18/04/2015

Thương tiếc Cát Hoàng

Mới còn đãi Cát tìm Vàng (1)
Lựa từng con chữ kết thành “Mùa xuân” (2)
Trời đang xuân, đất đang xuân
Mưa rây” (3) bỗng đổ bão bùng lòng ai!
Giao thừa Giáp Ngọ - Ất Mùi 2015
                                                                        Nguyễn An Cư
(1): Bút danh của Cát Hoàng
(2): Tên bài thơ Cát Hoàng vừa đăng trên Văn Nghệ Hàm Luông xuân Ất Mùi 2015
(3): Tên tập thơ của Cát Hoàng

Nguyên tiêu nghe thơ Cát Hoàng (*)
-         Nguyễn An Cư  -
(Thân tặng nhà thơ Ngô Thị Thu Vân)**


Trên sân khấu,
Người nghệ sĩ diễn ngâm hình như thả hồn theo thi sĩ
Thơ Cát Hoàng từng chữ bay bay
Trăng Nguyên tiêu lượn lờ chao đảo
Bên cội Bạch mai có tiếng thở dài.
*     *     *
Mươi hôm trước anh còn miệt mài con chữ
Mà hôm nay theo cát bụi lăn quay!
Ai khen chê, ai thương khóc mặc ai.
Anh vẫn tiếp tục theo trăng theo gió.
*      *     *
Anh ra đi nhưng thơ còn đó
Những vần thơ trúc trắc cứa lòng người!
Anh ra đi nhưng tiếng cười còn đó
Những tiếng cười chan chứa tình người…
*      *      *
Bài thơ còn dài, sao người nghệ sĩ gục đầu đứng lặng?
Giọng diễn ngâm cũng lạc mất cả rồi!
Trăng Nguyên tiêu lại lượn lờ chao đảo.
Trước sân đình khẽ rụng đóa hoa mai.
          (Đình Phú Tự, Nguyên tiêu Ất Mùi 2015)
                             N . A. C
- (*): Nhà thơ Cát Hoàng, hội viên Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu từ trần vào chiều 30 tết 2015

- (**) Người diễn ngâm thơ Cát Hoàng đêm Nguyên tiêu Ất Mùi tại đình Phú Tự - Phú Hưng.

15/04/2015

            NHẬT KÝ ĐỜI TÔI (trích)
            Nguyễn Kim Hoàn 


           Cuộc sống thật mong manh.
           Cuộc đời thật ngắn ngủi.
Cảm nhận sự mong manh của cuộc sống qua hai lần "đột" mà không "tử".Chắc còn nặng nợ với trần gian.
Cảm nhận sự ngắn ngủi của cuộc đời qua câu:"Mới ngày nào tóc xanh như mạ, mà nay đã bạc như vôi". Thật vậy:
Mới ngày nào 4 tuổi, trời mưa còn tắm tr...với bạn nhỏ hàng xóm, nghe câu hát ru em:"Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai." mà không cảm nhận được gì, vẫn vô tư rượt đuổi, hét la.
Mới ngày nào 6 tuổi, buổi sáng còn đi bắt dế dưới ụ rơm vàng óng, thả diều trên cánh đồng lộng gió ở quê nội, buổi chiều còn xách ná dàn thung đi bắn chim quanh lũy tre làng kẽo kẹt gió đưa ở quê ngoại, buổi tối còn chơi trốn tìm quanh hàng duối, hàng keo cao vút; dưới giàn bầu, giàn bí lá xanh, bông vàng lung linh trước gió.
Mới ngày nào 8 tuổi còn chơi trò "cờ lau đánh giặc" quanh ruộng lúa, bờ "đìa", u đầu, sứt trán, bùn đất lấm lem.
Mới ngày nào 10 tuổi, trên cù lao giữa biển, còn sóng vai với cô láng giềng đêm trăng, đi qua đi lại sân nhà chàng, sân nhà nàng, kể nhau nghe chuyện cổ tích, mặt nàng khi sáng long lanh dưới ánh trăng, khi mờ mờ ảo ảo  dưới tán lá khoai mì, vô tình chạm tay nhau mà nghe như rung động cả trái tim, phải chăng như nhà văn NNT nói đó là rung động đầu đời lãng mạn, dã man.
Mới ngày nào 14 tuổi, còn là cậu học trò PK, đi học bị lạc qua các con đường của trường nữ, cắm cúi đạp xe thật nhanh, không dám ngước mắt nhìn chủ nhân của những tà áo dài trắng bay bay trong gió. Chợt nhớ:

