Huỳnh Nguyên
Khang
Trang trại Anh Mỹ
nằm gần sông Bé thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, Bình Dương. So với ĐBSCL,
nơi đây là vùng đất tương đối cao, rộng thoáng, ánh nắng mặt trời chói chang.
Tôi hỏi anhTrần Minh Mẫn, chủ trang trại Anh Mỹ:"Hàng năm, trang trại này thu
hoạch tính ra tiền chừng bao nhiêu?”. Anh Mẫn đáp thật chậm rãi:“Doanh thu cho một
hecta cây có múi trong giai đoạn thu hoạch đạt từ 500 triệu đồng trở lên”. Tôi khá
giựt mình trước khi tìm hiểu nội lực của trang trại này.
Anh Trần Minh Mẫn (giữa) |
“
Đem chuông đánh xứ người”
Một ngày cuối tháng 4-2013, thầy Trương Thọ Lương rủ
chúng tôi – những cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa lên thăm anh Trần Minh Mẫn
trên tỉnh Bình Dương. Anh Mẫn hiện là chủ trang trại Anh Mỹ, là học trò của
thầy Lương hồi thầy còn dạy tại huyện Mỏ Cày.
Đến nơi, anh Mẫn dẫn chúng
tôi luồn sâu vào trang trại. Trên đường đi, chúng tôi nhảy qua nhiều rãnh đất
phân lô đào sâu chừng 1 mét, ngang khoảng 80 cm và phải tránh nhiều cây nước tự
động đang xoay tưới bên những gốc cây bưởi da xanh, cam quýt. Anh Mẫn nói:
“Trước năm 1999 nơi đây là đất hoang hóa. Tôi và anh Lương Văn Ấu, cử nhân kinh
tế, hợp tác đầu tư xây dựng nên trang trại này. Anh Ấu là người rất nhiệt tình,
giỏi giang và rất nhiệt tình với trang trại…Trước hết, tụi mình ra xem một
trong những cây bưởi da xanh trồng sát sông Bé mà Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn
Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam vừa đến thăm. Ông
đánh giá đó là một gốc bưởi da xanh gạo cội tại miền Nam – anh Mẫn chỉ tay vào
cây bưởi đó, tiếp lời – Cây bưởi da xanh này đã 14 tuổi. Hàng năm, chỉ riêng
cây bưởi này, trang trại thu hoạch trên 20 triệu đồng”. Tôi lấy gang tay do thử
gốc bưởi, úi trời, bề hoành của gốc bưởi hơn 6 gang tay. Trong lúc tôi đang ngơ
ngác trước không gian xanh nơi đây thì anh Mẫn cho biết thêm: “Trang trại Anh
Mỹ rộng 50 hecta, 25 hecta chúng tôi trồng bưởi da xanh còn lại 25 hecta trồng
cam và quýt. Một gốc cam, quýt trồng đúng qui cách,
đạt khoảng 5 - 6 năm tuổi trở lên, có thể cho thu hoạch khoảng 200kg/
năm”.
Tôi hỏi về đầu tư phân bón và hệ thống tưới của trang
trại. Về phân bón, anh Mẫn cho biết chi 2 tháng khoảng 1 tỷ đồng gồm 600 triệu
đồng phân vô cơ, 400 triệu đồng phân hữu cơ. Riêng về hệ thống tưới, anh Mẫn
chỉ tay bao quát trang trại nói: “Ống dày đặc âm dưới lòng đất, đầu tư tính ra
khoảng 60 triệu đồng/hecta. Tụi này có đặt một trạm
bơm nước, sử dụng điện 3 pha trên sông Bé, cách đây chừng 2 km, tưới cho cả
trang trại 50 hecta. Vào mùa khô, cứ một, hai ngày các cây nước sẽ xoay vòng
tưới đều các gốc cây ăn trái.Toàn bộ lưới điện 3 pha do chính quyền Bình Dương
tài trợ, chi phí gần 1 tỷ đồng cách đây 6 năm”.
Nhưng điều thú vị hơn là khi tôi biết tất cả cây giống
như bưởi da xanh, cam, quýt ông Mẫn đều lấy từ Bến Tre mang lên trồng. Đặc biệt,
từ nhiều năm qua, khi trồng những giống cây có múi nói trên, trang trại của ông
Mẫn không hề bị các loài sâu tấn công. Trong khi đó từ sau tết Nguyên đán 2013
đến nay, tôi đến nhiều tỉnh ĐBSCL, nhất là tại Bến Tre, một đại dịch sâu hồng
đang hoành hành dữ dội trên các vườn bưởi da xanh. Ở đó, nhân dân kêu trời, các
cuộc hội thảo phòng chống sâu bệnh trên các vườn cây có múi diễn ra liên miên!
Nơi những vườn bưởi tôi đã đến, để trái bưởi không bị sâu đục, xì mủ rồi trái
rụng, hầu hết cây bưởi đều ngủ mùng (bao trái). Nông dân suốt ngày quần quật
với mảnh vườn của mình mới mong thu hoạch khá!
