Vài cảm nghĩ về dưỡng
sinh
Tố Nguyên
Mỗi năm đến hè... |
S
|
inh
là sự sống. Theo cái nhìn của văn hóa truyền thống muôn đời của người Việt
chúng ta, sự sống là cái đức lớn của trời đất (Thiên địa chi đại đức viết
sinh). Sự sống bao trùm cả trời đất. Ngày nay, khoa học khám phá ra rằng từ
nguyên tử đến vũ trụ đều đầy ắp sự sống. Cả cái gọi là chân không cũng chứa
nguồn năng lực sống vô tận. Cái phần gọi là vật chất hữu hình từ plasma, vi
trần, nguyên tử đến các tinh cầu, các thiên hà… chỉ chiếm khoảng 4 phần trăm
của tất cả những gì làm nên vũ trụ mà thôi. Sự hiểu biết của khoa học về 4 phần
trăm của vũ trụ nầy vẫn còn mù mịt. Cứ một sự hiểu biết tìm được thì nhiều điều
không hiểu biết lại hiện ra. Từ năng lực của cảnh giới “trường không nhất phiến
- tức zero point field” đến cảnh giới tự giác viên dung của vũ trụ (Self-aware
universe, Conscious universe…) đều thấy sự giới hạn của khoa học hiện ra rõ
ràng hơn bao giờ hết. Rồi cái gọi là tiểu vũ trụ của con người với tâm cảnh vô
biên (Limitless Mind) thì khoa học phải thú nhận là chưa đi được một bước nào
vững chắc cả. Nếu có đi được bước chập chững nào thì cũng chỉ nương nhờ vào nền
minh triết trong các kinh điển xưa của những bậc giác ngộ mà thôi.
Về phương diện y học,
Tây phương đang lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong khắp mọi lãnh
vực mà chưa tìm ra được cách giải quyết thỏa đáng nào. Từ sức khỏe đến bệnh
tật, từ vai trò của bệnh viện đến liên hệ mọi mặt giữa bác sĩ và bệnh, từ
nguyên nhân của bệnh tật đến cách chữa trị, từ hiệu lực của thuốc men đến sự
thao túng của các đại công ty dược phẩm, bảo hiểm, đâu đâu cũng thấy sự khủng
hoảng trầm trọng. Y học Tây phương cho rằng tình trạng sức khỏe hay bệnh tật
nơi thân thể con người là hoàn toàn thuộc phạm vi hữu hình của sinh học và hóa
học. Đó là một tiền đề sai lầm gây tai hại không thể đo lường cho tình trạng
sức khỏe và bệnh tật của con người ngày nay. Ngày nay, phần lớn bệnh tật thuộc
thân thể con người, ngoài việc ăn uống, môi trường sống thuộc vật chất, hầu hết
đều do phần vô hình thuộc đời sống tâm linh, tinh thần và tâm lý - vô hình gây
ra. Sự đói khổ về tình người, về sự khắc khoải của tâm tư, về sự suy đồi của
đạo đức, về sự căng thẳng của cuộc sống, về sự bất an của tâm hồn, về thói quen
xấu, về sự nhàm chán của cuộc đời, về sự trống rỗng của nghĩa sống… ở các nước
thừa mứa về vật chất đôi khi còn thê thảm hơn là sự đói khổ thuộc vật chất ở
các nước nghèo. Và chính sự đói khổ thuộc tinh thần nầy là căn do của hầu hết
những bệnh tật ngày nay.
Do đó, dưỡng sinh không
phải chỉ là dưỡng thân thể để được khỏe mạnh và tránh bệnh tật mà thôi, mà căn
bản là còn trưởng dưỡng niềm vui sống. Không bệnh tật không có nghĩa là sống
mạnh. Sống còn không có nghĩa là sống tròn. Vậy dưỡng sinh thật sự là trưởng
dưỡng niềm vui sống để cuộc sống được mạnh, được tròn, được an lành. Cuộc sống
đầy căng thẳng, hỗn loạn, điên đảo, phiền não, lo sợ, bất an, mù mịt về nghĩa
sống, về cứu cánh của cuộc đời, một đời sống thiếu đạo đức, thiếu tình người sẽ
gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật cho cả thân thể lẫn tâm hồn.
