06/01/2014



Tất cả chỉ còn là ký ức *

Hoa xuân - thầy Nguyễn Siên.



Thưa Cô,
Thế là Cô đã đi xa, thực sự đi xa. Mặc dù chúng em đã biết trước chuyến đi ấy không sớm thì muộn cũng sẽ đến, nhưng vẫn là bất ngờ đối với chúng em.
Thưa Cô,
          Thế là sau gần 40 năm và sau rất nhiều cuộc chia ly, hôm nay là cuộc chia ly thật sự.
          Giờ tất cả chỉ còn là ký ức. Quyển sách Giảng văn của Thẩm Thệ Hà đã từng gắn bó với chúng em, trong đó bài Hoa súng của Đinh Gia Trinh đã cho chúng em sáng tỏ thêm một cách suy nghĩ mới, một cách nhìn nhận mới trong quan niệm của người đời về hoa sen, hoa súng mà trong đầu óc của những đứa học trò đệ nhất cấp chưa hề biết đến.
          Giờ chỉ còn là ký ức về quyển truyện “Những người áo trắng” của Nhật Tiến mà chúng em đã lùng sục khắp các nhà sách ở Kiến Hòa, Mỹ Tho để chia nhau trong tổ, đọc say sưa và làm bài thuyết trình trước lớp, có cả “lưu diễn” sang các lớp khác. Với chúng em, đó là cả một tâm trạng hồi hộp nhưng trong nhiệt huyết bừng bừng của lòng say mê bộ môn Cô đã trao cho, một luồng sinh khí mới trong phương pháp dạy và học môn Việt văn hình như chưa từng gặp ở một lớp nào khác; và thất bại hay thành công là điều chúng em không hề nghĩ tới, chỉ thấy có dịp quen thêm rất nhiều bạn mới, vui đến nao lòng!
          Giờ chỉ còn là ký ức những buổi đi viếng cồn Đạo Dừa. Trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thanh khiết đó, đặc trưng của cả miền Tây Nam Bộ, lớp chúng em đã học được rất nhiều điều về tình yêu quê hương, đất nước mà đến giờ nầy vẫn còn nguyên cảm giác cùng thêm nỗi day dứt của hiện tại.
          Giờ chỉ còn là ký ức về Người Cô - Giáo sư hướng dẫn của chúng em, đã mất nhiều tâm trí lo cho cả lớp, từ những đứa chăm ngoan đến những đứa vụng về, yếu kém. Nỗi buồn vui của Cô đã lan tỏa đến từng học sinh, nên chúng em tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn. Tờ Đặc san Xuân của lớp được viết tay, đem đến nhà in Nam Hiệp nhờ đóng lại chỉ dày hơn 1cm nhưng là cả một sự nâng niu thích thú của cả lớp; lại có thêm một số bài của lớp được đăng trong nguyệt san Bừng Sống của Trường Trung học Kiến Hòa.

          Thưa Cô,
          Chúng em giờ mỗi đứa một phương và cũng có đứa làm nghề dạy học. Thời gian qua đi, các em nhỏ vẫn tiếp tục đến trường, thầy cô vẫn tiếp tục dạy dỗ, nhưng dòng sông đã trôi qua không giống như ngày xưa nữa; chúng em tìm đâu được quyển Giảng văn của Thẩm Thệ Hà cùng phương pháp dạy văn của ngày xưa! Nhớ về quá khứ, chúng em càng tiếc nuối, thương cho các em nhỏ ngày nay và cũng là hình ảnh chúng em ngày xưa, nhớ đến Cô và quý Thầy Cô dưới mái Trường Trung học Công lập Kiến Hòa.


          Thưa Cô,
          Cô đã ra đi thanh thản, không như lo sợ của chúng em là Cô phải chịu đựng những đau đớn của căn bệnh triền miên. Tìm lại quyển tập ngày xưa, trong giờ gặp lớp hướng dẫn, lớp trưởng đã tỉ mỉ ghi lại câu nói của Cô: “Cô chấp nhận những buồn phiền của cuộc đời mà không than van”.  Lúc Cô nói, buồn phiền đó là buồn phiền của lớp Tứ 7 gây cho Cô. Nhưng thời gian sau đó,  Cô phải nhận buồn phiền của thời thế đến với Cô; và Cô vẫn an nhiên tự tại, sống vui với gia đình, với đồng nghiệp, với xóm giềng và với những học trò của Cô. Hình ảnh thánh thiện của Cô sẽ luôn ghi khắc sâu trong cuộc đời học sinh của chúng em mà không phải ai cũng có được. Và trong thế giới vĩnh hằng nơi Cô đến, chúng em biết rằng Cô mãi mãi yên vui cùng với những hình ảnh tốt đẹp nơi trần thế, trong đó có lớp Tứ 7 của chúng em.

          Vĩnh biệt Cô!

-------------------------

* Bài điếu văn do đại diện lớp Tứ 7 đọc tại lễ an táng Cô Phạm Thị Hạnh.

No comments:

Post a Comment