31/03/2014

Một người lặng lẽ ngồi giữ rừng bên bờ biển Đông: “Robinson” cồn Lợi
          Phan Lữ Hoàng Hà

            Công việc giữ rừng nặng nhọc không phải là mối bận tâm của chàng “Robinson” này. Vấn đề là làm thế nào tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sống chỉ một mình và khó liên lạc được đất liền…

            “Nhất kiếm trấn ải”
            Giám đốc Lâm ngư trường Bến Tre Võ Văn Ngàn (quen gọi là anh Ba Ngàn) cho xuồng máy đưa tôi ra cái chòi nhỏ nằm cheo leo ngoài bờ biển Đông, để một lần diện kiến anh chàng “Robinson” này. Hơn 17 năm qua, anh đã tình nguyện đến đó để canh giữ khu rừng chết chạy dài từ cồn Lợi đến cồn Bững thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Đường từ “đại bản doanh” của lâm ngư trường (gần trung tâm xã Thạnh Hải) phải mất hơn một tiếng đồng hồ chạy xuồng máy. Xuồng cứ đâm dọc dâm ngang, uốn éo qua những vạt rừng phòng hộ như đước, bần, mắm, phi lao…đã cao khỏi đầu người, xanh um, bạt ngàn, mát rượi. Đến gần bờ biển, sóng làm chiếc xuồng nhỏ tròng trành chao đảo, bọc nước tung lên trắng xóa. Dưới cái nắng gay gắt của vùng biển, lớp da trên hai tay tôi như áo một lớp muối mỏng. Anh Ba Ngàn giới thiệu trước lai lịch của chàng “Robinson”:
            - Đó là một thanh niên khá vạm vỡ, hiền từ, tên là Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1960, quê xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Trước năm 1992 anh lái ghe cho lâm ngư trường, sau khi lâm ngư trường giao khoán rừng, Huỳnh xung phong ra đây giữ 118 hecta rừng đước, mắm, phi lao. Trong nội dung khoán, mỗi tháng anh được lãnh 331.000 đồng, nhưng mất một cây đước anh phải bồi thường 15.000 đồng và nếu như làm tốt anh được hưởng thêm 150.000 đồng/tháng.
            - Nghe nói chàng “Robinson” cũng có một mái ấm xinh xinh ở quê hương vườn dừa Bình Khánh – tôi hỏi:
            - Đúng. Song ngày ấy Huỳnh đã gật đầu “vác kiếm thân chinh đi trấn ải”. Huỳnh là người rất mạnh…bóng vía. Một mình với đêm ngày giữa biển rừng không một bóng người mà…
            Hoàng hôn đang ngả dần trên biển, nơi những vạt rừng, cồn bãi nằm e ấp bên cồn Lợi. Tôi đứng lên phóng xa tầm mắt. Ngoài kia, mặt nước biển đang giựt xuống làm lộ rõ những bãi bồi nằm gối bên nhau và trải dài xa tít tắp. Ở đó, những người dân đang đi mông, chòi mông (phương tiện tự tạo để lướt trên mặt bùn), đi cà kheo để bắt thủy sản – một công việc mưu sinh thường nhật của dân nghèo tại địa phương…Chỉ tay về hướng đó, Ba Ngàn hồi tưởng:
         - Hồi còn chiến tranh, tại đây có cả địa danh Bến Mông. Hàng trăm chiếc mông sẽ tựu lại khi có yêu cầu chuyển vũ khí từ tàu và giấu trong rừng. Năm xưa nơi đây là đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam
         - Cảnh kiếm sống kia đến bao giờ mới chấm dứt?
           - Khi nắng không còn…
Tôi ngầm hiểu lúc đó nơi đây sẽ còn duy nhất mỗi một “Robinson”, anh chàng “nặng bóng vía” của tôi đây!
Chiếc xuồng máy đã tấp vào căn chòi lá nằm ngẩng mặt ra hướng biển Đông, phía sau là một khu rừng chết.
Tôi và anh Ba Ngàn khom người chui vào căn chòi nhỏ. Huỳnh im lặng, lù lù hiện ra như…một bóng ma. Chàng vui mừng chào “thủ trưởng” và người khách lạ, nhưng lúng túng không biết mời khách ngồi xuống đâu, uống gì. Thấy trong chòi có nhiều chai nhựa, đủ thứ nhãn hiệu Tây – Tàu, tôi không khỏi ngạc nhiên:
         - Ở nơi xa đất liền như thế này, anh mua những chai lọ đó ở đâu mà mua chi nhiều vậy?
Anh cười:
         - Những chiếc tàu qua lại ngoài khơi ném xuống biển mùa gió chướng sóng đẩy trôi giạt vào bờ…
