10/02/2014

            
                   Lối xưa xe ngựa

Sáu Quang

Những người đã thấy, đã nghe tiếng gót chân ngựa lốc thốc và đã đi trên xe ngựa nay tuổi ngoài 80. Tiếng ngựa thồ nơi ngoại ô xa vắng, nay chỉ còn trong ký ức một thời đã qua.

            Vang bóng một thời
 Ông Bùi Văn Quế, nay 85 tuổi, ngụ tại phường 4, thành phố Bến Tre, nhớ lại: “Khoảng năm 1935, hình ảnh gieo nặng vào ký ức tuổi thơ tôi là gần khu nhà lồng chợ Bến Tre do Pháp xây dựng có bến Tắm Ngựa. Muốn đến bến Tắm Ngựa, các xe ngựa thồ chở hàng nông thủy sản, xe thổ mộ chở khách lốc thốc đến ngã ba chùa Viên Minh rồi rẽ vào đường Pagode (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 2, TP Bến Tre hiện nay), xuống hướng mé sông Bến Tre. Những chiếc xe ngựa này từ các quận tựu về làng An Hội (tỉnh lỵ Bến Tre), đây là chỗ dành cho các chú ngựa tắm mát, ăn cỏ, xả hơi rồi quay về chốn cũ. Nhưng xe ngựa chỉ di chuyển đường dài từ các quận liền đất với tỉnh lỵ Bến Tre như Sóc Sãi (Hàm Long), Giồng Trôm, Ba Tri vì không cách trở bởi qua phà. Ít thấy có xe ngựa…qua phà vì lúc này phà là phà kéo, phà đẩy, rất thô sơ, lâu lắc”.
Theo hướng này, phía bên phải là chợ cá, bên trái là bến Lở. Dọc bờ sông  đoạn này, có một nghề mà nay không còn thấy nữa, đó là nghề nhuộm đồ. Thời này, hầu hết dân lao động mặc vải ta, để duy trì cho vải được mặc lâu và mới, người ta đem nhuộm lại với các màu tối như màu nâu, màu đen, màu xanh dương.
Ông Bùi Văn Quế tiếp lời: “Trước năm 1935, xe ngựa có đều khắp tại các quận trên đất cù lao Bến Tre nhưng xuất hiện đầu tiên, theo ba tôi kể, đó là xe ngựa Giồng Luông (nay là xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú), nơi có ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ của cụ Hương Liêm. Ngôi nhà cổ này ngót thế kỷ đã chứng kiến sáng sáng, trưa trưa xe ngựa hí hoáy lướt qua trên con đường cát giồng phía trước. Những chiếc xe ngựa chở khách bộ hiền, chở hàng nông thủy sản từ làng này qua làng kia hay lên chợ quận”.
Ở vùng ven tỉnh lỵ Bến Tre có chợ Giữa, nơi tề tựu xe ngựa chở khách nhiều nhất tại thành. Theo năm tháng, những con ngựa kia già cỗi rồi người ta xẻ thịt bán. Bến Tắm Ngựa ngày nào cũng không còn. Còn chăng trong ký ức là hình ảnh mỗi dịp xuân về, tết đến, xe ngựa lốc thốc với tòng teng phía sau xe là vài giỏ bông vạn thọ hay vài con vịt treo lủng lẳng, trút đầu xuống đường làng, cất tiếng kêu cạp, cạp. Đánh hơi có xe ngựa sắp về, đám trẻ túa ra hai bên đường đón má. Vừa xuống xe ngựa, má liền cho các con…mấy ổ bánh mì lò than buộc bên ngoài lá chuối khô và dây lác. Bà má nói nhanh: “Chia nhau ăn…”. Và mấy trẻ nhảy lên tưng tửng, reo vang: ” Má dìa, má dìa (vìa)…”.

Xe ngựa từ Mỏ Cày đi Bến Tre trước năm 1930

Một chút để nhớ…
Nhiều năm qua, xe ngựa được đưa vào các tour phục vụ khách du lịch. Tại Bến Tre, có điểm du lịch Cồn Phụng và Quới Sơn ( Châu Thành) đưa khách tham quan bằng phương tiện của một thời này.Thường thì các điểm du lịch sinh thái trên đưa khách đi thuyền trên sông Tiền êm đềm rồi khách lên Cồn Phụng hay cồn Thới Sơn (Tiền Giang) uống mật ong, nghe đờn ca tài tử, sau đó, khách xuống xuồng chèo đi trên các con rạch nước đậm màu phù sa, dừa nước xanh um như che kín lối ra. Tiếp theo là đi xe ngựa. Có lẽ du khách thích đi xe ngựa chỉ vì…thấy lạ, muốn cuộc sống tuôn trào bớt trôi nhanh.
Tại bãi xe ngựa đưa du khách đến Quới Sơn, cứ bốn người lên một xe ngựa không mui. Ngựa lốc thốc, người lắc lư chừng 2 km là đến điểm du lịch vườn Mười Hải. Trước khi rời xe ngựa, tôi hỏi anh giữ dây cương: “Chạy một chuyến, anh được hưởng bao nhiêu tiền?”. Gạt dòng mô hôi trên trán: “25.000 đồng. Ngày chạy ba, bốn chuyến”.
Tại điểm du lịch Cồn Phụng, đi xe ngựa là thời điểm sắp chấm dứt tour, diễn ra chỉ khoảng 15 phút. Tôi hỏi anh nắm cương ngựa cho tour du lịch Cồn Phụng: “Chỗ bãi xe ngựa anh đang làm có chừng bao nhiêu chiếc?”. Đáp: “Trên 30…” Lại hỏi: “Mỗi chuyến anh được hưởng bao nhiêu tiền?”. Đáp: “ 25.000 đồng/chuyến. Mỗi ngày, xoay vòng, chạy 4-5 chuyến…”. Thật ra, ngựa bây giờ không còn nhiều nhưng nhờ các điểm du lịch trên, nó giúp ngựa có con đường sống. Ngoài ra, người ta không thể nuôi ngựa để đơn thuần dùng sức kéo hay để bán thịt. So với bò, ngựa nuôi lâu lớn hơn; vả lại, theo truyền thống dân gian, người ta ít dùng thịt ngựa, thịt trâu.

Xe ngựa đưa khách từ Tân Thạch đến Quới Sơn ( Châu Thành).

 Tôi chia vui với người nắm dây cương: “Vậy là anh ngon hơn nhiều so với mấy chị chèo xuồng bên cồn Thới Sơn. Họ chèo xuất mồ hôi hột nhưng mỗi ngày chỉ được sắp cho chèo một chuyến, chở 4 người, ăn 15.000 đồng”. Anh từ tốn: “Cũng nhờ cầu Rạch Miễu. Bến phà cũ tất bậc không còn, nơi đây đang giúp cho các con ngựa…cựa quậy ”. Thấy tôi băn khoăn trước mức thu nhập của người nắm dây cương và người chèo xuồng, cô Tha Anh, hướng dẫn viên du lịch, giọng nhẹ nhàng: “Họ vẫn vui sống và chèo vì nhờ có tiền “bo”. Du khách thường thì hào hiệp, đâu nỡ…”.

Bây giờ, xe buýt tỏa khắp trên ba dãi cù lao Bến Tre, đến tận các làng xã xa xôi ven biển. Xe buýt chạy ào ào trên đường phố, làng quê. Chính xe buýt đã ghi lại trang cổ tích cho…xe ngựa.

No comments:

Post a Comment