Không gì làm hao mòn,
làm tàn hại cuộc đời bằng nỗ lực thoả mãn những ham muốn thuộc cảm xúc của giác
quan, những ham muốn mà Đạo Phật gọi là lục tặc (tặc là kẻ tàn hại) thuộc lục
căn, lục thức, lục trần. Không biết niềm vui sống thật sự là gì, lấy cảm giác
chốc lát, phù du, làm niềm vui thì tâm hồn càng ngày càng bất an, cuộc đời càng
ngày càng trống vắng.
Những bậc giác ngộ,
những bậc hiền thánh, từ cổ chí kim trong mọi nền văn hóa, từ Đông sang Tây, từ
Bắc chí Nam, đều dạy rằng, niềm vui sống thật sự không có từ bên ngoài, không
phải do cái bên ngoài mang đến. Khi tâm vui thì ngoại cảnh thành vui. Khi tâm
buồn thì ngoại cảnh đều buồn, đúng như thi hào Nguyễn Du đã từng nói, người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Giải thoát, giác ngộ, niết bàn, thiên đàng… là
niềm vui sống chân thật nầy. Niềm vui sống chân thật nầy là vĩnh cửu và luôn
luôn sẵn có nơi tâm của tất cả mọi người. Khi niềm vui nầy hiển hiện ngời sáng
nơi tâm hồn thì những niềm vui giả tạo bên ngoài trở thành mờ nhạt, không còn
sức mê hoặc, hấp dẫn nữa. Khi được sống với niềm vui thiêng liêng nầy thì sẽ
biết rõ đâu là thật (chân), đâu là không thật (vọng), đâu là vĩnh cửu, đâu là
vô thường, cái gì thật sự là mình, cái gì không phải là mình, cái gì là hiểu
biết, cái gì là vô minh, cái gì là khổ, cái gì là an vui, cái gì là sáng, cái
gì là tối…, nhờ thế mà không còn phung phí cuộc đời chạy theo những ảo ảnh phù
du, vọng huyễn, vô thường của cuộc đời nữa. Vô minh là không biết đến nguồn
sống an vui chân thật nơi chân tâm nầy. Bỏ cảnh giới “Thường Lạc Ngã Tịnh” của
chân tâm để chạy theo bóng trần hư ảo, vô thường ở sự vật bên ngoài thì chẳng
khác nào như tìm thoả mãn cơn đói nơi bánh vẽ mà thôi.
Do đó, dưỡng sinh không
chỉ hạn hẹp vào phạm vi thể chất mà thôi. Trong cuốn sách “Dịch học với dưỡng
sinh” của Lưu Tùng Lâm và Đặng Thủ Nhiêu, Nhà xuất bản Hà Nội, tác giả luôn
luôn nhấn mạnh:
Phép
dưỡng sinh phải lấy dưỡng tâm làm chính (trang 150).
Đa
luyện công bất như đạo lí thanh. Đạo lí thanh bất như đạo đức chân.
(Luyện
công nhiều không bằng hiểu rõ về đạo lí, hiểu rõ về đạo lí không bằng sống thật
đời đạo đức) (trang 186).
Dưỡng
đức là căn bản của dưỡng sinh (trang 130).
Chỉ
có phẩm đức cao thượng mới có thể đưa việc dưỡng sinh vào chính đạo (tr.194).
Thái
thượng dưỡng thần, kỳ thứ dưỡng hình. (Cao nhất là dưỡng thần. Kế đến là dưỡng
thân thể) (tr.194).
Tôn
Tư Mạc nói: “Bách hạnh có đủ rồi, thì không uống thuốc mà cũng đủ để kéo dài
tuổi thọ. Đức hạnh không tốt thì dù dùng đủ ngọc dịch, kim đan cũng không đủ để
thêm tuổi thọ” (tr.202).