                    Con đường tuổi măng tre
                    Nắng vàng thu đẹp đẽ
                    Bóng người dài trên hè
                    Con đường tình ta đi       (PD) 
      
Mới ngày nào 20 tuổi, ngồi trong giảng đường Đại Học, ngắm nhìn những mái tóc đuôi gà, với "băng đô" xanh, đỏ, tím, vàng ...mà chẳng dám làm quen.
Mới ngày nào 25 tuổi, tốt nghiệp ĐHSP, về dạy học tại Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre), ngôi trường nửa cổ kính, nửa hiện đại thật đẹp nằm soi mình bên Hồ Chung Thủy mộng mơ.Thời gian chỉ có 6 năm, nhưng biết bao nhiêu kỷ niệm đã đong đầy trong ký ức .Và giờ đây ,nỗi nhớ cứ tràn về. Nhớ những buổi sáng mùa thu, khi những giọt sương còn đọng trên lá cây ngọn cỏ, gió còn se se lạnh thì trên con đường Bờ Hồ đã rợp áo dài trắng thươt tha  với tà áo bay bay :
                          Có phải Em mang trên áo
                          Hai phần gió thổi, một phần mây
                          Hay là Em gói mây trong áo
                          Rồi thở cho làn áo bay          (NS)


Nhớ những buổi trưa hè, khi nắng vàng còn trải dài trên mái ngói sân tường thì trên con đường Cây Si đã rộn rã gót sen hồng. Nhớ hành lang lớp học với tóc xõa vai gầy. Nhớ phấn trắng bảng đen với bài ca Lý Hóa. Nhớ trò thuộc bài với mắt cười rạng rỡ, nhớ trò chưa thuộc mặt buồn hắt hiu. Học trò tôi, có em học giỏi, có em chưa giỏi, có em ngoan hiền, có em tinh nghịch, nhưng tất cả đều vô tư, chưa vướng bụi đời, chưa biết lo toan cơm áo gạo tiền, chưa biết những lọc lừa giả dối ở ngoài kia. Nhớ những đôi mắt trong veo nhìn như muốn nuốt lấy những lời giảng của thầy cô, tiếp thu kiến thức, làm hành trang cho cuộc đời mai sau. Cũng có những đôi mắt mà như lời của vài thầy giáo trẻ, làm lay động lòng người; nhưng có thế và cũng chỉ có thế mà thôi.
Nhớ những buổi chiều cùng bạn bè "mần" cả bao sò, bao nghêu, chứ bia thì uống chẳng bao nhiêu.
Nhớ những buổi tối trắng đêm cà phê, tán dóc chuyện đời, chuyện trò khó nói lắm ai ơi.
Nhớ một ngày Chủ Nhật, đi quyên góp giúp đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung, gặp "một nửa của mình"(trước đó, trong trường, lần đầu gặp cô học trò nhỏ xinh, dịu hiền này mà tưởng như đã hẹn nhau trong tiền kiếp) trong căn nhà ngoại ô, ven sông Bến Tre, mà ngẩn ngơ, bối rối nên làm kẻ khờ ngọng nghịu đọc thầm thơ:
                 Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.
                 Nghìn năm hồ dễ đã ai quên         (TL)
Và từ đó:
               Làm thơ tình Em đọc
               Cô học trò trường tôi
               Thơ vương rồi mùi tóc
               Ai đi về ngược xuôi     

