứa để bẻ, giựt, chuột cắn phá, trái rụng đầy vườn, thấy mà xót xa.
            Dọn dừa? Sau khi bẻ dừa xong, người thợ bẻ dừa còn giúp chủ vườn dừa thêm khâu dọn sạch trên các ngọn dừa như tước bỏ những tàu lá dừa khô, mo nang để chủ làm chất đốt; cắt gọn nhen dừa để bẹ dừa dễ bung ra cho bông, kết trái. Không làm việc đó, cây dừa chậm cho trái, vườn dừa trở nên thâm u, không gian thiếu đi sự thoáng đạt.
            Anh Huỳnh vừa tuột xuống một cây dừa. Anh gạt dòng mồ hôi trên trán rồi đưa cho tôi xem một mớ chuột dừa anh đã bắt,  nói: “Con nào mở mắt, tức khi bắt nó vẫn còn sống, chủ vườn sẽ thưởng cho người lục chuột 7.000 đồng/con. Chuột mẹ và chuột con, tổng cộng ở cây dừa này là…7 trự”. Như vậy ngoài tiền công bẻ dừa, chỉ riêng cây dừa có chuột trú ngụ này anh Huỳnh được chủ cho thêm gần 50.000 đồng. Tôi hỏi anh Huỳnh: “Chuột bắt được chủ lấy hết hay đó thuộc phần của người lục chuột?”. Anh Huỳnh cười: “Giao hết cho chủ chớ. Tuy nhiên, xin lại ít con để chiều lai rai với vài xị đế là  chuyện nhỏ thôi. Chuyện lớn là chuột sẽ không còn cắn phá gây hại vườn dừa …”.