Mọi vật dụng hằng ngày của anh cũng từ biển: đôi dép anh đang mang, chiếc ấm nấu nước, dụng cụ để thức ăn, cao su để anh nhóm lửa nấu cơm…Tất cả đều do nhặt từ ngoài bờ biển trong những chuyến đi tuần tra bảo vệ rừng. Hàng ngày Huỳnh phải lội rừng trên 10 km đi kiểm tra. Hóa ra anh còn là người làm sạch môi trường biển ở một nơi đìu hiu hút gió…
Tôi bước ra ngoài căn chòi quan sát. Một chậu cà tây đang cho trái trên lớp cát. Một bụi rau quế xanh tốt từ lớp phân cá, còng ủ mục do anh chăm bón. Những dây mồng tơi xanh rờn bò lên mái chòi. Còn có cả hai chú chó mực lưỡi có đốm đen. Đây là loại chó ta mà người ta cho là rắn cắn không chết. Và ngộ thay, chúng không bao giờ ngủ trong chòi…
Anh Ba Ngàn ra theo nói:
- Cơn bão Linda (số 5 năm 1997) cơn bão thế kỷ, đã không khuất phục được con người này. Sau bão Huỳnh vẫn tiếp tục ở lại. Công việc nặng nhọc không phải là mối bận tâm với người giữ rừng. Vấn đề là làm thế nào tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sống chỉ có một mình và khó liên lạc được với đất liền. Bởi vậy nước ngọt, rau xanh vẫn là điều mà những người giữ rừng phải chắt chiu, toan tính, nhất là trong những tháng mùa nắng.
Còn trong suy nghĩ của tôi: Có phải từ ý thức bảo vệ sự sống đã thúc đẩy chàng “Robinson” làm nên điều kỳ diệu mà những người giữ rừng trước đó không thể làm được?
Đêm. Tiếng gió rú từng chập. Ngoài khơi xa tiếng sóng bổ gành rền dưới lòng đất, tiếng gió biển rít vi vút qua những hàng đước chết đứng trơ trụi trên nền cát. Tôi hỏi anh Ba Ngàn:
           - Nhưng giữ rừng mà tại sao lại giữ…khu rừng chết?
           - Từ nhiều năm qua bỗng tại đây xuất hiện chuyện cát lấn, cát tràn. Hàng năm, từ cồn Lợi đến cây Bàng (cồn Bững) dài trên 10 km, gió biển đưa cát lấn thêm vào bờ từ 10 – 15 mét. Cát lấn tràn đến đâu thì rừng đước lùi dần đến đó. Cho nên để bảo vệ và cứu lấy rừng phòng hộ bên trong đang rất tươi tốt, những cây đước chết khô kia vẫn phải để nguyên đó, không cho bất cứ ai đốn mất vì đây là màn chắn cuối cùng. Vả lại, khu vực này rất phức tạp gọi là: “Khu Sài Gòn mới”.
            - “Sài Gòn mới”?
            - Dân đây quen gọi vậy. Vào mùa nam lặng gió, hàng trăm con người từ các vùng lân cận tìm đến đây để bắt nghêu, sò và tất nhiên chặt cây rừng.
            Trước năm 1990, rừng phòng hộ ven biển Thạnh Phú bị tàn phá gần như khánh kiệt. Người ta phá rừng để làm vuông nuôi tôm và để sống. Để cứu lấy rừng, Lâm ngư trường Bến Tre ra đời từ đó. Với trên 60 người (không kể số hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng), lâm ngư trường vừa nuôi tôm trên tổng diện tích 971 hecta rừng ngập mặn vừa trồng rừng, từng bước lâm ngư trường đã đứng vững và phát triển trên địa bàn dài hơn 20 km thuộc vùng đất cuối cù lao Minh.
            Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú (gồm 8.825 hecta tại xã An Điền, Thạnh Phong và Thạnh Hải), đồng thời Nhà nước đã có dự án trồng 5 triệu hecta rừng. Trên những thảm rừng mới mà “Robinson” Nguyễn Văn Huỳnh cùng tập thể các anh lính giữ rừng của Lâm ngư trường Bến Tre đã tạo dựng được, nay mai lâm ngư trường sẽ bắt tay vào thực hiện hai dự án quan trọng trên. Đó cũng là niềm an ủi lớn lao đối với một người lặng lẽ ngồi giữ rừng bên bờ biển Đông.

Khu rừng chết.


                                                            (Báo Tuổi trẻ Chủ Nhật năm 1998,
                                                             Giải C báo chí toàn quốc Hội nhà báo

                                                                    Việt Nam năm 1999).