              Em đi về áo mỏng
              Quyện mùa Xuân theo sau
              Hồn tôi chim én bỏng
              Âm thầm bay theo Em       (TH)


Và:


        
Mới ngày nào 31 tuổi, giã từ chủ nghĩa độc thân, tự ký bản án tù chung thân với người mình thương cùng lời chúc của bạn bè "Trăm Năm Hạnh Phúc". Từ đó, Hạnh Phúc tiếp nối Hạnh Phúc.
Rồi hai mươi mấy năm sau, tại Tân Cảng, hội ngộ với  bạn bè đồng nghiệp ngày xưa thắm thiết thân tình và với  học trò ngày ấy trong niềm vui vỡ òa sau bao năm xa cách.

Và từ đó, ngày vui tiếp nối ngày vui tại Sài Gòn, Bến Tre, Vũng Tàu, Long Hải, Đà Lạt, LaGi, Hồ Đắng,....với đủ "hương hoa, sắc màu" của cuộc sống. Chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó:
    Gọi tên Em là Gió
               Em bay lên đại ngàn
               Gọi tên Em là Suối
               Em xuôi về đại dương (tác giả?)

               Thôi thì Thầy sẽ gọi
               Tên Em là Bến Tre
               Đẹp như nắng Xuân Hè
               Như tình tuổi măng tre.



         

                       Tháng 4, năm 2015

                                                                                                                                    NKH.

09/04/2015

Quê Dừa yêu dấu

 Nguyễn An Cư 

Mấy năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã long trọng tổ chức Lễ hội Dừa để quảng bá các sản phẩm làm từ dừa. Từ ngày 7-13/4/2015 tới đây, Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ IV lại được tổ chức với qui mô hoành tráng hơn. Những ngày nầy, du khách đến đây sẽ thấy cây dừa Bến Tre gắn bó mật thiết với kinh tế và văn hóa của người dân Bến Tre như thế nào cũng như sẽ thấy được tiềm năng hùng hậu của cây dừa Bến Tre

Từ Tiền Giang đổ về, xe vừa leo lên dốc cầu Rạch Miễu -cửa ngõ đầu tiên của tỉnh Bến Tre- du khách sẽ hết sức ngỡ ngàng và sẽ hiểu tại sao người ta gọi Bến Tre là Xứ Dừa.
Chỉ cách nhau một dòng sông nhưng hai bên bờ Tiền Giang và Bến Tre như hai vùng trời khác biệt. Nếu bên nầy bờ sông Tiền là khu công nghiệp, là nhà cửa hiện đại chen chúc lô nhô của tỉnh Tiền Giang thì ngược lại bên kia bờ Bến Tre là một vùng xanh ngắt bóng dừa. Dừa, dừa… ngút mắt!


Chắc chắn sẽ có du khách lần đầu mới về Bến Tre reo lên rằng: “Nhìn kìa! Ôi! Bến Tre hoang sơ và thơ mộng quá!”. Đúng là vậy! Từ trên chiếc cầu dây văng hiện đại cao vút, giữa bốn bề trời nước bao la nhìn xuống, đúng là Bến Tre tuyệt đẹp và quyến rũ như một cô gái yêu kiều đang mê ngủ khiến bao chàng trai phải thập thò nhìn trộm, bước đi chẳng đành!
Bây giờ, bên tay trái quí khách là hạ lưu sông Tiền, đổ ra biển Đông bằng  hai nhánh Cửa Tiểu và Cửa Đại -hai trong chín hàm rồng của Cửu Long giang-. Sáng sáng, mặt trời đỏ chói vén những áng mây hồng ngoi lên cũng từ phương ấy. Lúc nầy, bốn cù lao Long, Lân, Qui, Phụng vẫn còn lặng lẽ chìm trong giấc ngủ. Dòng sông Tiền phủ một màn sương trắng đục từ từ tan ra như khói mỏng để lộ dần những chiếc sà lan, những tàu chở cát đá lặng lờ trôi và những chiếc lồng bè nuôi cá bập bềnh trải suốt hai bên bờ. Tất cả đều êm đềm, lặng lẽ trong cái không khí tinh khiết lành lạnh của buổi ban mai.