            Nghề lắm rủi ro
            Chiều. Lúc ngồi lai rai với mấy con chuột dừa quay chảo, anh Huỳnh thổ lộ: “ Trong nghề leo dừa, “phi thân” có nghĩa là bị té từ trên cây dừa rơi xuống đất. Tôi đã bị một lần rồi…”. Anh Huỳnh đưa chân lên cho tôi xem cái cổ chân của anh bị tật từ lần té dừa đó. Giọng anh còn bàng hoàng: “Khi leo dừa, tôi vốn là người rất kỹ vậy mà vẫn thua! Rất may, cây dừa mà tôi bị té nó cao chỉ 8 mét…”. Anh Huỳnh kể tiếp về lần…”phi thân” đó: “Khi tôi leo đến gần các quài dừa tôi sắp bẻ, để chắc ăn, tay tôi không bám lấy bẹ dừa thứ ba mà tôi cố rướn người lên, vớ lấy đến bẹ dừa thứ tư. Khi tay tôi đã vớ vào bẹ dừa thứ tư, tôi liền thoát người lên ngọn dừa thì mới biết bẹ dừa đó đã bị đuôn ăn, bẹ dừa đã rất yếu! Tất cả đã không kịp rồi!....”
            Lúc từ trên cây dừa rơi xuống đất, cái nhạy nhất ở anh Huỳnh là anh vẫn còn đủ bình tĩnh để nắm lấy chiếc tàu lá dừa để cùng tàu lá dừa rơi xuống đất. Anh Huỳnh thở phào: “Tàu lá dừa đó chính là…chiếc dù nhỏ, đở lắm nghen. Còn khi rơi xuống, chỉ trơ trọi thân mình, nó chẳng khác chi... bịch muối! Nhờ vậy mà lần đó tôi chỉ bị…gãy cổ chân”.
            Người thợ bẻ dừa còn phải đối mặt với biết bao trắc trở khi leo lên đến ngọn dừa, vì từ dưới đất nhìn lên đâu có thấy được gì trên ngọn. Khi vừa áp đến ngọn dừa, nào là ong bần, ong lá, các loại kiến đã phục sẵn trên đó. Rối rắn lục gió, rết, tắc kè…nó le lưỡi khè khè, sẵn sàng tấn công khi nhận biết có hơi người. Một con ong đốt vào đầu người bẻ dừa, nếu người bẻ dừa yếu bóng vía, không bình tĩnh, lì đòn, mọi bất trắc khi ở trên cao đều có thể xảy ra với họ. Ông Hai Biếu, một nông dân chuyên bẻ dừa trước đây tại xã An Hiệp, bị bể xương chậu, nay đã từ giã nghề leo dừa cũng từ một trong những bất trắc đó. Ngược lại, ông Đạo Son, người bẻ dừa vang danh ở xã Sơn Hòa, khi “tác chiến”, ông…nhét bông gòn vào hai lỗ tai để tránh kiến. Mấy chục năm theo nghề bẻ dừa, ông vẫn khỏe re. Dù vậy, nhưng do leo dừa bằng nài, lại leo liên tục  từ năm này sang năm khác nên hiện nay nơi hai cổ chân của ông  phù to, thấy thương…
            Giựt dừa thời di động
            Người thợ leo dừa, bẻ dừa bây giờ không còn nhiều do nghề này quá cực nhọc và nhiều rủi ro. Thế nên,  hiện nay, giựt dừa là nghề trở nên thịnh hành hơn. Anh Huỳnh tỏ ra phấn khởi: “Giá dừa khô đã cất lên, hiện nay ngoài 60.000 đồng/chục, giúp cho người giựt dừa càng “có giá”. Người thợ đi giựt dừa ăn công bây giờ cũng le lắm, chạy xe máy và có cả điện thoại di động để…lên lịch bẻ dừa cho từng địa bàn có vườn dừa đang chờ. Cứ alô một tiếng, các “chuyên gia” giựt dừa sẽ …lên lịch cho…”.
            Để tiện việc di chuyển và nhất là sợ Cảnh sát giao thông phạt, dụng cụ giựt dừa bây giờ rất gọn gàng, hiện đại. Nếu như trước đây, giựt dừa bằng sào, những cây sào bằng cây tầm vông tháp lại rất kềnh càng, thì hiện nay là ống tiếp. Những đoạn ống tiếp sắt mạ, mỏng, dài 3 mét, kính 3,4 cm, 4,2 cm rồi ráp lại với nhau tùy theo chiều cao của cây dừa được mướn giựt (thường cao trên dưới 15 mét). Giựt dừa xong ở một khu vườn, người giựt dừa tháo các ống tiếp ra, bó thành một bó. Thế là sau đó họ vác bó ống tiếp đó sang khu vườn khác tiếp tục “tác chiến”, mọi thao tác thấy gọn hơ.
            Nhưng giựt dừa không tính tiền công cao như người bẻ dừa. Bẻ dừa, cứ leo lên một cây dừa, dù bẻ chỉ một hai trái dừa/cây, chủ vườn vẫn phải trả tiền công tối thiểu 5.000 đồng/ cây. Một người bẻ dừa giỏi, ngày có thể leo đến 100 cây dừa. Riêng giựt dừa, chủ vườn sẽ được tính theo số trái dừa đã giựt xuống. Cứ một trăm dừa (120 trái), giá hiện nay là 30.000 đồng. Một người giựt dừa giỏi, vào mùa dừa không treo (từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch năm sau), mỗi ngày có thể giựt một thiên dừa (1.200 trái), tức có thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày… Anh Lương Nhân Huỳnh nói với tôi, cũng nhờ kiên trì với những trái dừa khô giựt xuống không khéo có khi rơi trúng đầu, nhưng anh đã cố nuôi cho đứa con gái của anh học vô đại học.
Diện tích vườn dừa tại Bến Tre hiện trên 52.000 ha, với tổng sản lượng hàng năm trên 400 triệu trái. Giả sử số trái dừa khổng lồ kia nằm yên trên lưng trời thì liệu những nhà xuất khẩu dừa khô, các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ trái dừa có…hái ra được nhiều ngoại tệ.

Sản xuất chỉ xơ dừa.

No comments:

Post a Comment