29/10/2016

         Những thắc mắc về xây cơ
              Lê Ngọc Sện
         Thời gian dạy học và hoạt động với học sinh Trung học Kiến Hòa, tôi không nghe các em nói gì về việc xây cơ, trong khi nó lại rất phổ biến tại quê tôi; mà ở thời Trung học nhiều học sinh đều biết hoặc có tham gia.
              Năm 1968, khi kết thúc năm học lớp Đệ Nhất chuẩn bị thi Tú Tài II, lớp chúng tôi tổ chức liên hoan chia tay tại nhà một người bạn ở ngoại ô tỉnh lỵ Tân An (Long An). Lúc chờ Ban ẩm thực nấu nướng, một số bạn nam và nữ tập trung cạnh mương vườn gần khu mộ của gia đình bạn để xây cơ. Có đứa biết tôi từng trải qua việc cầu cơ nên kêu gọi tôi tham gia. Tôi đã thẳng thừng từ chối, tôi “ớn” xây cơ quá rồi!   
*             *
*
Dụng cụ xây cơ

              Năm 1966, gia đình tôi phải tản cư từ vùng quê đầy bom đạn (gần cầu Bến Lức) lên mua đất cất nhà ở ngoại ô huyện lỵ Thủ Thừa (Long An). Nhà rộng 3 căn với 3 dãy (nhà trên, nhà dưới và nhà để che cho 1 chiếc ghe + 1 chiếc tàu nhỏ), phía trước là đường lộ đá, phía sau là kênh Thủ Thừa (con kênh lớn, thẳng, nối sông Vàm Cỏ Đông với sông Vàm Cỏ Tây).
              Tía tôi làm chủ một che đường (lò sản xuất đường tán) cách nhà ở 3 cây số, nên má, anh-chị-em của tôi thường ra đó để trông coi công việc, phụ lo cơm nước…
              Hàng ngày tôi dùng chiếc xe mô-by-lết cũ của tía tôi để đi hơn 10km xuống Tân An học lớp Đệ Tam ở Trường Trung học Tân An (Trường Trung học Thủ Thừa lúc đó mới mở tới lớp Đệ Tứ; Thầy Huỳnh Phú Hiệp từ Trung học Kiến Hòa về làm Hiệu trưởng).
              Gần nhà có một đứa cháu trai kêu tôi bằng cậu (ai cũng gọi nói là “Thằng Năm”), nó nghỉ học từ lớp Đệ lục, ở nhà làm thuê. Cùng một tuổi, cùng một trang lứa nên cậu cháu chúng tôi chơi với nhau rất thân. Nhà rộng, có một mình tôi ở nhà trên để học hành cho dễ, tối ngủ một mình trên bộ ván gỏ lớn nên nó hay sang ngủ cùng tôi.
              Một hôm Thằng Năm đi ra chòm Mả Đông ven kênh Thủ Thừa, cách nhà 1.200m (đây là khu mả lâu đời bị sóng đánh xói lở hoặc phù sa phủ lấp, nước ròng cạn nhìn thấy rải rác một số hòm, quách bị xô giạt…), nó cưa cắt một miếng ván hòm đem về đẻo gọt lại thành hình trái tim dầy gần một phân, nhỏ hơn lòng bàn tay. Nó nói: Cậu cất giùm miếng cơ nầy đi để xây cơ chơi, mấy đứa con gái lối xóm cứ rủ rê hoài hè!
              Tôi bỏ miếng cơ vào hộp đựng phấn viết bảng, để chung với các ngăn tập sách trong cái tủ gỗ ở đầu bộ ván.
              Rồi cậu cháu nghiên cứu để lập ra một bảng chữ cái dùng cho việc xây cơ. Thật ra tôi không dạn dĩ lắm mấy vụ như thế nầy; nhưng vì xu hướng với thằng cháu mà cũng làm liều theo cho vui!
1. Tổ chức xây cơ
              Buổi tối học bài xong, hơn 21 giờ đêm, tôi cùng thằng Năm, một đứa cháu trai tên Để (nhỏ hơn tôi 1 tuổi, học Đệ Tứ Trường Trung học Thủ Thừa), 2 chị con của Bác tôi ở nhà chung vách, em gái tôi và cô H. hàng xóm bạn với em gái tôi quây quần tại một hiên nhà vắng vẻ tổ chức xây cơ.
              Các cô đã chuẩn bị đầy đủ. Trải tờ giấy ra, đặt miếng cơ vào đúng chỗ (thăng, giáng) rồi đốt nhang, đốt đèn dầu nhỏ, đĩa đồ cúng (trái cây, bánh hay nãi chuối hoặc có gì cúng nấy)…
              Một người (đang đặt ngón tay trên miếng cơ hoặc ngồi ngoài) tự động thành tâm khẩn vái:
              - “Ai người khuất mặt khuất mày đi ngang đây ghé lại, cho tôi hỏi thăm chút chuyện!”.
              - Hoặc: “Hồn thiêng ai đó phảng phất phiêu du, xin nhập vào cơ cho chúng tôi hỏi chuyện” v.v…