Bến Tre từ xưa đến giờ là vùng đất của dừa. Dừa chiếm một diện tích rất lớn, đi đâu cũng gặp dừa, cho nên Bến Tre có biệt danh là Xứ Dừa. Dân Bến Tre còn được gọi bằng cụm từ hết sức mỹ miều và thân thương là “Dân Xứ Dừa”. Có lẽ trên đất nước Việt Nam nầy chưa một nơi nào có một loại đặc sản đủ làm biểu tượng cho xứ sở mà khi nói lên ai cũng biết như Bến Tre. Đó là điều mà bất cứ người dân Bến Tre nào cũng rất đỗi tự hào. Và có lẽ cũng chính vì thế mà bao đời nay người Bến Tre đã quyết sống chết với cây dừa.
Người ta cũng chưa khẳng định được dừa ở Bến Tre có từ lúc nào và từ đâu đến. Ai cũng “lớn lên đã thấy dừa trước ngõ” như nhà thơ Lê anh Xuân, nên gần như tất cả tài liệu đều ghi xuất xứ cây dừa Bến Tre mập mờ bằng hai chữ “Có lẽ”! Và cũng “có lẽ” từ thời mở đất, với đặc điểm đất rộng người thưa, vùng đất Bến Tre dừa là loại cây dễ trồng nhất, không cần chăm sóc chu đáu như các loại cây trái khác nên được dân chúng ưa chuộng. Cứ trồng rồi phó mặc cho thiên nhiên; nước ngọt và phù sa màu mỡ của sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên bồi đắp; đủ tháng đủ ngày là dừa đơm hoa kết trái.


Dừa đã nuôi sống, che chở nhân dân Bến Tre từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Đi dưới rặng dừa xanh oằn oặt trái, dù đang lắc lư trong giông gió, bạn cũng đừng khép nép, lo sợ. Tôi chưa nghe ai bị dừa rụng chết bao giờ. Có lẽ cây thiêng che chở người lành?
 Ngược lại, có lẽ ai cũng biết người Bến Tre đã… “vắt cạn kiệt tận xương tủy” cây dừa. Họ khai thác triệt để từ hoa quả đến thân, lá của dừa! Nghe đâu rễ dừa cũng là một loại dược liệu trị được nhiều thứ bệnh.
Trái dừa không những chỉ cho nước để giải khát mà còn cho ra đời không biết bao sản phẩm công nghiệp, trước nhất là dầu dừa. Từ dầu dừa người ta chế biến nào là bánh kẹo, xà-bông, dược phẩm, mỹ phẩm. Đủ thứ hết. Mùi thơm phức của những nhà máy ép dầu dừa ở Bến Tre nhất là nhà máy ép dầu Nam Phát ở đầu cầu Gò Đàng (tỉnh lỵ Trúc Giang xưa kia – thành phố Bến Tre bây giờ) đã thấm sâu vào khứu giác và trí nhớ của tôi từ thuở ấu thơ không thể nào quên. Ép lấy dầu xong, xác cơm dừa còn được chế biến làm thức ăn gia súc, làm phân bón cây trồng. Ngày xưa, tóc đàn bà, con gái Bến Tre óng mượt được cánh đàn ông trầm trồ ve vuốt cũng nhờ dầu dừa.


