21/01/2014

ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG

Thầy Đoàn Ngọc Diệp

Hồi nhỏ, tôi sống ở nông thôn và học các lớp thuộc bậc tiểu học (cấp 1) ở trường làng. Đối với trẻ con ở nông thôn, việc bắt cá, tát mương là việc rất bình thường. Mỗi khi xuống mương, từ bước chân của tôi có những bọt khí bay lên. Tôi cho rằng các bọt khí đó là không khí và không thắc mắc tại sao có chúng.
Học xong lớp nhứt (nay là lớp 5), tôi học ở Trường Trung học Công lập Kiến Hòa. Lên lớp Đệ Tứ (nay là lớp 9), thầy dạy Lý Hóa nói rằng: khí mê tan được bốc lên từ đáy các ao hồ do sự phân hủy của lá cây. Tôi thích thú điều này và muốn hứng lấy khí metan để làm thí nghiệm cho thỏa chí tò mò. Tôi nghiên cứu kỹ bài học và thấy có thể làm được một thí nghiệm với khí metan.
Lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần, tôi về quê và bắt tay làm thí nghiệm. Để hứng khí metan, tôi dùng một lọ thủy tinh chừng 1 lít, một cái phễu to. Lọ được chứa đầy nước và quay miệng xuống dưới mặt nước, cái phễu được đặt vào miệng lọ. Tôi đạp xuống bùn ngay dưới cái phễu. Khí metan bốc lên và theo phễu vào lọ. Sau khi được một lọ khí, tôi làm bước 2 của thí nghiệm.
Lọ được úp vào một chậu nước. Tôi lấy một cộng bông súng nhỏ và đặt một đầu vào trong lọ, đầu kia ở ngoài không khí. Tôi ấn lọ xuống: khí metan theo cọng bông súng thoát ra ngoài và được đốt cháy. Nó cháy với ngọn lửa màu xanh nhạt rất khó thấy. Vì vậy, tôi làm lại thí nghiệm: ban ngày hứng khí metan và đốt lúc trời tối.

Ngày nay, ngồi nhớ lại việc cũ, tôi thấy tôi đã phạm một sai lầm về việc đốt khí metan có thể xảy ra sự cố nguy hiểm do lọ thủy tinh dễ bể. Vì vậy, các cháu học sinh nếu muốn làm thí nghiệm thì phải sử dụng lọ bằng nhựa dẻo.





No comments:

Post a Comment