29/03/2014

Những giọt máu, những nụ hoa cho đời

      
            Phan Lữ Hoàng Hà

            Một sáng ra Tòa soạn báo Đồng Khởi, chị Mai Hoa, trưởng phòng công tác bạn đọc của báo, trao tôi phong thư, tôi vội mở ra xem. Ra đó là một bức thư của bạn đọc tên Đoàn Văn Minh, ngụ ở ấp Thạnh Đông, xã Hương Mỹ, Mỏ Cày. Trong thư, anh Đoàn Văn Minh viết:
            “…Vào một đêm, trong tình trạng nguy kịch, cô em vợ của tôi (tên: Cù Thị Mãnh, ngụ ấp Vĩnh, xã Đại Điền) đã được trạm xá Tân Phong chuyển đi cấp cứu sản ở bệnh viện Mỏ Cày lúc 5 giờ 30 sáng. Lúc đó huyết áp của cô đã kẹp (5/3), và sau khi hội chẩn, bác sĩ khoa sản Lê Phi Long cho biết là nơi bào thai của cô em vợ tôi đã phải “nhau tiền đạo trung tâm, cài răng lược” thế nên phải mổ khẩn cấp. Mà mổ thì phải cần tiếp máu. Máu đâu? Một đứa con của cô Mãnh sẵn sàng nhưng ngặt nỗi không đúng nhóm máu, ở bệnh viện cũng lại chưa có ngân hàng máu. Và thế là bác sĩ Lê Phi Long – người trong chốc lát nữa đây sẽ trực tiếp phẫu thuật cho cô Mãnh – quyết định tự hiến máu của mình. Cùng với một đơn vị máu của bác sĩ Lê Phi Long, cộng với truyền dịch, tình trạng nguy kịch ở cô Mãnh từ từ đã được cải thiện, ca phẫu thuật để cứu mẹ lẫn đứa con được tiến hành và kết thúc tốt đẹp. Mười ngày sau đó, cô em vợ tôi xuất viện với cháu nhỏ đã biết đưa mắt nhìn bầu trời. Cả hai mẹ con đều khỏe mạnh trong xúc động của mọi người…
            Song nếu bác sĩ ấy lặng đi, không cho máu, thì sẽ ra sao?
            Nay tôi viết thư này gởi đến quí báo để nói lên tấm lòng cao cả của một bác sĩ đang công tác tại một huyện mà người ta quen gọi là: “Cái nôi quê hương Đồng Khởi”.
                                                                                    Ký tên (Đoàn Văn Minh).
            Đọc những dòng tường thuật trên, thú thật, lòng tôi không khỏi xúc động và trân trọng đối với một “lương y như từ mẫu”. Song, sự việc không rõ thực hư ra sao, thế là tôi quyết định đến ấp Vĩnh (xã Đại Điền).
            Hướng dẫn tôi đến thăm mẹ con chị Cù Thị Mãnh là anh Lượm – Trưởng công an xã Đại Điền. Đường đến nhà chị Mãnh khá xa, lại phải bước đi rất chật vật trên những đoạn đường nổi sình cháo, song trong lòng vẫn thấy có điều gì đó bồn chồn và cũng chính từ niềm vui, sự cảm phục đó đã thôi thúc tôi tìm đến một nơi xa xôi và quá ư hẻo lánh như ấp Vĩnh của xã Đại Điền. Trời vẫn mưa không ngớt…
            Tôi vào nhà chị Mãnh, lúc chị đang ru cháu ngủ (đứa bé được sinh ra trong ca mổ thập tử nhất sinh). Chị Mãnh xúc động mạnh, bồng cháu lên nói:”Ơn đối với bác sĩ Phi Long, với tập thể y, bác sĩ bệnh viện Mỏ Cày, biết bao giờ…em mới trả hết. Anh Đoàn Văn Minh – người anh rể của em – có đến đền ơn bác sĩ Phi Long 2 triệu đồng gọi là “tiền máu”. Song, bác sĩ Phi Long nhất quyết không nhận. Với anh Minh, tánh tình anh ấy rất sòng phẳng, ai giúp mình, thì mình phải “trả ơn” lại như vậy, lòng anh ấy mới yên ổn…”. Rồi chị Mãnh bế cháu nhỏ đến sát tôi, cho tôi xem. Cháu ngáp thật dễ thương, chị Mãnh nói tiếp: “Đến nay, cháu được 1 tháng 16 ngày…”. Không khỏi băn khoăn (dù chuyện đã qua hết rồi), tôi hỏi chị Mãnh: “Trước đó, chị có đi…siêu âm?”. “Có. Nhưng bác sĩ ở phòng siêu âm không nói là em có nhau tiền đạo. Ấy mới chết! Thế là khi thai của em 9 tháng nó phải bể ra và ra huyết dữ dội. Các y, bác sĩ sản khoa ở trạm y tế xã Tân Phong đành bó tay!”.
            Ngược lớp bụi đỏ bốc cao mù trời trên đường 888, tôi đến bệnh viện Mỏ Cày và tìm gặp bác sĩ Lê Phi Long. Được biết, đêm đó bác sĩ Long đã đứng mổ liên tiếp cả thảy 7 ca và với chị Mãnh là ca thứ 8, và ca ấy đã kéo dài luôn tới sáng. Một y sĩ (xin yêu cầu không nêu tên) ở bệnh viện Mỏ Cày nói với tôi: “Đâu chỉ riêng trường hợp của chị Cù Thị Mãnh, mà nhiều trường hợp khác nữa, bác sĩ Phi Long sẵn sàng cho máu mình, cứu người”
            Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh năm 1989 và từ đó bác sĩ về công tác tại bệnh viện Mỏ Cày. Hiện bác sĩ là Trưởng khoa ngoại và khối ngoại sản của bệnh viện huyện. Ngoài ra còn là bí thư chi bộ 1, chi ủy viên Đảng ủy y tế Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày. Còn về sự tận tụy và lòng cao cả của một thầy thuốc đối với bệnh nhân – như bác sĩ Lê Phi Long – tôi đã nghe rất nhiều người dân ở thị trấn Mỏ Cày nói đến với lòng trân trọng. Những giọt máu ấy, chính là những nụ hoa cho đời…