 Nước cốt dừa phải nói là thứ nước chấm, thứ “gia vị” độc đáo “có lẽ” cũng xuất phát từ Bến Tre. Nhiều món ăn, nhiều loại bánh, kẹo mà không có nước cốt dừa, xem như… vứt! Dĩa dồi chó nóng hổi, tô thịt chó xào lăng nghi ngút khói mà không có món nước mắm thấm làm từ nước cốt dừa thì nhạt phèo! Vị béo, vị ngọt, vị mặn, vị cay trộn lẫn vào nhau làm tê đầu lưỡi. Chén chè đậu, chén chè thưng, dĩa chuối xào muốn cho người ăn nhớ mãi nhất thiết phải có nước cốt dừa. Ăn xong gói bánh hỏi, bánh bèo, bánh bò… ai không liếm nốt phần nước cốt dừa dính trên lá chuối dùng gói bánh là chưa biết thưởng thức. Nó ngon, nó tuyệt diệu làm sao ấy và làm chúng ta luyến tiếc mãi như luyến tiếc bờ môi của người yêu đầu đời bị trắc trở ly tan. Tép rang dừa, cá kho dừa, lươn kho dừa, cà ri dừa, khoai bí hầm dừa, thịt trâu lá cách xào dừa… là món ăn thường nhật và khoái khẩu của nhiều người. Cái món thịt heo kho tàu ăn với dưa cải nếu được kho bằng nước dừa nữa thì nó mềm, nó thanh, nó dịu làm sao.
 Kẹo dừa, mứt dừa, thạch dừa, mật ong dừa, nước màu dừa Bến Tre bây giờ đã là thương hiệu vang ra nhiều nước. Thời thượng nhất bây giờ ở các nhà hàng là món gỏi củ hũ dừa và món đuông dừa. Mà ngon thật! Hai món nầy đều đắt giá. Nghe nói một con đuông dừa ở nhà hàng hơn mười ngàn đồng! Người không biết, ăn hai món nầy khen ngon nhưng đâu ngờ đã tiếp tay tiêu diệt vườn dừa Bến Tre! Ăn củ hũ dừa là ăn cả mầm sống của cây dừa. Cây dừa bị đốn lấy củ hũ thì toi mạng. Nó không đâm chồi mọc nhánh như những cây khác đâu. Rất may, bây giờ có người đã kịp thời chuyên trồng dừa để lấy củ hũ. Đuông dừa còn hiếm hơn. Cây dừa nào bị đuông ăn mới có đuông và khi phát hiện được dừa bị đuông ăn thì gần như hết phương cứu chữa. Không ngã gục thì cũng èo uột chẳng còn nên thân nên hình gì nữa. Hiếm và đắt như thế nên người ta đã lén nuôi đuông dừa, một việc làm của những người chỉ thấy cái lợi nhỏ bé trước mắt mà không thấy tai hại to lớn về sau, bởi những con kiến dương dừa sẽ sinh…
…Hồi trước, hầu hết nhà cửa ở Bến Tre đều bằng cây dừa và lợp lá, cặp vách bằng lá dừa nước. Tất cả cột, xiên, kèo, khuông vách… đều bằng gỗ dừa. Ở một căn nhà dừa như thế mát mẻ vô cùng. Nắng không nóng vào nhà, còn gió thì tràn ngập bốn bề. Có điều bây giờ du khách đến “quê” của cụ Đồ Chiểu và vị tiến sĩ đầu tiên của Nam bộ mà tìm một ngôi nhà dừa có lẽ còn khó hơn tìm một… ông tiến sĩ! Tất cả đã ngói hóa hết rồi; có còn chăng là ở các khu du lịch, khu kỷ niệm, cất lên để cho lớp trẻ biết được ngôi nhà của cha ông thuở xa xưa như thế nào.