              Hai người đặt ngón tay trỏ lên đầu (bên trên mũi nhọn) và đuôi miếng cơ (trên chỗ khuyết hình trái tim), tập trung cao độ… ít phút sau cơ sẽ nhúc nhích nhẹ, lúc đó bắt đầu hỏi và cơ sẽ chạy từ từ trên mặt tờ giấy đến từng mẫu tự, mình ráp lại thành chữ, câu…
              Nếu cơ không hề lay động thì láp giáp khẩn vái hoài; hoặc phải thay người đặt tay xây cơ (vì người đó “nặng bóng vía”!).
              Thằng cháu Để đặt tay vào cơ thì cơ không bao giờ chuyển động. Bác Bảy của tôi bị bệnh sơ gan mà chết, nhưng chị R. con của Bác nghi ngờ bị người ta thư làm bụng to nên tích cực tham gia xây cơ để hỏi cho ra lẻ! Mỗi lần chị đặt tay vào cơ, khấn vái được gặp vong linh tía của mình, thấy cơ nhúc nhích, chị hỏi ngay: “Tía hả tía?” thì y như rằng lần nào miếng cơ cũng chạy tuốt ra ngoài tờ giấy!
              Tôi và cô H. có vẻ “hạp” nên cùng để tay xây cơ lần nào cũng nhanh và suông sẻ; vì vậy bị ép tham gia xây cơ hoài (chưa kể hai đứa cũng bị “cáp đôi” nữa!).
 2. Câu hỏi và sự kiện đáng nhớ
              Chúng tôi còn trẻ nên các câu hỏi với cơ nói chung chỉ loanh quanh về:
              - Gia đạo: gia đình có ổn không? Công việc làm ăn sẽ ra sao?
              - Tình duyên: Có bồ chưa - mấy người? Vợ (hay chồng) là ai?
              - Tương lai, hậu vận như thế nào ? v.v...
              a. Có một lần chúng tôi hỏi tương lai của cô H. sẽ ra sao thì cơ cho biết : “Cô H. sẽ chết vì bị chìm đò ở cầu Chẹt Sậy”! Thời điểm đó là cuối năm 1966, chúng tôi ở Thủ Thừa không hề biết cầu Chẹt Sậy là gì, ở đâu, không biết cơ nói vậy là sao nên nghe qua rồi bỏ…
              Thật tình trong thâm tâm tôi (người đặt tay xây cơ hôm đó) thỉnh thoảng vẫn trở lại suy nghĩ “Vì sao - Chẹt Sậy ?!”... Tại sao cơ “phán” như vậy ?!; và không ngờ đây lại chính là điểm đầu của hành trình dẫn dắt tôi đến đất Kiến Hòa (sẽ trình bày lại trong phần III- DUYÊN NỢ KIẾN HÒA).
              Năm 1970 về dạy học ở Kiến Hòa, tôi mới biết cầu Chẹt Sậy. Nó vừa bị đánh sập và chính ba của cô H. thắng thầu đưa đò (bằng chiếc phà nhỏ có ghe máy ủi phía sau) qua kênh Chẹt Sậy. Ba và em trai cô thay nhau cầm lái, còn cô H. thu tiền khách và xe.
              Một dịp hè tôi đi Mỹ Lồng xuống nhà đứa cháu của Bác Tư chủ nhà ở trọ, tôi gặp lại cô H. Thấy cô tất bật trong mỗi chuyến đò nên tôi không nói chuyện gì được nhiều; nghĩ lại chuyện xưa, tôi hỏi: “H. vẫn bơi lội giỏi chứ”, cô H. cười hiền “Anh khỏi lo”!
              Khi cây cầu nối nhịp lại, cô H. trở về quê Thủ Thừa, có chồng, làm vườn trồng mía ven kênh Bo-Bo ; vẫn mạnh khỏe (tôi cũng vái trời đừng vì lý do gì nữa mà cô H. phải trở lại Chẹt Sậy ! Hôm rồi về quê, tôi nghe nói vào cuối tháng 9/2016 cô H. đã may mắn trúng giải độc đắc vé số BTr 1,5 tỉ đồng nữa!).
              b. Có lần chúng tôi hỏi cơ: “Tại sao người ta cúng kiến bằng chuối xiêm, chuối cao mà không bao giờ cúng bằng chuối già?”  
                  Cơ trả lời : Tại “Kỳ lắm” !
              c. Muốn thử thời vận, kiếm tiền làm giàu, một tối xây cơ chúng tôi xin cơ cho biết kết quả kỳ xổ số kiến thiết vào chiều thứ ba tới.
              Cơ lần lượt chỉ ra từ số đầu (85), lô 3 con (006,...), đến số độc đắc (chúng tôi có ghi nhưng bây giờ không nhớ được. Tin theo cơ, cả bọn đi mua số đề, lựa mua vé số, có bao nhiêu tiền đều tập trung mua... Tôi còn xin mẹ ứng thêm tiền ăn học trước một tuần, hy vọng trúng đậm.