                                                                                             (Giải C báo chí toàn quốc

                                                                                               Hội nhà báo Việt Nam năm 1997).

Bác sĩ Lê Phi Long.

24/03/2014

Ra mắt Ban liên lạc cựu học sinh Trường THPT Mỏ Cày

            

Các cựu học sinh và giáo viên Trường THPT Mỏ Cày và các cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa

Ban liên lạc cựu học sinh Trường THPT Mỏ Cày

Cựu giáo viên Trường THPT Mỏ Cày và anh Trần Minh Mẫn.

            Ngày 23/3, trang trại Anh Mỹ (rộng 62 hecta, nằm bên bờ sông Bé thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), đón hơn 40 cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, Trung học phổ thông huyện Mỏ Cày ( Bến Tre) và các cựu giáo viên Trường THPT Mỏ Cày đến họp mặt. Sau khi tham quan vườn trái cây của trang trại Anh Mỹ do anh Trần Minh Mẫn là chủ trang trại, các cựu học sinh và cựu giáo viên bước vào nghi thức ra mắt Ban liên lạc cựu học sinh Trường THPT Mỏ Cày. Anh Trần Minh Mẫn, thành viên của Ban liên lạc, đại diện Ban liên lạc, nói lên những suy nghĩ và tình cảm để kết chặt tình thân ái của thầy – trò dưới mái Trường THPT Mỏ Cày năm xưa, theo đó các cựu học sinh, qua Ban liên lạc, sẽ thường xuyên tổ chức thăm viếng nhau, động viên, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Ban liên lạc gồm 9 thành viên, anh Lê Quang Triệu làm trưởng ban.

                                                                                                                                   Thanh Quang

17/03/2014

Tiếp sức các em đến trường

Bà Võ Thị Hảo và em Nguyễn Thị Hồng Gấm, lớp 10 Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bến Tre nhận học bổng

            Ngày 16/3, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Bến Tre (Hội) phát học bổng cho các học sinh tại Bến Tre do Hội Les Amis du Vietnam (Bạn của Việt Nam tại Pháp) và bà Võ Thị Hảo – Việt kiều tại Canada tài trợ chính. Bà Lê Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre,…đến dự.
Đợt phát học bổng đầu năm 2014 này gồm 116 suất, tổng cộng 94,5 triệu đồng trong đó có 13 suất của Hội Les Amis du Vietnam, mỗi suất 2,5 triệu đồng. Đối tượng nhận học bổng là các học sinh nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật, mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập đạt học lực giỏi, khá.
Quỹ học bổng của Hội hoạt động liên tục từ năm 2006 đến nay, hàng năm phát cho 400-500 học sinh, sinh viên Bến Tre trong diện trên với tổng cộng gần 4 tỷ đồng. Nhận học bổng từ Hội có trên 70 sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định; em Huỳnh Vĩnh Lộc học lớp 11 Lý, Trường THPT Chuyên Bến Tre đạt huy chương vàng Olympic 30-4 môn Vật Lý năm 2013, hạng nhất giải toán toàn quốc trên máy tính cầm tay năm 2014 và giải khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia môn Vật Lý năm 2014.
Dịp này, UBND tỉnh Bến Tre đã tặng bằng khen cho bà Võ Thị Hảo với thành tích có nhiều đóng góp cho Quỹ Vì người nghèo Bến Tre.