Theo thời gian, nhiều vật dụng trong nhà ở Bến Tre cũng được làm bằng gỗ dừa: giường, đũa, vá xúc cơm, chổi cọng dừa…. Và từ đấy hàng mỹ nghệ bằng gỗ dừa, miểng gáo dừa, cọng lá dừa, nhen dừa phát triển mạnh mẽ: bình hoa, giỏ xách, đồ trang sức phong phú đủ loại đủ kiểu. Mới đây bộ nhạc cụ bằng gỗ dừa của nghệ nhân Võ Văn Bá và nhạc sĩ Lê Dân đã được ghi vào gui-net Việt Nam.
 Cây cầu dừa, cột sào đáy bằng dừa cũng là hình ảnh đặc trưng của vùng sông nước Bến Tre. Cầu dừa không lắt lẻo như cầu tre. Nó vững chắc nhưng lại rất trơn, nhất là vào mùa mưa hay mùa nước nổi. Khó đi nhất là những cây cầu bắc qua các mương rộng và chỉ bắc bằng một cây dừa. Nhiều cô cậu ở Bến Tre đã bén duyên vợ chồng hoặc để lại một kỷ niệm đẹp cũng từ chuyện “nắm tay dắt nhau qua chiếc cầu dừa” rồi xôn xao rung động đến con tim. Bây giờ cây cầu dừa ở Bến Tre cũng đã đi vào cổ tích. Tất cả cầu nông thôn, kể cả trong xóm ấp đều được bê tông hóa; có chăng chỉ còn tồn tại ở các mương vườn.
Tàu dừa, lá dừa là chất đốt phổ biến nhất ở Bến Tre. Cũng từ bếp củi dừa ui ui khói của những bà mẹ quê mà những người con Bến Tre đi đâu cũng dễ nhớ nhà. Ai có trôi giạt làm ăn xa xứ, chiều chiều lặng nhìn về quê hương, chỉ cần thấy một làn khói mỏng bốc lên từ nhà ai đó, mắt đã cay cay. Nhớ. Nhớ vô vàn!
Miểng gáo dừa bây giờ là một loại vàng đen, không ai dám đem chụm nữa. Nó được làm đồ mỹ nghệ, làm than hoạt tính, rất nhiều công dụng. Chỉ xơ dừa đã xuất khẩu lâu rồi. Ngay cả mụn xơ dừa mấy năm trước là chất thải đã làm ô nhiễm cả dòng sông Thơm ở Mỏ Cày, dân làng phải kêu cứu vang động, thế mà bây giờ cũng được làm “đất sạch” và đem xuất khẩu; đơn giản nhất là làm phân bón cây trồng, mỗi bao mụn dừa, mạt cưa dừa giá ít nhất cũng mười ngàn đồng, không còn “rẻ như mạt cưa” nữa. Ngày trước, vỏ dừa và miểng gáo dừa là đồ bỏ, đem chụm, đem độn mương; bây giờ, nhiều lúc vỏ dừa và miểng gáo dừa ngang ngửa với cơm dừa làm nhiều người giật mình!
Đến Bến Tre, du khách thỏa thuê ngắm vườn dừa và thoải mái uống nước dừa. Dừa mà du khách thấy rợp bóng khắp Bến Tre hầu hết là dừa ta, loại “dừa công nghiệp”, nước uống chưa ngon đâu. Đến Bến Tre mà không thưởng thức nước dừa xiêm, nước dừa dứa hoặc ăn thử trái dừa sáp sền sệt như… sáp là thiếu sót lớn vì chưa thưởng thức đặc sản chủ yếu của Bến Tre. Trưa nắng mà uống một trái dừa xiêm, dừa dứa thì tuyệt vời. Bảo đảm nó mát, nó bổ dưỡng và tinh khiết hơn hẳn những lon nước công nghiệp đầy hóa chất.



