Thăm
thầy Văn Ngọc Khôi
Sáu Quang
…tối đêm nay, tiếng cười vui, những câu
chuyện rôm rả của các học trò cũ sẽ là niềm an ủi, vỗ về cho giấc ngủ đơn độc
của thầy. Thương thầy lắm nhưng biết làm sao!...
Một trưa trong trung tuần tháng 5/2014, anh Lương Văn Tô
My, Trưởng Ban liên lạc cựu giáo và học sinh Trường Trung học công lập Kiến
Hòa, chị Kim Liêng, Ủy viên tài chánh Ban liên lạc và thầy Trương Thành Nghĩa
từ Sài Gòn về Bến Tre rồi kết hợp với các cựu học sinh tại tỉnh nhà đi thăm
thầy Văn Ngọc Khôi. Lần đi thăm này là thay lời tạ lỗi trước thầy Khôi khi
trước đây nửa tháng, thân phụ của thầy đã qua đời ở tuổi 97 (thân mẫu của thầy
qua đời lúc 93 tuổi).
Ngôi nhà và mảnh vườn cây ăn trái của thầy Khôi nằm sâu
trong xã Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) thuộc ấp Tân Quới Nội. Đến Tân
Quới Nội sẽ gặp chùa Đức Huệ, từ ngôi chùa này, xe hai bánh chạy một đoạn hơi
xa sẽ gặp chiếc cầu nông thôn bắc cao, thêm một đoạn nữa sẽ đến nhà thầy Khôi.
Biết chúng tôi đến, nên thầy ra đứng bên con đường vườn đón chúng tôi. Thầy đội
chiếc nón lá, đứng bên đường vẫy tay, trông thầy già hơn trước đây khá nhiều.
Tuy nhiên, thầy vẫn lanh lẹ khi nhận ra các cựu học sinh, thầy nhớ tên từng em,
rất cảm động.
Trong sân nhà thầy có nhiều bóng mát, trước sân có cây
mít treo trên thân cây chừng trăm trái, phía sau nhà thầy nuôi chừng chục chú
gà nòi- đây cũng là niềm vui tuổi già của thầy. Được biết, từ nhiều năm qua,
nơi ngôi nhà và mảnh vườn này, thầy sống đơn độc, còn cô và con của thầy thì
sống trên Sài Gòn, lâu lâu về thăm thầy.
Chị Bạch Phượng xẻ dưa hấu mời thầy và các bạn. Tôi thấy
thầy Trương Thành Nghĩa rất vui vẻ khi gặp thầy Khôi nhưng thầy Nghĩa không nói
gì nhiều vì có lẻ nay sức khỏe đã yếu. Thầy Khôi gọi thầy Nghĩa bằng anh, rất
chân tình, trân trọng.
Chúng tôi chỉ có bốn người đàn ông (tôi, Tô My, Bảy Vị,
thầy Khôi; thầy Nghĩa xem như không bàn) nhưng thầy Khôi vẫn khui chai rượu
Tây, nhắp với trái cây hái trong vườn nhà. Hốp nửa ly, khà khà, thầy Khôi hồi
tưởng: “Tôi nay 74 tuổi. Trước đây, tôi dạy học tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa từ năm 1970 đến 1975
mới…đứt phim. Sau đó, tôi về dạy tại xã Tân Thạch – thầy thở dài, tiếp lời – Khi
cất lên ngôi nhà nho nhỏ ở đây phải xin chính quyền địa phương…đốn 3 cây
dừa…Thầy chỉ tay qua ngôi nhà tường sát bên nói: phải quần quật, chắt chiu 18
năm trời mới xây lên được ngôi nhà đó. Lúc đó, vừa đi dạy học vừa phải bỏ mối
bánh bột linh trên đường đi dạy học, bán cà rem nên phải qua lại phà Rạch Miễu
lúc rất sớm để sau đó kịp vô lớp dạy. Bỗng thầy bùi ngùi: Bánh bột linh luôn dễ
bể. Những chiếc bể, “sứt đầu, gãy tay” đó đương nhiên người bán trả lại cho
thầy, thầy dùng nó cho bữa trưa, ngon lành!
Hiện tại, sống một mình, thầy tự lo nấu nướng và quấn
quýt bên một con chó (con chó ấy vừa mất rồi). Thích món gì, thầy đạp xe đi
mua, thầy nói: “ Cái đó coi vậy cũng hay lắm nghen bởi vì mỗi sáng tôi đi xe
đạp đến ngả tư huyện mua tờ báo, bó rau, mớ thịt cá…, đi về tám cây số, coi như
đã đi thể dục đều đều, khỏe trân...
Tôi hỏi thầy trong cuộc sống đơn độc ở tuổi già của thầy
ngoài lo nhất là vấn đề sức khỏe, cái gì thầy còn lo kế tiếp. Thầy nói sợ cô
đơn, nhưng rồi thầy xua tay: “Mà thầy đâu thấy có cô đơn khi thỉnh thoảng các
học trò cũ, bạn đồng nghiệp cũ vẫn đến với thầy”.
Chia tay chừng dăm phút là tụi tôi đã biến hết khỏi nhà
thầy Văn Ngọc Khôi. Tôi đi sau cùng nên thấy thầy nhẹ tay khép cánh cửa cổng
rồi thầy chầm chậm bước trở lại vào nhà và tôi nghĩ, tối đêm nay, tiếng cười
vui, những câu chuyện rôm rả của các bạn học trò cũ sẽ là niềm an ủi, vỗ về cho
giấc ngủ đơn độc của thầy. Thương thầy lắm nhưng biết làm sao!...
Thầy Văn Ngọc Khôi (giữa), thầy Trương Thành Nghĩa (bìa trái) |
Anh Lương Văn Tô My chia tay thầy về Sài Gòn. |
No comments:
Post a Comment