Trao bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre cho bà Võ Thị Hảo.



                                                                                                                                    Lê Thị Thặng

          Kỳ thi toàn quốc giải toán trên máy tính cầm tay
            Đoàn Bến Tre đạt hạng nhất khu vực 4

Trường THPT Chuyên Bến Tre trong lễ tuyên dương học sinh giỏi.

         
            Ngày 12/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi toàn quốc giải toán trên máy tính cầm tay lần XIV, năm học 2013-2014 tại TP Sóc Trăng (khu vực 4). Kỳ thi này chia ra 4 khu vực, Bến Tre thuộc khu vực 4 (từ Bình Dương đến Cà Mau). Đoàn Bến Tre gồm 30 thí sinh là học sinh của Trường THPT Chuyên Bến Tre, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Ba Tri, Chợ Lách, Trường THCS TP Bến Tre, Ba Tri, Quới Sơn – Châu Thành, An Thủy – Ba Tri. Các thí sinh thi môn Toán,  Lý, Hóa, Sinh. Kết quả: - Toán: giải nhất Phạm Ngô Gia Bảo (lớp 12 Toán Trường THPT Chuyên Bến Tre) và 3 giải khuyến khích; Lý: giải nhất Huỳnh Vĩnh Lộc (lớp 11 Lý Trường THPT Chuyên Bến Tre), 2 giải nhì và 1 giải khuyến khích; Hóa: 2 giải nhất (Phạm Hữu Phước và Lâm Hoàng Huy cùng lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Bến Tre), 1 giải ba và 1 khuyến khích; Sinh: 2 giải nhất (Nguyễn Hồ Quốc Thái và Phạm Thị Mai Trúc cùng lớp 11 Sinh, Trường THPT Chuyên Bến Tre); Toán lớp 9 THCS: 1 giải nhất Huỳnh Nhật Quang (Trường THCS TP Bến Tre), 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích; Toán lớp 12 THPT– Giáo dục thường xuyên: 1 giải nhì và 2 giải ba.
            Đạt tổng cộng 24 giải, trong đó có 7 giải nhất (riêng Trường THPT Chuyên Bến Tre 6 giải nhất), Bến Tre được xếp hạng nhất toàn đoàn khu vực 4, TP Hồ Chí Minh hạng nhì.


                                                                                                                                     Thanh Quang

11/03/2014




          Thầy Nguyễn Trung Hiếu, cựu giáo viên Trường Trung học công lập Kiến Hòa, cựu Hiệu Phó Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM). Trong suốt thời gian tang lễ, nhiều cựu giáo viên và cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa đã đến viếng, tiễn đưa thầy Hiếu về nơi vĩnh hằng. Cô Nguyễn Thị Lan đọc điếu văn tiễn biệt thầy với lòng trân trọng, xót xa.
Điếu văn tiễn biệt Anh Nguyễn Trung Hiếu

Anh Hiếu,
Chúng ta vừa họp mặt kỳ thứ 20, vừa cùng nhau nhận những món quà xuân ấm áp, cùng vui đùa, cùng ca hát bên nhau. Hương xuân chưa tàn thì nhận đuợc tin Anh nhập viện. Bạn bè lo lắng hỏi thăm. Chúng tôi chưa kịp vào thăm Anh thì được tin Anh mất. Nghe tin báo tất cả bạn bè và học trò bàng hoàng xúc động.
                        Đã tiễn một người đi
                        Lại tiễn một người đi
                        Vừa tiễn một người đi
                        Giờ thêm tiễn một người đi

            Chúng ta tự hỏi.
                       
                        Bên ấy có gì vui không vậy
                        Mà bạn bè lần lượt tiếp nhau đi
                        Vui nào hơn họp mặt
                        Buồn nào hơn chia ly

Cô Nguyễn Thị Lan đọc điếu văn tại đám tang thầy Hiếu.


            Anh Hiếu ơi,

            Ngày xưa chúng ta cùng nhau về dưới mái trườngTrung Học Kiến Hòa, cùng chung niềm vui chăm lo cho đám học trò thân yêu. Anh sớm rời trường về thành phố, rối nhận nhiệm vụ làm Hiệu phó Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Dù vậy có dịp Anh lại về họp bạn, cùng vui bên nhau và có dịp kể cho nhau nghe về công tác mới. Anh yêu thương học trò khiếm thị biết chừng nào. Anh bảo: Một niềm vui nhỏ của các em là niềm hạnh phúc lớn của chúng ta. Anh đã hết lòng yêu mến chăm lo, nâng đỡ, dìu dắt các em như chính con mình. Anh kể những lần đi dự lễ cưới của các em, Anh không sao tả hết nỗi xúc cảm ở trong lòng khi thấy các em trưởng thành và hạnh phúc trong cuộc sống khiếm khuyết của đời mình. Do đó, qua Anh chúng tôi cùng nghe lòng mình ngập tràn lòng trìu mến đối với các em học trò khiếm thị.