Cây dừa thích hợp với vùng nước ngọt nhưng gần đây dừa Bến Tre đã lấn biển. Những huyện vùng nước mặn như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đều có chương trình ngăn mặn để trồng dừa. Những thớt dừa xanh trĩu quả đã bắt đầu xuất hiện. Có điều người dân Xứ Dừa có chung thủy với dừa như Nguyệt Nga và Vân Tiên hay không còn tùy thuộc vào dừa có nuôi nổi họ hay không. Đã có lúc giá dừa xuống thấp làm cuộc sống người dân Xứ Dừa lao đao. Có lúc, đây đó đã có tiếng cưa máy triệt hạ vườn dừa để trồng các loại cây trái khác thật xót xa đau đớn!
Dừa đã làm người Bến Tre xa xứ da diết nhớ quê hương. Nhớ những đặc sản được chế biến từ trái dừa, nhớ tiếng lá dừa reo lao rao trong gió, nhớ những con đường quê chen dưới rặng dừa ban trưa rợp mát và đêm về ngập ánh trăng thanh.

Người Bến Tre đa phần chất phác, nhân hậu, thủy chung và mến khách. Phải chăng một phần họ đã thấm nhuần đạo lý của cụ Đồ Chiểu, của Lục Vân Tiên nghĩa khí nhân hậu, của Kiều Nguyệt Nga hiền thục thủy chung và một phần cũng bởi tâm hồn họ được bồi dưỡng, vun đắp từ sự bao la, thanh thản của những rặng dừa xanh?
                                                                                                                 - N.A.C -
 Bóng dừa

 Anh Thư - Nguyễn An Cư

Tôi cũng giống như nhà thơ Lê Anh Xuân và những người dân ở Bến Tre: “Lớn lên đã thấy dừa trước ngõ”.
Bà ngoại tôi thường kể rằng, những rặng dừa xanh mướt lá, ngày ngày đong đưa trước gió như thách đố mái tóc dài óng ả của ngoại từ thời con gái. Hết ngoại tôi, đến mẹ tôi rồi đến tôi đã nối tiếp nhau đùa giỡn, chơi trốn kiếm, chơi nhảy dây, chơi nhà chòi… dưới những tán dừa xanh không biết chán. Mà thật ra, chúng tôi đâu được diễm phúc như trẻ con bây giờ, nếu có chán thì cũng chẳng biết chơi ở đâu và chơi trò gì; cho nên bờ dừa, mương vườn dừa là sân chơi tốt nhất của chúng tôi.

Tái hiện Con đường dừa tại lễ hội dừa Bến Tre lần thứ  IV diễn ra từ  7 đến 13-4-2015 tại TP Bến Tre

