26/03/2013

Đôi lời liên lạc với ban liên lạc

Trần Thân Ái

Ngôi trường mà chúng ta từng học, tọa lạc bên quần thể sinh cảnh hồ Chung Thủy thơ mộng kia, vốn hiện hữu từ giữa thế kỷ trước, đến nay đã ngoài 60 năm.
Không giống như một vài ngôi trường cố cựu nổi danh đến nay vẫn còn giữ nguyên tên gọi; tùy từng thời từng lúc, trường chúng ta thay đổi nhiều tên gọi khác nhau.
Tuy nhiên, có một điều không hề đổi thay, đó là vị thế của một ngôi trường công lập luôn giàu thành tích giáo dục trong mọi thời.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre dự  lễ khai giảng năm học 2011-2012 tại Trường THPT Chuyên Bến Tre - ảnh: PLHH.

Chúng ta từng là một trong các thế hệ học tập từ thập niên 1960, 1970 của ngôi trường thân yêu đó; hầu hết đều biết chuyên tâm học hành là con đường tương lai tươi sáng, cũng như đôi khi biết soi rọi bóng hình mình trên mặt hồ Chung Thủy lãng mạn kia.
Từ đó, kể từ thập niên 1980, hàng hàng lớp lớp bằng hữu, đồng môn, đồng liêu từ ngôi trường chúng ta đã trưởng thành, lần lượt vượt vũ môn, khắc phục hoàn cảnh, thân phận bằng chính nghị lực, học vấn mà thành đạt trên mọi nẻo đường; tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa; giống như mấy chòm cây trạng nguyên ửng đỏ dưới tán rừng dừa quê ta.
Đến giữa thập niên 1990, một số thầy cô chúng ta dù còn hay không còn duyên nghiệp với bục giảng, với nhà trường nhưng hàng năm vẫn họp mặt để thăm chúc nhau.
Từ đó, có một vài học trò cũ bèn liên lạc với  thầy cô để xin bắc một nhịp cầu tri ân, tri ngộ, tri giao sau hàng chục năm dài cách biệt.
Như vậy, đến nay chỉ còn một năm nữa thôi là tròn ngưỡng hai mươi năm hiện hữu của Ban liên lạc Cựu Giáo viên và Cựu Học sinh của trường chúng ta gồm khoảng mươi người xốc vác đứng mũi chịu sào; với hơn chín mươi tên tuổi thầy cô từng giảng dạy ở trường chúng ta và có gần sáu trăm địa chỉ liên lạc bạn bè của các lớp, các niên khoá, mọi lúc mọi nơi.
Ban liên lạc của trường ta, vì thế, ngày cũng ngày càng già nua theo tuổi tác và cũng đuối tầm vì đa mang những phần việc chung, theo thông lệ, lẽ thường tình… như duy trì mọi thông tin liên lạc đến từng thầy, từng trò; hay viếng thăm nhau khi hữu sự, hoặc giúp đỡ nhau khi ngặt nghèo.
Đáng kể là làm sao vẫn duy trì được nguồn học bổng hàng năm cho các con, các cháu học sinh nghèo, giỏi, chăm, ngoan… hiện học dưới mái trường chung của chúng ta, hay đang còn miệt mài nơi giảng đường đại học.
Chính vì thế, nên chăng từ nay, chúng ta hãy thu xếp lại các chức vụ trưởng phó ban bệ… để mở rộng tầm Ban liên lạc theo hướng hoạt động thiết thực của từng tiểu ban như: cố vấn, tài trợ, văn nghệ, báo chí, sinh hoạt, du lịch, ẩm thực.
Các tiểu ban nêu trên không theo nhiệm kỳ mà hoạt động tự nguyện, sẽ có thầy cô làm cố vấn, có lớp bạn trẻ nối tiếp lớp bạn già… sẽ đảm nhiệm phần việc chuyên trách theo năng lực, sở trường, theo kế hoạch dự trù hàng năm; hễ cứ đến hẹn là lại làm.
Nguồn kinh phí chi cho mọi hoạt động sẽ gồm quỹ đóng góp tự nguyện qua kỳ họp mặt cuối năm, giao cho một thủ quỹ chịu trách nhiệm quản lý điều phối; các thành viên trong tiểu ban tài trợ sẽ lo phần vận động, còn lại từ các mạnh thường quân chí công vô tư, với tinh thần công khai và minh bạch tài chính…
Nói chung, từ nay Ban liên lạc sẽ liên lạc với thầy cô và các thế hệ bạn hữu của trường ta qua vai vế của những liên lạc viên có năng lực, uy tín và tích cực trong vai trò của chính mình.
Kể từ năm nay trở đi, danh sách các tiểu ban liên lạc là thành viên cũ hay mới sẽ được công bố hàng năm trong kỳ họp mặt cuối năm. Tất nhiên, trong năm, nếu có thay đổi nhân sự cũng sẽ được thông báo kịp thời qua kênh liên lạc của Ban liên lạc.
Đôi lời liên lạc với Ban liên lạc là như vậy, xem như đã chuyển tải ý tình liên lạc đến Ban liên lạc, hay xem đó như là vài câu chuyện đã thưa rồi!
Mong sao thầy trò truờng ta vừa xua đi lời đồn tận thế, từ nay, từ thềm xuân con Rắn quí, hai không mười ba, hễ cứ đến độ xuân về, sau Rằm tháng Chạp, lại cùng tiếp tục tề tựu, quây quần họp mặt nơi hội quán Nhường Trà - Nhà Trường.
Vậy thì, thầy trò trường ta từ nay hãy cố mà giữ mãi lề thói, đúng như chân ngôn minh triết của cao nhân tiền bối xưa kia: Trọng thầy mới được làm thầy!

No comments:

Post a Comment