              Kết quả thật ngỡ ngàng ! Không có con số 85 nào cả (mà là 12), chỉ duy nhất là số gần giống là 106 (thay vì 006!). Ức quá, khi xây cơ lại (không biết có phải hồn cũ nhập vào nữa không nữa ?!), chúng tôi giận dỗi hỏi tại sao lại cho số trật lất hết vậy, làm chúng tôi tốn tiền quá mạng !?
              Cơ trả lời tỉnh ro: “Tại vì tham quá !” 
              d. Mẹ và chị hai tôi thường rầy khi chúng tôi hay xây cơ: “Tụi bây xây cơ hoài coi chừng sẽ bị khùng điên đó!”.
              Đem thắc mắc hỏi cơ: “Người ta nói nếu xây cơ hoài thì bị điên - tại sao vậy?”. Cơ trả lời: “Vì quấy quá!”. 
              e. Một vài trường hợp hỏi khó quá (hoặc cơ không hiểu ?), cơ lại trả lời:  “Thiên cơ bất khả lậu !”. 
 3. Cơ đòi lại « nhà » 
              Hè 1967, tôi tập trung lo học thi Tú Tài I. Một đêm trăng thanh gió mát, bọn hàng xóm lại rủ rê xây cơ. Sau khi khấn vái cho hồn nhập vào cơ, đến 5 phút sau miếng cơ mới nhúc nhích nhưng hỏi gì cũng không dịch chuyển để trả lời. Các cô xúm lại năn nỉ: “Có gì cứ nói cho chúng tôi biết đi mà!”, một hồi cơ mới chạy đến các mẫu tự thành chữ: “Hãy trả lại nhà cho tôi !”  
              - Hỏi: Nhà gì? Nhà nào?
              - Cơ: Nhà mà hôm trước lấy làm miếng cơ đó! (Thằng Năm đã đục đẻo nắp hàng. Nó biết chỗ !).
              - Hỏi: Chúng tôi phải trả lại như thế nào?
              - Cơ: Ra phía sau nhà cô H., moi dưới sàn nước cũng có một nắp hàng trôi giạt, cắt lấy một miếng tương tự rồi đem ra trám vào chỗ cũ bằng xi măng !
              Chúng tôi nghĩ chắc cơ “nói chuyện tào lao” nên bỏ qua. Tôi vẫn đi học nhóm, thằng cháu Năm đi làm thuê, mọi người sinh hoạt bình thường...
              Vài hôm sau, nửa đêm đang ngủ, tôi và thằng Năm nghe trong tủ sách ở hộp phấn viết bảng đựng miếng cơ có tiếng sột soạt như con chuột đang quào hay nhai cắn gì ở trong đó, chỉ cách đầu bộ ván gỏ chúng tôi ngủ hơn 1 mét nên nghe rất rõ. Chúng tôi bật đèn pin rọi vào nhưng không thấy gì khác thường. Chừng 5 lần tái diễn như vậy thì tới sáng! Cậu cháu tôi chột dạ, có nghĩ đến chuyện “bị quấy phá gì đây...” nhưng ai cũng có công chuyện hàng ngày nên “thây kệ”, bỏ qua.
              Tối đêm kế tiếp vẫn có tiếng khua trong hộp. Tôi nói thằng cháu đem dẹp kỹ ở nhà sau cho yên! 24 giờ, cậu-cháu yên tâm lên ngủ, một hồi thì nghe dưới bộ ván gỏ đang nằm có tiếng cào như mèo quào từng chập. Tôi nghĩ nhà không có chó, bộ ván cao 8 tấc thì con mèo nào quào vào mặt dưới bộ ván như vậy được ?!
              Nghe tiếng quào nữa, tôi khều thằng cháu, nó dở mùng để tôi pha đèn pin rọi mặt dưới bộ ván. Phía dưới trống không, chẳng có gì lạ !? Đến lần thứ ba, vừa dở mùng ló đầu ra khỏi bộ ván thì cháu tôi ọe mửa lênh láng.
               Nghe chúng tôi lục đục hoài và tiếng nôn mửa của thằng cháu, chị Hai tôi ngủ ở nhà dưới chạy lên hỏi han sự tình. Thằng Năm lo sợ nên kể lại mọi chuyện... Chị Hai vừa quét dọn vừa khấn vái (thằng cháu tôi lở dại, xin tha thứ tội “phá” nhà, và hứa sẽ đem trả đàng hoàng !).
              Hôm sau, thằng cháu tôi đợi lúc nước ròng cạn, ra sau nhà cô H. cào bùn cạnh sàn nước thì quả đúng có một nắp hàng đã lạn, gần hư mục để lộ ra một khoản nhỏ. Nó cũng lấy cưa và dao cắt một miếng, sau đó quây máy tàu của nhà tôi chở chị Hai tôi, đem miếng ván hàng, miếng cơ cũ, đồ cúng và xi măng ra nghĩa địa cũ. Nó nhờ chị Hai tôi cúng vái, còn nó trám trét xi măng “trả lại nhà”cho  người ta !
              Từ đó, chúng tôi cạch vụ cây cơ, không dám nhắc tới nữa !
 4. Đôi điều đọng lại