            Anh Hiếu, trong cuộc đời, ngoài là người thầy tận tụy với nghề, Anh còn là nguời bạn hiền hòa thân thiết của chúng tôi. Mỗi lần họp mặt, bạn bè vui đùa, chọc phá Anh chỉ đáp lại bằng nụ cười hiền, hiếm khi Anh phản kháng đáp trả. Đặc biệt, Anh còn có giọng hát thật trầm ấm, Anh hát bằng tất cả cảm xúc của mình, những bản tình ca kỷ niệm làm xao xuyến lòng người. Lần gặp nhau tháng 11 ở Nhường Trà, các bạn yêu cầu anh hát. Anh chỉ vào cổ nói: Đang trị bệnh, khàn tiếng, không hát được. Biết Anh đang không khỏe, có lần tôi tránh không mời Anh tham dự một chuyến đi. Vậy mà sáng sớm tôi đã thấy Anh xách túi đến ngồi bên các bạn. Anh Hiếu còn là một người bạn rất đặc biệt chúng tôi; là đi đâu Anh cũng muốn có vợ đi cùng. Được mời đi đâu Anh cũng hỏi: Cho vợ tôi đi cùng có được không? Chị Tùng cũng hiền hòa bên Anh, cùng hoà hợp với mọi người.
           Chúng ta giờ thử nhìn lại cuộc đời của chúng mình. Khi tuổi trẻ mới vào đời, chúng ta cùng đứng trên bục giảng, dù chung trường hay về trường khác, chúng ta vẫn đem hết tâm sức vì học trò thân yêu. Cuộc sống dù có đạm bạc khó khăn, trên 30 năm chúng ta cũng có được tình nghĩa thầy trò thân thiết, bạn bè thân nhau như anh chị em.   Rồi khi hết tuổi nghề sống tiếp tuổi nghiệp của riêng mình, chúng ta không đơn độc và tìm về bên nhau với rất đông học trò cũ của mình. Cuộc sống nghĩa tình cho chúng ta niềm hạnh phúc lớn lao, các lần họp mặt, những buổi ăn sáng, những chuyến du ngoạn trên dặm dài đất nước luôn rộn rã tiếng cười, tràn ngập niềm vui. Chúng ta đã sống trọn bên nhau suốt 20 năm qua, ôi một quãng thời gian dài quí giá biết chừng nào. Giờ đây, nay trong tuổi về chiều, chúng ta lại cùng lưu luyến tiễn biệt nhau trong buổi tàn niên. Như hôm nay chúng tôi, bạn bè và học trò cũ đến tiễn biệt Anh: tuổi già hạt lệ như sương nhưng niềm đau đọng ở trong lòng, hình bóng bạn bè quá vãng lướt nhanh qua tâm trí.

                        Lệ nến chảy quanh vòng hồi tưởng
                        Ta ngậm ngùi chấp nhận nỗi chia xa
                        Có gì đâu mà !
                        Người đi ta cũng sẽ đi
                        Người về tất cả cùng về mà thôi !

           Anh Hiếu ơi, 76 năm tuổi đời, Anh tròn đạo nhân sinh. Với chị Tùng, Anh đã tròn lời thề ước “sống bên nhau đầu bạc răng long”. Với các con Anh đã trọn tình, Anh luôn lo âu chăm chút cho hạnh phúc của các con làm chúng tôi hết sức cảm động. Cho nên sự ra đi của Anh là một mất mát lớn của gia đình không gì bù đắp nổi, từ nay ngôi nhà cũ vắng Anh rồi, vào ra quạnh quẽ thiếu vắng người chia sẻ những buồn vui. Với học trò, Anh đã trọn nghĩa làm thầy. Với bạn bè, Anh đã sống chan hòa tình cảm. Anh ra đi tình thương còn để lại, và bạn bè thương tiếc không nguôi. Nhưng thôi, nghiệp trần nay đã mãn, nợ thế không còn vương. Thôi Anh hãy nhẹ nhàng cất bước.

