18/01/2014


TAY

Thầy Đoàn Ngọc Diệp

Hồi nhỏ, tôi sống ở nông thôn. Trong nhà lúc nào cũng có một lọ giấm nên tôi biết được giấm có vị chua và được sử dụng trong gia đình trong việc chế biến thức ăn. Tôi không nghĩ vì sao giấm cho vị chua.
Tôi lên thị xã học trung học. Năm học lớp Đệ Tứ (nay là lớp 9), thầy PĐĐ dạy môn Lý – Hóa. Trong bài axit axetic, thầy nói rằng: axit axetic có trong giấm, vị chua của giấm là vị của axit axetic. Sang bài “Sự lên men giấm”, tôi được biết cơ sở khoa học của việc biến rượu etilic thành axit axetic.
Lớn lên, tôi học Đại học Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, tôi dạy môn Lý – Hóa. Lúc này, tôi tiếp xúc với nhiều người và được biết một điều rất lý thú liên quan đến chuyên môn. Đó là các cụ già nói rằng phụ nữ đang hành kinh múc giấm sẽ làm hư giấm. Bạn tôi nhờ tôi giải thích việc này. Tôi không giải thích nổi. Tôi cũng không kiểm tra việc này bằng thử nghiệm được vì tôi không chuyển đổi giới tính. Kể từ lúc này, tôi tìm hiểu vì sao giấm bị hư. Tôi biết được 4 lý do:
1. Tôi nuôi giấm. Từ sau 3 hoặc 4 tuần, tôi múc giấm ra chai để dùng dần và cho giấm ăn với dung dịch gồm: nước, rượu, và nước dừa xiêm. Kết quả: giấm phát triển bình thường. Sau đó, vì bận việc nên tôi không cho giấm ăn. Sau 3 tháng, giấm bị hư và không còn vị chua. Vậy giấm bị hư vì bị đói lâu ngày.
2. Nhiều người quá kỹ. Họ sợ bụi rơi vào lọ giấm nên đậy kỹ đến nổi không khí không vào được lọ giấm, làm cho giấm bị hư vì thiếu oxy.
3. Nhiều người muốn giấm thật chua nên cho giấm ăn với lượng rượu khá nhiều, làm cho giấm bị hư.
4. Một yếu tố nữa thật bất ngờ là lọ giấm được đặt ở nơi có nhiệt độ không thích hợp.


Để kết thúc bài viết này, tôi mong rằng các cô gái trẻ nên kiểm tra bằng thực nghiệm lời nói của các cụ già.

Minh họa: S Thống.

No comments:

Post a Comment