An vui là hai chữ tuyệt
vời của tiếng Việt. An là căn bản của vui. Phải có an rồi mới có vui được. Tâm
hồn cũng như cuộc sống lúc nào cũng lo sợ bất an thì không thể nào có niềm vui
sống được. An vui là hoa trái của cuộc đời. Và tình thương yêu là nguồn sống
nuôi dưỡng để cuộc đời có được những hoa trái an vui đó. May mắn thay cho xã
hội nào còn có được những người thật sự sống, thật sự dưỡng nuôi và chia sẻ
tình thương yêu. Sự đầy vơi, thăng trầm của cuộc sống tùy theo sự đầy vơi,
thăng trầm của tình người mà thôi.
Khám phá nổi tiếng của
bác sĩ Dean Ornish là hầu hết bệnh tim mạch là do cuộc sống khô héo tình thương
yêu gây ra. Hiệu lực từ cách trị bệnh tim mạch của bác sĩ là khơi lại nguồn
thương nuôi dưỡng cuộc đời. Hay gây hấn, nóng giận, ganh ghét, thù hận, bất an,
lo lắng, tham lam, ích kỉ, đua tranh, thiếu chân thành, không đạo đức… là dấu
hiệu của sự khô héo tình người. Hầu hết những bệnh thời đại như tim mạch, tiểu
đường, thấp khớp, những bệnh thuộc hệ thống tiêu hóa… đều từ đó mà ra.
Mùa hoa phượng nở. |
Trong quyển sách “Không
gian thời gian và y học”, Bác sĩ Larry Dossey có kể đến một cuộc thí nghiệm tại
Trường Đại học Tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Thí nghiệm nầy nhằm nghiên cứu sự tác
hại của chất béo và cholesterol đối với sự tắc nghẽn động mạch và những biến
chứng khác của bệnh tim. Họ nuôi một số thỏ với thức ăn có nhiều chất
cholesterol trong một thời gian, rồi mổ chúng ra để xem hậu quả của chất nầy ra
sao. Họ khám phá ra rằng, trong lúc hầu hết thỏ đều bị bệnh trầm trọng thì có
vài con thỏ ít bị tác hại hơn những con thỏ khác. Khoảng 60% ít hơn. Họ không
biết tại sao lại có sự khác biệt nầy, vì tất cả điều kiện sống và thức ăn đều
giống nhau. Sau khi dò xét cẩn thận, họ biết rằng, người cho thỏ ăn, vì thương
những con thỏ nầy nên thường bồng bế, nâng niu, và nói chuyện ngọt ngào với
chúng mỗi khi cho chúng ăn. Nghi rằng chính tình thương nầy là yếu tố đã làm
nên sự khác biệt đó, người ta làm những thí nghiệm khác với hai nhóm thỏ riêng
biệt. Đối với nhóm thứ nhất, người nuôi chỉ cho ăn thôi, không được biểu lộ bất
cứ cử chỉ thương yêu nào. Và với nhóm thứ hai, khi cho ăn, mỗi con thỏ đều phải
được bồng bế, nâng niu và nói chuyên ngọt ngào. Hai lần thí nghiệm như thế đều
xác định rằng chính tình thương đã làm tác dụng của chất cholesterol đối với
động mạch giảm 60% đối với nhóm thỏ thứ hai.
Sau đó, không biết bao
nhiêu thí nghiệm được thực hiện trong nhiều lãnh vực khác nhau. Kết quả cho
thấy rằng, tình thương yêu làm cho cây trồng lớn mạnh hơn, ít bị sâu tàn phá
hơn và cho nhiều hoa trái tươi đẹp hơn, ngon ngọt hơn. Trẻ con lớn lên trong
những gia đình thiếu tình thương thì khó mà phát triển trọn vẹn được.