          Chúng tôi là những bạn bè và học trò cũ của Anh, đến đây xin được thắp nén nhang tiễn biệt Anh.
                        Vòng hoa tưởng niệm bạn hiền
                        Hương khói tỏa ấm tình thân hữu

         Chúng tôi xin cầu nguyện cho Anh được sớm vui miền lạc cảnh.

          Xin kính tiễn biệt Anh.

          Cựu Giáo viên và Học sinh Trường THCL Kiến Hòa.
Phóng sự

Đi lục chuột

Phan Lữ Hoàng Hà

Nếu bạn là nông dân trồng dừa, bạn sẽ la trời trước nạn chuột đục khoét trái dừa. Ở hầu hết vườn dừa xưa nay, dừa chưa đến lứa để bẻ, giựt, chuột cắn phá, trái rụng đầy vườn, thấy mà xót xa.

Kinh nghiệm “tóm” chuột dừa
Anh Nguyễn Văn Vui (Sáu Vui) là bộ đội phục viên. Năm 1985, khi trở lại quê nhà tại xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre, Sáu Vui sống với 3 công đất vườn dừa, nuôi vợ con. Đời sống khó khăn nên Sáu Vui đi bẻ dừa cho những chủ vườn dừa trong xóm ấp. Lần hồi, Sáu Vui trở thành thợ bẻ dừa mướn chuyên nghiệp hồi nào không hay. Một sáng, tôi và anh Ri theo Sáu Vui đi bẻ dừa.. Sáu Vui nói:”Đi coi giựt dừa, bẻ dừa chán chết. Cái chính mấy ông theo tôi là để xách chuột dừa về, trưa tụi mình lai rai…”
Anh Sáu Vui, giắt chiếc câu lim giựt dừa vào bên hông và tròng chiếc nài leo dừa vào đôi chân, thoăng thoát lao nhanh vào công việc của một người thợ bẻ dừa. Sáu Vui leo lên cây dừa cao khoảng 18 mét, tiến sát tới những tàu dừa  xòe ra ngay trên đầu anh. Đầu tiên tôi thấy, Sáu Vui mở chiếc bao vải anh mang theo bên hông mình. “Đi bẻ dừa mà đem theo cái bao vải chi cho thêm chộn rộn?”- tôi thắc mắc.
            Từ dưới đất, anh Ri ngóng nhìn lên cây dừa Sáu Vui sắp bẻ trái, nói : “Ông Sáu Vui lên đó, làm một lúc đến ba việc chứ phải chỉ bẻ dừa không thôi”. “ Hai việc kia nữa là gì?”- tôi hỏi. Ri tiếp lời: “Lục chuột và dọn dừa – hai yêu cầu thêm mà các chủ vườn dừa luôn cần khi mướn người bẻ dừa”.
            Lục chuột? Khi Sáu Vui vừa áp sát vào ngọn dừa,anh tìm ngay nơi lũ chuột dừa làm ổ, tranh thủ tóm cổ chúng ngay. Còn khi bị lũ chuột phát hiện, chúng chạy tuôn xuống đất, người dưới đất sẽ rượt chuột mà đập, đó là nhiệm vụ hôm nay của anh Ri. Tư Ri tặc lưỡi: “Nhưng để đập cho dính chuột, không dễ đâu nghe ông bạn – Tư Ri huơ huơ chiếc chà mo nang trên tay mình, giọng chắc nịch – Huơ trúng chuột, nhưng phải huơ hướng ngược lên từ dưới đất lên trời thì nó mới…bất tỉnh. Ngược lại, chúng dong mất tiêu…”.
            Tôi thích thú với kinh nghiệm tóm chuột của Ri, anh giải thích thêm: Dọn dừa? Sau khi bẻ dừa xong, người thợ bẻ dừa còn giúp chủ vườn dừa thêm khâu dọn sạch trên các ngọn dừa như tước bỏ những tàu lá dừa khô, mo nang để chủ làm chất đốt; cắt gọn nhen dừa để bẹ dừa dễ bung ra cho bông, kết trái. Không làm việc đó, cây dừa chậm cho trái, vườn dừa trở nên thâm u, không gian thiếu đi sự thoáng đạt.
            Anh Sáu Vui tuột xuống từ một cây dừa, gạt dòng mồ hôi trên trán, đưa cho tôi xem mớ chuột dừa anh vừa bắt, nói “Con nào mở mắt, tức khi bắt nó vẫn còn sống, chủ vườn sẽ thưởng cho người lục chuột 10.000 đồng/con”. Chuột mẹ và chuột con anh vừa tóm được tổng cộng ở cây dừa này là…7 trự. Như vậy ngoài tiền công bẻ dừa, chỉ riêng cây dừa có chuột trú ngụ này Sáu Vui được chủ cho thêm gần 70.000 đồng (vì có con còn nhỏ). Tôi hỏi Sáu Vui: “Chuột bắt được chủ lấy hết hay đó thuộc phần của người lục chuột?”. Sáu Vui cười: “Giao hết cho chủ chớ. Tuy nhiên, xin lại ít con để chiều lai rai với vài xị đế là chuyện nhỏ thôi. Chuyện lớn là chuột sẽ không còn cắn phá gây hại vườn dừa …”.