Chị Diệp Hồng thăm trang trại Anh Mỹ |
Mô hình lý tưởng
Trời đứng bóng. Các cựu giáo viên và cựu học sinh dùng
bữa với anh Mẫn. Thật cảm động cho buổi họp mặt bất ngờ hôm nay là có sự hiện
diện của thầy Nguyễn Hữu Huệ từ quận Thủ Đức sang chơi. Trước năm 1975, thầy
Huệ dạy môn vật lý tại Trường THCL Kiến Hòa rồi sau đó thầy về dạy tại huyện Mỏ
Cày. Ở Trường THCL Kiến Hòa, có lúc thầy là cố vấn nhóm kịch Tổ Ong. Thầy nay
tuy đã 71 tuổi nhưng trông còn trẻ, vẫn
chuyện trò bộc trực như ngày nào.Thầy Huệ nói: “Các em phải lên nhà thầy chơi
và nghỉ lại một đêm, thầy mong lắm…”.
Anh Mẫn cho tôi danh thiếp của anh. Tôi lại khá ngạc
nhiên khi biết anh Trần Minh Mẫn là dược sĩ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty
TNHH Dược Phẩm Anh Mỹ (AMPHARMA). Anh Mẫn nói với tôi quê hương anh tại xã Hòa
Lộc, huyện Mỏ Cày, năm 1981 anh tốt nghiệp cấp 3 tại Trường THPT huyện Mỏ Cày
rồi thi vào Trường Đại học Y Dược TP HCM. Ra trường một thời gian, anh thành
lập Công ty AMPHARMA. Đến năm 1999, anh và anh Ấu bắt đầu đầu tư vào lãnh vực
trồng trọt tại xã Hiếu Liêm. Ông Mẫn tâm tình:
“Tôi và anh Ấu mỗi người đều phải điều hành 1 doanh
nghiệp ( tôi là TGĐ Công ty cổ phần dược phẩm MEKONG, còn Anh Ấu là GĐ Công ty
dược phẩm Anh Mỹ), nên thường cuối tuần mới lên trang trại. Sự thành công là
nhờ các anh em hỗ trợ nhất là người quản lý điều hành là anh Trần văn Thận nắm
rất vững về kỹ thuật”.
Ông
Năm Hiền (quê xã Bình Khánh Đông, Mỏ Cày Nam, Bến Tre), người quản gia trang
trại Anh Mỹ cho biết hiện trang trại có trên 50 nhân công chia đều ra các
khâu:chăm sóc cây trái, vô phân bón, tỉa cành, tưới, thu hoạch…Tôi hỏi ông Năm
Hiền:”Khi thu hoạch, trái cây chở đến các vựa bán?” Ông Năm cười nhẹ:” Các mối
đến trang trại, thu mua và đóng kiện tại đây. Dịp gần tết…sung lắm nhưng riêng
tôi thì không rảnh để về quê thăm nhà”. Đảo một vòng mắt nơi sảnh tiếp khách
của trang trại Anh Mỹ với ao cá, nhà thủy tạ, một dãy nhà ngang với phía trước
dây tơ hồng buông đều râm mát, phòng ăn, phòng ngủ, nhà vệ sinh…., tôi nói với
ông Năm: “Vậy là êm quá rồi. Dân đồng bằng coi như trụ vững trên đất miền
Đông”.
Giải
thích vì sao nơi trang trại Anh Mỹ không bị sâu tấn công, anh Trần Minh Mẫn cho
rằng vì trang trại này có diện tích rộng, gần trang trại không có vườn cây ăn
múi nào nên mỗi khi khoanh vùng, xử lý thuốc trừ sâu đạt hiệu quả triệt để. Còn
tại quê nhà như Bến Tre chẳng hạn, hộ canh tác với diện tích không nhiều ( 5-3
công đất hoặc chừng 1 hecta), lại trồng san sát nhau, nhen nhóm, xịt thuốc bên
này thì bướm bay sang bên kia đẻ sâu.
Tôi hỏi ông Nguyễn Minh Châu: “Thưa
tiến sĩ, ông đánh giá thế nào về sức
sống của trang trại Anh Mỹ ?”. Tiến sĩ Châu cho biết ông đánh giá rất cao trang
trại này vì thu nhập tại đây rất cao. Đặc biệt ở miền Đông mà làm được trái vụ
trên cam quýt thì tay nghề phải rất cao, nhờ vậy giá bán mới cao, người trồng
vừa nắm được kỹ thuật vừa nắm được thị trường cần lúc nào. Lại hỏi:”Hiện nay,
tại ĐBSCL, đến các vườn cây có múi nhất là bưởi da xanh, bưởi năm roi đều thấy
cây trái bị sâu hồng tấn công nhưng với trang trại Anh Mỹ thì không xảy ra. Ông
lý giải vấn đề này ra sao?”. Tiến sĩ Châu nói: “Sâu đục trái, theo tôi, thì mấy
vùng này do chưa có, chứ không phải trị được, vì đến nay giải pháp là bao trái,
chứ chưa có giải pháp nào khác. Chỉ là chưa có thôi, tôi không nghĩ đó là do kỹ
thuật nào hết”.
Các cựu giáo viên và cựu học sinh. |
No comments:
Post a Comment