Ngài Luther Burbank, nhà
khoa học với tâm thánh, vào đầu thế kỷ XX, đã cống hiến rất nhiều phát minh cho
ngành sinh vật học. Ngài học Đạo với bậc Đại giác chân sư Yogananda Paramahamsa
rất chí thành và tâm đắc. Trong quyển sách “Tự truyện của một vị chân sư ”(Autobiography
of a Yogi), Chương 38, có kể về một phát minh có tầm kích khai mở về đời sống
tâm linh hết sức sâu xa:
“Trong lúc tiến hành một
công trình thực nghiệm để làm biến đổi một loại xương rồng có gai thành không
gai, tôi thường nói với cây xương rồng bằng một tấm lòng đầy cảm xúc thương
yêu: “Con không có gì phải sợ. Con không cần phải tự vệ với những gai nhọn của
mình”. Dần dần, loại cây xương rồng hữu dụng nầy biến thành một loại khác,
không còn gai nữa”. Ngài Yogananda Paramahamsa xin loại xương rồng không còn
gai nầy đem về đạo trường của mình trồng thành cả một khu vườn lớn để nêu gương
sống cho những đệ tử của ngài cũng như cho những người có cơ hội đến đạo trường
của ngài.
Thử hỏi bao nhiêu tài
nguyên của trái đất cũng như của con người đã được dùng để tạo nên những loài
gai góc đó.
Một ngày nọ, Tổng thống
Abraham Lincoln mặc đại lễ phục, ngồi xe tứ mã, với không biết bao nhiêu người
hộ tống, đưa ông đến nơi buổi lễ đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ.
Trên đường đi, ông chợt nghe tiếng kêu cứu của một con heo con đang phấn đấu để
tự cứu dưới một rãnh nước nơi công viên mà ông đi qua. Ông ra lệnh cho xe ngừng
lại, và tự ông xuống mương ôm con heo lên. Quần áo lem luốc hết. Nhiều người
phàn nàn tại sao ông phải làm như vậy vì có thể gây trở ngại cho thời gian khai
mạc buổi lễ. Con heo có giá trị gì đâu mà phải cứu. Hơn nữa, ông có thể ra lệnh
cho người khác làm còn hiệu quả hơn nhiều. Ông Lincoln trả lời: “Các người nghĩ
là ta cứu con heo phải không? Không phải vậy đâu. Thật ra là ta đã cứu lương
tâm của ta đó. Đối với lương tâm của mỗi người thì chỉ có tự cứu chứ không ai
cứu cho mình được”. Sống như vậy là thật sự dưỡng sinh một cách cao quí nhất.
Làm việc từ thiện đúng nghĩa là làm theo tiếng gọi của lương tâm, là trưởng
dưỡng tình người. Khi lương tâm và tình người ngời sáng thì bóng tối sẽ biến
mất giống như khi mặt trời lên thì bóng tối của đêm đen sẽ không còn nữa vậy.
Nhiều bậc chân tu sống
nơi rừng sâu núi thẳm lẫn lộn với đủ loại dã thú độc dữ. Các ngài được an toàn
chỉ nhờ vào tình thương yêu vô lượng vô biên nơi tâm thanh tịnh vô nhiễm của
các ngài mà thôi.
Vậy dưỡng sinh là dưỡng
cái toàn sinh của nghĩa sống, là dưỡng niềm an vui thiêng liêng. Một nụ cười
bao dung, một lòng tri ân sâu xa đối với lòng tốt của người, bỏ qua lầm lỗi của
người khác, không ghét hay phê bình chỉ trích người, thương yêu kính trọng tất
cả, không bỏ qua cơ hội làm việc thiện theo khả năng của mình, sống với đại ngã
vô biên, bỏ qua cái hẹp hòi của vọng ngã… Đó là những cách dưỡng sinh tạo nên
niềm vui sống. Niềm vui sống nầy sẽ soi sáng đường về cảnh giới nhất chân viên
dung, thường lạc ngã tịnh của bản diệu giác tâm, của đại viên cảnh trí, của
tình thương yêu ngời sáng thập phương, trong đó sẽ không có bóng tối đau khổ
của cái gọi là sinh lão bệnh tử vọng huyễn của cuộc đời. Không biết có ai tin
đủ để sống như vậy không?