15/07/2015

            
                        TRƯỜNG XƯA…THƯƠNG NHỚ

                    HUỲNH TẤN KIM KHÁNH
            (Tiếp theo)
2. Năm dạy học đầu tiên         
Tuần lễ sau, tôi được phân công giảng dạy. Thầy giám học Nguyễn Duy Oanh giao cho tôi 4 lớp, một phiếu phân phối chương trình môn Quốc văn cho 3 lớp đệ nhị và một phiếu cho 1 lớp đệ tứ. Hồi đó, mỗi giáo sư (danh xưng thầy cô bậc trung học trước 1975) tự phân  lịch giảng dạy bộ môn theo chương trình của Bộ Giáo dục, đúng từng chương nhưng có quyền chọn bài giảng với thời lượng hợp lý, mục tiêu giảng dạy là giúp học sinh đạt các yêu cầu về (1) tư tưởng đạo đức, (2) kiến thức và (3) hành vi (vận dụng được vào cuộc sống).

Chẳng hạn trong nửa tháng 9 và tháng 10 đầu năm học, tôi giảng về tác giả Nguyễn Công Trứ và văn chương với ba khuynh hướng: (1) Cảnh nghèo, dạy 3 bài Than nghèo, Đi thi tự vịnh, Hàn nho phong vị phú, (2) Chí làm trai, chọn 3 bài Chí làm trai, Chí nam nhi, Kẻ sĩ, (3) Nhàn lạc, với 3 bài Thoát vòng danh lợi, Chữ nhàn, Bài ca ngất ngưởng.

Được thầy giám học rồi hiệu trưởng duyệt, tôi bắt đầu dạy theo lịch đã soạn. Dù trước đây có dạy kèm để kiếm tiền lúc học đại học và nhiều lần được thực tập tại các trường trung học công lập ở Sài Gòn trong mấy năm  Đại học Sư phạm, tôi vẫn không nén được xúc động trong giờ lên lớp đầu tiên. Đó là lớp đệ nhị B2. Đi dọc hành lang, đến cửa lớp, tôi chợt bị một giám thị chặn lại, sau này mới biết là cô Sâm. Cô chỉ vào mặt tôi: “Em này, sao không đứng vo hàng?”. Học sinh xếp trước lớp mủm mỉm cười. “ -Thưa cô, tôi phụ trách lớp này, dạy Quốc văn.” Cô Sâm tròn mắt rồi nhẹ giọng: “Xin lỗi thầy!”

Dạy Văn tại trường đến năm 1973, tôi được đổi về Bộ Giáo dục. Tám năm gắn bó với trường, xin rút ra những cảm nhận:
           
            “Phần nhiều anh chị em chúng tôi là những thanh niên vừa ra trường, luôn đem hết nhiệt  tình và năng lực giảng dạy con em tỉnh nhà. Trên lớp và qua những sinh hoạt nhà trường, chúng tôi giáo dục đạo đức, nhân cách, truyền đạt tri thức khoa học và rèn luyện kỹ năng các môn học phổ thông theo từng cấp lớp, với tất cả lương tâm và trách nhiệm. Còn nhớ lúc bấy giờ, học sinh chỉ kém chúng tôi từ 5 đến 10 tuổi đời. Các em say sưa đón nhận những lời dạy bảo về “tâm” để hình thành những hạt ngọc tinh thần và tình cảm, đồng thời  hấp thụ bao tri thức, về ‘trí” để chuẩn bị hành trang vào đời một cách tự tin, bằng năng lực của chính mình”. (“Trường Trung học Công lập Bến Tre qua các thời kỳ (1954-2014)”. Hồ Chung Thủy, Tập 3, trang 16. NXB Hội Nhà Văn 1.2015).

Thật vậy, học trò lớp đệ nhị vào khoảng 17 tuổi, còn thầy mới hơn 23 tuổi đời.  Hằng ngày, bao khuông mặt thanh tú, những ánh mắt say sưa theo từng lời giảng làm  tôi vô cùng xúc động. Làm thế nào để bài giảng của mình đi vào từng con tim, từng khối óc của các em một cách ngọt ngào mà sâu thẳm hơn…Ôi những giờ giảng văn từ năm mươi năm cũ!