            “Cây nhà lá vườn”
            Nhưng công việc bẻ dừa ở Sáu Vui không diễn ra thường xuyên ngày này qua tháng nọ, thường thì anh nghỉ năm ba ngày mới có người kêu anh đi bẻ dừa tiếp. Sáu Vui khề khà:” Ở không làm gì vậy nên chiều chiều cha con tôi đi đặt bẫy bắt chuột dừa trong vườn nhà để cải thiện buổi ăn. Chuột dừa sống trong vườn dừa chỉ ăn dừa, mập ú nu, thịt chuột dừa ăn vừa ngon ngọt vừa dai hơn rất nhiều so chuột Đồng Tháp. Chuột Đồng Tháp là chuột hầu hết sống trên ruộng đồng. Mùa nước nổi, chuột Đồng Tháp…nổi loi ngoi. Đó cũng là một đặc sản nổi tiếng tại miền Tây”.
            Quả vậy, trong nhà Sáu Vui luôn có khoảng 10 cái lồng làm bẫy chuột. Chiều chiều, anh và người con trai của anh bỏ vài miếng cơm dừa vào một cái lồng bẫy rồi xỏ xâu vào cây sào dài khoảng 8 mét, đến một cây dừa nào đó nghi  có chuột dừa đang trú ngụ trên đó, cha con liền gác chiếc lồng bẫy lên tàu dừa sát buồng dừa, chờ chuột ham mồi bò vô, bẫy sẽ sập xuống. Sáu Vui nói:” Hồi xưa, ông bà ta dùng bẫy cò ke, bẫy ống tre để bắt chuột dừa. Mặt hạn chế của hai loại bẫy nầy là con chuột sau đó chết queo vì khi bẫy sập, bẫy làm con chuột bể đầu hay ẹo xương sống, hoặc treo nó toòng teng. Còn bẫy lồng, sập cái, nó vẫn sống nhăn nhưng không thoát ra được”.

            Chiều lại, Sáu Vui làm thịt chuột còn nhanh hơn làm gà, làm vịt. Trong tất bật để kịp đãi khách, Sáu Vui nói: “Củi đậu nấu đậu”. Thì ra Sáu Vui chuẩn bị quay chuột dừa với nước dừa xiêm trong vườn nhà. Sáu Vui không quay thịt chuột cho nhanh bằng bếp gas mà đốt lửa ở lò, quay từ từ bằng lửa từ mo nang dừa. Lửa cháy phừng phừng trong gian bếp lợp lá, mùi thơm thịt chuột quay nước dừa bốc lên thơm ngào ngạt. Sáu Vui ra thịt chuột quay vào dĩa, để lên trên thêm lớp rau om rồi rắc đậu phộng vào. Còn nước chắm là chao tán nhuyễn với sả bầm. Sáu Vui khà khà:”Có nhiều hôm nhà thiếu thức, có món “cây nhà lá vườn” này kể ra cũng đỡ. Mà mấy ông biết không, nếu mấy ông là nông dân lam lũ sống nhờ cây dừa, thấy dừa rụng do chuột cắn phá mới đau lòng”. Dừa ở Bến Tre bạt ngàn, trong màu xanh thăm thẳm, ẩn hiện là vô số đàn chuột đang rình rập cắn phá trái dừa. Đó là chưa kể loài sóc. Sóc nhỏ như con mèo con, kéo đi từng bầy, năng động, biến hiện nhanh như chớp. Những năm gần đây, bỗng sóc “tái sinh” rất nhiều. Những vườn cây ca cao trồng xen trong vườn dừa là nơi “rù quếnh” sóc đến cắn phá trái ca cao, trái rơi rụng tơi tả, nhà vườn kêu trời! Hiện nay, nông dân có vườn dừa chỉ bẫy chuột, sóc bằng cách làm dân gian chớ chưa thấy có một biện pháp khoa học nào tỏ ra hữu hiệu…Đôi mắt Sáu Vui đăm chiêu:”Mà nghĩ cũng ngộ nghen, cây dừa nào có chuột bị sập bẫy một lần, lâu lắm sau mới bắt được chúng lần nữa. Chắc nhà họ chuột có “ám hiệu” báo động  riêng”.

Chuột quay chảo với nước dừa xiêm.