Xây cơ

              Vậy đó, tôi nghiệm lại việc xây cơ của chúng tôi có nhiều điều không thể hiểu nổi :
              a. Cái gì đã nhập vào miếng cơ để nó chuyển động?
              Ngón tay của chúng tôi (người xây cơ) không chạm hoặc chỉ vừa chạm nhẹ vào gỗ mà sao nó có thể chạy đến từng mẫu tự để chúng tôi ráp lại đọc ra chữ Việt?
              - Tại sao có người để tay vào, cơ lại không bao giờ chạy ?
              - Trong khi chị R. con của Bác tôi hễ để tay vào cơ là miếng cơ chạy tọt ra ngoài tờ giấy nằm yên, không quay vào?
              b. Hỏi trên Trời dưới Đất, cơ đều có thể trả lời (đôi khi “hồn nhập” nói mình chỉ 5-7 tuổi !?). Hầu hết “cơ nói” đều trật lất; nhưng tại sao có những việc mà người xây cơ và những người xung quanh không biết trong khi đó cơ lại biết hoặc chỉ bảo chúng tôi ?
              - Ví dụ: Nói việc sau này cô H. sẽ bị chìm đò ở Chẹt Sậy. Lúc đó (1966) cầu Chẹt Sậy chưa sập ! Về sau cô H. có xuống Kiến Hòa phụ đưa đỏ ở Chẹt Sậy - nhưng giờ vẫn sống khỏe !
              - Miếng ván hàng ở sau nhà cô H. dưới bùn sâu đâu có ai thấy (sao cơ biết ?), và còn bày cách thức cho chúng tôi phải trả lại ván cơ nữa...(đòi dữ tợn nhưng trả quá đơn giản ?!) v.v...
              Chuyện đã qua rồi nhưng thắc mắc thì vẫn còn nguyên!

                                                                                                                        (Bến Tre 2016).

No comments:

Post a Comment