Cái tuổi thơ êm đềm của tôi được ru trong tiếng lá dừa reo lách tách xạc xào, át cả tiếng réo gọi, đùa giỡn của tôi cùng chúng bạn. Bây giờ chúng tôi thường to giọng, ăn nói rổn rản hơn bè bạn ở thị thành có lẽ cũng từ thói quen cố nói cho át tiếng gió, tiếng lá dừa reo thuở nhỏ.
Hồi đó chúng tôi thường tét lá dừa thi nhau thắt đồ chơi. Những món đồ chơi dân dã hết sức rẻ tiền. Chỉ là cái chong chóng, chiếc đồng hồ, con chim, con cá… nhưng lại là một kỷ niệm khó phai mờ. Rồi chúng tôi cũng hái hoa dừa kết thành vương miện, thành vòng đeo tay, đeo cổ và chơi trò chú rể cô dâu; đứa làm vợ, đứa làm chồng để bây giờ mỗi lần nhắc lại đứa nào cũng ôm bụng cười nắc nẻ, hai má ửng hồng. Náo động nhất là những hôm chúng tôi đua nhau thắt kèn lá dừa. Mỗi đứa thắt hai ba cái, to có, nhỏ có, kèn “trép” có, kèn “bas” có  rồi thi nhau thổi tò tí te vang động cả xóm.
Lớn lên một chút, sau những cuộc chơi mệt nhoài, chúng tôi thường lén leo bẻ dừa chia nhau uống nước. Nó ngon vô cùng! Cứ bưng nguyên trái dừa  bự chảng ngửa cổ uống ồng ộc, hết đứa nầy chuyền sang đứa khác mặc cho nước dừa nhểu nhảo, mặt mũi tèm lem và ướt mem cả cổ cả ngực.
Bây giờ nhiều đứa trẻ không biết cây đuốc là cây gì và cũng rất ít thấy ai còn đi đuốc kể cả ở thôn quê. Đã có đèn pin, đèn điện thoại di động hết rồi. Có lần cháu tôi từ thành phố Hồ Chí Minh về quê chơi, thấy người ta đi đuốc, nó hoảng hốt chạy vào nhà réo gọi inh ỏi: “Cô ơi! Người ta bị cháy rồi kìa. Mau cứu họ cô ơi!”. Tội nghiệp! Tôi phải giải thích một hồi nó mới hết sợ.
 Hồi đó ở thôn quê, đuốc lá dừa là phương tiện duy nhất để soi sáng khi phải đi đêm. Ngoại tôi, mẹ tôi thường lấy lá dừa bó đuốc chất đầy vựa củi và gác đầy trên gác. Mẹ nói để dành đi chợ; còn ngoại -thật tội nghiệp- móm mém nói để ban đêm khuya khoắc có ai cần thì cho! Mà đúng vậy, khách đi đường hết đuốc thường réo ngoại tôi ỏm tỏi. Tôi nhớ nhất là ánh đuốc của mẹ, khuya khuya soi đường gồng gánh rau quả đi chợ bán. Nhà tôi cách xa chợ bốn năm cây số, thế mà gần như khuya nào cũng vậy, mẹ tôi quan gánh nặng oằn, thui thủi một mình lần mò từng bước trên con đường đất gồ ghề trơn trợt với ánh đuốc chập chờn.
Hồi tôi còn bé, xe cộ chưa nhiều, đường bộ chưa thuận tiện, muốn lên tỉnh lỵ chủ yếu đi bằng đò máy. Khuya khuya, dọc hai bên bờ sông cái, lấp lóe những ánh đuốc “gọi đò”. Cứ nghe tiếng máy đò chạy đến thì ai nấy huơ đuốc tía lia, nhưng có khi năm lần bảy lượt mới có một chuyến đò chịu ghé!
 Mỗi lần tôi lên tỉnh học, mẹ tôi thức gần suốt đêm, hết lui cui soạn áo quần, đến lăng xăng chuẩn bị cá tép, trái cây cho tôi mang theo. Dưới ánh sao trời chi chít và mảnh trăng non chênh chếch mập mờ, hai mẹ con tôi dắt nhau ra bến sông đợi đò. Ánh đuốc nhỏ nhoi trên tay mẹ chìm khuất hẳn trong khoảng tối bao la mờ mịt của rừng dừa chốc chốc lại lóe lên; bây giờ tôi mới nghĩ phải chăng lúc đó những tia hi vọng mong manh của mẹ cũng lóe theo khi nghĩ về con đường học vấn và tương lai của tôi?...
…Trên nông thôn mới hôm nay, dừa Bến Tre càng xanh tốt hơn và càng vươn xa hơn. Có lẽ dừa mãi mãi sẽ là nguồn lợi chủ yếu của nhân dân ba dải cù lao.

Nhà dừa.

Nhớ lại hồi còn bé, bao năm được sự chở che đùm bọc của dừa nhưng chúng tôi vô tâm đến nỗi không biết rằng những vườn dừa ấy đã nuôi lớn chúng tôi cả thể xác lẫn tâm hồn. Bây giờ đi đâu, hễ nhìn thấy dừa là tôi lại da diết nhớ quê hương Bến Tre yêu dấu. Nhớ hàng dừa trước ngõ với bao bè bạn thân thiết thuở ấu thơ. Nhớ gia đình còn đủ ông bà cha mẹ, anh chị em, đoàn tụ trong mái nhà ấm cúng dưới bóng dừa xanh…
Những ánh đuốc chập chờn của mẹ ngày xưa trên đường quê ra chợ hay những lần đưa tôi ra tỉnh lại bùng sáng trong tôi…
                                                                                                  20.02.2015

                                                                                                 A.T – N.A.C