         Còn nhớ vào đầu năm học, dạy Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ: Đầu giường tre mối giũi quanh co; Góc tường đất trùn lên lố nhố, tôi miêu tả cảnh nhà tranh vách đất với những hình ảnh thật cụ thể, mối giũi giường tre thế nào, tường đất trùn lên thế nào, thể hiện cảnh cùng khốn ra sao. Có em cúi đầu buồn bã, như cố nén tiếng thở dài. Có thể em đã trải qua cảnh nhà như thế.

          Với bài Kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ dài 31 câu, nặng nề điển cố, tôi phải giảng từng câu mới giúp các em hiểu được chí làm trai của tác giả. Chẳng hạn hai câu: Cầm chính đạo để tịch tà cự bí – Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên: Nắm vững đạo lý chính thống để trừ điều gian tà, ngăn điều bất chính – Đẩy lùi làn sóng dữ (bạo ác) và cản trăm dòng sông (tà ngụy). Có lẽ các em dần dần nhận thức được vai trò của người trí thức qua những câu chữ vừa khó hiểu vừa xa lạ  nầy trong kinh điển nho gia hơn hai trăm năm trước. Tôi thầm nghĩ các em sẽ gạn đục khơi trong, chắt lọc phần tích cực của tư tưởng người xưa để vận dụng vào cuộc sống sau nầy.

Đến bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, liên 24, 25:
Ôi thôi thôi!
Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; Đồn Lang Sa một khắc trả đặng hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

           Tôi giảng: “Người nghĩa sĩ hy sinh thì mối hờn được trả, tấm lòng son sáng mãi gửi lại bóng trăng rằm và phận bạc của họ cũng sẽ phôi pha, trôi theo dòng nước đổ. Nhưng tác giả còn nghĩ đến người thân của họ. Hình ảnh bà mẹ già mà ngọn đèn khuya leo lét soi mái tóc bạc trong lều đang thê thiết khóc con, hình ảnh người vợ yếu hớt hải chạy tìm chồng trong cơn bóng xế dật dờ trước ngõ đã cực tả nỗi bi thương. Ngọn đèn khuya còn tượng trưng cho tuổi già không nơi nương tựa, leo lét chợt tắt giữa đêm tối cuộc đời. Cơn bóng xế còn tượng trưng cho cuộc đời người góa phụ sẽ cô độc lênh đênh trên dòng đời xuôi ngược. Tác giả đau đớn, não nùng và nỗi đau đớn não nùng ấy như lay động cả hồn người. Người đọc càng cảm phục hơn khi chợt nhớ lại những hình ảnh, những cảm xúc đó xuất phát từ con tim và trí tưởng của một nhà thơ mù.”  Cả lớp cúi đầu, có em rơm rớm nước mắt.

         Đến tác giả Nguyễn Khuyến, hai câu kết trong bài Thu vịnh: Nhân hứng cũng vừa toan cất bút – Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào: “Khi lui về vườn Bùi chốn cũ, Nguyễn Khuyến cũng muốn làm một ông Đào ngày ngày vui thú điền viên. Nhưng làm sao sánh được với Đào Tiềm,  không phải vì tài thơ mà vì khí tiết. Danh sĩ đời Đông Tấn ấy đã từng than rằng ba đấu lương đâu đáng để cúi gãy lưng, nên treo ấn từ quan sau một tiếng thở dài cảm khái. Còn Tam nguyên Yên Đổ là kẻ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng (Tự trào), bất lực, từ quan khi toàn bộ đất nước rơi vào tay giặc, cho nên khí tiết gì đây mà tự ví với bậc cao sĩ. Hơn nữa, ngày xưa Đào Tiềm sống ung dung tự tại, còn Nguyễn Khuyến giờ đây đến thở hít không khí cũng không được tự do trong cảnh nước mất dân khổ (Xuân về ngày loạn còn lơ láo – Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ - Ngày xuân răn con cháu), thì thi phú phỏng có ý vị gì?
         Cho nên, dù mùa thu có đem đến nào bầu trời xanh với làn gió hắt hiu, nào tầng khói phủ với bóng trăng thanh làm hồn thơ rung động, muốn gởi cùng chùm hoa trước giậu đôi lời tâm sự, nhưng nghĩ lại cảnh tình, lòng mình, sao cho khỏi phân vân ấp úng. Tình ý sâu sắc và chân thành ở nhãn tự thẹn:
                              Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”

         Cả lớp lặng tờ, như lắng lòng vào mối cảm thụ của người xưa.   
        
         Còn nhiều ví dụ nữa, thật không kể xiết.



                                                                                                                                 (Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment